• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Ngày khai giảng, nhớ về nghị lực phi thường của NNCĐDC Hoàng Văn Ân

Anh Hoàng Văn Ân, ở xóm 5, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) được sinh ra đã không may mắn, bị liệt 1 tay và 2 chân bởi di chứng chất độc dacam do bố anh truyền lại, cuộc sống của anh hoàn toàn nhờ vào người khác. Nhưng bằng nghị lực phi thường, anh Hoàng Văn Ân đã truyền cảm hứng bứt phá ngoạn mục, ý chí vươn lên học giỏi cho lớp trẻ.

Bà Hoàng Thị Định, mẹ em, kể trong nước mắt nhưng không dấu được niềm tự hào về con: “Thương lắm chị ạ! Cháu là đứa thứ 5, con út của gia đình, sinh cháu ra vợ chồng tôi đã đặt tên cháu là Hoàng Văn Ân, để cầu mong ân huệ trời ban cho, với bao hạnh phúc, hi vọng, yêu thương,.. nhưng không ngờ cháu lại bị dị tật bẩm sinh do ông nhà tôi đi chiến đấu nhiễm phải chất độc da cam mà không hề hay biết. Khi con sinh ra, Ân chỉ có một cánh tay lành lặn, còn lại một tay và hai chân bị liệt hoàn toàn”.

Hoàng Van Ân chỉ có một cánh tay lành lặn, còn lại một tay và hai chân bị liệt hoàn toàn từ nhỏ

Gạt nước mắt, bà Định kể tiếp: “Sinh ra đã thiệt thòi vậy nhưng trời ban cho Ân rất sáng dạ, cháu thích đi học lắm, nhưng đến tuổi tới trường cháu vẫn không thể đến lớp được. Thương con, ông nhà tôi bế cháu đặt nằm trong chiếc rổ, cột lại trên chiếc xe đạp và đưa cháu đến trường, bế cháu vào lớp, đến giờ lại đón về. Học hết tiểu học, nghĩ là học thế được rồi, nhưng cháu cứ nằng nặc đòi đi học, chỉ thích mỗi học mà thôi. Và cứ thế Hoàng Ân lần lượt học lên đến cấp 3, may mắn trường học ở gần nhà thuận lợi cho việc đưa đón của bố mẹ hơn”.

Ông Hoàng Văn Thái, bố của Ân, kể một kỷ niệm khi con học cấp 3: “Có một lần, cháu học xong, vì tôi bận công việc chưa thể đi đón cháu, do công việc cuốn hút quá mà tôi quên đến giờ đi đón con, cháu lại được nghỉ sớm một tiết học. Khi trường đánh trống ra về, thầy cô lại hỏi cháu có muốn thầy cô chở về không, để thầy hoặc cô đưa về, nhưng cháu không chịu, mà nói, chỉ chờ bố đến đón về. Nhưng cháu chờ mãi, không thấy tôi đến chở về, cháu bắt đầu lăn từ trường về đến nhà, đầu tóc, người ngợm dính đầy bùn đất, đến mức mẹ cháu không nhận ra cháu. Còn tôi, khi đến trường đón cũng hoảng hốt, vì không có ai trên trường nữa. Về nhà, nhìn con, bế cháu vào lòng, tôi không cầm được nước mắt, thương con đến nghẹn ngào, con cũng có lòng tự trọng của nó. Tôi chỉ kịp nói câu: Bố xin lỗi con, bố đến trễ. Nó nói: Bữa sau Bố nhớ đón con nhé! Con chỉ muốn Bố chở về thôi!” Đó là kỷ niệm những ngày chở con đi học mà suốt đời này tôi không quên.

Hoàng Văn Ân là một hiện tượng vượt lên số phận

Tuy tật nguyền vậy nhưng kết quả học tập của Ân luôn dẫn đầu lớp. Năm Hoàng Văn Ân học lớp 12, vừa thi đậu tốt nghiệp cấp 3, được ông Phan Đình Trạc – Lúc đó là Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An đến tận nhà tặng cho cháu một dàn máy vi tính trị giá 20 triệu đồng trong niềm hân hoan xúc động đến tột cùng của cháu. Ông Phan Đình Trạc có hỏi: Cháu có muốn vào học Đại học không? Ân nói: Dạ có!

Thế rồi Hoàng Văn Ân đã thi đậu vào khoa công nghệ thông tin, Trường Đại học FPT Hà Nội. Niềm vui chưa tày gang thì bao nỗi lo chồng chất, ai sẽ ở bên cháu, bế cháu đến trường, lo cơm nước, giặt giũ cho cháu? Đó là vấn đề trăn trở mà nhiều đêm cha mẹ cháu đều không thể ngủ, nằm xuống là nước mắt lại lăn dài, vừa thương con, vừa xót con, mà học Đại học cách nhà những hơn 300km, tận ngoài Hà Nội. Bà thì chưa từng đặt chân đến Hà Nội, để biết đất Thủ đô như thế nào? Sau nhiều đêm mất ngủ, ông bà vẫn đi đến quyết định cho con đi học. Và người đưa con, nuôi con, chăm con, bên con là mẹ. Bà quyết định theo con ra Hà Nội suốt mấy năm học Đại học. Đối với bà là quá sức, nhưng sức mạnh của tình yêu thương luôn thắng thế, thắng cả thời gian, thắng cả sức nặng của tiền bạc. Bà nói: Thời điểm năm 2010 cháu đi học Đại học một tháng phải có 7,5 triệu đồng. Vợ chồng tôi lại tiếp tục trăn trở “Tiền đâu mà nuôi con ăn học”. Ông nhà tôi lại nói “Thôi, quyết tâm đi vay ngân hàng, cầm cố nhà cửa, vay tiền cho con ăn học, miễn con có cái nghề, phải ủng hộ con thôi”!

Hiện anh đã có công việc ổn định tại thành phố Hồ Chí Minh cùng những người đồng cảnh ngộ

Tốt nghiệp Đại học loại giỏi, Ân được một Công ty nước ngoài đón về làm với mức thu nhập hàng ngàn đô là mỗi tháng. Ngày đi làm được ông Giám đốc là người Hàn Quốc, về tận nơi đón ra Hà Nội, lo cho ăn ở và kiếm người giúp việc cho cháu”. Nay, Hoàng Văn Ân làm ở Đà Nẵng, khi thì ở Vũng Tàu, công việc cũng bận rộn, cháu rất nhớ nhà, muốn về thăm mẹ cũng không được, chỉ gọi nói chuyện với mẹ qua facebook. Bà nói: Hiện cháu đã có công việc ổn định tại thành phố Hồ Chí Minh, cháu muốn về thăm nhà lắm nhưng về thì nhiều công đoạn; ai bế cháu lên xe lăn, chở cháu ra sân bay, bồng cháu lên ghế ngồi, rồi đến khi xuống cũng vậy. Mà về phải có thời gian, chứ về một vài ba ngày chơi cũng không được. Tôi cũng nhớ con lắm, nhưng cũng không thể đi thăm được, có tuổi rồi, lại bị bệnh khá nặng, điều trị suốt. Tìm hiểu ra mới biết, gần 3 năm trở lại đây, bà bị ung thư vú, phải đi xạ trị rất nhiều lần, có lúc truyền hoá chất khiến tóc rụng hết, cũng không dám nói sợ con lo, chỉ biết cầu mong cho con khoẻ thôi!

Nhớ nhà nhưng anh chỉ gọi nói chuyện với mẹ qua máy tính

Ông Lê Cảnh Tứ - Chủ tịch Hội NNDC/dioxin huyện Nghi Lộc cho biết: “Cháu Hoàng Văn Ân là nạn nhân gián tiếp đời thứ hai trong gia đình có bố là nạn nhân trực tiếp khi tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, cựu chiến binh, thương binh Hoàng Văn Thái. Gia đình cháu rất gương mẫu trong các phong trào của địa phương. Đặc biệt, cháu Hoàng Văn Ân là một hiện tượng vượt lên số phận mà chúng tôi rất đỗi tự hào, ghi nhận, các nạn nhân gián tiếp thường là bị nặng hơn hơn nạn nhân trực tiếp và thường không tự chủ được hành vi của mình. Cháu Hoàng Văn Ân là một người hiếm hoi, nỗ lực trong học tập, bứt phá ngoạn mục, vươn lên, tuy nhiên, đó là may mắn của cháu khi có tình thương yêu vô bờ bến, thậm chí là sự hi sinh của cha mẹ, anh chị em trong gia đình và sự cổ vũ, động viên của cộng đồng xã hội”. Ông Lê Cảnh Tứ chia sẻ.

Cát Tường

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Thành hội Cần Thơ: Hướng tới Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI)   

    Thành hội Cần Thơ: Hướng tới Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ...

    Sau Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Công văn số 174-CV/TU, ngày 02/06/2021 về  “ T iếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương khóa XI”. Triển khai Công văn của Thành ủy; 9/9 Quận/ H uyện ủy của thành phố Cần Thơ đã có văn bản triển khai sâu rộng đến các cơ sở Đảng, ...