Đoàn cán bộ Tỉnh hội Nghệ An tặng quà cho Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng NNCĐDC tỉnh Hà Tĩnh
Hai bên đã thông báo cho nhau về kinh nghiệm vận động xây dựng quỹ và các hoạt động chăm sóc NNCĐDC thời gian qua, đặc biệt quan tâm phương pháp vận động xã hội hóa.
Một thực tế cho thấy, Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng của tỉnh Hà Tĩnh xây dựng tại huyện Cẩm Xuyên, được đầu tư gần 16 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động từ năm 2012. Tuy nhiên, chỉ ít năm sau đó thì hoạt động kém dần và từ năm 2019 gần như đóng cửa. Từ chỗ được kỳ vọng sẽ là nơi chữa trị, chăm sóc, sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam nhưng do thiếu kinh phí nên hoạt động cầm chừng.
Theo liệu trình, mỗi đợt nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam diễn ra trong vòng 21 ngày và kinh phí cho một người khoảng từ 7 đến 8 triệu đồng. Như vậy ít nhất mỗi năm Trung tâm phải được cấp gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản kinh phí chủ yếu phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa; mà nguồn tiền này lại không ổn định, nên hoạt động của Trung tâm gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi.
Mới đây Trung tâm đã tìm giải pháp là phối hợp các địa phương trong tỉnh thực hiện điều trị cho bệnh nhân là NNCĐDC với kinh phí điều trị cho mỗi nạn nhân khoảng 5 - 6 triệu đồng, trong đó, chi phí ăn uống 120.000 đồng/nạn nhân/ngày, do huyện hội huy động từ các nguồn bảo trợ.
Với cách làm đó, Trung tâm đã phối hợp thị xã Kỳ Anh và huyện Thạch Hà điều trị cho khoảng 10 đến 14 NNCĐDC và hướng đến mục tiêu triển khai trên toàn tỉnh.
Ông Hoàng Đăng Hòe (thứ 4 trái sang) tặng tranh lưu niệm quê Bác cho ông Nguyễn Minh Nguyên, Tỉnh hội Hà Tĩnh
Về phía Nghệ An, trao đổi với phóng viên Tạp chí Da cam Việt Nam, ông Tăng Văn Canh, Phó Chủ tịch Hội tỉnh Nghệ An cho biết: Qua đợt tham quan học tập lần này, Hội tỉnh Nghệ An sẽ có các đề xuất với tỉnh về biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng NNCĐDC, đặc biệt phối hợp Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tìm các giải pháp phù hợp để hỗ trợ các nạn nhân, xây dựng Trung tâm hoặc phối hợp với Trung tâm các tỉnh thực hiện điều trị cho nạn nhân. Hiện Nghệ An có hơn 30.000 người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường bị phơi nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đến nay còn 14.056 người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó nạn nhân trực tiếp là 9.243 người, nạn nhân gián tiếp là 4.813 người.
Để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho NNCĐDC rất mong có sự chung tay của các cấp ngành, các mạnh thường quân và toàn xã hội trên quan điểm đền ơn đáp nghĩa đối với người có công.
Quốc Khánh
Bình luận