Ông Hồ Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội huyện Can Lộc thăm tặng quà NNCĐDC
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Da cam Việt Nam, ông Hồ Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội huyện Can Lộc cho rằng, chữ “Tâm” đối với cán bộ Hội, gồm “tình thương, trách nhiệm, sự biết ơn”. Tình thương, đó là tình cảm giữa người với người; trách nhiệm là sự tin tưởng mà cấp trên và nhân dân giao phó; “biết ơn” chính là việc làm đền ơn đáp nghĩa đối với người có công, từ đó chúng ta mới có nhiệt tình, sáng tạo trong hoạt động chăm sóc, bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi (TMC).
Một thực tế NNCĐDC, NKT & TMC chính là những người yếu thế trong xã hội, những NNCĐDC trực tiếp đều đã tuổi cao sức yếu, nhiều người còn là thương binh, độ tuổi của họ chủ yếu từ 70 tuổi trở lên, bản thân họ lại mang trong mình nhiều căn bệnh hiểm nghèo do ảnh hưởng của chất độc hóa học. Thế hệ con, cháu họ là những người khuyết tật, do di chứng chất độc hóa học từ người bố, người ông truyền sang; hoặc mồ côi, người nhiều tuổi cũng gần 50, đa số không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ.
Đi thực tế chúng tôi cũng nhận thấy, có nhiều gia đình NNCĐDC như một bệnh viện thu nhỏ, gồm thế hệ ông, cha, con, cháu, nằm la liệt, thiếu người phục vụ. Trên tường nhà là bảng “Thời khóa biểu” không phải cho học sinh đi học mà là để nhắc các thành viên trong gia đình uống thuốc đúng chỉ định và đúng lịch... Nhiều hoàn cảnh éo le, thiếu người chăm sóc, nếu không có tình thương, trách nhiệm và lòng biết ơn thì cán bộ Hội không thể đến gần hoặc đến một lần rồi không dám đến lần thứ hai, bởi một môi trường ô nhiễm bệnh tật, thiếu vệ sinh...Ông Hồ Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội huyện Can Lộc chia sẻ.
Để làm tốt công tác chăm sóc, bảo trợ NNCĐDC, NKT & TMC, Hội huyện Can Lộc đã phối hợp các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Tạp chí Da cam Việt Nam-Cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội, truyền tải nhiều thông tin; kết hợp công tác tuyên truyền miệng, pa nô, khẩu hiệu, băng rôn, bảng tin, bảng ảnh, thư ngỏ, tờ gấp, băng đĩa... cùng với tổ chức mít tinh, hội thảo, toạ đàm, giao lưu, gặp mặt nạn nhân, gặp mặt tôn vinh các nhà tài trợ, để xã hội hóa công tác bảo trợ, chăm sóc NNCĐDC, NKT & TMC. Đây cũng là hoạt động nổi bật tuyên truyền kỷ niệm 63 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2024) và hưởng ứng Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/ dioxin năm 2024 của Hội huyện Can Lộc.
Những người là NNCĐDC trực tiếp đều đã tuổi cao sức yếu, độ tuổi của họ chủ yếu từ 70 tuổi trở lên, nhiều người còn là thương binh nặng
Từ đầu năm đến nay, Thường trực Hội huyện Can Lộc đã có 18 buổi đi khảo sát nắm tình hình đời sống, hoàn cảnh hội viên của 18 xã, thị trấn trong toàn huyện. Các hội viên nạn nhân trực tiếp, tuổi cao sức yếu, ốm đau, bệnh tật đều được quan tâm chăm sóc với phương châm “của ít lòng nhiều” theo truyền thống dân tộc Việt Nam. Hội huyện đã hỗ trợ khám chữa bệnh 80 suất, trị giá 25 triệu đồng; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết: 280 suất, trị giá: 127 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa nhà tình thương (01 nhà), số tiền 5 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất: 02 suất, trị giá 20 triệu đồng; tặng 01 suất học bổng, trị giá 3 triệu đồng; Hỗ trợ khó khăn đột xuất: 5 suất, trị giá 5 triệu đồng...
Thường trực Hội huyện Can Lộc trao quà cho NNCĐDC
Nhờ làm tốt công tác truyền thông, vận động các nhà hảo tâm và công tác xã hội hóa nguồn thu, 6 tháng đầu năm 2024, Hội huyện Can Lộc đã vận động được 185 triệu đồng; đã chi chăm sóc, giúp đỡ, tặng quà cho NNCĐDC tổng cộng 185 triệu đồng (gồm tiền và hiện vật quy thành tiền).
Hội huyện Can Lộc hiện có 18 Chi hội cơ sở, với 425 hội viên, trong đó NNCĐDC trực tiếp là 187, NNCĐDC gián tiếp 183
Hội hyện Can Lộc đang đề xuất các cấp ngành có liên quan lưu tâm kiểm tra, rà soát, điều chỉnh chế độ cho một số đối tượng đặc biệt nặng và chế độ người nuôi dưỡng, để họ đủ trang trải cuộc sống, thuốc men hàng ngày; đề nghị xem xét một số đối tượng nạn nhân do thất lạc hồ sơ, nên hiện chưa được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Ông Hồ Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Quốc Khánh, Nguyệt Hằng
Bình luận