• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hội tỉnh Hưng Yên: “Mái nhà chung” của NNCĐDC

Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Hưng Yên được thành lập theo Quyết định số 1163/QĐ-UB ngày 18/6/2008 của UBND tỉnh, đến nay đã qua 3 nhiệm kỳ đại hội. Từ khi thành lập đến nay, hệ thống tổ chức hội được xây dựng và phát triển. Đặc biệt trong nhiệm kỳ III (2018-2023), vượt qua khó khăn nhiều mặt, nhất là về kinh phí hoạt động và điều kiện làm việc, các cấp hội đã nỗ lực hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của NNCĐDC, vì vậy vị thế, uy tín của Hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.

 


Được Trung ương Hội; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, cấp uỷ, chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể tạo mọi điều kiện hoạt động, đến nay tỉnh Hưng yên đã thành lập 10/10 hội huyện, thành phố, thị xã với 61/161 hội cấp xã nơi có đủ điều kiện được thành lập… Các tổ chức, các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao nhận thức về “thảm họa da cam ở Việt Nam”, thể hiện sự quan tâm chăm sóc, ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân da cam ngày một tốt hơn. Toàn tỉnh hiện có 4.269 nạn nhân được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, trong đó có 2.789 nạn nhân trực tiếp, số người bị nhiễm gián tiếp (thế hệ thứ 2) là 1.480. Thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC, những năm qua, Hội đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Sở Lao động -TB&XH, các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với Quỹ Bảo trợ NNCĐDC tỉnh, từ năm 2018 đến 2023 toàn tỉnh đã vận động được trên 31 tỷ đồng, đã chi chăm sóc giúp đỡ, hỗ trợ cho 34.218 lượt gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 27 tỷ 671 triệu đồng. Cụ thể: đã xây mới và sửa chữa nhà cho 335 hộ nạn nhân, trị giá 6 tỷ 363 triệu đồng; tặng bê sinh sản cho 64 hộ nạn nhân trị giá 934 triệu đồng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 11.821 lượt nạn nhân, trị giá 4 tỷ 855 triệu đồng, hỗ trợ giống, vốn cho 856 hộ nạn nhân, trị giá 3 tỷ 650 triệu đồng; tặng quà cho 17.667 lượt nạn nhân, trị giá 7 tỷ 869 triệu đồng; hỗ trợ khác cho 3.475 lượt đối tượng, trị giá 4 tỷ đồng…
Ngoài việc vận động xây dựng Quỹ, các cấp hội còn tích cực mở rộng quan hệ, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh, ngoài nước ủng hộ giúp đỡ chăm sóc nạn nhân và xây dựng nguồn lực của Hội. Dịp tết nguyên đán hằng năm, Quỹ Bảo trợ NNCĐDC tỉnh trích kinh phí hỗ trợ cho 5.361 nạn nhân, mỗi suất từ 300 đến 500 nghìn đồng, trị giá 1.944 triệu đồng tặng cho các hộ nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh. 
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội về công tác tuyên truyền, hàng năm Tỉnh hội đã phối hợp với Báo Hưng Yên, Đài PTTH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về “thảm họa da cam ở Việt Nam”, tuyên truyền gương người tốt, viêc tốt, vận động chăm sóc nạn nhân và gia đình nạn nhân. Tỉnh hội đã phối hợp với Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh xây dựng các phóng sự về gương ủng hộ giúp đỡ nạn nhân khắc phục khó khăn vươn lên làm kinh tế giỏi; phối hợp với chương trình Nhịp cầu nhân ái (VTV1) làm phóng sự về thăm hỏi, giúp đỡ nạn nhân trong tỉnh. Sau khi có Chỉ thị số 43-CT/TW, Kế hoạch số 135-KH/TU của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong hội viên và quần chúng nhân dân nắm được chủ trương chính sách của Đảng về giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; thường xuyên tổ chức giao ban, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên truyền cũng như công tác Hội phù hợp với tình hình mới.
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội cùng với Sở LĐ-TB&XH tiến hành khảo sát người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo kế hoạch của UBND tỉnh. Kết quả đã rà soát được 231 trường hợp bị mất giấy tờ chưa được thụ hưởng chính sách ưu đãi và số nạn nhân đang được thụ hưởng chính sách ưu đãi từ trần trong 3 năm (từ 2020-2022) là 350, trong đó số trực tiếp là 329, số gián tiếp là 21. Ban thường vụ Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn hội cấp huyện, thị xã, thành phố khảo sát nắm chắc tình hình nạn nhân và gia cảnh của từng nạn nhân, nhất là gia đình các nạn nhân đặc biệt khó khăn để thăm hỏi, động viên kịp thời. Những trường hợp thắc mắc, kiến nghị, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng giải quyết. Vì vậy những năm qua không có trường hợp nào khiếu kiện về công tác chăm sóc, tặng quà cho nạn nhân trong các dịp lễ, tết cổ truyền hàng năm.

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội đã được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội, trực tiếp là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp tạo điều kiện của các sở, ban, ngành và các cơ quan, phòng chức năng trong tỉnh. Xác định phương châm hướng về cơ sở, xây dựng, kiện toàn tổ chức Hội là nhiệm vụ trọng tâm, quán triệt Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch 135-KH/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Hội đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể vận động các tổ chức, đơn vị, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Cùng với việc kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong xây dựng tổ chức hội và vận động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân có hiệu quả nên đầu nhiệm kỳ chỉ có 9/10 hội cấp huyện, 35/161 hội cấp xã, đến nay đã có 10/10 hội cấp huyện, 61/161 hội cấp xã; trong nhiệm kỳ đã phát triển được 162 hội viên nâng tổng số lên 3.176 hội viên.
Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua thể hiện sự nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, tích cực chủ động bám sát nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng tổ chức hội, tuyên truyền, vận động chăm sóc nạn nhân. Thực hiện thắng lợi phương hướng nhiệm vụ và chỉ tiêu Đại hội khóa III, nhiệm kỳ 2018-2023 đã đề ra, tạo được sự tín nhiệm, nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, do vậy vị thế của Hội ngày càng được nâng lên.
Trong nhiệm kỳ 2023-2028, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều những thuận lợi, khó khăn và thử thách đan xen; cùng với đó, chủ trương tinh giản biên chế, giảm đầu mối, quy định độ tuổi lãnh đạo mới, thực hành tiết kiệm…, do vậy tổ chức và hoạt động của Hội còn nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Các cấp hội từng bước hoạt động nền nếp hiệu quả hơn, tuy nhiên cần phải đổi mới phương thức hoạt động, vì số hội cấp xã hiện mới chỉ thành lập được trên 37%. Với phương châm “Hướng về cơ sở”, mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ tới phải phấn đấu thành lập 100% số hội cấp xã. Đây là khó khăn không nhỏ đặt ra đối với đội ngũ cán bộ hội các cấp và là nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ. Về phát triển hội viên, trước hết tập trung phát triển hội viên là NNCĐDC để nâng số hội viên toàn tỉnh lên trên 4.000. Mọi hoạt động của các cấp hội phải thực hiện theo quy chế, phải tuân thủ theo pháp luật và gắn với nhiệm vụ của địa phương. Trong hoạt động phải phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, Sở Lao động - TBXH, Phòng thương binh - xã hội các huyện, thành phố và một số phòng, ban chức năng khác. Coi trọng bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội và công tác kiểm tra; duy trì việc sinh hoạt hội theo quy chế. Tuyên truyền, vận động hội viên và nạn nhân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đảm bảo trật tự nơi cư trú.
Các cấp hội cần tăng cường quan hệ với các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, thường xuyên đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đồng cảm, chia sẻ nỗi đau da cam của nạn nhân, qua đó nhân rộng điển hình tiên tiến, thể hiện trách nhiệm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; tích cực tham gia công tác vận động quốc tế, tham gia cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC… 
Trên cơ sở nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Hội và NNCĐDC, các cấp hội trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 135-KH/TU, Công văn 1652-CV/TU của Tỉnh ủy; chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác Hội và nạn nhân. Tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất và tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác Hội; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các sở, ban, ngành và phòng chức năng, các tổ chức đoàn thể để thực hiện tốt công tác tổ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam với các hoạt động thiết thực nhất; tiết kiệm, tránh hình thức.
Với tinh thần “Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam”, tin tưởng trong nhiệm kỳ tới, các cấp hội trong tỉnh sẽ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, phấn đấu xây dựng Hội vững mạnh, làm điểm tựa cho những mảnh đời bất hạnh có cuộc sống bình an trong cộng đồng xã hội.

Lê Thế Thanh
Chủ tịch Tỉnh hội 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chăm lo cho người có công dịp 27/7

    Chăm lo cho người có công dịp 27/7

    Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước cho 67.244 người có công với cách mạng với tổng số tiền 20,39 tỷ đồng.