• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Ông Hộ vượt lên nỗi đau da cam để làm giàu

Ông Hộ vượt lên nỗi đau da cam để làm giàu

Chiến tranh đã qua đi từ lâu, song hậu quả của nó vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình. Dù vậy, thay vì chấp nhận số phận, hoàn cảnh nghiệt ngã, rất nhiều NNCĐDC vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, trở thành những tấm gương sáng có ích cho gia đình và xã hội. Ông Đào Văn Hộ - 75 tuổi - ở Thôn 5 - xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới là một điển hình.

Sinh ra và lớn lên ở Thôn 5, xã Nghĩa Ninh trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, với lòng căm thù giặc sâu sắc, tháng 02/1961 ông lên đường nhập ngũ, vào Trung đoàn 270 thuộc đơn vị C21 đóng ở Hạ Cờ, Vĩnh Ninh, Quảng Trị. Hết thời hạn nghĩa vụ, ông được đơn vị cho xuất ngũ vào tháng 08/1964. Đầu tháng 6/1965 ông tiếp tục tái ngũ vào đơn vị K814 đóng quân ở Quảng trị để cùng với các đơn vị bạn chiến đấu. Thành cổ lúc bấy giờ bị bom đạn đào xới ngày đêm. Đế quốc Mỹ độc ác cho máy bay thả chất độc hóa học nhằm triệt phá nguồn sống, tiêu diệt bộ đội của ta. Tuy vậy, không đầu hàng trước thủ đoạn tàn độc của chúng, ông cùng đồng đội vẫn kiên cường bám trụ và chiến đấu đánh trả các đợt tấn công của địch. Nổi bật nhất là trận đánh từ ngày 26-28/6/1968 giữa Tiểu đoàn K814 với 01 Tiểu đoàn Mỹ, 03 Tiểu đoàn Ngụy cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, hàng chục máy bay trực thăng, phản lực kết hợp với pháo hạm đội, pháo mặt đất đánh giữ dội vào trận địa ta. Trải qua 75 ngày đêm cùng với đơn vị chiến đấu kiên cường, đơn vị của ông đã tiêu diệt hơn 165 tên Mỹ Ngụy, bắn cháy hàng chục xe tăng, máy bay trực thăng, máy bay phản lực của đich. Trong trận đánh không cân sức này Tiểu đoàn của ông đã hy sinh 95 chiến sỹ, ông được cấp trên tặng thưởng 01 Huân chương Chiến công hạng nhất và danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ.

Xuất ngũ trở về địa phương, trong mình còn mang nhiều vết thương của chiến tranh, đặc biệt bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam ông được Nhà nước cho về hưởng chế độ bệnh binh. Năm 1979, sau khi ông lập gia đình và sinh được 5 người con, 4 trai, 1 gái thì không may một đứa bị bệnh và qua đời, 4 đứa còn lại thì chỉ duy nhất được 1 đứa là nguyên vẹn, còn 3 đứa khác đều phát triển không bình thường, bị tật nguyền, kém trí nhớ, không làm được gì do bị nhiểm chất độc da cam, mọi sinh hoạt của con đều phải nhờ vào bàn tay chăm sóc của bố mẹ. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, con cái không được hoàn hảo như bao gia đình khác, lại ốm đau đi viện thường xuyên nên gia đình ông luôn lâm vào cảnh túng thiếu, đói nghèo. Người cựu chiến binh một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, luôn quặn đau trước những đứa con phải hứng chịu hậu quả của chiến tranh để lại. Thương con ông quyết vươn lên để các con đỡ khổ, quyết định làm giàu trên chính mảnh đất của mình.


Ông Đào Văn Hộ chăm sóc rừng keo tai tượng.

Hằng ngày ông cùng với vợ làm lụng đủ mọi việc từ ruộng đồng, chăn nuôi cho đến trồng trọt, xoay xở rất nhiều việc khác để có tiền trang trải cuộc sống. Với lợi thế là địa phương có nhiều đất trống, đồi núi trọc, phù hợp với phát triển kinh tế vùng gò đồi. Từ suy nghĩ trồng rừng mang lại nhiều lợi ích, có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn, vừa cải thiện được môi trường sinh thái, lại cho thu nhập cao. Được vợ con đồng tình, ông đã mạnh dạn làm đơn xin Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Ninh đấu thầu 07 hecta đất trống đồi núi trọc để trồng rừng theo Dự án 327 và đã được UBND xã đồng ý. Tuy nhiên, công việc trồng rừng của ông bước đầu gặp nhiều khó khăn, song với kinh nghiệm và bản lĩnh được rèn luyện ở trong quân ngũ, cộng với đức tính kiên trì, chịu khó, ông đã mạnh dạn vay Ngân hàng chính sách xã hội, anh chị em bạn bè cùng với số tiền chắt chiu, dành dụm được bấy lâu để thuê nhân công phát quang, thuê máy cày đất và mua cây giống. Ông động viên vợ con ngoài thời gian chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, tập trung cho việc trồng rừng, vận động thêm anh chị em, bạn bè cùng nhau đóng góp công sức để ươm cây giống và trồng rừng. Kết quả, ông đã trồng được hơn 01 vạn cây, gồm bạch đàn, tràm hoa vàng, keo tai tượng...Đây là các loại cây thích hợp với khí hậu ở địa phương, dễ trồng, hợp với nhiều loại đất, mau lớn. Để trồng rừng đạt hiệu quả, ông tích cực nghiên cứu về cách ươm cây giống, kỹ thuật làm đất, phân bón, cách chăm sóc sao cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng rừng nên đến nay 07 ha đất đồi trơ trụi ngày xưa giờ đã tươi tốt, phủ kín màu xanh. Đến nay đã cho thu hoạch 7 lần, trừ chi phí mang lại lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng/mỗi đợt thu hoạch. Trồng rừng cũng là hướng đi đúng mang lại hiệu quả ban đầu cho gia đình ông.


Ông Hộ kiểm tra khu trồng lúa.

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", tận dụng 01ha đất trũng thấp, tận dụng nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi, ông đầu tư vào trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: vải thiều, nhãn, ổi, thanh long, trồng các loại cây ngắn ngày như: ngô, lạc, khoai, sắn và các loại cây rau màu khác. Ông tìm giống tốt, chăm sóc cây đúng kỹ thuật, sử dụng phân bón hợp lý, đúng quy trình, kiên trì học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật trồng cây qua sách báo và những người đã thành công. Không phụ công, các loại cây sinh trưởng, phát triển tốt, lợi nhuận cao. Mỗi năm trừ chi phí sản xuất, ông thu về từ 40 - 50 triệu đồng.

Phát huy kinh nghiệm đã có, ông lại tiếp tục đấu thầu thêm 3ha đất lúa vốn sản xuất 01 vụ của Hợp tác xã Trung Nghĩa để thâm canh lúa 02 vụ. Ông đầu tư mua máy bơm, quy hoach lại hệ thống kênh mương, chủ động trong tưới tiêu, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, mỗi năm ông thu về hơn 20 tấn lúa. Từ đồng tiền tích lũy được, ông lại mua thêm máy cày, máy phay làm đất để phục vụ cho việc sản xuất của gia đình, đồng thời giúp đỡ bà con trong thô.

Ông còn chăn nuôi thêm 08 con bò sinh sản, 30 con lợn thịt và hơn 200 con gà, vịt các loại, mỗi năm thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng. Hàng năm, trừ chi phí sản xuất, tổng cộng thu nhập từ các khoản gần 200 triệu đồng.

Hơn 30 năm lăn luộn, đổ bao mồ hôi, công sức, lao động không ngừng nghỉ, đến nay kinh tế gia đình ông đã ổn định, có điều kiện chăm lo, chữa bệnh cho các con, mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt của gia đình và giúp đỡ nhiều người nghèo trong thôn, ông có điều kiện để tu sửa, xây dựng lại nhà cửa khang trang.

Tuy công việc gia đình bận rộn nhưng ông vẫn tích cực tham gia các công việc của Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh và rất nhiều công việc khác ở địa phương. Với cương vị là Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin của xã Nghĩa Ninh, hàng ngày ông vẫn dành sức lực để lo cho các nạn nhân, luôn tận tâm, tận tụy, hết mình với những nạn nhân. Ông Hộ bày tỏ: “hiện nay, toàn xã Nghĩa Ninh có 35 NNCĐDC, phần lớn cuộc sống của họ còn gặp nhiều khó khăn do biến chứng bởi chất độc da cam khiến bệnh tật, sức khỏe của họ suy yếu. Nhiều trường hợp rất đáng thương, các cháu sinh ra nhưng mãi mãi không được sống một cuộc đời đúng nghĩa. Ngây dại có, điên loạn có và còn vô số những tật nguyền khác đeo bám lấy mảnh đời bất hạnh của họ. Do đó, ở cương vị là Chủ tịch Hội tôi phải luôn cố gắng hoạt động để góp phần nào đó xoa dịu nỗi đau mà họ phải chịu đựng. Với tôi, việc giúp đỡ đồng chí, đồng đội, giúp con, cháu họ dịu bớt phần nào nỗi đau da cam vừa là trách nhiệm vừa là sự thôi thúc của lương tâm người lính năm xưa".

Đối với những nạn nhân cuộc sống còn nhiều khó khăn, ông sẳn sàng ủng hộ tiền và lấy gạo của gia đình mình để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn. Mặt khác, ông đi từng ngõ, đến từng nhà và tìm nhiều cách để kêu gọi, vận động sự quan tâm từ các cơ quan, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để giúp các nạn nhân. Bình quân mỗi năm ông cùng với BCH Hội vận động được số tiền hơn 40 triệu đồng cho Quỹ Vì nạn nhân da cam của xã để thăm hỏi, hỗ trợ xây dựng, sửa sang lại nhà cửa cho các nạn nhân. Những việc làm của ông phần nào đã bù đắp những mất mát, thiệt thòi, đem lại niềm vui, niềm hy vọng cho những nạn nhân da cam để họ vượt qua những khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Nhận xét về ông Đào Văn Hộ, ông Bùi Công Thọe, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Đồng Hới cho biết: "Ông Hộ không chỉ là một hội viên có nghị lực phi thường, biết vươn lên số phận, vượt qua những đau đớn về thể chất lẫn tinh thần để vươn lên làm kinh tế giỏi bằng chính sức lực của bản thân mà còn là một cán bộ Hội hết sức gương mẫu, đầy trách nhiệm, chịu khó, nhiệt tình, ở công việc nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc và được cấp trên khen thưởng". Có thể nói tấm gương sáng về nghị lực sống, lao động của ông rất đáng để mọi người học tập và noi theo, ông xứng đáng với danh hiệu là "Thương binh tàn nhưng không phế"./.

Nguồn: Cổng TTĐT Tp Đồng Hới

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...