• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nữ hoàng điền kinh của 27 năm về trước một lần nữa xuất hiện ở SEA Games: "2 năm trườn bò để sống, cuộc đời tặng thêm cho tôi 1 tấm huy chương vàng"

27 năm trước, Vũ Bích Hường là "nữ hoàng điền kinh" của Việt Nam sau khi đem về tấm huy chương vàng SEA Games quý giá. 27 năm sau, Vũ Bích Hường một lần nữa xuất hiện ở SEA Games nhưng với một vai trò rất khác. Sau ánh hào quang năm ấy, cuộc đời lấy đi của chị nhiều, nhưng cũng tặng thêm cho chị một tấm "huy chương vàng".

Chúng tôi gặp chị Vũ Bích Hường - người được mệnh danh là "nữ hoàng điền kinh" một thời của Việt Nam vào một buổi trưa cuối tháng 4, tại Sân vận động Mỹ Đình. Chị tranh thủ khoảng thời gian trước cuộc họp của ban huấn luyện để kể về những gian truân đã qua của cuộc đời mình.

Nếu bạn đọc chưa biết, chị Vũ Bích Hường sinh năm 1969, từng là vận động viên (VĐV) điền kinh đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng (HCV) tại đấu trường SEA Games năm 1995 ở bộ môn vượt rào 100m.

Nữ hoàng điền kinh, nỗi đau và mất mát bên ngoài đường pitch

Năm 2015, chị Hường bị gãy đốt sống cổ số 4-5 vì tai nạn giao thông, dây thần kinh bị chèn ép khiến chân trái teo liệt. Là VĐV điền kinh từng sải chân ở nhiều đường đua trong nước và quốc tế, vụ tai nạn khiến chị trở thành một người làm gì cũng phải... bò, trườn.

6 năm sau khi những cú shock dồn dập kéo tới (con trai út gặp vấn đề sức khỏe, chồng qua đời vì ung thư chưa lâu, bản thân lại mất khả năng đi lại), chị Hường gặp chúng tôi với nụ cười rạng rỡ và đặc biệt là thể trạng gần như đã bình phục hoàn toàn.

Nữ hoàng điền kinh

Chị hồ hởi: "Sức khỏe chị ổn hơn nhiều lắm rồi. Trái gió trở trời, có hơi đau nhức trong người chút thôi nhưng so với quãng thời gian làm gì cũng phải bò, được như hiện tại thì đúng là chị chẳng dám mong ước gì hơn nữa. Nói ra nghe thô thiển, chứ các em thấy con chó nó di chuyển thế nào thì hồi đó, chị y hệt. Khổ không có cách nào diễn tả được thật đấy chứ."

Nhìn lại cú ngoặt của cuộc đời, chị Hường thú nhận có nhiều lúc chị đã nghĩ thà mình cứ chết luôn đi, có khi đỡ khổ cho mình, đỡ phiền cho gia đình. Ai không may rơi vào hoàn cảnh như chị cũng chẳng thể nào không có những phút giây tuyệt vọng, chán nản. Nhưng chính sự động viên của gia đình, đồng nghiệp và cả những người hâm mộ mà chị chẳng biết mặt, đã tiếp thêm cho chị động lực để vượt lên bệnh tật.

Không có đồng nghiệp và người hâm mộ, không có Vũ Bích Hường của hôm nay

Hồi mới gặp tai nạn, chị giấu nhẹm đồng nghiệp vì buồn tủi, xấu hổ. Nhưng cũng chẳng giấu mãi được, anh em lâu không thấy chị, gọi điện hỏi rồi mới biết. Lúc đó, chị đã được xuất viện về nhà với chân trái gần như teo hoàn toàn.

Chị kể lần đầu tiên có anh bạn trong đội đến thăm, là đàn ông con trai mà nhìn chị bò ra mở cửa, người ta cũng rơi nước mắt vì không nghĩ tình trạng của chị tệ đến vậy. Dần dần, người này bảo người kia nên ai cũng biết, một phần vì báo chí cũng đưa tin.

"Chị nhớ có một bạn là người hâm mộ chị, đọc báo xong bạn ấy gọi cho chị, kêu chị gửi số tài khoản để bạn hỗ trợ chi phí điều trị. Số tiền chỉ có vài trăm nghìn thôi mà chị cảm giác nó như tiền tỉ. Chưa bao giờ chị cảm thấy xúc động và biết ơn đến thế. Chị được như ngày hôm nay là nhờ mọi người quyên góp, chứ không cũng chẳng có tiền mà cứu lấy cái chân, làm người bình thường được nữa."

Gần 2 năm lê lết sống, chạy chữa khắp nơi nhờ vào số tiền mà cơ quan, đồng nghiệp và người hâm mộ hỗ trợ, cuối cùng chị cũng đứng được trên mặt đất bằng đôi chân của mình. Chị kể bây giờ chị vẫn nợ tiền nhà, không trả đúng hạn là người ta cho ra đường luôn đấy.

"Nhưng thôi mình còn sức khỏe là mình còn tất cả." - Suy nghĩ lạc quan mà chị có được sau khoảng thời gian tưởng chừng đã mất hẳn khả năng đi lại.

HCV không đến từ thể thao: Đời là một chặng đua dài, chỉ cần nỗ lực hết mình là đủ!

Giống như tất cả những người may mắn được sinh ra trong hình hài lành lặn, chị Hường chưa bao giờ nghĩ đến viễn cảnh bản thân không thể đi lại được bằng đôi chân từng mang HCV về cho Tổ quốc. Đến khi tạm chấp nhận được sự thật phải bò, phải trườn mà còn sống, con cháu người thân khỏe mạnh là may, chị vẫn chưa bao giờ dám mong mỏi tới ngày bản thân phục hồi được như bây giờ.

"Ngày mà chị đứng thẳng được, chị đi khắp ngõ tay nhặt lá, chân đá ống bơ. Ai không biết sẽ tưởng bà này chắc có vấn đề về thần kinh. Nhưng đang trong cảnh di chuyển bằng tứ chi mà đi lại được, cúi người được, lại cũng không biết diễn tả sự sung sướng ra sao."

Trải qua những khoảng thời gian gần như tuyệt vọng, chị Hường tin rằng cuộc đời đã trao cho mình một tấm HCV thứ 2 sau quá nhiều thử thách. Trên đường đua, chị đã mang được HCV về cho đội, cho đất nước. Trên đường đời, chị cũng mang được HCV về cho chính mình, cho gia đình.

Hiện tại, chị Hường đang làm việc cho Ban Tuyển sinh của Đội tuyển điền kinh nữ Việt Nam. Từng là một VĐV và HLV điền kinh, chị Hường chia sẻ: "Chị coi các em trong đội bây giờ như con, thương lắm."

Để được tham gia thi đấu, các con phải sống xa gia đình, ăn uống luyện tập cũng khắc nghiệt mà đỉnh vinh quang lại chỉ dành cho 1 người. Nhiều đứa thi thoảng cũng hỏi chị, làm sao để không nản chí, không từ bỏ. Chị chỉ biết bảo chúng nó rằng người kiên trì là người chiến thắng, chứ hiếm có VĐV nào đạt huy chương ngay từ cuộc thi đầu tiên.

"Như chị đây, tham gia đội tuyển điền kinh từ năm 13 tuổi mà đến năm 26 tuổi mới đạt được HCV. 13 năm trước đó, thất bại nhiều chứ. Nhưng mỗi lần thất bại, mình phải tự nghĩ xem mình có tập luyện hết mình hay chưa, có nghiêm khắc với bản thân đủ trong quá trình rèn luyện chưa. Chẳng riêng gì vận động viên đâu, nghề nào chẳng thế. Không kiên trì, khó mà thành công." - Cựu nữ hoàng điền kinh Việt Nam chia sẻ.

Khi được hỏi về một lời khuyên dành cho thế hệ VĐV sau mình, đang chuẩn bị thi đấu cho kỳ Sea Games 31 sắp tới, chị Hường vừa xua tay vừa cười: "Chị vừa bảo đấy, mình cứ nỗ lực hết mình thôi chứ bảo khuyên, chị chẳng biết khuyên gì đâu. Nói thật! Ngày xưa, năm chị được HCV, chị ra đường chạy và chỉ nghĩ đây là lúc mình cần làm tốt như khi mình luyện tập. Thế thôi, chứ đi thi đấu mà trong đầu cứ lủng lẳng cái huy chương, áp lực lắm!"

Nữ hoàng điền kinh

Trước khi chào tạm biệt, chị Hường không quên nhờ chúng tôi gửi một lời cảm ơn tới người hâm mộ. Chị vẫn luôn biết ơn sự quan tâm và hỗ trợ của những người chị chẳng hề quen, biết trong khoảng thời gian bản thân gặp nạn.

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị cũng nhắc lại rất nhiều lần rằng cuộc đời từng trải thảm hoa cho chị, rồi cũng buộc chị phải lết qua những đoạn gập ghềnh chông gai. Cuối cùng hiện tại là một trái ngọt.

Dù đang làm công việc gì đi nữa, có gặp khó khăn ra sao trong cuộc sống, chúng tôi hy vọng rằng những chia sẻ của cựu nữ hoàng điền kinh Việt Nam - Vũ Bích Hường sẽ giúp bạn đọc có thêm sự lạc quan trong cuộc sống.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự của Hội

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự ...

    Thực hiện chương trình công tác đầu năm, nhân dịp đón Xuân mới Ất Tỵ 2025, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và đoàn cán bộ của TW Hội đã đến thăm, chúc sức khỏe bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch ...