• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Người cựu chiến binh ân nghĩa với đồng đội

Những năm qua, không kể ngày nắng hay ngày mưa cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Chớ và đồng đội vượt qua bao đèo cao, vực sâu, cơm vắt, ngủ rừng vào các chiến trường xưa như: Đá Bạc, Cam Tuyền, Cồn Tiên, Cầu Đuồi cho đến Hải Trường, Chiêm Dòng, Đường 9… tỉnh Quảng Trị hay sang đất bạn Lào để tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội đã từng một thời vào sinh ra tử với ông ngày ấy. Đến nay, ông đã tìm kiếm, quy tập, chỉ dẫn thông tin 1.300 liệt sỹ cho các gia đình người thân trên khắp cả nước.
Cựu chiến binh Lê Văn Chớ

Hẹn gặp ông tại nhà riêng, trong ngôi nhà nằm bên con sông Cày thuộc thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh. Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng ông cao to, hồng hào và nhanh nhẹn. Ông chia sẻ “Nhìn tôi thế này thôi nhưng mỗi lần trái gió, trở trời vết thương tái phát người đau tê dại, ngày nào cũng phải nhờ vào thuốc”. CCB Lê Văn Chớ, sinh năm 1949, quê ở Thạch Mỹ, Thạch Hà, Hà Tĩnh, năm 1966 chàng thanh niên Lê Văn Chớ mới 17 tuổi, viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được chấp nhân, ông được biên chế vào Đại đội Trinh sát 17, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324, Quân khu Trị Thiên. Lê Văn Chớ là một trinh sát dũng cảm, nhanh nhẹn, mũi trưởng đặc công gan dạ, mưu trí. Nhiệm vụ chính của ông là đi đầu trinh sát thám thính nắm thông tin và dẫn đường cho đơn vị, đồng thời, ông còn là một tay súng cừ khôi trong các trận đánh.

Rạng sáng ngày 19/5/1970, đơn vị ông tham gia đánh Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 54 Nguỵ tại cao điểm 440 (Động Chiêm Dòng), tây Hải Lăng, Quảng Trị, mũi chủ công của Đại đội 20 đặc công Trung đoàn 812 do ông dẫn đầu luồn sâu đánh vào sở chỉ huy và khu thông tin của địch. Sau lễ truy điệu cùng 9 liệt sỹ khác, đơn vị phát hiện ông còn thoi thóp trong bọc ny lông thứ 10, mở bọc ni lông thấy vết đạn xuyên từ lưng qua bụng và nhiều vết thương khác khắp mình, mất nhiều máu. Đơn vị chuyển ông về tuyến sau để cứu chữa. Bốn năm ở chiến trường, người lính trinh sát đặc công Lê Văn Chớ đã 7 lần được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, 3 lần được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng nhất, nhì, ba và hàng chục bằng khen; ông là tấm gương chiến đấu tiêu biểu của Quân khu Trị Thiên. Năm 1972, ông được điều về biệt phái làm Đại đội trưởng Đại đội TNXP 476 - N40P18 tỉnh Hà Tĩnh.

Chiến tranh kết thúc, CCB Lê Văn Chớ trở về quê nhà xã Thạch Mỹ, Thạch Hà, Hà Tĩnh, miền quê nghèo cát trắng, với hai bàn tay không, thương tật trên mình 61%, nhiều đêm vết thương tái phát nhưng vẫn không quật ngã được người lính trinh sát gan dạ đã vào sinh ra tử. Trở về đời thường ông đối mặt với bao khó khăn gian khổ vì miếng cơm manh áo để xây dựng gia đình, chăm lo cho vợ con. Ông bàn với vợ làm bún, làm bánh mướt, mở dịch vụ chiếu phim, sửa chữa xe đạp ở chợ Cồn. Hằng đêm người đi chợ thường gọi mượn bơm, gọi vá xe nên đặt cho ông cái tên dễ thương “Chớ Cồn”.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới ông quay sang đi nhận thầu các công trình Điện - Đường - Trường - Trạm, xây hồ, đắp đập, cầu phà, việc gì ông cũng xông xáo, năng động, dám nghĩ, dám làm. Khi có kinh nghiệm quản lý và một số vốn kha khá ông mạnh dạn mở Hợp tác xã Thương binh 27/7 làm đủ nghề, từ làm mộc, xây dựng, đến nhà hàng, khách sạn, đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động là con, em, người thân đồng đội cũ nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Hội trường của Khách sạn Hoàng Anh trở thành mái nhà chung của thân nhân các liệt sỹ

Sau gần 20 năm bươn chải, lăn lộn với thương trường không kém phần khốc liệt; hơn mười năm qua ông lại giành hết tâm sức, thời gian về lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội một thời cùng chiến đấu. Hội trường rộng 150m2 của Khách sạn Hoàng Anh đáng lẽ giành cho kinh doanh nhà hàng, tiệc cưới thế nhưng ông lại biến nó thành phòng truyền thống của CCB Sư đoàn 324, nơi gặp mặt, giao lưu, nơi hương khói cho đồng đội từ nhiều năm nay. Và đây, trở thành mái nhà chung của thân nhân các liệt sỹ dừng chân nghỉ lại, những CCB may mắn sống sót trở về từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, là những người anh, người chị thuộc tổng đội thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc nơi một thời ông là Đại đội trưởng.

Khi tôi hỏi: "tại sao đến tuổi này ông không giành thời gian nghỉ ngơi, an dưỡng mà còn tiếp tục vượt qua bao đèo cao, vực sâu, ăn cơm vắt, ngủ rừng để kiếm tìm hài cốt đồng đội"? Đôi mắt ông rưng rưng, đỏ hoe, nhìn vào các di ảnh ở phòng truyền thống ông xúc động tâm sự: “Nhiều đêm nằm, tôi không sao ngủ được, nghĩ đến đồng đội đang nằm lại chiến trường mà trong lòng tôi xót xa, day dứt lắm. Tôi bị thương đứt 4 khúc ruột mà vẫn còn sống đến ngày hôm nay. Có được may mắn đó tôi nghĩ là nhờ sự che chở, đùm bọc, phù hộ, độ trì của đồng đội. Nên khi miếng cơm manh áo cho vợ con không còn là gánh nặng nữa tôi giành thời gian, tiền của để cùng với gia đình người thân các liệt sỹ đi tìm hài cốt đưa các anh về yên nghỉ nơi đất mẹ”. Không chỉ đi tìm hài cốt liệt sỹ mà nhiều năm qua đồng đội của ông may mắn được trở về ai gặp khó khăn trong cuộc sống là ông đến động viên, giúp đỡ hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, đã có nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong kinh doanh ông luôn gương mẫu chấp hành nghiêm chính sách pháp luật nhà nước, đóng góp tiền thuế đầy đủ và có nhiều đóng góp cho các hoạt động phúc lợi ở địa phương.

CCB Lê Văn Chớ có thể quên tuổi mình, có thể lẫn lộn trong buôn bán thương trường nhưng với ông ngày, tháng, những trận đánh, giờ phút những đồng đội hy sinh, quân số bao nhiêu người, vào trận ra sao, ra trận như thế nào ông đều nhớ hết nhờ đó mà hơn mười năm qua ông và đồng đội đã tìm kiếm, quy tập, chỉ dẫn thông tin 1.300 liệt sỹ cho các gia đình người thân trên khắp cả nước để đưa các anh trở về với đất mẹ yêu thương./.

Cát Tường

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...