Tỉnh Hưng Yên hiện có trên 5 nghìn người bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Những năm qua, điều kiện kinh tế - xã hội đã từng bước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, trong đó có các NNCĐDC. Đặc biệt từ khi có Chỉ thị 43/CT-TW ngày 24/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (gọi tắt là Chỉ thị 43) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, công tác vận động các nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ở tỉnh Hưng Yên đã được triển khai tích cực và đạt hiệu quả khá tốt. Từ năm 2015 đến nay Quỹ Bảo trợ NNCĐDC được phát động đã huy động các tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm… ủng hộ đóng góp đều đạt và vượt chỉ tiêu. Các cấp, các ngành đã cùng chung tay góp sức chăm lo phát triển kinh tế, không ngừng quan tâm đến công tác chính sách xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình đổi mới và phát triển.
Ông Lê Thế Thanh, Chủ tịch Tỉnh hội tặng xe lăn cho NNCĐDC huyện Khoái Châu |
Trước khi có Chỉ thị 43, toàn tỉnh Hưng Yên mới có 3/10 hội cấp huyện được thành lập, chưa có hội cấp xã. Sau khi Chỉ thị được ban hành đã có thêm 7 huyện, thành phố thành lập, đạt 100%; và có 60/161 xã, phường, thị trấn được thành lập, đạt 37%. Trong đó có 3 huyện đã thành lập 100% số hội cấp xã là Tiên Lữ, Phù Cừ và Văn Lâm. Như vậy Chỉ thị 43 của Ban Bí thư đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức hội. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động của hội cấp huyện, cấp xã còn hết sức khó khăn. Do thành lập sau Nghị định 45/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội nói chung nên không được công nhận là hội có tính chất đặc thù. Ngân sách mới dành thù lao cho chủ tịch huyện hội, lúc đầu là 27 triệu đồng/ năm, sau đó là 30 triệu đồng/ năm, hiện nay là 35 triệu đồng/ năm. Hội cấp huyện chưa được hỗ trợ kinh phí hoạt động và đồng chí phó chủ tịch hội huyện thì cũng không có thù lao. Do vậy, với mức bình quân khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, nếu thông cảm chia cho cả hai lãnh đạo sẽ rất khó để hai đồng chí chủ tịch và phó chủ tịch hội điều hành hoạt động, trong khi các trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hội không có gì (5/10 đơn vị có trụ sở làm việc, còn lại làm việc tại nhà riêng; không có máy tính, không có cán bộ văn phòng). Đối với 60 hội cấp xã đã thành lập đến nay đều không được hỗ trợ kinh phí hoạt động; chủ tịch và phó chủ tịch hội không có thù lao. Một ví dụ, đại hội thành lập và đại hội nhiệm kỳ, cả hai cấp hội trên đều không được cấp kinh phí từ ngân sách. Trong khi đó thì Hội TNXP được cấp kinh phí hỗ trợ cho đại hội (được biết đại hội TNXP cấp xã được ngân sách cấp kinh phí 20 triệu đồng). Như năm 2022, ở xã B. (thuộc huyện Khoái Châu), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã chỉ đại hội sau đại hội TNXP của xã ít ngày, nhưng Hội TNXP ngoài 20 triệu được ngân sách xã cấp còn được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng. Còn Hội NNCĐDC/dioxin đã không nhận được ưu ái ấy mà xã chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng. Có NNCĐDC bức xúc đặt câu hỏi: Tại sao Hội NNCĐDC/dioxin là hội của những người có công nhưng lại không bằng Hội TNXP? Lãnh đạo Hội tỉnh phải trực tiếp đứng ra giải thích: Vì mình thành lập sau họ (!).
Mặc dù vậy, với tinh thần vì nạn nhân chất độc da cam, vượt mọi khó khăn, nhiều cấp uỷ, chính quyền đã quan tâm trích kinh phí địa phương hỗ trợ cho đại hội cấp huyện, cấp xã nhưng rất ít ỏi, còn lại đều phải vận động từ nguồn hội viên đóng góp. Lãnh đạo Hội tỉnh khi về dự đại hội cơ sở nơi khó khăn có khi phải bỏ tiền túi từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng để ủng hộ, chia sẻ…
Chủ tịch Hội tỉnh Lê Thế Thanh tặng xe lăn cho nạn nhân Phạm Hồng Thái, thôn Toàn Tiến, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ |
Mới đây, ngày 15/11/2022, đồng chí Thượng tướng Nguyễn văn Rinh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam cùng Đoàn công tác của Trung ương hội gồm Trung tướng Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch thường trực, Đại tá Nguyễn Bá Bồng, Trưởng ban Tổ chức - Chính sách; đại diện một số Cục, Vụ của các bộ Lao động - TBXH, Y tế… đã về làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trên cơ sở nắm tình hình việc thực hiện Chỉ thị 43 trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Hưng Yên đã có một số đề xuất, kiến nghị với các cấp lãnh đạo nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình hoạt động hội của tỉnh. Cụ thể, Hội tỉnh đề nghị có thù lao cho phó chủ tịch hội cấp huyện, chủ tịch và phó chủ tịch hội cấp xã; đồng thời hỗ trợ kinh phí hoạt động cho hai cấp hội này. Do không có hội cấp xã, việc nắm tình hình nạn nhân, việc chăm sóc, thăm hỏi nạn nhân, vân động quyên góp, giúp đỡ nạn nhân vv… gặp rất nhiều khó khăn. Đã xảy ra việc chọn nhầm đối tượng để hỗ trợ làm nhà tình nghĩa. Hoặc khi lập danh sách nạn nhân để khám, tặng thuốc miễn phí cho nạn nhân nên khi hội huyện xuống cơ sở lập danh sách thì chủ tịch xã đó gây khó khăn không tiếp...
Đưa bệnh nhân 3 huyện Tiên Lữ, Khoái Châu, Ân Thi sang Công ty Đông Nam dược Nguyễn Văn Thiệu ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) để khám chữa bệnh miễn phí |
Về nhân sự đại hội Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, đến đại hội nhiệm kỳ IV (dự kiến vào tháng 8/2023), theo quy định về tuổi và nhiệm kỳ công tác, cả hai đồng chí chủ tịch và phó chủ tịch chuyên trách sẽ cùng nghỉ một lúc, sẽ rất khó cho công tác lãnh đạo hội nhiệm kỳ tiếp theo, bởi không bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa. Như vậy, một ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới thay thế sẽ không có được kinh nghiệm hoạt động của 3 nhiệm kỳ trước đó (mặc dù Ban Thường vụ hội đã qua nhiều kỳ họp bàn và tìm nhân sự nhưng chưa tìm được người thay thế). Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Bá Bồng đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Hưng Yên xem xét vận dụng bố trí nhân sự để giữ hoạt động Hội tỉnh liền mạch không bị đứt quãng. Tuy nhiên đây mới chỉ là đề xuất một phía từ Trung ương hội, còn cụ thể bố trí được hay không phải do tỉnh xem xét quyết định. Chúng ta đều biết, chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, những người nhiễm chất độc hoá học trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước từ 1961 đến tháng 4/1975 đến nay đều đã quá tuổi 65. Để có chuyên môn phù hợp làm công tác hội như quy định chỉ còn chọn tìm trong số các cựu chiến binh, thanh niên xung phong hoặc cán bộ đã nghỉ hưu (kể cả không là NNCĐDC). Qua thống kê lãnh đạo hội các cấp hầu hết đều 70 tuổi trở lên, đã tham gia 2 nhiệm kỳ, có rất ít số lãnh đạo dưới 70 hoặc 65 tuổi.
Ông Lê Hải Hậu, xã Hoàn Long, Yên Mỹ - một nạn nhân vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi |
Công bằng mà nói, một thực tế khác đang diễn ra có lẽ không chỉ riêng tỉnh Hưng Yên, đó là một số trường hợp người hoạt động kháng chiến trở về sau chiến tranh bị thất lạc giấy tờ gốc. Tuy nhiên cho đến nay, được biết chưa có quy định nào của Nhà nước hay các cơ quan chủ quản có văn bản quy định về việc này. Lãnh đạo Tỉnh hội cũng đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn quy định, thủ tục đối với người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong vùng bị rải chất độc hoá học không còn lưu giữ được giấy tờ gốc có tham gia tại các chiến trường B, C, K từ 10/8/1961 đến 30/4/1975 (các đối tượng này không giữ được giấy tờ do hoả hoạn, lũ lụt, mối mọt hoặc không còn nhớ…). Ông Lê Thế Thanh, Chủ tịch Hội tỉnh Hưng Yên đề xuất nên dựa vào các tổ chức ở cơ sở đáng tin cậy như Hội CCB, Hội NNCĐDC/dioxin, Hội TNXP vv… vì các tổ chức này là người biết rõ hơn ai hết để họ họp lại xác nhận. Việc này nên tiến hành càng sớm càng tốt sẽ thuận lợi hơn.
Thêm nữa, công tác giám định y khoa hiện nay vẫn còn những bất cập. Trong danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam, riêng đối với các trường hợp bị ung thư (nhất là giai đoạn cuối), nếu có đủ bệnh án thì theo chúng tôi nên giảm bớt các thủ tục và làm khẩn trương hơn để nạn nhân sớm được hưởng chế độ vì họ không sống thêm được bao lâu nữa. Từng theo dõi cơ sở, tiếp xúc nhiều nạn nhân nên chúng tôi biết được một số trường hợp khó khăn về làm thủ tục khi nạn nhân ốm nặng hoặc đã qua đời; một số chết rồi nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ. Vì một vài lý do nào đó mà thủ tục chính sách cho người đã khuất không được suôn sẻ như mong muốn, có lẽ đây cũng là một “nút thắt” trong phần thủ tục. Nên chăng các ngành chức năng tìm giải pháp thích hợp để giảm bớt sự phiền toái này?.
Bình luận