Cờ đỏ rợp cả những nơi heo hút núi rừng
Và trên những ngôi nhà sàn
Ngày áp Tết, điều ấn tượng nhất khi về xứ hương trầm đó là cờ đỏ rợp trời. Từ người già đến trẻ nhỏ bảo rằng, hễ đến Tết là nhà nhà treo cờ, làm cây nêu. Chỉ cần thế thôi là đã thấy sắc Tết tràn ngập bản quê, yên bình, no ấm hạnh phúc.
Những ngày này các thôn cùng ngõ bản đều rợp trời cờ đỏ, tất cả các lối nhỏ đều thơm ngát mùi hương trầm cùng không khí sản xuất, mua bán khẩn trương, tấp nập. Ngày cận Tết, người lớn kẻ vào rừng, lên non, xuống chợ sắm Tết. Đặc biệt những lao động chính của gia đình đa số làm việc tại các cơ sở sản xuất hương trầm.
Bà Hợi, chủ hộ sản xuất hương trầm ở bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu cho biết, để kịp thời giao hàng cho các đơn hàng ở nhiều vùng quê khắp cả nước, cơ sở sản xuất hương Thiết Hợi phải huy động tới 10 đến 20 nhân công tranh thủ làm việc ngày, đêm tăng ca sản xuất.
Chị Lương Thị Hoa, bản Kẻ Bọn, chia sẻ, trước đây chi phải đi làm thuê các tỉnh miền Nam để kiếm tiền. Còn khi về Tết thì vào rừng hái củi, kiếm măng và các loại rau rừng về bán, nhưng nay làm nghề cuốn hương trầm chỉ vài tháng vẫn cho thu nhập bằng cả năm lam lũ nên chị bỏ nghề làm ăn xa quê. Bây giờ về cuốn trầm hương, được ở gần gia đình nên rất yên tâm. Nghề này không cần quá nhiều sức và không vất vả như đi rừng, ai cũng có thể làm được; không cần phải khỏe mạnh như gánh củi. Thế nhưng, cần có kĩ năng và càng làm việc lâu năm thì kĩ năng càng giỏi, nếu cuốn lỏng quá thì bột sẽ rơi, còn cuốn chặt quả thì giấy sẽ hỏng, sản phẩm đưa ra thị trường sẽ không đồng đều, dễ bị lỗi nên đòi hỏi sự khéo léo nhưng phải nhanh. Với nghề cuốn hương trầm, mỗi ngày chị cũng có thu nhập từ 250.000-300.000 đồng. Chị Lương Thị Hoa cho biết.
Nghề hương trầm giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ có thu nhập cao
Theo người cuốn hương trầm Quỳ Châu, để cho ra một que hương hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cách trộn các nguyên liệu, mỗi cơ sở sẽ có bí quyết phối trộn riêng nhưng nguyên liệu phải là các thành phần tự nhiên sẵn có ở vùng núi Quỳ Châu như rễ cây hương bài, thảo quả, hồi, đinh hương, cật lùng và kết quả là mùi hương trầm Quỳ Châu không giống bất kì mùi hương của bất cứ địa phương nào trên cả nước, nên rất được khách hàng ưa chuộng. Và cũng chính vì thế, hương trầm hương Quỳ Châu đã có mặt tại nhiều địa phương trong cả nước và xuất khẩu.
Để nâng cao tính cạnh tranh, nhiều cơ sở đã mạnh dạn đa dạng các sản phẩm như hương vòng, hương nụ. Một số cơ sở đã đầu tư xây dựng thương hiệu thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Nghệ An). Một số cơ sở được công nhận là sản phẩm OCOP với doanh thu hàng năm từ 2 tỷ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, huyện Quỳ Châu còn xây dựng thành làng nghề hương trầm; chú trọng tạo điều kiện cho các chủ hộ về cơ chế chính sách cũng như tiêu thụ sản phẩm. Riêng thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, đã có trên 40 hộ, cơ sở sản xuất trầm hương, và có hơn 200 hộ nhỏ lẻ làm nghề này.
Năm 2019, thương hiệu Trầm hương Quỳ Châu đã được Cục sở hữu trí tuệ Công nhận đăng ký bảo hộ và được Sở Khoa học nghệ công nhận bảo hộ thương hiệu và sản phẩm. Hiện đã có nhiều cơ sở được công nhận sản phẩm 3 sao OCOP.
Trong định hướng phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, địa phương mở rộng quy mô sản xuất, đưa các hộ vào sản xuất quy quy mô nhóm hộ, phát triển theo "chuỗi giá trị sản phẩm."
Cây rễ hương được trồng nhiều trên địa bàn huyện Quỳ Châu
Đặc biệt, huyện Quỳ Châu mở rộng vùng nguyên liệu, trong đó có cây quế, cây hương bài và cây lùng, những nguyên liệu địa phương đặc trung của trầm hương Quỳ Châu.
Hiện nay hương trầm Quỳ Châu không chỉ được bán rộng rãi trong thị trường cả nước mà còn được xuất đi nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ và các nước Châu Á để phục vụ bà con kiều bào xa Tổ quốc đón Tết. Với sự phát triển đi lên của làng nghề, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, mỗi dịp tết đến xuân về, nghề sản xuất hương trầm ở Quỳ Châu có doanh thu từ đạt khoảng gần 40 tỷ đồng, khoảng gần 50 triệu que hương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ.
Huyện Quỳ Châu nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 150 cây số, trên Quốc lộ 48 sang Lào; là nơi sinh sống của bà con dân tộc Thái chiếm 70% dân số; Quỳ Châu cũng nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn của du khách dịp Tết với Lễ hội hang Thẳm Bua, Mường Chiêng Ngam, những danh thắng làng Thái cổ ẩm thực phong phú; thác nước Tạt Ngoi, thác Đủa; Bù Đằng thời nghĩa binh Lê Lợi ở xã Châu Hội... và làng nghề hương trầm.
Lang Quốc Khánh
Bình luận