• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Mắt không còn sáng, nhưng lòng mãi trong

Mắt không còn sáng, nhưng lòng mãi trong

Không phải là biệt thự hay nhà tầng cao sang, chỉ là một căn nhà cấp 4, có sân nhỏ vuông vắn, lối vào trải lớp bê tông mỏng, hai bên là rặng thanh táo được cắt tỉa thường xuyên, cùng với hàng cau, kèm theo cây hồng, cây bưởi, cây nhãn, trụ thanh long... nhưng đó là không gian đầy ắp hạnh phúc của gia đình ông Trần Ngân, Thương binh hạng 2/4 ở xóm Trại, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Năm 1961, chưa đầy 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Trần Ngân lên đường nhập ngũ, làm quân của người tướng tài ba Đồng Sĩ Nguyên trên tuyến đường 559. Mồ côi mẹ từ lúc hơn 3 tháng tuổi, người lính trẻ khao khát tình cảm, luôn coi đơn vị là nhà, đồng đội như anh em ruột thịt. Gần 14 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên con đường huyền thoại, Trần Ngân hai lần bị thương vào vùng mắt phải, trong lần bị thương thứ hai ở mặt trận Tây Nguyên, anh em quân y phải trói tay chân, ghì chặt cơ thể ông để "khoét tươi" bên mắt bị hỏng để cứu con mắt trái đang có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tuy thị lực và sức khỏe giảm sút nhiều nhưng thượng sĩ Trần Ngân vẫn trụ vững ở Đoàn 559 thêm 8 năm nữa, đến trước ngày giải phóng miền Nam mới phục viên, trở về quê hương với thương tật hạng 2/4.

Rồi hạnh phúc bất ngờ đến với người cựu chiến binh ấy, trong phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ đang diễn ra sôi nổi ở quê hương, cô cán bộ đoàn Hán Thị Quả, người đẹp gái nhất, nhì xã Tiên Du đã "lên xe hoa" cùng anh thương binh hỏng mắt Trần Ngân. Bắt đầu từ đạo lý "đền ơn, đáp nghĩa", lòng tri ân ban đầu, tình yêu của họ cứ lớn dần theo thời gian, càng về sau càng nồng đượm, bền chặt.

Phát huy truyền thống, bản chất quân nhân, ông Ngân tích cực tham gia công tác ở địa phương, dù làm đội trưởng sản xuất, bí thư chi bộ hay trưởng khu hành chính, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, luôn được lãnh đạo xã tin tưởng, bà con thôn xóm tin yêu. Ông liên tục được công nhận là "người công dân kiểu mẫu", hội viên cựu chiến binh gương mẫu. Ông bà là người cao tuổi mẫu mực, là người chủ tiêu biểu của danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình hiếu học.

Gia cảnh khó khăn, chỉ được học đến lớp 4, ông Ngân thấm thía nỗi thiệt thòi thất học, bởi vậy, dù khó khăn chồng chất, nhưng vợ chồng người thương binh nơi xóm Trại heo hút của xã Tiên Du vẫn quyết cho con được học hành. Ngoài cậu con cả học hết phổ thông phải đi làm để đỡ đần bố mẹ, 3 cậu con trai còn lại đều tốt nghiệp đại học và tiếp tục học cao hơn; người con trai thứ hai là thạc sĩ giáo dục, đang giữ chức Hiệu trưởng một trường THPT, người con thứ ba là tiến sĩ, Trưởng khoa của Đại học Hùng Vương, người con út là kỹ sư công nghệ thông tin đang công tác tại Viettel Phú Thọ.

Năm nay ông Ngân 77 tuổi, bà Quả (vợ ông) 67 tuổi, nhưng dường như tình yêu của ông bà vẫn như đang độ thanh xuân. Ở làng quê ấm áp tình người, sống trong sự tin yêu của bà con lối xóm và lòng hiếu thảo của con cháu, ông bà thấy mình như trẻ lại, khỏe ra. Khoản trợ cấp thương tật của Nhà nước cùng với thu hoạch từ thửa ruộng, mảnh vườn đủ cho ông bà một cuộc sống tươm tất. Mỗi cuối tuần, hay dịp lễ tết, khi vợ chồng các con đưa các cháu về với ông bà, đại gia đình ông lại quây quần đầm ấm dưới mái nhà thân yêu. Các cháu lại được nghe ông nội kể về những năm tháng hào hùng ở Trường Sơn, bà nội kể về một thời thanh niên sôi nổi; ông bà luôn bảo ban con cháu điều hay, lẽ phải để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Nhớ lại thời quân ngũ, ám ảnh sâu đậm nhất trong ông là những cánh rừng Trường Sơn bị bom và chất độc hóa học làm trơ trụi. Khi ấy chả hiểu chất độc da cam là gì, mỗi khi thấy sương khói từ máy bay Mỹ, anh em chỉ biết bảo nhau lấy khăn ướt bịt mồm, bịt mũi cho đỡ khó chịu mà đi. Sau ngày giải ngũ, thấy một số đồng đội nay ốm mai đau, sinh con bị dị tật… thì mới biết do nhiễm chất độc hóa học.

Thấy tình trạng sức khỏe của ông, cơ quan thực hiện chính sách khuyên ông đi giám định nhưng ông cứ một mực từ chối, mãi về sau, chia sẻ về lý do này, ông Trần Ngân mới cho hay, là vì ông nghĩ tới tương lai của các con khi đây đó người ta vẫn kỳ thị sự ảnh hưởng của chất độc da cam khi chọn người dựng vợ gả chồng cho con!

Giờ đây, gia đình ông là một gia đình hòa thuận, trong mái ấm ấy có ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu chăm ngoan, trọng việc học hành; đó là hạnh phúc bình dị của gia đình ông Trần Ngân, người thương binh mắt không còn sáng nhưng lòng mãi trong. Bình dị đấy, nhưng bao người, bao gia đình mong ước mà chưa thể có được./.

Nguyễn Sản

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...