• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hạnh phúc của gia đình một cựu binh đã từng chiến đấu ở “vùng chất độc dioxin”

Người cựu binh ấy, từng có những năm tháng chiến đấu anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông 5 lần được khen thưởng Dũng sĩ diệt Mỹ, ngụy, 1 Huân chương chiến công hạng Nhì.

Năm tháng anh hùng nơi chiến tuyến

Nhân vật trong câu chuyện của chúng tôi là cựu binh Nguyễn Ái Mộ (SN 1950), tại thôn Đồng Phố, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trở về từ chiến trường Quảng Trị (một trong số nơi Mỹ từng rải chất độc da cam/ dioxin), ông Mộ xây dựng một gia đình hạnh phúc…

Nhấp chén trà người cựu binh xúc động kể, ngày ấy, khi đang làm công nhân, ông viết đơn tình nguyện bằng máu xin đi bộ đội. Chàng trai trẻ nhập ngũ tháng 4/1968, chiến đấu tại đơn vị C3 Ngô Quyền (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Sau đó, ông được điều chuyển lên đơn vị bắn tỉa hoạt động tại Chi Lê, Hòa Bình.

Cuối năm 1969, chiến sĩ Nguyễn Ái Mộ được điều đi B, chiến đấu ở khu vực Cồn Tiên, Dốc Miếu (Quảng Trị). Tại đây, ông cùng đồng đội anh dũng chiến đấu tạo nên những chiến công vang dội. Với thành tích tiêu diệt 5 tên Mỹ, Ngụy, diệt 1 xe tăng M-48 ông được 5 lần khen thưởng danh hiệu Dũng sĩ và 1 Huân chương chiến công hạng Nhì.

5 giấy Chứng nhận Dũng sĩ của cựu binh Nguyễn Ái Mộ.

Mái ấm gia đình

Giải ngũ năm 1971, cựu binh Nguyễn Ái Mộ được bố trí công việc tại Xí nghiệp nông cụ Thường Tín. Ông lập gia đình với bà Trần Thị Chắc. Ông bà sinh hạ được 4 người con trai lần lượt là: Tuấn, Tiêu, Siển, Duyệt.

Ngồi bên vợ, ông Mộ thủ thỉ kể về câu chuyện một thời "hoa lửa chiến hào" anh hùng!

Ít ai biết, ông Mộ sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cụ Nguyễn Văn Tựa (bố ông Mộ) là Đảng viên, hoạt động kháng chiến chống Pháp; anh trai ông là Liệt sĩ Nguyễn Văn Tản (hy sinh năm 1968).

Về mái ấm riêng, vợ ông – bà Trần Thị Chắc là người phụ nữ trung hậu đảm đang. Bà Chắc cũng là một Đảng viên, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Dân. Giữ nếp sống giản dị, cần cù chịu thương chịu khó vợ chồng ông bà chăm chút, nuôi nấng các con ăn học thành tài.

Kể về các con, người cựu binh phấn khởi chia sẻ, gia đình ông có tới gần chục đảng viên. “Con trai tôi Nguyễn Xuân Tiêu hiện là Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Trạm Tấu (Yên Bái), Nguyễn Quốc Siển cán bộ thuế quận Nam Từ Liêm, Nguyễn Văn Duyệt cán bộ Phòng Thương binh Xã hội Sapa (Lào Cai); con dâu Lê Thị Hiến giáo viên mầm non, Hà Thị Ly cán bộ ngành nông nghiệp, Trần Thị Năm giáo viên mầm non. Nhìn các con phương trưởng vợ chồng tôi rất phấn khởi, tự hào”, ông nói.

Ngồi bên chồng, chia sẻ câu chuyện gia đình dưới nếp nhà mái ngói giản dị, chốc chốc bà Trần Thị Chắc- cựu Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Dân lại nở nụ cười hiền hậu. Lần giở những tấm giấy chứng nhận danh hiệu Dũng sĩ của chồng, bà Chắc kể, ông Mộ từng chiến đấu ở vùng Mỹ rải chất độc da cam/ dioxin. Được sự quan tâm của Nhà nước, ông Mộ hiện được hưởng chế độ dacam với số tiền gần 1,8 triệu đồng/ tháng. Nói rồi, bà lại cười hiền hậu…

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...