• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Quảng Ninh: Hành động vì nạn nhân chất độc da cam

Theo thống kê, Quảng Ninh có trên 6.300 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nhóm đối tượng này rất cần được quan tâm, hỗ trợ, bởi trong số đó có nhiều người sức khỏe yếu, mang bệnh nền, bao gồm cả những bệnh hiểm nghèo và thế hệ con cháu họ nhiều người bị dị tật, dị dạng, không có khả năng tự chủ trong đời sống. Xác định rõ điều này, nhiều năm qua tỉnh đã dành sự quan tâm, chăm lo cho người nhiễm chất độc da cam, thể hiện sự tri ân, đồng cảm, góp phần giúp họ vượt khó vươn lên.

Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh được tỉnh giao chủ trì các hoạt động chăm lo cho NNCĐDC, cùng chung tay là Sở LĐ-TB&XH, khối MTTQ và các đoàn thể. Nhiệm vụ của các cơ quan này là thực hiện đúng, đủ chính sách liên quan, thông qua quy chế phối hợp lồng ghép khác nhau để có được sự ưu tiên nhất cho các NNCĐDC.

Hội NNCĐDC/dioxin phường Hà Lầm (TP. Hạ Long) tiếp nhận quà tặng từ các nhà hảo tâm.

Đồng thời, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh còn tăng cường kết nối, huy động mở rộng sự quan tâm của cả cộng đồng thông qua những ký kết hằng năm, ký kết nhiệm kỳ với các hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn, cũng như các nhà hảo tâm... Các NNCĐDC được đưa vào chương trình giúp đỡ đều rõ địa chỉ, rõ hoàn cảnh, nhu cầu, năng lực bản thân, nhằm xác định hỗ trợ gì là tốt nhất cho họ; từ đó tạo tính thiết thực và động lực để người nhiễm chất độc da cam vươn lên.

Ông Nguyễn Minh An, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin, cho biết: Việc lồng ghép như vậy đem lại nhiều lợi ích, vì nhiều người nhiễm chất độc da cam cũng là hội viên, thành viên của các đoàn thể, đơn vị, nhưng cũng là đối tượng của mình. Ví như người nhiễm chất độc da cam là hội viên Hội CCB, hội viên Hội Phụ nữ...

Từ cách làm này, thời gian qua Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã huy động được nguồn lực lớn. Cụ thể: các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh tham gia đóng góp, phối hợp tích cực trong việc tư vấn về việc lập hồ sơ nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học, thẩm định hồ sơ, giám định bệnh tật, tham mưu về một số chính sách đặc thù hỗ trợ NNCĐDC, phối hợp giải mã phiên hiệu, đơn vị quân đội, xác minh địa chỉ tham gia, địa bàn bị phun, rải chất độc da cam tại các chiến trường B, C, K... cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tập trung hỗ trợ xây, sửa nhà ở, tạo việc làm, tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, tặng sổ tiết kiệm, tặng thẻ BHYT, chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng lâu dài... không chỉ đối với NNCĐDC mà cả thân nhân của họ.

Trong 10 năm trở lại đây, huy động được trên 52 tỷ đồng từ các nguồn hỗ trợ xã hội hóa đã được trao đến tay các NNCĐDC và thân nhân của họ dưới nhiều hình thức. Trong đó, 365 người được xây, sửa nhà, 500 người được phục hồi sức khỏe, 110 người được hỗ trợ công cụ, vốn sản xuất, hàng ngàn người được tặng thẻ BHYT. 100% NNCĐDC được thăm hỏi, tặng quà thường xuyên trong các dịp lễ, tết hằng năm, với tổng trị giá trên 20 tỷ đồng.

Công an tỉnh tặng quà cho người bị nhiễm chất độc da cam tại phường Cao Thắng, TP. Hạ Long.

Từ sự hỗ trợ này, rất nhiều người nhiễm chất độc da cam đã tự tin, phấn đấu vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. 200 hộ NNCĐDC nghèo đã thoát nghèo, gần 400 hộ đã tổ chức sản xuất mô hình kinh tế hiệu quả, bao gồm cả những mô hình kinh tế quy mô lớn, tạo được việc làm cho người lao động, tạo được doanh thu, lợi nhuận, đóng góp thuế cho Nhà nước. Những NNCĐDC trong cuộc sống đời thường cũng chính là những chủ nhân, nhân tố tích cực trong các phong trào phát triển KT-XH tại địa phương. Riêng trong hoạt động xây dựng nông thôn mới, các NNCĐDC đã cùng góp tiền, hiện vật, góp trên 10.000 ngày công lao động và hiến gần 11.500 m2 đất các loại.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác