• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Ông Lê Bắc Kinh có đủ điều kiện hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam/dioxin?

Ông Lê Bắc Kinh có đủ điều kiện hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam/dioxin?

Ông Lê Bắc Kinh, thôn Sen Trì, xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội), sinh năm 1950, nhập ngũ ngày 30/12/1970. Ông được biên chế vào Trung đoàn 1506, Binh chủng Công Binh. Tháng 11/1971, ông Kinh vào chiến trường, đóng quân tại huyện 40 (Sa Thầy), tỉnh Kon Tum. Năm 1973 đơn vị ông chuyển về Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam. Đó là những địa bàn trọng điểm mà giặc Mỹ rải chất độc hóa học trong những năm chiến tranh.

Ông Kinh kể lại, năm 1972, ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở mặt trận Kon Tum, có những nơi đơn vị hành quân, đóng quân trên vùng rừng núi cháy khô vì chất độc hóa học, mọi sinh hoạt đều rất thận trọng, nhất là ăn, uống. Năm 1973, khi đơn vị tiến vào sân bay Đà Nẵng, giặc Mỹ cho máy bay rải chất độc da cam xuống trận địa, cả một vùng trời mịt mùng trắng như mưa bụi vì chất độc hóa học, thủ trưởng đơn vị lệnh cho anh em rút vào xe thần mã, dùng khăn ướt phủ lên mặt, quay về hướng ngược gió để tránh độc, những ngày sau đó, đơn vị gần như sống chung với chất độc hóa học.

Tháng 3/1976, ông Lê Bắc Kinh phục viên, do lúc đó điều kiện kinh tế khó khăn, con nhỏ, ông Kinh phải dồn sức làm mọi việc đồng áng, bươn trải với cuộc sống; năm 1978, ông nhận được quyết định tái ngũ, nhưng khi kiểm tra sức khỏe, ông Kinh không đủ sức khỏe, Ban chỉ huy Quân sự huyện Thạch Thất đã rút quyết định tái ngũ đối với ông Kinh.

Ông Kinh cho biết: năm 1982, ông thấy sức khỏe giảm sút, người toát mồ hôi, bủn rủn chân tay, mệt mỏi, gia đình đưa ông xuống Bệnh viện 198 (Bộ Công an) khám. Tại đây ông bị chết lâm sàng 5 giờ đồng hồ, trong bệnh án, bệnh viện xác định ông bị bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính. Năm 2000, ông Kinh cùng nhiều Cựu chiến binh trong xã Bình Yên làm hồ sơ xét hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông Kinh có đầy đủ giấy tờ theo quy định, gồm: Quyết định xuất ngũ; Giấy xác nhận quá trình công tác trong quân đội của quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do Ban chỉ huy Quân sự huyện Thạch Thất ký xác nhận; Danh sách cấp phát chế độ trợ cấp gia đình B – C; Bệnh án điều trị bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính. Ông Kinh được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì.

Tuy nhiên, nhiều người cùng nhập ngũ, cùng chiến đấu ở chiến trường, cùng mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính như ông đã được công nhận và hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Còn ông Kinh và một số người khác không được, ông Kinh đã nhiều lần hỏi cán bộ chuyên trách về Thương binh – xã hội của xã. Và, ông đều nhận được câu trả lời: “Cấp trên đang xét”. Còn vợ ông Kinh thì cười tế nhị, nói: Khó lắm, lúc người ta làm thì mình còn khó khăn, nhà đông con, ông Kinh thì nay đi viện, mai đi viện nên “trên” chưa xét được là phải thôi.

Trao đổi về trường hợp ông Lê Bắc Kinh với ông Nguyễn Đức Ninh, phó Trưởng phòng Lao động Thương binh – Xã hội huyện Thạch Thất (Hà Nội), ông Ninh cho biết: Những trường hợp mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính chỉ áp dụng với đối tượng có giấy tờ có giá trị pháp lý được xác lập trước ngày 30/4/1975 ghi nhận bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính. Như vậy, trường hợp của ông Lê Bắc Kinh là không đủ điều kiện để công nhận là nạn nhân chất độc da cam. Nếu hiện nay ông Kinh có phát bệnh khác nằm trong danh mục 17 loại bệnh theo quy định tại Điều 7 – Thông tư liên tịch số 20/2016 giữa Bộ y tế và Bộ LĐTBXH thì làm hồ sơ gửi ỦBND xã, UBND xã sẽ chuyển lên một cửa của huyện, sau đó phòng tổng hợp, lập danh sách gửi lên sở và sau đó... để đi khám, giám định.

Ông Kiều Đức Vượng, Chủ tịch Hội NNCĐ da cam/dioxin huyện Thạch Thất thẳng thắn chia sẻ: nạn nhân chất độc da cam nay đều đã trên dưới 70 tuổi, họ bệnh tật, sức khỏe yếu, nói đến hàng loạt loại giấy tờ để làm chế độ, ai cũng lắc đầu, ngại. Họ là những người lính thực sự chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường Miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lúc xung trận, họ không nghĩ phải lưu giữ giấy tờ này, giấy tờ nọ để sau này hưởng chế độ. Và, càng không bao giờ nghĩ sau đại thắng mùa xuân 1975, phải đi khám bệnh để có bệnh án... Những người lính ở chiến trường được phục viên, xuất ngũ về quê là sướng lắm rồi, lúc đó đời sống kinh tế rất khó khăn, cho đến khi tuổi cao, sức yếu, bệnh tật phát sinh mới đi bệnh viện khám, điều trị.

Trường hợp của CCB Lê Bắc Kinh là như thế, ở địa phương ai cũng biết ông Kinh là quân nhân chiến đấu ở chiến trường B. Từ nhiều năm nay đôi tay ông Kinh gần như bị co cứng không thể duỗi thẳng được. Huyện Thạch Thất còn rất nhiều CCB nằm trong diện nghi phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, nhưng không làm hồ sơ đi khám, giám định bệnh. Vì họ không còn đủ giấy tờ theo quy định và phần lớn là ngại – ông Vượng cho biết.

Ông Kinh than phiền: Ngày 30/4/1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, người lính phải tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chính quyền cách mạng, tham gia giải quyết hậu quả chiến tranh. Lúc đó ông mới 25 tuổi, trẻ, khỏe, năng nổ, làm việc không biết mệt mỏi, dù có ốm cũng không nghĩ gì đến đi viện.

Tôi biết, bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính nằm trong 17 loại bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học, tôi phát hiện bệnh trên vào năm 1978 khi khám sức khỏe để tái ngũ, sau năm 1975 đúng 3 năm, có phải đã quá muộn? Trong khi người nhiễm chất độc da cam/dioxin có thể để lại hậu quả đến đời thứ 3, thứ 4; còn bản thân người nhiễm chất độc hóa học không có quy định nào về thời gian phải phát bệnh; người còn khỏe thì còn chống đỡ được, bệnh chưa phát, khi sức khỏe giảm sút thì phát bệnh - Ông Kinh phân vân và bày tỏ tâm tư của mình rằng: Tôi đã ở cái tuổi 70, đồng đội tôi cũng đã ở cái tuổi này rồi, lại bệnh tật, nay chỉ mong ước được Đảng, Nhà nước xem xét có tình có lý, ghi nhận sự đóng góp, mất mát của tôi trong những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường ác liệt như nhiều đồng đội khác – là nạn nhân chất độc da cam. Ước nguyện của tôi hoàn toàn không vì lợi ích vật chất (tiền chế độ) mà là lợi ích tinh thần.

Ông Kinh với tập hồ sơ ghi nhận thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Miền Nam.

Mong rằng qua Tạp chí điện tử da cam Việt Nam, tiếng nói, ước nguyện của tôi cùng nhiều CCB xã Bình Yên sẽ được cơ quan Trung ương Hội NNCĐ da cam/dioxin Việt Nam cùng các ngành và các cơ quan chức năng xem xét cho thấu tình, đạt lý.

Nguyễn Hồng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác