• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Những người lính Trường Sơn tỏa sáng giữa đời thường

Cảm thông với những số phận thiệt thòi, nhiều cán bộ hội viên Hội NNCĐDC/dioxin và Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tham gia hoạt động Hội, có nhiều đóng góp đem lại giá trị thiết thực cho hội viên và đặc biệt là NNCĐDC hoàn cảnh khó khăn.

Năng nổ nhiệt tình, hết lòng vì đồng đội - đó là nhận xét của những người đồng đội và của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên đối với ông Lưu Anh Bình (sinh năm 1952 ở xã Hóa Thượng), Phó ban liên lạc Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Đồng Hỷ.

Ông Lưu Anh Bình đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ “cứu nước” ở C7, Trung đoàn 551, Sư đoàn 470 tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc. Sau giải phóng miền Nam, do sức khỏe yếu, ông được phục viên về quê sinh sống. Ông xây dựng gia đình với bà Đỗ Thị Hai và đến năm 1980 sinh con trai đầu lòng Lưu Hồng Mạnh. Mạnh sinh ra đã bị di chứng chất độc da cam, không biết nói, không biết đi, không tự ăn uống được, hoàn toàn phụ thuộc vào chăm sóc hàng ngày của gia đình. Chính vì vậy mà 40 năm qua, hai vợ chồng ông Bình hết sức vất vả chăm sóc cho con. Mỗi ngày chăm sóc con, vợ chồng ông phải 3-4 lần thay chiếu, thay quần áo.

Tiền trợ cấp của hai bố con chủ yếu vào phục vụ mua thuốc chữa bệnh. Để có nguồn thu nhập thêm, ông đã phải lăn lội vất vả trồng ổi, trồng táo, thanh long, nhãn, trồng mướp trên khu vườn hơn 1.000m2. Nhờ tài xoay sở của hai vợ chồng ông, từ mảnh vườn này mỗi năm cho thu nhập 50-60 triệu đồng. Dù hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu, ông Bình vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. 9 năm liên tiếp, ông được tín nhiệm làm ủy viên thường trực UBND xã (1979 - 1989), 10 năm làm Bí thư chi bộ, Trưởng xóm và hiện nay là Phó ban liên lạc truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Đồng Hỷ.

Là cán bộ Hội, ông tận tình, vận động các tổ chức xã hội, bạn bè người thân giúp đỡ NNCĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với những việc làm thiết thực, giúp đỡ các nạn nhân vượt lên số phận, làm những việc có ích, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ông Lưu Ánh Bình đã nhận được nhiều bằng khen và giấy khen của các cấp trao tặng.

Cùng ở địa phương xã Hóa Thượng với ông Lưu Ánh Bình là ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã, cũng là một tấm gương tiêu biểu. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Bình ở đơn vị Đại đội 17, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó CT Hội Trường Sơn tỉnh Thái Nguyên thăm và tặng quà cho cháu Lưu Hồng Mạnh

Năm 1981, ông xây dựng gia đình với bao ước mơ. Nhưng niềm vui chưa qua nỗi buồn đã tới. Năm 1982, vợ chồng ông sinh con gái đầu lòng Nguyễn Thị Nguyên xinh xắn khỏe mạnh. Nhưng khi cháu được gần một tuổi thì phát hiện bị bệnh huyết tán do di chứng của chất độc da cam. Đến năm 1984, ông bà tiếp tục sinh con trai Nguyễn Văn Minh nhưng được 1 tuổi, cháu cũng bị bệnh huyết tán. Vợ chồng ông đã vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho hai con, nhưng bệnh không khỏi mà cứ nặng thêm theo năm tháng. Thương vợ thương con, trong lúc đường công danh đang thuận tiến với 15 tuổi quân, trên cương vị là Đại úy, Trưởng ban doanh trại của Sư đoàn, ông đã phải làm đơn xin nghỉ theo chế độ bệnh binh để về chăm sóc hai con tật nguyền.

Đáng tiếc là vợ ông đã không chịu được cuộc sống cực khổ, làm đơn ly hôn để ông tự chăm sóc hai đứa con bệnh trọng. Một mình ông phải đi buôn sắt phế để có tiền nuôi và chữa bệnh cho hai con. Không may mắn, con gái lớn của ông sống được 18 năm thì qua đời, con trai cũng chỉ sống được tới 4 tuổi rồi rời bỏ ông. Với nghị lực của người lính dày dạn, được tôi luyện trong lửa đạn của chiến tranh, ông đã tự đứng dậy, vượt lên nỗi đau.

Từ năm 2004 đến năm 2010, ông được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh; từ năm 2010 đến năm 2015 làm Chi hội trưởng Hội NNCĐDC/dioxin; từ năm 2015 đến 2018, ông làm Phó chủ tịch Hội xã và từ năm 2018 đến nay, là Chủ tịch Hội da cam xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hằng năm đều được tặng nhiều bằng khen và giấy khen của các cấp các ngành. Ông Bình cho biết: Làm công tác Hội không phải để lấy thành tích, mình là người trong cuộc, hiểu sâu sắc nỗi đau da cam, nó cắt ruột, cắt gan đau đến tận cùng. Vì vậy, còn khỏe ngày nào tôi còn cố gắng công tác ngày đó. Tôi hoạt động Hội vì muốn được giúp đỡ, chia sẻ với những nạn nhân da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giảm bớt nỗi khổ, làm vơi nỗi đau da cam.

Ông Lưu Ánh Bình và ông Nguyễn Văn Bình thật sự là những CCB, NNCĐDC tiêu biểu, là cán bộ Hội tâm huyết, tận tụy với đồng chí đồng đội. Đó là những người lính giữa đời thường bằng nghị lực phi thường đã vượt qua số phận để tỏa sáng giữa đời thường./.

Nguyễn Mạnh Thắng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Thành hội Cần Thơ: Hướng tới Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI)   

    Thành hội Cần Thơ: Hướng tới Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ...

    Sau Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Công văn số 174-CV/TU, ngày 02/06/2021 về  “ T iếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương khóa XI”. Triển khai Công văn của Thành ủy; 9/9 Quận/ H uyện ủy của thành phố Cần Thơ đã có văn bản triển khai sâu rộng đến các cơ sở Đảng, ...