• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Kỳ 2: Trục lợi chính sách, bức xúc, ồn ào nhiều năm

Chính sách đối với người nhiễm (CĐHH) đã đem lại sự đổi thay trong cuộc sống của phần lớn các gia đình nạn nhân da cam. Nhưng trong quá trình thực hiện chính sách cũng xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế trong đó tình trạng “da cam thì ít, da quýt thì nhiều” ở một số địa phương đã gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân đặc biệt là các cựu chiến binh. Cùng với đó là xuất hiện những đối tượng lợi dụng nhu cầu, lòng tin của người dân tham gia vào các đường dây “chạy chế độ” để hưởng lợi.

Kỳ 1:Một chính sách cứu giúp nghìn cuộc đời

Kỳ 2: Trục lợi chính sách, bức xúc, ồn ào nhiều năm

Kỳ 3: Lọc nước trong, chặn cò

Kỳ 4: Rà soát, thực chứng - Kẻ cười, người khóc

Kỳ 5: Giải quyết dứt điểm tồn tại

Rà soát hồ sơ người hưởng chính sách người nhiễm chất độc hóa học.

Người lành thành dị dạng, thiểu năng trí tuệ

Nếu như trong những năm đầu, việc mang tên “nạn nhân da cam” là nỗi tự ti, mặc cảm của nhiều người, nhiều người thực sự bị ảnh hưởng chất độc da cam cũng che dấu tình trạng của mình, không muốn làm chế độ thì từ năm 2006, thực hiện theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh người có công với cách mạng, người bị ảnh hưởng bởi CĐHH chuyển từ đối tượng bảo trợ xã hội sang đối tượng người có công với cách mạng, cùng với đó có sự điều chỉnh mức phụ cấp thì việc được hưởng chính sách đối với người nhiễm CĐHH trở thành mong muốn của nhiều người, nhiều gia đình. Cũng từ đó, họ tìm đủ mối quan hệ, đủ cách vận dụng để được trở thành “nạn nhân da cam”. Trong giai đoạn này, việc thực hiện chính sách được thực hiện theo Thông tư 07/2006/TT-BLĐTBXH với quy định “Tại thời điểm lập hồ sơ con đẻ người HĐKC phải mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh mới làm cơ sở để người HĐKC lập hồ sơ hưởng chính sách đối với người HĐKC nhiễm CĐHH sinh con dị dạng, dị tật” đã khiến nhiều người biến những đứa con khỏe mạnh, lành lặn của mình thành dị dạng, dị tật với mong muốn hưởng chế độ.

Tại Kết luận Thanh tra số 44/KL-TTr ngày 2/4/2015 của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Thái Bình, qua kiểm tra 217 hồ sơ (chủ yếu của huyện Đông Hưng và Kiến Xương) phát hiện 69 hồ sơ không đảm bảo quy định hoặc cần phải tiếp tục kiểm tra, xác minh, trong đó 12 trường hợp hồ sơ ghi con bị vẩy nến, mẩn ngứa, đám da sắc tố, kết quả thanh tra, xác minh các đối tượng đều khỏe mạnh, bình thường; 17 trường hợp ghi con bị gai đôi cột sống, nhược cơ chu kỳ, pholip hậu môn... qua xác minh trực tiếp các đối tượng bình thường; 8 trường hợp ghi con bị dị dạng, dị tật làm cơ sở giải quyết chế độ đối với bố (mẹ), qua xác minh hiện vẫn đang đi học, có trường hợp đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng; 3 hồ sơ ghi có con dị dạng, dị tật làm cơ sở giải quyết chế độ CĐHH cho bố hoặc mẹ nhưng vào thời điểm kiểm tra các con đang xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Như trường hợp của ông Nguyễn Xuân B, sinh năm 1950, xã Hồng Thái (Kiến Xương) trong hồ sơ khai có con trai sinh năm 1991 bị u dưới da vùng cổ, cằm. Qua xác minh thực tế vào thời điểm thanh tra, ông B đang đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Trường hợp ông Đặng Xuân R, sinh năm 1953 cũng ở xã Hồng Thái (Kiến Xương) trong hồ sơ khai có con trai sinh năm 1992 bị u mỡ vùng bụng bên phải. Thực tế con trai ông R đang đi xuất khẩu tại Ăngola…

Nạn nhân da cam được tạo việc làm tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh.

Tại Kết luận Thanh tra số 482/KL-Tr của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 29/11/2017 về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Thái Bình, chỉ tính trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, qua xác minh trực tiếp (thực chứng) 211 trường hợp đang hưởng chế độ con đẻ người HĐKC bị nhiễm CĐHH tại 10 xã, thị trấn huyện Quỳnh Phụ, đã phát hiện 59 trường hợp đang hưởng chế độ không đúng quy định. Trong đó 58 trường hợp hưởng chế độ trên cơ sở xác nhận của Trung tâm Y tế huyện về tình trạng dị dạng, dị tật nặng, không còn khả năng lao động. Qua thanh tra, tất cả 58 trường hợp do Trung tâm Y tế huyện xác nhận, trong đó tập trung ở xã An Mỹ 24/58; An Cầu 17/58; Đồng Tiến 7/58... đều không bị dị dạng, dị tật hoặc dị dạng, dị tật nhẹ vẫn còn khả năng lao động, tự chủ được bản thân, đã lập gia đình và sinh con, hiện đang làm việc, lao động tại địa phương. Một số trường hợp đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động. Cụ thể: Theo hồ sơ, ông Nguyễn Văn D (SN 1970), xã An Cầu, bị “thoái hóa đốt sống, gù bẩm sinh”. Thực tế, ông D. không bị dị dạng, dị tật, đi làm ăn sinh sống tại Ukraina. Trường hợp anh Nguyễn Văn L (SN 1988), xã An Mỹ được hưởng chế độ trợ cấp nhiễm CĐHH trên cơ sở bệnh lý “dị dạng, dị tật, không còn khả năng lao động”, thực tế, anh L không bị dị dạng, dị tật, không mất khả năng lao động, vào thời điểm rà soát là lái xe khách...

Bà Đặng Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động- Thương binh xã Xã hội cho biết, trong quá trình rà soát lại hồ sơ, thực chứng thực sự có nhiều bất hợp lý. Ví dụ như có xã có tới hơn 60 hồ sơ khai con mắc đốt sống chẻ đôi. Khi giám định lại không có trường hợp nào mắc đốt sống chẻ đôi thì đồng loạt hơn 60 hồ sơ lại xin bổ sung có con chết. Qua đợt rà soát con đẻ mắc dị dạng, dị tật làm điều kiện để bố, mẹ đẻ hưởng chính sách đối với 11.681 trường hợp, có 965 trường hợp kê khai con mắc dị dạng dị tật bẩm sinh nhưng qua thực chứng con đẻ không mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh; có 628 trường hợp bổ sung con mắc tật gai sống chẻ đôi đã được giới thiệu giám định y khoa (3 lần) nhưng không đi giám định.

“Cò” chính sách hưởng lợi

Ông T.V.H, tổ 10, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình chia sẻ về câu chuyện đi làm thủ tục hưởng chính sách da cam của mình. Ông có gần 10 năm đi B, trong vùng Mỹ rải chất độc hóa học. Mọi giấy tờ chiến trường của ông đều đầy đủ. Từ năm 2007, thấy xung quanh nhiều người đi làm hồ sơ hưởng chế độ đối với người nhiễm CĐHH, ông nói chuyện này với vợ con. Nhưng vợ con ông đều gạt đi cho rằng gia đình không muốn hưởng chính sách này. Quên đi vài năm, thấy bệnh tiểu đường làm sức khỏe giảm sút, song xung quanh không ít người tuổi ít, khỏe mạnh hơn, không có nhiều thời gian ở chiến trường mà đang được hưởng chế độ thì tự nhiên trong lòng ông cũng có chút so bì, thấy mình thiệt thòi. Giấu vợ con, ông âm thầm làm hồ sơ để hưởng chế độ. Mang hồ sơ đi một số nơi, có người gợi ý “bác để cháu làm cho với chi phí thấp”. Tuy nhiên, ông từ chối lời đề nghị này. Qua giám định y tế, ông mắc tiểu đường tuýp 2 nên đủ điều kiện hưởng chính sách. Sau chuyện này, ông H chia sẻ may là ông không nghe gợi ý đưa tiền cho đối tượng kia, nếu không chắc hẳn ông đã mất tiền oan.

Cũng giống như ông T.V.H, ông H.S.V, thôn Thuận An, xã Việt Thuận (Vũ Thư) từng có thời gian 6 năm (1971-1977) tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đây là vùng Mỹ rải chất độc hóa học. Sau hơn 40 năm trở về địa phương, thấy nhiều đồng đội cùng tham gia chiến đấu được hưởng chế độ đối với người nhiễm CĐHH, năm 2018 ông tìm hiểu các quy định, thủ tục để làm hồ sơ hưởng chế độ. Biết được mong muốn của ông và gia đình, một số đối tượng đã đưa ra lời đề nghị và hứa sẽ “chạy” chế độ cho ông trong thời gian ngắn với số tiền 30 triệu đồng. Không chấp nhận mất một số tiền lớn cũng như không bán rẻ danh dự của một người lính, ông từ chối và cùng gia đình hoàn thiện hồ sơ để nếu đủ các điều kiện thì được hưởng chế độ.

Mất chục triệu, vài chục triệu đồng để hưởng chính sách cả đời là lời đề nghị hấp dẫn mà nhiều người sẵn sàng bỏ chi phí để hoàn thiện một bộ hồ sơ hưởng chính sách đối với người nhiễm CĐHH, câu chuyện đã không còn quá bí mật trong hành trình đi làm chế độ da cam tại các địa phương trong tỉnh. Không chỉ có các đối tượng trong các ngành liên quan như lao động - thương binh và xã hội, y tế mà cả giáo viên, người lao động tự do cũng trở thành những đối tượng bắt mối, nhận hồ sơ “chạy” chế độ. Trong hành trình này, nhiều người đã phải chịu mất tiền oan chỉ vì lòng tin và lòng tham của mình. Họ như những thí sinh đi thi, nếu đủ tự tin về kiến thức của mình thì không cần đến “phao” thi. Còn nếu trông cậy vào “phao”, thì hoặc là họ sẽ mất tiền oan hoặc trở thành đối tượng trục lợi tiền chính sách của Nhà nước. Việc trục lợi này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thực sự xứng đáng được hưởng chính sách. Nảy sinh tình trạng này có một nguyên nhân lớn từ phía những “hội đồng thi” với các giám khảo chưa nghiêm minh đó là các cơ quan, cá nhân thực thi chính sách.

Ông Đặng Công Toàn, Giám đốc Trung tâm Giám định y khoa tỉnh

Sau các vi phạm đã từng xảy ra trong quá trình giám định y khoa, Trung tâm Giám định y khoa phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đặc biệt là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội siết chặt các quy trình giám định, bảo đảm không gây phiền hà sách nhiễu, kết quả nhanh, chính xác, khách quan. Các thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, việc khám được hỗ trợ bằng các thiết bị y tế hiện đại bảo đảm kết quả chính xác. Trung tâm cũng luôn khuyến cáo người dân không tin vào các đối tượng môi giới để tránh mất tiền oan.

Bà Trần Thị Minh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Vũ Thư

Trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, tại một số địa phương trong tỉnh cũng đã xuất hiện tình trạng trục lợi chính sách gây thất thoát lớn ngân sách của Nhà nước. Để không xảy ra tình trạng trục lợi, những năm qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Vũ Thư thường xuyên hướng dẫn tới tất cả các hội viên các văn bản quy định trong việc lập hồ sơ để hưởng chế độ người bị nhiễm chất độc hóa học; những hồ sơ chưa đầy đủ chúng tôi giới thiệu hội viên đến các cơ quan có đủ thẩm quyền để hoàn thiện. Quán triệt tới hội viên tuyệt đối không tin theo sự dụ dỗ của những kẻ trục lợi để làm giả hồ sơ hưởng chế độ chính sách.

Ông Hồ Quang Khải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình

Trục lợi chính sách, chạy chế độ, làm giấy tờ giả là hành vi đáng lên án. Trong khi nhiều người đã hy sinh xương máu nơi chiến trường để giành độc lập cho dân tộc thì có một bộ phận vì lợi ích cá nhân ngang nhiên “chạy” chế độ làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Theo tôi, quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận người có công phải bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ, đúng quy định. Khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chế độ, chính sách; xử lý nghiêm các sai phạm, việc trục lợi chính sách người có công với cách mạng để răn đe cho người có tư tưởng chạy chế độ.

Trần Hương – Nguyễn Cường

(Nguồn: Báo Thái Bình)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MBBank tổ chức phát động Chiến dịch Tết vì nạn nhân chất độc da cam với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn”. Với ...
    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Ngày 24/12/2024, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029. Dự Đại hội có: Thiếu tướng, TS Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban TC-CS Trung ương Hội; bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại biểu ...