• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nghệ An: Nạn nhân chất độc da cam vượt lên số phận

Nhiều nạn nhân chất độc da cam khi trở về địa phương, họ còn là thương binh với nhiều vết thương trên thân thể. Tuy vậy giữa đời thường hôm nay họ vẫn lặng lẽ cống hiến giúp đời, đó là tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, giúp những người sống quanh mình có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Ông Phạm Ngọc Hậu, trú xóm 6, xã Nghi Phú, TP Vinh. Ông là thương binh hạng 2/4 tỷ lệ thương tật 62 %, bản thân ông và hai người con đều mang di chứng chất độc da cam/dioxin. Ông Hậu còn bị mất một chân, tôi thường đùa ông: Ông tuy chân giả nhưng sống rất chân thật.

Ông là một người trong gia đình theo đạo Thiên chúa, năm 1968 khi chưa tròn 17 tuổi, Phạm Ngọc Hậu đã xung phong nhập ngũ.

Ông được tuyển vào một đơn vị đặc công, biên chế vào Đại đội 12 trực tiếp chiến đấu tại Quảng Trị từ năm 1968 đến năm 1972. Ông tham gia nhiều trận đánh cam go, ác liệt và ông đã vượt qua; kể cả sức chịu đựng bom đạn và thiếu thốn vật chất .

Ông đã chiến đấu tại các địa danh với những cứ điểm từ Dốc Miếu, Cồn Tiên , Động Ông Gio, Động Toàn, Cao điểm 241 đến sân bay Cùa. Tất cả các cứ điểm ấy đều được bảo vệ bằng nhiều lớp dây thép gai, Lô cốt ... Có hôm từ điểm cao vượt qua nhiều tọa độ lửa để xuống suối lấy nước, ông tìm mãi mới thấy một hố nước trong xanh, nên đong vội vào mấy bình tông. Sau đó đi thêm mấy bước mới phát hiện một xác người đã thối rữa, đành phải đổ nước ấy để đi tìm nguồn nước khác .

Có hôm 3 người trong Tiểu đội đi tìm rau rừng, không may vấp mìn làm một đồng đội hy sinh, một người khác bị thương; ông phải vừa chôn cất liệt sỹ vừa cõng thương binh về chốt .

Chính trong những ngày tháng ác liệt đó, ông đã chiến đấu kiên cường và giành được nhiều chiến công xuất sắc .

Năm 1972 trong một trận đánh ác liệt ở Cam Lộ nhiều đồng đội hy sinh, anh cũng bị thương nặng, sau đó được đồng đội cấp cứu và chuyển thương về tuyến sau. Từ đó ông không còn cơ hội để trở lại chiến trường tiếp tục cuộc chiến đấu, vì vết thương rất nặng ở đầu; chân phải ông bị nát không còn bảo tồn được nên đành phải cắt bỏ.

Sau ngày đất nước hòa bình, ông được phục viên về quê lấy vợ, sinh con, gia đình đoàn tụ.

Thế nhưng, di chứng từ những trận bom rải thảm, những chất độc hóa học do MỸ phun rải làm chết môi trường và những trận bom Na pan thiêu cháy cả đất trời Quảng Trị năm nào đã trở về cấu xé cơ thể anh. Niềm hạnh phúc đón các con ra đời đã sớm vụt tắt do bị di chứng chất độc da cam.

Đứa con gái mang nhiều dị tật bẩm sinh nên chẳng biết làm gì, không có chồng con, người con trai Phạm Văn Hiệp, niềm hy vọng nối dõi tông đường thì toàn thân nổi lên từng đám tím bầm, cơ thể lúc nào cũng nóng trên 38°C, cứ ngất lên ngất xuống. Nhiều hôm nóng quá, cháu không chịu nổi đã nhảy xuống giếng làm cả nhà hết hồn phải gọi bà con lối xóm tới cứu giúp. Nhìn hoàn cảnh ông đúng với lời nói của ông Nguyễn Minh Triết khi ông đang giữ chức Chủ tịch nước: "Nạn nhân chất độc da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ".

Nghệ An: Nạn nhân da cam vẫn lặng lẽ giúp đời
Ông Phạm Ngọc Hậu (trái) bên đứa con bị di chứng chất độc da cam/dioxin

Tuy hoàn cảnh như vậy nhưng ông Hậu luôn tham gia nhiều hoạt động của địa phương, sống gương mẫu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tổ chức hội giao phó. Ông nói, mình là Cựu chiến binh đang còn sức thì phải tham gia xây dựng quê hương. Theo ông, trước đây đi chiến đấu là để giành cho được độc lập tự do, nhằm xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vì vậy khi về địa phương, ông nhận làm xóm trưởng, cho dù “Ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng” 17 năm liên tục. Ông Hậu dí dỏm kể "Lúc đầu đến nhà dân chưa quen, có lần bị chó đuổi cắn do chân giả không né được nên ông cứ đưa chân gỗ cho nó cắn; Đến lúc không căn nổi, làm con chó cũng khiếp vía và không cắn nữa". Ông còn tạo việc làm cho nhiều người dân trong xóm, như gói giò, xay lạc, làm bánh, bún ... giúp họ ổn định đời sống.

Phát huy bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ, ông đã vượt qua những thử thách lớn trong đời thường; ông luôn tâm niệm mình là người theo đạo, vì vậy tỏ lòng kính Chúa thì phải yêu Nước thương Dân.

Ông Hậu nói: “Trong chiến tranh mình có đóng góp chút công lao nhưng so với bao người khác nằm lại trên chiến trường, thì mình còn may mắn hơn nhiều, mình còn được thấy đất nước hòa bình và nhân dân được ấm no hạnh phúc”.

Tạ Quang Dư

Chủ tịch Hội TP. Vinh, tỉnh Nghệ An

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác