• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Kỳ I: Phòng, chống tham nhũng – Nhìn từ góc độ nạn nhân chất độc da cam "giả"

Hiện nay ở nhiều địa phương vẫn còn hiện tượng khai man, làm giả hồ sơ để trục lợi chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng; trong đó có nhiều trường hợp là nạn nhân chất độc da cam “giả”. Thực chất đây là hành vi tham nhũng, không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước mà còn gây bức xúc, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị, gây mất an ninh trật tự ở cơ sở và ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân.

Kỳ I

Thực trạng tình hình nạn nhân “giả’ ở các địa phương

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có 320.000 nạn nhân chất độc da cam đang được thụ hưởng chế độ, chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước. Nhiều địa phương thực hiện tốt công tác chính sách, đa phần những người được hưởng chế độ là đúng đối tượng, đúng mức độ bệnh tật; tuy nhiên, vẫn “lọt” nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn mà vẫn được hưởng chế độ “Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”, hoặc đang hưởng sai tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học,… Đáng nói là, hiện tượng đó diễn ra ở nhiều địa phương và trong nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Từ năm 2016 đến năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học tại 9 địa phương, gồm: Quảng Trị, Thái Nguyên, Sơn La, Bắc Giang, Nam Định, Quảng Nam, Gia Lai, Khánh Hòa và Bình Dương. Việc thanh tra nhằm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật: người đủ tiêu chuẩn thì được hưởng chế độ; người không đủ tiêu chuẩn thì không được hưởng chế độ; kiên quyết xử lý, thu hồi đối với những trường hợp hưởng sai chế độ. Qua thanh tra, Đoàn Thanh tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phát hiện và đề nghị cơ quan chức năng của các địa phương phải đình chỉ chế độ hàng nghìn trường hợp sai phạm; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng và chỉ ra hàng nghìn trường hợp Hội đồng Giám định y khoa của các tỉnh kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học, cần điều chỉnh mức trợ cấp.

Kết luận thanh tra số 482/KL-TTr ngày 29/11/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Thái Bình đã chỉ ra: trong số 995 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, có 117 trường hợp không có giấy tờ chứng minh vùng, miền hoặc có giấy tờ nhưng không thể hiện được thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng Quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học. Qua kiểm tra 523 hồ sơ được xác lập theo Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006, Hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, phát hiện 152 hồ sơ không đảm bảo theo quy định. Trong đó, có 2 hồ sơ giả mạo giấy tờ chứng minh quá trình tham gia hoạt động kháng chiến; 75 trường hợp qua xác minh tại Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình không có căn cứ để xác nhận Giấy chứng nhận tham gia hoạt động kháng chiến ở vùng bị Mỹ phun rải chất độc hóa học. Đối với 424 hồ sơ được xác lập theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013, Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Đoàn Thanh tra chỉ ra một số trường hợp có quyết định hưởng trợ cấp, phụ cấp chưa đúng thời điểm theo quy định tại Nghị định…

Trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, Đoàn Thanh tra phát hiện 59 trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi trong tổng số 211 trường hợp đang hưởng chế độ con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đồng thời, ban hành quyết định đình chỉ trợ cấp và thu hồi số tiền đã hưởng sai quy định hơn 4,6 tỷ đồng. Thanh tra còn phát hiện 117 đối tượng đang hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng không có giấy tờ hoặc giấy tờ không hợp lệ và 366 trường hợp Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Thái Bình đều kết luận "bị mắc rối loạn tâm thần". Đoàn Thanh tra đã thực chứng 163/366 trường hợp “rối loạn tâm thần FO6.6”; kết quả, các trường hợp này hoàn toàn bình thường, nhớ rất rõ về thời gian công tác, thời gian chiến đấu ở chiến trường, hiểu biết các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Ví dụ: hồ sơ của ông D (xã An Cầu) bị “thoái hóa đốt sống, gù bẩm sinh”, nhưng thực tế ông D không bị dị dạng, dị tật, hiện tại đang làm ăn sinh sống tại Ucraina. Anh L (xã An Mỹ) được hưởng chế độ trợ cấp nhiễm chất độc hóa học trên cơ sở bệnh lý “dị dạng, dị tật, không còn khả năng lao động”, thực tế thì anh không bị dị dạng, dị tật, không mất khả năng lao động, hiện là lái xe khách... Anh D (xã An Mỹ), trong hồ sơ ghi bị “dị dạng vùng mặt”, nhưng thực chất anh không bị dị dạng mà đã đang công tác tại Công ty Cổ phần xây dựng Tập đoàn Hòa Bình. Ông Đ ở huyện Đông Hưng đã từng bức xúc: ở đây có người không hề biết đến chiến trường lại đang được hưởng chế độ “Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học” 81%; trong khi đó có người chiến đấu nhiều năm ở chiến trường, bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng do mất hồ sơ nên không được hưởng. Từ việc phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh để thẩm định hồ sơ, giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị và địa bàn hoạt động khai trong hồ sơ, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đã phát hiện nhiều trường hợp khai man thời điểm và địa bàn công tác.

Theo đơn tố giác của một số công dân xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình gửi về Tạp chí Da cam Việt Nam ngày 30/10/2020, thì trên địa bàn đang có 12 nạn nhân chất độc da cam, 09 thương binh và 11 bệnh binh “giả”. Đa phần các trường hợp đó không tham gia chiến đấu, công tác tại các chiến trường bị Quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa học như quy định. Đáng chú ý là, nhiều trường hợp đang lành lặn, vẫn đi lao động bình thường, có người đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp hoặc có người đi lao động xuất khẩu,... nhưng vẫn được xác định là “người bị dị dạng, dị tật nặng, không tự lực được trong sinh hoạt”.

Tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Đoàn Thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát hiện 09 trường hợp không đủ điều kiện. Trong đó có nạn nhân hiện đang là sĩ quan quân đội, có người là viên chức nhà nước, có người đang lao động tại công ty… không hề bị dạng, dị tật hoặc đau yếu như hồ sơ đã thể hiện. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 5985/SLĐTBXH-NCC về việc thực hiện Kết luận số 256/KL-TTr ngày 30/11/2020 của Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; cắt chế độ 09 trường hợp không đủ điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Ông Đỗ Đăng Thanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Ba Đình, cho biết: cả 09 trường hợp trên đều nhận rõ “cái sai” của mình, sau khi bị cắt chế độ (từ tháng 01/2021) đều nghiêm chỉnh chấp hành.

Tại Bắc Ninh, trong số 3.131 nạn nhân chất độc da cam (2.335 nạn nhân trực tiếp và 766 con đẻ của nạn nhân). Qua thanh tra của Bộ Lao động – Thương binh xã hội có 123 hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chế độ và 339 hồ sơ cần tiếp tục bổ sung giấy tờ.

Tại Nam Định, qua kiểm tra trực tiếp 16.197 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ, Đoàn Thanh tra của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội đã phát hiện, ban hành quyết định đình chỉ chế độ, thu hồi quyền lợi đã hưởng sai đối với 212 trường hợp là con đẻ người hoạt động kháng chiến và 82 trường hợp là người hoạt động kháng chiến do không đủ điều kiện. Tổng số tiền phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 32,289 tỷ đồng. Trong đó có 3 trường hợp (01 ở xã Giao Hà, 01 ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy và 01 ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu) không tham gia hoạt động tại vùng Quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, nhưng khai man để hưởng chế độ. Thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã tiến hành xác minh, kết luận 08 trường hợp ở xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng đã khai man hồ sơ để được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trong đó có trường hợp khai man Huân chương, Huy chương để hợp thức hóa hồ sơ; trường hợp ông T. đóng quân tại Hà Tây, nhưng khai man là vào chiến trường miền Nam; thậm chí có trường hợp giả mạo hồ sơ, dùng ảnh của đứa con còn sống thay thế ảnh đứa con đã chết để trục lợi chính sách, như trường hợp của ông M. ở xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường... vậy mà cấp xã vẫn xác nhận?.

Tại Thái Nguyên, qua xác minh 207 hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam ở 6 xã, gồm: Cổ Lũng, Sơn Cẩm (Phú Lương), Phục Linh, Tân Thái (Đại Từ) và Quyết Thắng, Thịnh Đức (thành phố Thái Nguyên), cơ quan điều tra đã xác định được 101/207 hồ sơ “có vấn đề”, và tất cả đều liên quan đến Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên. Trong đó có 83 người không có tên trong sổ lưu trữ hồ sơ bệnh án ở bệnh viện này; 13 người có bệnh án nhưng thực tế không nằm viện ngày nào,..

Hồ sơ của ông Kh ở xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, khai là bị vô sinh. Tuy nhiên, qua xác minh thì thực tế ông có ba người con đều khỏe mạnh và không bị dị dạng, dị tật. Ông Ch ở xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, Lào Cai được kết luận trong hồ sơ là con bị dị dạng, dị tật “đau đầu, chảy máu cam, ho”, nhưng thanh tra xác minh thì người này là con nuôi chứ không phải con đẻ của ông.

Trường hợp ông Ph 66 tuổi, ngụ huyện Gio Linh, Quảng Trị, hồ sơ ghi con đẻ bị biến dạng lồng ngực mức độ nhẹ. Tuy nhiên, qua xác minh thực tế thì con trai ông đang học tại Trường Sĩ quan Chính trị…

Tại Hà Tĩnh, Kết luận thanh tra số 124/KL-TTr ngày 30/7/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát hiện 546 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến không đủ điều kiện hưởng chế độ; kiến nghị Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định đình chỉ trợ cấp và thu hồi chế độ ưu đãi đã hưởng sai, với số tiền 65,868 tỷ đồng. Đồng thời, phát hiện gần 300 trường hợp là đối tượng gián tiếp khác có nghi vấn không đủ điều kiện, yêu cầu Sở tiếp tục xác minh làm rõ.

Năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình đã thành lập đoàn thanh tra, xác minh theo đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua thanh tra, Sở đã cắt chế độ đối với 29 người làm giả hồ sơ thương binh và chất độc da cam (2 người là thương binh, 27 người chất độc da cam). Đồng thời, tiến hành tạm dừng việc cấp chế độ đối với 15 trường hợp khác do hồ sơ không đủ yêu cầu (3 người là thương binh, 1 người bệnh binh và 11 người là nạn nhân chất độc da cam).

Tại tỉnh Gia Lai, từ năm 2013 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện 305 trường hợp làm giả hồ sơ Nạn nhân chất độc da cam. Riêng năm 2018, có 76 trường hợp bị Thanh tra của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phát hiện. Năm 2019, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã ra quyết định đình chỉ trợ cấp ưu đãi đối với 46 trường hợp là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, do phát hiện các trường hợp này làm giả hồ sơ. Đồng thời, Sở yêu cầu các đơn vị liên quan thu hồi số tiền hàng tỷ đồng mà các trường hợp này đã trục lợi…

Trên đây chỉ là một phần trong số hàng nghìn đối tượng nạn nhân “giả” bị Thanh tra phát hiện trong thực hiện chính sách Người có công với cách mạng. Tình trạng nạn nhân chất độc da cam “giả” có ở hầu hết các tỉnh, thành phố, rất cần được tiếp tục thanh tra, kiểm tra làm rõ. Mặt khác, một vấn đề đáng quan tâm là, thực tế vẫn còn nhiều người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì chất độc hóa học do Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, nhưng do hồ sơ thất lạc hoặc sửa đổi các thông tư, nghị định... nên vẫn không được hưởng, thậm chí bị cắt chế độ ưu đãi của Nhà nước.

Mạnh Dũng – Đình Trọng

(Kỳ II - Nguyên nhân)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...