• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nghị lực của những người Mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin

Sắp đến Ngày Quốc tế Phụ nữ  08/3/2024, tôi có chuyến đi, về các vùng thôn quê của tỉnh Bình Thuận. Hơn 60 năm về trước, những mảnh đất này phải gánh chịu hàng trăm tấn chất độc hóa học do Mỹ phun rải.  

 

  

Người phụ nữ tôi gặp đầu tiên là người thương binh Trần Thị Tánh sinh năm1948, nữ du kích trong Tiểu đội “Nữ du kích Anh hùng Lực lượng vũ trang” tỉnh Quảng Bình năm xưa. Hiện bà sống tại Khu phố 13, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Bà và 2 con là nạn nhân chất độc da cam (tỷ lệ 81%).

Hơn 50 năm về 8 trước, trên mảnh đất quê hương huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi bà sinh ra bị bom đạn Mỹ cày xới quanh năm, năm 1964 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà cùng bạn trai (sau nay là chồng) lên đường nhập ngũ. Vào sinh, ra tử trên mảnh đất quê mẹ Anh hùng, cả 2 người vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay trên mâm pháo. Năm 1975, hoàn thành nhiệm vụ, họ nên vợ, nên chồng về quê sinh đứa con đầu lòng. Lúc bấy giờ  kinh tế gia đình quá khó khăn, vợ chồng, con cái kéo nhau lên miền rừng núi Tuyên Hoá (Quảnh Bình) kiếm sống. Đến năm 1991, chồng bà qua đời, để lại cho bà 5 đứa con thơ, trong đó 2 đứa bị tật nguyền (nạn nhân chất độc da cam 81%). Năm 1995, bà cùng 5 người con lưu lạc khắp xứ người và bến đậu cuối cùng là vùng cát hoang sơ nay là khu phố13 phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Được bà con làng chài đùm bọc, chính quyền địa phương quan tâm cho đất, dựng chòi, bà cùng 3 người con đi làm thuê kiếm sống qua ngày để nuôi hai cháu bị nhiễm chất độc da cam. Hiện 2 người con gái, một người con trai của bà đã có gia đình ra ở riêng.

 Năm 2002, thực hiện chính sách với người có công đã từng tham gia hoạt động kháng chiến, bà và 2 con Nguyễn Thị Duy; Nguyễn Đình Diên được hưởng chế độ hàng tháng. Được sự quan tâm của Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bình Thuận; thành phố Phan Thiết; chính quyền phường Mũi Né. Tết Giáp Thìn 2024, mẹ con bà Trần Thị Tánh được thụ hưởng một cái tết hạnh phúc đầy ắp tình người trong căn nhà mới khang trang; giá trị 150 triệu đồng, do Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Bình Thuận; Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bình Thuận; Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh và một số nhà hảo tâm ủng hộ. Niềm vui tràn ngập, bà không kìm nén được xúc động, bà chỉ biết khóc và cảm ơn. 

Hiện bà Tánh là trụ cột trong gia đình, mọi công việc nặng nhọc, chăm sóc, nuôi dưỡng 2 con bị bệnh tâm thần đều đặt hết lên đôi vai gầy của bà. Thương con, đêm nằm bà khóc hết nước mắt, bà nghẹn ngào chia sẻ: “Không biết rồi đây tôi chết đi, 2 đứa không biết sống ra sao? Ai lo ăn, lo tắm rửa, vệ sinh cho chúng nó…”.

 Về Bắc Bình, mảnh đất Anh hùng trong kháng chiến, gặp chị Nguyễn Thị Thuỷ, sinh năm 1968 và 2 đứa con tật nguyền trong căn nhà tình thương hơn 30 m2 ở KP Xuân An 1, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Chị và anh Đặng Văn Nhân đến với nhau như bao chàng trai, cô gái khác ở vùng quê. Cùng sinh ra, lớn lên, cùng đi làm rẫy, đốt than kiếm sống hàng ngày trên vùng căn cứ cách mạng khu Lê Hồng Phong, đây là khu vực căn cứ chiến khu, bị Mỹ rải chất độc hóa học ngay từ năm 1961 đến 1968.

Anh chị yêu nhau rồi nên duyên chồng vợ, đến 1987 chị sinh cháu Đặng Thị Mỹ Dung, không nói được, hai chân bị teo, đi lại không được, tất cả sinh  hoạt phải nhờ vào bàn tay của mẹ. Năm 1990, chị sinh thêm cháu Đặng Văn Nhiên, cũng không biết nói, 2 chân bị liệt nên phải bò. Trước hình ảnh 2 con như vậy, vào một đêm, anh Nhân bỏ nhà ra đi không một lời từ biệt vợ con cho đến bây giờ; để lại cho chị hai đứa con tật nguyền, khi chị mới tròn 22 tuổi. Cuộc sống của cô thôn nữ từ đây bị trói buộc tại chỗ bởi không thể rời hai đứa con tật nguyền nửa bước. Chị cho biết: “37 năm làm mẹ, chưa một lần được nghe tiếng con gọi mẹ; cha bỏ đi chưa một lần quay về cho con mọt cái kẹo”.

Chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch hội NNCĐDC/dioxin thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình nói: “Cuộc sống của 3 mẹ con chị Thủy, mấy chục năm nay phải nhờ sự  giúp đỡ của gia đình, xã hội và địa phương: xây nhà mái ấm tình thương; cho gạo; tiền; nhu yếu  phẩm sinh hoạt; cháu ốm đau phải nhờ y, bác sỹ chăm nom miễn phí. Hiện 2 cháu được trợ cấp 720.000 đồng/cháu/tháng; chị Thủy được 360.000 đồng/tháng (nuôi con).

Đến với gia đình bà Hoàng Thị Thuận, sinh năm 1950; bà cùng chồng,  ông Nguyễn Văn Bốn (1949), là chiến sỹ 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vào thôn 1 (xã kinh tế mới) Tân Hà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận từ năm 1989. Hiện bản thân ông là nạn nhân chất độc gia cam 41%, ông bà sinh ra 5 người con; 3 gái, 2 trai; riêng cháu trai đầu Nguyễn Bình Minh (1972), bị dị dạng từ trong bụng mẹ; cháu trai út sinh ra thần kinh cũng không bình thường. Bà kể chuyện mà nước mắt dầm dề: “ Sinh ra cháu  chỉ hơn một kg, suốt 2 năm đầu, đêm nào cháu cũng khóc, không ngủ, vợ chồng tôi thay nhau thức cùng con”. Hiện cháu hơn 50 tuổi, chỉ nặng khoảng 20 kg,  người tròn vo, với đôi mắt sáng, chân, tay co quắp, cao chưa đầy nửa mét. Trao đổi với tôi, ông Vũ Tiến Lập, CCB xã  kể: “Vợ chồng ông bà đã già, giờ phải nuôi 2 cháu tật nguyền, riêng cháu Thanh Minh đã trên 50 năm, chỉ một tay mẹ ngoài ra không ai nuôi được”?

Khác với hoàn cảnh bà Thuận, bà Đặng Thị Kiểu (1958), chồng bà là người tham gia hoạt động kháng chiến, nạn nhân chất độc da cam (đã qua đời năm1998). Năm 1992, gia đình bà từ huyện Phú Lộc, tỉnh ThừaThiên Huế vào thôn 3, xã Tân Hà, huyện Đức Linh lập nghiệp. Bà sinh được 3 người con, em Lê Thị Liễu (1981) sinh ra không có 2 bàn tay, 2 bàn chân; lớn lên Liễu là cô gái rất xinh đẹp, nhiều chàng trai rất muốn đến với em song họ ngại…. Khi biết em bị nhiễm chất độc da cam từ người cha. Năm 2022, ý nguyện chính đáng mong muốn được làm mẹ để có đứa con làm vui khi tuổi già. Em tìm đến anh Nguyễn Văn Anh quê Long An, công nhân cạo mủ cao su thuê; rồi họ có với nhau một bé gái Lê Nguyễn Uyên Nhi; oái ăm, bé Nhi sinh ra không có 2 bàn tay, 2 bàn chân như mẹ, người cha thấy vậy lặng lẽ ra đi, không nói một lời. “Nhà nghèo lại càng nghèo, để lại cho bà Kiểu vừa nuôi con là nạn nhân chất độc da cam, giờ phải nuôi thêm cháu, bà nghẹn ngào tâm sự”.      

 Những người mẹ của NNCĐĐC, có nghị lực phi thường và tình yêu vô bờ bến

Bà Trần Thị Tánh

Bà Nguyễn Thị Thủy

Bà Hoàng Thị Thuận

Bà Đặng Thị Kiểu

Chia tay bà Trần Thị Tánh, Nguyễn Thị Thủy; Hoàng Thị Thuận; Đặng Thị Kiểu, họ là những người mẹ đại diện cho hàng ngàn người mẹ suốt đêm không ngủ vì phải nuôi những đứa con bị nhiễm chất độc da cam do hậu quả của chiến tranh để lại.  Tôi trăn trở một điều: “Chỉ có những người phụ nữ Việt Nam, họ có trái tim nhân hậu, có tình thương yêu vô bờ bến, có niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn, mới vượt qua được những nỗi đau dai dẳng bám theo gia đình họ và họ đã khóc đến cạn kiệt nước mắt”. Chúng ta khâm phục nghị lực, trân trọng sự yêu thương của họ, nhưng đừng đứng ngoài, hãy chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống./.

 

                                                              Danh Lư

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác