Ông Vi Văn Tình Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Tân Kỳ cho biết, huyện này có 1.440 hội viên thì các hội viên từng tham gia quân đội người ít nhất cũng 65 đến 70 tuổi. Bản thân ông tham gia quân đội 36 năm và ông là thương binh và cũng là nạn nhân trực tiếp. Trong thời chiến, ông là chiến sĩ sư đoàn 341, Quân doàn 4, chiến đấu vùng Đông Nam Bộ, trực tiếp vùng sân bay Biên Hoà. Sau ngày giải phóng trở về ông mới phát hiện mình bị nhiễm CĐDC/dioxin. Theo ông Vi Văn Tình, điều ông lo nhất là nếu ông bà cha mẹ mất thì các cháu (nạn nhân gián tiếp) sẽ rất khó khăn. Mặc dù chế độ mỗi tháng, mỗi nạn nhân bình quân được hưởng 2,5 triệu cả 1,6 triệu chăm sóc nhưng với lượng tiền ấy chi cho thuốc men, sinh hoạt thì đối tượng vô cùng khó khăn vì thế hệ con thường nặng hơn, không tự chủ sinh hoạt, tất cả đều phó mặc cho bố mẹ.
Trước mắt, các hội viên thuộc huyện Tân Kỳ có nhu cầu cần 175 xe lăn, trong số các hội viên thì có 450 gia đình hội viên đặc biệt khó khăn, có 10 gia đình, mỗi gia đình 3 nạn nhân cả bố và con.
Ông Phan Xuân Thanh, PCT hội Yên Thành cũng cho biết, trên địa bàn, các hội viên vừa là nạn nhân nhưng cũng là người chủ chốt chăm sóc gia đình, chăm sóc các nạn nhân là con của họ, trong khi tuổi họ đã cao, sức khỏe yếu, vết thương tái phát thường xuyên.
Đó là thực tế ghi nhận ở hai huyện Tân Kỳ và Yên Thành của tỉnh Nghệ An, theo ông Đinh Viết Hồng, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Nghệ An thì toàn tỉnh hiện còn hơn 14.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn 5.000 nạn nhân gián tiếp và đây sẽ là gành nặng xã hội nếu chúng ta không kịp thời tháo gỡ.
![]() |
Ông Vi Văn Tình Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Tân Kỳ vẫn phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe do vết thương tái phát |
Ông Vương Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết huyện có hơn 900 người hưởng chế độ chất độc da cam. Thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt chính sách đối với các nạn nhân. Cụ thể, các doanh nghiệp các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng huyện thực hiện đồng bộ chính sách. Đối với các trường hợp nặng thì hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở. Năm ngoái, huyện Nam Đàn đã xây dựng được 30 nhà tình nghĩa giá từ 50 đến 70 triệu đồng mỗi căn nhà. Huyện đã huy động các nguồn vốn tạo điều kiện cho các gia đình đó vay vốn sản xuất phù hợp với năng lực và sức khỏe của họ, giúp họ cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng NTM kiểu mẫu. Tuy vậy Nam Đàn vẫn còn 465 hộ nghèo/ 42.000 hộ toàn huyện. Ngoài ra huyện còn đào tạo nghề cho đối tượng nhiễm chất độc da cam học nghề thêu ren, nghề sản xuất nuôi trồng thủy sản... Nói chung có chính sách đào tạo theo năng lực của họ, có thể tham gia được may, hay thêu ren hoặc sản xuất tăm, từ đó họ có thu nhập thêm, mặc dù còn ít ỏi nhưng cũng góp phần động viên tạo niềm vui cho họ, cải thiện đời sống cá nhân và gia đình họ. Còn đối với những người nhiễm CĐDC đủ sức khỏe đều cơ bản được đào tạo nghề. Ông Thái cho biết.
![]() |
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm tặng quà TBB là NNCĐDC tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Nghệ An |
Tuy nhiên ông Vương Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đàn vẫn cho rằng, trên địa bàn huyện Nam Đàn thì những NNCĐDC đều là những người khổ nhất, vì vậy ông mong muốn nhà nước cần nghiên cứu bổ sung chính sách, nâng thêm chế độ cho họ, hỗ trợ sinh kế để họ được tham gia vào sản xuất. Thời gian vừa qua, Nam Đàn đã hỗ trợ tốt rồi nhưng vẫn chưa thể đủ, nhiều gia đình hoàn cảnh hết sức khó khăn, nên ngoài chế độ thì vẫn cần phải hỗ trợ thêm. Ông Vương Hồng Thái, đề xuất.
Về chính sách cho người được hưởng chế độ, năm ngoái huyện Nam Đàn đã thành lập tổ công tác đến từng nhà, rà từng đối tượng và đã phát hiện 15 trường hợp không đủ điều kiện nên đã đề nghị cắt giảm. Tuy nhiên huyện cũng phát hiện trường hợp hồ sơ chưa đủ nhưng qua kiểm tra thực tế thấy họ xứng đáng nên hướng dẫn họ làm thủ tục để hưởng chính sách. Có trường hợp ở xã Nam Nghĩa, sau khi rà soát lại thời gian trước của bố mẹ, qua các nhân chứng gia đình có 2 người, qua kiểm tra thì huyện đề xuất cho họ được hưởng. Mấy năm qua, huyện đã cắt chế độ một số đối tượng làm sai lệch hồ sơ và cũng không có đơn thư khiếu nại vì huyện làm đúng. Ông Vương Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đàn nói.
Theo ông Đinh Viết Hồng, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Nghệ An, Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An hiện có 34 thương binh nặng ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin và nay họ đã trên 70 tuổi, bên cạnh đó, con, cháu họ cũng là nạn nhân gián tiếp đang có nguy cơ thiếu người chăm sóc.
Quốc Khánh, Nguyệt Hằng
Bình luận