• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Kỳ 4: Rà soát, thực chứng - Kẻ cười, người khóc

Sau đợt rà soát lớn với gần 20.000 hồ sơ, đã có hàng nghìn trường hợp phải dừng trợ cấp trong đó có một tỷ lệ lớn hồ sơ không bảo đảm quy định về các chứng cứ pháp lý. Người thật, việc thật song chứng cứ pháp lý không còn, câu chuyện giữa tình và lý thêm một lần làm chúng ta phải rơi nước mắt.

Kỳ 1:Một chính sách cứu giúp nghìn cuộc đời

Kỳ 2: Trục lợi chính sách, bức xúc, ồn ào nhiều năm

Kỳ 3: Lọc nước trong, chặn cò

Kỳ 4: Rà soát, thực chứng - Kẻ cười, người khóc

Kỳ 5: Giải quyết dứt điểm tồn tại

Sau 20 năm nước mắt lại rơi

Trở lại xã Đông Quang (Đông Hưng) với câu chuyện của ông Bùi Quang Giang, ông Giang chia sẻ trong số 5 gia đình có con bị ảnh hưởng nặng nhất và được hưởng chính sách ngay trong giai đoạn đầu tiên từ năm 2000, sau đợt rà soát lại hồ sơ, năm 2018 đã có 3/5 gia đình bị dừng hưởng chế độ. Bà Nguyễn Thị Ngà, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Đông Quang cho biết, cả 3 gia đình bị dừng hưởng chính sách này đều do thiếu điều kiện không có giấy tờ chiến trường chứng minh đã ở vùng có rải chất độc hóa học theo quy định.

Bà Bùi Thị Mậu bên cạnh 2 người con ngây ngây, dại dại.

Gia đình ông Bùi Công Ơn, bà Bùi Thị Mậu là 1 trong 3 gia đình bị dừng hưởng chính sách nói trên. Bà Mậu chia sẻ, ông Ơn và các con được hưởng chính sách cho nạn nhân da cam từ năm 2000 bởi trong 5 người con của ông bà chỉ có 1 đứa lành lặn, khỏe mạnh còn lại đều yếu ớt, dị tật trong đó 1 đứa đã chết khi còn nhỏ, 2 đứa tâm thần, ngây ngô không biết gì. Bà Mậu trước khi lập gia đình với ông Ơn vốn là một đảng viên, cán bộ đoàn năng động của địa phương. Sau giải phóng miền Nam, ông Ơn phục viên về địa phương, kết hôn với bà. Sau khi kết hôn, bà lần lượt sinh 5 người con nhưng những đứa con không được khỏe mạnh, bình thường, năm 33 tuổi bà phải xin nghỉ công tác tại địa phương để chăm lo cho các con. Cuộc sống khó khăn, túng quẫn cùng với những ảnh hưởng chiến trường đã vắt kiệt sức lực nên sau khi hưởng chính sách đối với người nhiễm CĐHH không bao lâu thì ông mắc ung thư gan mất năm 2001, từ đó mọi khó khăn dồn xuống đôi vai bà. Có trợ cấp của các con đỡ cho bà phần nào nỗi khó khăn vì cơm gạo. Rồi 2 đứa khỏe mạnh hơn lập gia đình riêng, còn lại 2 đứa tâm thần do một mình bà chăm sóc đến bây giờ. Sau đợt rà soát, ông không có giấy tờ chiến trường nên 2 đứa con của ông bà bị cắt trợ cấp từ tháng 8/2018. Bà Mậu chia sẻ, bao nhiêu năm khổ sở một mình bà không còn nước mắt để khóc. Mặc dù hồ sơ của các con bà vẫn còn đấy, chỉ đợi bổ sung giấy tờ chứng minh chiến trường là lại hưởng chế độ như trước song ngày làm hồ sơ, ông là người khai, đến nay ông mất đã 20 năm, bà cũng đã hơn 70 tuổi, không còn nắm được gì để bổ sung hồ sơ. Việc ông đi bộ đội, tham gia chiến đấu cả làng biết nhưng cũng như rất nhiều người tham gia kháng chiến khác không còn giữ được giấy tờ gốc, người thật, việc thật mà đành chịu. Bà Mậu tâm sự, mặc dù hiện nay hai con của bà đã được chuyển sang đối tượng bảo trợ xã hội với mức phụ cấp mỗi tháng 540.000 đồng/người; ngôi nhà dột nát của 3 mẹ con đã được các tổ chức từ thiện, nhân đạo hỗ trợ xây mới song việc dừng chính sách vẫn là nỗi đau, là điều day dứt của bà với người chồng đã mất.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh Xã hội, trong đợt rà soát hồ sơ giai đoạn 2000-2009, toàn tỉnh có 354 trường hợp không bổ sung được giấy tờ chứng minh chiến trường trong đó 235 trường hợp đã chết, còn 119 trường hợp đình chỉ chính sách từ ngày 1/8/2018.

Chính sách sửa đổi, kẻ cười, người khóc

Sau đợt rà soát 19.093 hồ sơ và thực chứng, hàng nghìn trường hợp phải dừng trợ cấp trong đó qua rà soát và thực chứng một bộ phận không nhỏ cố tình khai không đúng sự thật song cũng có một bộ phận hồ sơ bị dừng trợ cấp là do những yếu tố khách quan về sự sửa đổi các quy định trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh Thái Bình, trong đó trường hợp ông Trần Sách Nghĩa (thôn Tân Đệ, xã Tân Lập, Vũ Thư) là một ví dụ.

Ông Nghĩa cho biết, ông nhập ngũ năm 1968, chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế, sau giải phóng ông trở về quê hương kết hôn với bà Trần Thị Định sinh được 4 người con trong đó hai con gái đầu là Trần Thị Xuân (sinh năm 1976) và Trần Thị Hương (sinh năm 1978) đều sức khỏe yếu, có dị tật, cả hai con gái ông chết năm 1980. Năm 2007, ông làm hồ sơ giám định và được hưởng chế độ nạn nhân da cam. Ông Nghĩa cho biết, vào thời điểm năm 2007, qua kết luận của hội đồng giám định, ông bị suy giảm sức khỏe (theo danh mục 125 bệnh có liên quan đến CĐHH do Sở Y tế Thái Bình ban hành tại Hướng dẫn số 06 năm 2007), bắt đầu được hưởng chính sách từ tháng 1/2008. Tuy nhiên, sau đợt rà soát, ông không đáp ứng đủ các điều kiện hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định số 9 năm 2008 của Bộ Y tế. Theo hướng dẫn, ông bổ sung hồ sơ có con mắc dị dạng, dị tật đã chết. Song trên thực tế, hai con gái ông đã chết từ thời gian quá lâu (năm 1980) nên tại các bệnh viện, trạm y tế đều không còn lưu giữ hồ sơ bệnh án, không còn chứng cứ pháp lý này nên ông bị dừng hưởng chính sách từ tháng 1/2021. Ông Trần Sách Nghĩa nguyên là giảng viên Trường Chính trị tỉnh, 45 năm tuổi đảng. Ông chia sẻ, bản thân ông hiện nay có lương hưu sinh sống, việc mất đi mỗi tháng số tiền 2 triệu đồng không làm ông đau đớn bằng danh dự của một nhà giáo khi biết xung quanh sẽ có nhiều người đặt câu hỏi về mình. Năm 2007, khi đi làm hồ sơ, ông cũng như nhiều người khác không nghĩ và cũng không được hướng dẫn khai trong hồ sơ về những đứa con đã chết mà chỉ khai về những người còn sống, để làm chế độ cho người còn sống.

Qua đợt rà soát toàn bộ số hồ sơ giai đoạn 2000-2009, có 1485 trường hợp hồ sơ bổ sung con đẻ mắc dị dạng, dị tật đã chết. Trong số này sẽ lẫn lộn có giả, có thật. Song quy định phải có hồ sơ bệnh án của một người đã chết từ 40 năm trước sẽ là việc đánh đố kể cả với những người thật, việc thật như ông Nghĩa.

Không chỉ có ông Nghĩa, nhiều cựu chiến binh cũng có suy nghĩ tương tự. Họ cho rằng bản thân họ không nghĩ ra các quy định về chính sách cho nạn nhân da cam. Mọi quy định đều do cơ quan chức năng đề ra. Song việc trong quá khứ áp dụng với 144 bệnh (giai đoạn 2004-2006 theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 14 năm 2004 của liên bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Y tế - Tài Chính) rồi còn 125 bệnh tật (giai đoạn 2006-2009 theo hướng dẫn 06 của Sở Y tế Thái Bình) và còn 17 bệnh (theo Thông tư số 08 năm 2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kèm theo Quyết đinh số 09 của Bộ Y tế), việc chuyển từ số nhiều sang số ít, từ phạm vi rộng sang phạm vi hẹp tất nhiên sẽ có nhiều người bị loại ra khỏi chính sách này mà lỗi không thuộc về phía họ. Họ vô tình trở thành “nạn nhân kép” của sự thay đổi chính sách, đặc biệt là chính sách ấy lại liên tục có sự sửa đổi.

Ông Nguyễn Công Liêm, nguyên Trưởng phòng Thời sự, Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Bình

Sau đợt rà soát hồ sơ, tôi đã đi hơn 20 xã, phường, gặp gỡ nhiều cựu chiến binh, nạn nhân da cam lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Bản thân tôi đã nhận được nhiều đơn thư, ý kiến của các cựu chiến binh cho rằng việc sửa đổi các quy định để họ từ đối tượng đang được hưởng sang đối tượng phải dừng chính sách mà lỗi không thuộc về họ. Đồng thời rà soát, thực chứng còn bỏ sót và quyết định chưa chính xác nhiều trường hợp dẫn đến nhiều trường hợp chịu thiệt thòi.

Ông Nguyễn Đức Cứu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kiến Xương

Trong đợt rà soát vừa qua, bản thân tôi là một trong những trường hợp phải dừng trợ cấp với lý do không nằm trong danh mục bệnh tật của Bộ Y tế quy định. Khi dừng trợ cấp, tâm lý của tôi và nhiều hội viên bị nhiễm chất độc da cam cũng thấy hụt hẫng. Lỗi không ở chúng tôi, do cơ chế, chính sách thay đổi nhưng việc cắt chế độ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và cuộc sống của các nạn nhân da cam.

Ông Vũ Duy Đính, cán bộ lao động, thương binh và xã hội xã Tân Lập (Vũ Thư)

Ông Trần Sách Nghĩa là 1 trong 11 trường hợp trên địa bàn xã đã bị cắt chế độ đối với người nhiễm CĐHH. Ngay sau khi có quyết định cắt chế độ, lãnh đạo UBND xã, công chức lao động, thương binh và xã hội xã đã trực tiếp đến nhà của từng trường hợp để gửi quyết định và có những giải thích cụ thể. Riêng đối với trường hợp của ông Trần Sách Nghĩa có hai con chết từ nhỏ là đúng sự thật. Với những trường hợp người thật, việc thật chúng tôi mong cơ quan chức năng tham mưu, có quy định phù hợp để họ không bị thiệt thòi.

Trần Hương – Nguyễn Cường

(Nguồn: Báo Thái Bình)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MBBank tổ chức phát động Chiến dịch Tết vì nạn nhân chất độc da cam với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn”. Với ...
    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Ngày 24/12/2024, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029. Dự Đại hội có: Thiếu tướng, TS Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban TC-CS Trung ương Hội; bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại biểu ...