• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Người anh hùng trên trận tuyến mới

Tại Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018 – 2023, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình, Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, được bầu lại làm Chủ tịch Tỉnh hội. Đây là nhiệm kỳ thứ tư liên tục ông được bầu vào Ban Chấp hành và giữ vai trò chủ trì Tỉnh hội Thái Bình. Ông là một trong những người có tuổi đời cao nhất, có thời gian tham gia công tác hội dài nhất trong đội ngũ cán bộ hội cả nước.

Tuổi thơ gian khó, tuổi trẻ xông pha

Ông Nguyễn Văn Hạnh, sinh năm 1939, tại thôn Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Mới 4 tuổi đã mồ côi cha, 14 tuổi mồ côi mẹ, ông không được đi học phổ thông, nhưng tích cực học bình dân học vụ vào ban đêm; khi biết chữ hăng hái tham gia làm giáo viên xóa mù cho nhân dân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm liên lạc du kích địa phương, từng 15 lần xung phong đi bộ đội nhưng vì còn quá nhỏ nên ước mơ đó mãi tới tháng 3/1959 mới trở thành hiện thực.

Năm 1960, ông được chọn vào danh sách đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Hơn 14 năm trên đất Bạn, ông và đồng đội cùng nhân dân và lực lượng vũ trang của Bạn bát cơm chia đôi, cọng rau bẻ nửa, sống chết có nhau và đã ghi dấu chiến công ở Sầm Nưa, Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, Phu Cút, Phu Noong, Na Pheng, Hủa Na, Na Tàn…Đặc biệt là những năm tháng hoạt động trong lòng địch, xây dựng khu căn cứ, hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp của địch, ngoan cường trụ bám, chiến đấu chống càn, bảo vệ căn cứ, phát triển phong trào cách mạng ở Viêng Chăn và các khu vực lân cận.

Năm 1968, ông Nguyễn Văn Hạnh (tên Lào là Vi Xay Văn Cha Lơn) được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, được Nhà nước Lào tặng Huân chương Ít – xa – la hạng Nhất.

Trở về tỉnh nhà hoạt động trên lĩnh vực quân sự địa phương, sau 5 năm giữ chức Chỉ huy trưởng Ban CHQS, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Kiến Xương, năm 1985, ông Hạnh được bổ nhiệm chức vụ Phó Chỉ huy trưởng rồi Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thái Bình; được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên UBND tỉnh, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh, Đại biểu Quốc hội khóa VIII.

Năm 1997, nhận quyết định nghỉ hưu chưa đầy 3 tháng nhưng chưa nghỉ ngày nào, ngày 17/5/1997, tại Đại hội lần thứ II Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình, ông được bầu làm Chủ tịch Hội. Ông đã cùng tập thể Ban Chấp hành tích cực tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp ở địa phương, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn.

Tuổi cao chí càng cao

Ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất dộc da cam/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động. Ngay sau đó, Trung ương Hội chọn Thái Bình, một trong những tỉnh có số lượng nạn nhân chất độc da nhiều nhất nước, làm điểm thành lập hội cấp tỉnh để rút kinh nghiệm.

Khám bệnh, cấp thuốc cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đồng ý tiến hành Đại hội vào ngày 10/8/2004 và dự kiến bà Nguyễn Thị Nhàn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh mới nghỉ hưu ra làm Chủ tịch Hội. Tình huống hy hữu xảy ra. Sắp đến ngày Đại hội, bà Nhàn đi Hà Nội với con cháu. Trong tình thế đã sát ngày Đại hội mà chưa có nhân sự Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Hạnh là nhân vật được chọn. Ông được bầu vào Ban Chấp hành, giữ chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và giữ vai trò “cầm càng” Tỉnh hội từ đó đến nay.

Sau gần 15 năm trên cương vị Chủ tịch, ông đã cùng Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh hội Thái Bình luôn luôn trăn trở, tìm cách tháo gỡ vướng mắc, bao phen lăn lộn vào Nam ra Bắc, cùng nhau vượt khó đi lên. Thành quả mà ông và các cộng sự có thể tự hào là mạng lưới tổ chức hội đã phủ khắp 8 huyện, thành phố; 286 xã, phường, thị trấn; 1.983 thôn, tổ dân phố; với 22.000 hội viên. Đáng chú ý, tại Đại hội lần thứ III, Hội được UBND tỉnh phê duyệt Điều lệ, xác định là Hội 3 cấp. Hội luôn nhạy bén, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu đề xuất với lãnh đạo tỉnh các vấn đề liên quan đến nạn nhân chất độc da cam; tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả. Hội đã vận động cộng đồng ủng hộ gần 60 tỉ đồng; trợ cấp khó khăn, tặng quà cho gần 10 vạn lượt nạn nhân; tẩy độc cho 3.000 người; xây dựng 410 ngôi nhà tình nghĩa; dạy nghề, tạo việc làm cho 300 con, cháu nạn nhân. Hội có trụ sở làm việc kiêm Trung tâm Dạy nghề, thường xuyên dạy nghề từ 20 – 30 cháu; có Trung tâm Tẩy độc, mỗi tháng tẩy độc cho 30 – 40 nạn nhân; có nhà ăn, nhà bếp, nhà ở đầy đủ tiện nghi; có 1 xe 4 chỗ, 1 xe 12 chỗ, 5 máy vi tính văn phòng và nhiều phương tiện đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho nạn nhân và cán bộ, nhân viên cơ quan. Quỹ hội có nguồn tài chính thường xuyên đảm bảo hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

Với những thành tích đã đạt được, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Trung ương Hội và UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen. Ông Nguyễn Văn Hạnh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen; nhưng phần thưởng lớn nhất đối với ông là được lãnh đạo địa phương và Trung ương Hội tin cậy, nhân dân ủng hộ, nạn nhân chất độc da cam kính trọng, gửi gắm tin yêu.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...