• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Không cam chịu cảnh nghèo

Từ hai bàn tay trắng, NNCĐDC Bùi Văn Hên, xóm Trắng Đồi, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) với nghị lực vượt lên chính mình đã trở thành nông dân sản xuất giỏi. Cùng với đó, ông còn tích cực hoạt động xã hội, từ thiện, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.

Tháng 5/1971, chàng trai người dân tộc Mường Bùi Văn Hên tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ vào đơn vị C2d475 E320 Quân khu Tả Ngạn; sau đó chuyển sang Sư đoàn 308 vào Nam chiến đấu. Tháng 2/1972, ông tham chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Trong trận chiến vô cùng ác liệt giữa ta và địch, ông được đề bạt Tiểu đội phó, rồi Tiểu đội trưởng, được tặng Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng 3, Huy chương Kháng chiến hạng 2, Kỷ niệm chương Bảo vệ thành Quảng Trị.

Vườn rừng của ông Bùi Văn Hên, xóm Tráng Đồi, xã Yên Phú
Vườn rừng của ông Bùi Văn Hên, xóm Tráng Đồi, xã Yên Phú

Bị sức ép của bom đạn trong khi đang làm nhiệm vụ, sức khỏe yếu, ông được xuất ngũ về địa phương. Trở về khi quê hương còn rất khó khăn, gia đình ông cũng thuộc diện hộ nghèo, đông con, sống bằng nghề nông ở miền núi thu nhập thất thường. 8 người trong gia đình sống ở ngôi nhà tạm, không có tiền mua đất làm nhà, không có vốn liếng, chỉ có hai bàn tay trắng, ông quyết định đi lập nghiệp ở nơi xa xôi hẻo lánh của xã Yên Phú, nơi đồi trọc, đất cằn cỗi, chưa có mấy người đến sinh sống.

Phẩm chất bộ đội Cụ Hồ cùng những năm chiến đấu trong quân đội đã cho ông ý chí kiên cường vượt khó. Ban đầu, gia đình ông khai phá được 500m đất trồng cây ngắn ngày như sắn, rau, củ, quả để có nguồn nuôi sống gia đình, có sức lực để phát triển sản xuất. Ngày qua ngày, khu đất sản xuất của gia đình cứ tăng dần từ 500m đến 1000m, rồi 10.000m; đến nay lên tới 24.000m. Nơi đồi núi ít nước, chỉ phù hợp với trồng cây lấy gỗ, nên khai thác đến đâu ông trồng luôn cây Pam (cây keo), loại cây ít phải chăm sóc, sau 5 đến 7 năm cho thu hoạch. Cách làm của ông là quy hoạch thành từng vùng sản xuất để mang lại hiệu quả. Toàn bộ khu đồi cao 20.000m (2ha), ông trồng cây keo; khu thấp, ông xây dựng nhà ở, đào ao thả cá, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau, củ, quả, lấy ngắn nuôi dài, vừa có kinh tế trước mắt vừa tích lũy vốn cho phát triển sản xuất. Ý chí vượt khó và cách làm khoa học đã mang lại cho gia đình ông kết quả rất phấn khởi. Cây keo cho 3 vụ, mỗi vụ thu 140 đến 150 triệu đồng, tổng cộng trên dưới 500 triệu đồng, bình quân thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/năm. Gia đình ông đã có của ăn, của để; từ hộ nghèo nhất đã vươn lên thành hộ khá ở địa phương, có nhà xây kiên cố, cuộc sống ổn định, có việc làm thường xuyên, có điều kiện nuôi dạy con cái thành đạt, 2 người con của ông hiện là cán bộ công chức Nhà nước.

Cùng với làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội, làm đội phó, đội trưởng sản xuất, phó chủ nhiệm hợp tác xã (3/1974 đến tháng 11/1997), Trưởng xóm 12 năm (1997-2009) và hiện nay là ủy viên BCH Hội NNCĐDC/dioxin xã Yên Phú. Công việc nào ông cũng hoàn thành tốt, được lãnh đạo địa phương và nhân dân tin tưởng, yêu mến. Ông còn làm tốt công tác từ thiện, hằng năm hỗ trợ tặng quà cho các cháu thiếu nhi trong dịp tết Trung thu và hỗ trợ giống vốn cho nhiều hộ nghèo. Ông là hội viên Hội CCB, hội viên Hội NNCĐDC/dioxin gương mẫu của xã Yên Phú, là tấm gương vượt khó vươn lên được toàn hội ghi nhận, học tập và làm theo./.

Phạm Xuân Khóa

Chủ tịch Huyện hội Lạc Sơn

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác