• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Ông Phạm Quốc Sủng đủ điều kiện tiếp tục hưởng trợ cấp người HĐKC nhiễm chất độc hóa học

Ông Phạm Quốc Sủng (SN 1949), xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu (Nam Định), cho biết: Ông được hưởng chế độ người HĐKC bị nhiễm CĐHH từ tháng 12/2008. Ngày 10/9/2018, ông nhận được Thông báo số: 369/TB-SLĐTBXH về việc “Đình chỉ và thu hồi trợ cấp người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Lý do: Chị Phạm Thị Ngọc Thanh, SN 1984 (con ông Sủng) không bị dị dạng, dị tật”. Không đồng ý với Thông báo trên, ông Sủng đã làm đơn gửi Cục Người có công, Bộ Lao động - TBXH, Thanh tra Bộ Lao động - TBXH, Sở Lao động - TBXH tỉnh Nam Định, đề nghị xem xét giải quyết để ông được tiếp tục hưởng chế độ trợ cấp.

Để làm rõ nội dung phản ánh của ông Phạm Quốc Sủng, chúng tôi đã về Nam Định làm việc với lãnh đạo Sở Lao động - TBXH, Phòng LĐ - TBXH huyện Hải Hậu, chính quyền xóm Xướng Cau, xã Hải Thanh và ông Phạm Quốc Sủng cùng bà Đặng Thị Lý, nguyên GĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu.

Ông Phạm Quốc Sủng cho biết: Ông nhập ngũ tháng 12/1967; năm 1972 ông vào chiến trường Quảng Trị. Tháng 6/1974, vì sức khỏe yếu, ông được phục viên, về quê và xây dựng gia đình. Vợ chồng ông Sủng sinh được 5 người con thì 3 con chết yểu tại bệnh viện, do bị dị dạng, dị tật, suy nhược cơ thể. Hai người con còn sống thì bệnh tật, nay ốm mai đau. Hai vợ chồng phải bán đến thúng thóc cuối cùng trong nhà để lấy tiền mua thuốc chữa trị bệnh cho con.

Bà Đặng Thị Lý, bác sỹ, nguyên Phó GĐ Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu, người trực tiếp đỡ đẻ và điều trị 3 người con của ông Sủng, ghi nhận: Hai cháu Phạm Thị Quỳnh Trang và Phạm Hữu Ngạch cùng sinh ngày 15/2/1982 (sinh đôi), cùng mất ngày 9/8/1982. Ngay khi sinh ra, hai cháu bị suy dinh dưỡng độ 3, thể trạng suy kiệt (cháu Trang bị teo chân phải, cháu Ngạch thì đầu to, sau gáy có cục u to). Ngày 7/8/1982, hai cháu vào Bệnh viện Hải Hậu điều trị. Do sức khỏe quá yếu, ngày 9/8/1982 cả hai cháu cùng chết. Lần thứ tư, vợ chồng ông Sủng sinh con trai. Cháu sinh ra không khóc, chỉ ngáp một cái rồi chết. Tôi (bà Lý) bảo vợ chồng ông Sủng đặt cho cháu một cái tên khỏi tội, ông Sủng đồng ý và đặt tên con là Phạm Văn Cu. Còn cháu thứ 5 là Phạm Thị Ngọc Thanh, khi sinh ra ốm yếu, bệnh tật, bị viêm đa khớp, vẩy nến, năm 12 tuổi bị u mọc lên ở mông trái, phải vào viện mổ. Thời gian các con nhà ông Sủng ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Tôi là bác sỹ nên biết rõ bệnh từng đứa. Lúc bấy giờ đã ai biết da cam, da quýt là gì đâu. Thậm chí con chết phải chôn vội, sợ người ta dị nghị…

Bà Đoàn Thị Lan Hương, chuyên viên Phòng LĐ-TBXH huyện Hải Hậu cho biết: Khi có chính sách đãi ngộ người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH, tháng 12/2008, ông Phạm Quốc Sủng lập hồ sơ trên cơ sở có con gái là Phạm Thị Ngọc Thanh bị dị dạng, dị tật và được xét hưởng chế độ ưu đãi mức 2 (41%) theo Nghị định số: 54/2006/NĐ-CP và Thông tư số: 07/2006/TT-BLĐTBXH. Vào thời điểm lập hồ sơ, chị Thanh 24 tuổi. Ngày 23/5/2018, qua thực chứng tại UBND huyện, Đoàn thanh tra Bộ LĐ-TBXH xác định: “Chị Phạm Thị Ngọc Thanh không bị dị dạng dị tật, chị đã có chồng, có con. Chị Thanh giúp việc cho dì ở Hà Nội”. Trên cơ sở thực chứng, Đoàn thanh tra đã kiến nghị đình chỉ, thu hồi số tiền trợ cấp đã hưởng từ tháng 12/2008 đến tháng 8/2018 đối với ông Phạm Quốc Sủng.

Ông Vũ Xuân Lý, Trưởng xóm Xướng Cau, xã Hải Thanh cho biết: Hoàn cảnh vợ chồng ông Sủng, cả xã ai cũng biết và đều chia sẻ. Xét về tiêu chuẩn, chính sách thì tôi (ông Lý) thấy ông Sủng đủ điều kiện, tiêu chuẩn được hưởng chế độ ưu đãi đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Cả xóm, cả xã Hải Thanh chắc không có ai phản đối. Mong rằng các cơ quan chức năng xem xét lại quyết định đình chỉ trợ cấp đối với ông Sủng sao cho thấu tình, đạt lý.

Để chứng minh sự việc, ông Sủng cho chúng tôi xem giấy xác nhận của bác sỹ Đặng Thị Lý, nguyên Phó GĐ Bệnh viện ĐK Hải Hậu, có xác nhận của Giám đốc Bệnh viện ĐK Hải Hậu, đơn đề nghị của ông Sủng có xác nhận của Bí thư Chi bộ 8, Đảng ủy xã Hải Thanh, Trưởng xóm Xướng Cau và 2 tờ giấy khai sinh của 2 người con đã chết là Phạm Hữu Ngạch, Phạm Thị Quỳnh Trang. Còn người con thứ 3 chết yểu tại Bệnh viện nên không làm giấy khai sinh. Ông Sủng chua xót nói rằng: Chẳng người bố nào lại đi làm giấy khai sinh cho đứa con chết yểu, cũng chẳng tính gì đến chuyện đi làm giấy khai sinh khai tử để hôm nay hưởng chế độ ưu đãi.

Từ những chứng cứ trên, có thể nói: Ông Phạm Quốc Sủng đủ điều kiện, đúng đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Tuy nhiên, xác minh hồ sơ lưu tại Sở LĐ-TBXH tỉnh Nam Định cho thấy, trong hồ sơ được xác lập, ông Sủng chỉ khai con gái là Phạm Thị Ngọc Thanh, bị: “viêm đa khớp, mắt cận thị, da vẩy nến, khối u ở mông phải” để làm cơ sở hưởng trợ cấp theo Nghị định số: 54/2006/NĐ-CP. Ông Sủng không khai 3 người con bị chết yểu trong hồ sơ. Và, tại thời điểm ông Sủng lập hồ sơ (12/2008), chị Phạm Thị Ngọc Thanh đã 24 tuổi, sức khỏe bình thường, tự lực được trong sinh hoạt và đã lấy chồng, sinh con. Chiểu theo khoản 2 Điều 1, Nghị định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ: “Con đẻ còn sống của đối tượng: a- Bị dị dạng, dị tật nặng không có khả năng lao động, không tự lực được trong sinh hoạt; b- Bị dị dạng, dị tật, không có khả năng lao động nhưng còn tự lực được trong sinh hoạt”, thì chị Phạm Thị Thanh không nằm trong đối tượng bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, từ đó không đủ cơ sở để ông Phạm Quốc Sủng hưởng trợ cấp ưu đãi người HĐKC bị nhiễm CĐHH trên cơ sở sinh con bị dị dạng, dị tật. Như vậy, Kết luận thanh tra số: 344/KL-TTr của Thanh tra Bộ LĐ-TBXH và Thông báo số 369/TB-SLĐTBXH của Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định là đúng quy định.

Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người HĐKC bị nhiễm CĐHH, chúng tôi đã trao đổi với ông Hoàng Đức Trọng, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Nam Định và được ông Trọng cho biết: quan điểm của lãnh đạo Sở là: người có công được xác nhận, hưởng chế độ ưu đãi. Người không có công thì không được xác nhận và không được hưởng chế độ. Đối với những trường hợp cố tình khai man, gian lận hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi thì kiên quyết xử lý theo pháp luật, thu hồi lại khoản trợ cấp đã hưởng sai quy định. Đối với trường hợp của ông Phạm Quốc Sủng, sau khi nhận được đơn của ông Sủng, lãnh đạo Sở đã giao Phòng Người có công phối hợp với Phòng LĐ-TBXH huyện Hải Hậu, kiểm tra, xác minh, cho thấy: Nội dung ông Sủng nêu trong đơn (có 3 con chết yểu do bị dị dạng, dị tật) là đúng. Về lý, ông Sủng bị đình chỉ thực hiện các chế độ ưu đãi là đúng quy định, vì người con (chị Thanh) ông Sủng khai trong hồ sơ hiện đang lưu tại Sở LĐTBXH, không bị dị dạng, dị tật, ông Sủng công nhận không khai 3 người con chết yểu do bị dị dạng, dị tật vào hồ sơ.

Để người HĐKC bị nhiễm CĐHH không bị thiệt thòi, được hưởng đầy đủ, đúng chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Sở LĐ-TBXH tỉnh Nam Định là: Đối với các trường hợp sau rà soát mà người con đó chưa xác định được dị dạng, dị tật; dị dạng, dị tật không rõ ràng hoặc không bị dị dạng, dị tật, nhưng người HĐKC lại có một hay nhiều người con khác chết do bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, đề nghị Hội đồng xác nhận người có công cấp xã và các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội tại cơ sở - nơi đối tượng cư trú biết sự việc, tiến hành công khai hóa, họp xét duyệt và đề nghị xem xét cho đối tượng tiếp tục hưởng trợ cấp. Đây là một giải pháp thấu tình, đạt lý, đầy tính nhân văn sâu sắc của Sở LĐ-TBXH tỉnh Nam Định đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH.

Như vậy, ông Phạm Quốc Sủng đủ điều kiện xác lập hồ sơ mới trên cơ sở có con chết yểu do bị dị dạng, dị tật bẩm sinh để tiếp tục hưởng trợ cấp ưu đãi đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...