• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hậu Giang: Những cán bộ hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

Trong nhiệm kỳ 2017-2022, cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trên địa tỉnh Hậu Giang luôn trăn trở làm gì để chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam được nhiều nhất, giúp họ vượt qua nghịch cảnh, cải thiện cuộc sống!

“Đã làm thì phải làm quyết liệt và có hiệu quả!”

Đó là phương châm làm việc của ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Hậu Giang. Ông nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sau khi về hưu 2 năm, ông được lãnh đạo tỉnh gợi ý, mời tham gia hoạt động hội. Thấy bản thân còn sức khoẻ, còn khả năng cống hiến cho xã hội, ông không ngần ngại, đồng ý nhận vai trò Chủ tịch Hội từ tháng 9-2017. Ông chia sẻ: “Trong công tác chăm lo cho NNCĐDC, bản thân tôi là người trong cuộc, là NNCĐDC, tôi thấy nếu mình không chăm sóc những đối tượng nạn nhân giống như mình thì ai sẽ chăm sóc”.

\
Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh (áo cam) luôn gắn bó với cơ sở, nhiệt tình và trách nhiệm với các nạn nhân.

Trong suốt nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Hậu Giang không ngần ngại đi đến các địa phương, xuống tận cơ sở để gặp gỡ, thăm hỏi nạn nhân, tìm hiểu những khó khăn, vất vả của họ và gia đình. Từ đó, thêm đồng cảm và sẻ chia với các nạn nhân, đặc biệt những người bị ảnh hưởng nặng, sức khoẻ cạn kiệt, phải nằm một chỗ, thiếu người chăm sóc,… Bên cạnh đó, ông cũng rất trân trọng, cảm phục nghị lực của những nạn nhân, tuy bệnh tật nhưng vẫn cố gắng lao động để phụ giúp gia đình, với những công việc như bán vé, sửa chữa điện tử, điện cơ,… Tất cả đã truyền cho ông động lực để tiếp tục dẫn dắt hoạt động hội ngày càng thiết thực, hiệu quả, đem lại lợi ích cho nạn nhân.

Với vai trò Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, trong nhiệm kỳ 2017-2022, ông Nguyễn Thành Nhơn luôn quan tâm, chú trọng việc nâng cao hiểu biết của xã hội về NNCĐDC. 5 năm qua, các cấp hội đã tổ chức 2.515 cuộc họp mặt tuyên truyền với trên 55.000 lượt người tham dự. Cấp phát trên 2.300 cuốn Tạp chí da cam Việt Nam, phối hợp với các ngành, đoàn thể, báo, đài để tuyên truyền về thảm hoạ da cam, những nỗi đau nạn nhân phải gánh chịu. Tỉnh hội đã gửi trên 500 thư ngỏ để vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh chung tay chăm lo cho NNCĐDC. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng với đối tượng yếu thế này.

\
Ông Nguyễn Thành Nhơn (áo cam), trao bò cho gia đình NNCĐDC ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành.

Dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Thành Nhơn, nhiệm kỳ vừa qua, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã nhận được nhiều bằng khen và cờ thi đua của Trung ương hội, bằng khen của UBND tỉnh. Riêng ông được Trung ương Hội tặng 4 bằng khen , UBND tỉnh tặng 3 bằng khen vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Do điều kiện sức khoẻ, ông Nhơn không tham gia lãnh đạo Hội nhiệm kỳ tới nhưng ông vẫn trăn trở “ Không là lãnh đạo Hội nhưng tôi sẽ quan tâm, đồng hành, cùng Ban chấp hành Tỉnh hội nhiệm kỳ mới với mong muốn Hội sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay chăm lo cho nạn nhân”.

Vượt khó để gắn bó với công tác hội

Gắn bó với công tác hội từ năm 2012, đến nay, ông Trương Tấn Hoằng, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC-Người khuyết tật- Trẻ mồ côi huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã có hơn 10 năm đồng hành cùng các đối tượng trên địa bàn huyện. Kinh phí hoạt động hạn hẹp đã cản trở nhiều dự tính của ông, nhưng cũng thử thách sự kiên nhẫn và quyết tâm gắn bó với Hội của người cán bộ này.

Ông Hoằng kể: “Năm 2015, do thay đổi cơ chế, chính sách, nên cán bộ chuyên trách của Hội NNCĐDC - Người khuyết tật - Trẻ mồ côi huyện Phụng Hiệp không có lương hàng tháng. Kinh phí hoạt động hạn hẹp, cấp nhỏ lẻ theo từng đợt khiến một số cán bộ Hội không trụ được, phải nghỉ việc. Một mình tôi “trèo lái” hoạt động Hội cho đến khi đại hội năm 2018. Giai đoạn đó, công tác Hội gặp vô vàn khó khăn, tưởng chừng như phải giải thể. Sau khi đại hội, kinh phí hoạt động có khá hơn nhưng cũng còn hạn chế”.

\
Ông Trương Tấn Hoằng, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC - Người khuyết tật - Trẻ mồ côi huyện Phụng Hiệp, đi xin xe đạp cũ về sửa lại rồi tặng cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Hơn 10 năm công tác Hội, đối mặt với áp lực kinh tế và cuộc sống, trong khi những người đồng hành đã lần lượt rời đi, ông Hoằng vẫn ở lại, gắn bó với hội. Ngần ấy năm đồng hành cùng các đối tượng, ông đã tiếp xúc, nắm được nhiều hoàn cảnh khó khăn, cảm nhận đầy đủ sự thiệt thòi, thiếu thốn của họ. Ông hiểu rằng, Hội chính là điểm tựa quan trọng của NNCĐDC, người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn huyện. Với ông họ là nguồn động lực lớn nhất để ông quyết tâm gắn bó lâu dài với Hội, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ họ.

Hiện nay, điều mà ông Hoằng trăn trở nhất là trên địa bàn huyện còn có nhiều đối tượng nạn nhân bị nhiễm CĐDC nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách phù hợp. Ông Hoằng cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện để giúp những trường hợp nạn nhân CĐDC chưa hoàn thiện hồ sơ được hưởng trợ cấp theo quy định. Ngoài ra, đối với những trường hợp nạn nhân CĐDC là người dân, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị cấp trên có chế độ chính sách để hỗ trợ họ. Đồng thời, tiếp tục vận động các mạnh thường quân để chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân CĐDC gặp khó khăn về nhà ở”.

Công tác chăm lo cho NNCĐDC là công tác thiện nguyện đầy nghĩa tình. Với tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu thương sâu sắc, cán bộ các cấp hội đã luôn đồng hành và cống hiến cho công tác hội ngày càng thiết thực, hiệu quả. Nhiệm kỳ 2022-2027 tới, có người sẽ tiếp tục công tác hội, có người sẽ dừng hoạt động. Tuy nhiên, tình cảm và tấm lòng dành cho các nạn nhân vẫn còn đó. Những đóng góp của họ cho công tác hội sẽ luôn sáng mãi, truyền cảm hứng cho các thế hệ sau để tiếp tục kế thừa, chăm lo, không để NNCĐDC nào bị bỏ lại phía sau.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác