• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Sài Gòn tháng Tư - 1975

Trong cuộc đời quân ngũ của tôi không thể nào quên được khoảnh khắc  được nghe mệnh lệnh chiến đấu ngắn gọn nhưng rất hào sảng của đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp .
Đêm ngày 7/4/1975 vào lúc 12 giờ khuya, khi toàn cơ quan đang chìm trong giấc ngủ thì có lệnh báo động tập trung gấp. Chúng tôi vùng dậy mắt nhắm mắt mở quân phục chỉnh tề chạy ra chỗ tập trung. Chỉ trong chốc lát toàn cơ quan đã có mặt tại sân chào cờ, nơi chúng tôi thường tập trung dưới cờ đọc 10 lời thề danh dự  Quân đội nhân dân Việt Nam vào buổi sáng đầu tuần.
Dưới ánh đèn pin, đội hình im phăng phắc nghe chỉ huy  đọc điện khẩn của Đại tướng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp:
 “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền trực tiếp đến Đảng viên, chiến sỹ. Văn, 7/4/1975”.
Sau khi nghe nhật lệnh, lòng chúng tôi lâng lâng khó tả. Như vậy chiến dịch đã bước vào giai đoạn tổng tấn công. Chiến thắng đã đến rất gần. Công cuộc thống nhất đất nước chẳng còn bao xa nữa.
Cục trưởng quán triệt từng cán bộ chiến sỹ phải trong tư thế sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến dịch.
Thực ra sau giải phóng Buôn Mê Thuột, chúng tôi đã được quán triệt tư tưởng sẵn sàng chi viện cho chiến dịch lớn rồi. Kế hoạch đã được đặt ra nhưng không ngờ diễn biến chiến dịch lại nhanh đến như vậy. 
Ngay sau khi giải phóng Huế, một cánh quân đi bằng đường biển do đoàn vận tải Hồng Hà cục Vận tải quân sự chịu trách nhiệm bắt đầu xuất phát từ cảng Dụ Nghĩa Hải Phòng. Một cánh đi bằng đường bộ do các Cục chịu trách nhiệm tổ chức. Chúng tôi may mắn được đi bằng đường bộ. Nhận mệnh lệnh, chúng tôi nhanh chóng nhận quân tư trang và dụng cụ dã chiến để lên đường.
Chiếc xe tải Zin Khơ130 chất đầy trang thiết bị và người, phủ bạt kín mít theo quốc lộ 1 tiến thẳng vào phía Nam. Phải đi ngày đi đêm mới kịp theo chiến dịch. Quốc lộ 1 hố bom vừa san lấp vội vẫn còn gập gềnh nham nhở ổ trâu ổ gà, từng đoàn, từng đoàn xe nối nhau tiến vào phía Nam.
Vào đến Đà Nẵng, thành phố vừa giải phóng còn ngổn ngang bề bộn. Chúng tôi triển khai ngay nhiệm vụ quân quản thành phố.  Mấy ngày sau chúng tôi  lại được lệnh bàn giao cho quân khu 5, tiếp tục lên đường tiến thẳng vào Phía Nam chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn. Mọi người ai cũng háo hức.
Lúc này các mũi tiến công của quân ta đã áp sát Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất đã bị ta ném bom như là lời cáo chung cho sự sụp đổ của chế độ cũ. 
Ngày 30/4/ 1975 quân ta đã làm chủ hoàn toàn Sài Gòn Gia Định. 
Chiều ngày 5/5/1975 chúng tôi đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Sân bay ngổn ngang xe quân sự, vũ khí khí tài do địch vứt lại. Những đám cháy đã được dập tắt. Những chiếc máy bay chiến đấu A37, C130 vẫn còn nguyên trong boong ke chưa kịp xuất phát. Quân trang quân cụ của địch nằm ngổn ngang trong sân bay.
Cơ quan tiền phương bộ nhanh chóng được hình thành với đại diện của  Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham Mưu và Tổng cục Hậu cần bắt tay vào hoạt động ngay. Chúng tôi nhanh chóng tiếp quản khu nhà ở của phái đoàn quân sự quốc tế tham gia giám sát hiệp định Pa ri vừa rút đi. Căn nhà hai tầng lợp tôn xung quanh được che chắn bằng những tấm bên tông cao chừng 2 mét chống đạn.  Bên cạnh là một nhà thờ công giáo giống như chữ A úp sát mặt đất, kiến trúc rất lạ mắt.
Cánh quân đi bằng đường biển cũng kịp thời tập kết nhận nhiệm vụ. Các Ủy ban quân quản được thành lập đến tận phường khóm. Các căn cứ quân sự quan trọng như Tân Sơn Nhất, Tân cảng, Sóng thần, Tổng kho Long Bình được quân ta nhanh chóng tiếp cận vận hành.
 Lệnh của Ủy ban quân quản thành phố truyền xuống phải chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật quân quản, phải hết lòng giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống. 
Thành phố Sài Gòn nhộn nhịp náo nhiệt trở lại. Người dân rất thân thiện và hết lòng ủng hộ giúp đỡ quân giải phóng. Họ tham gia các tổ tự vệ dân phòng giữ gìn trật tự an ninh đường phố, vận động binh lính ngụy ra trình diện. Mọi hoạt động giao thương buôn bán được trở lại bình thường. Các chợ Bến Thành, Bình Tây, ông Tạ, Hàng Xanh nhộn nhịp trở lại. Các đại lộ Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ và  đường phố khác la liệt hàng hóa bày bán trên vỉa hè. Những bản nhạc vàng, nhạc tiền chiến phát ra từ những chiếc loa thùng âm thanh lớn náo nhiệt khắp đường phố. Trên đường phố, xe buýt, xe lam và xe máy các loại đi lại như mắc cửi. 
Từ cầu Sài Gòn dẫn vào thành phố nhan nhản các biển quảng cáo của các hãng điện tử SONY, Nantiona, Fanasonic. Đặc biệt hãng kem đánh răng Hynos với hình ảnh người da đen khoe hai hàm răng trắng lóa, sữa Ông Thọ với hộp sữa to như chiếc thùng phuy treo ngất ngưởng trên các tòa cao ốc là nhiều nhất.Những tờ áp phích vận động tranh cử hạ viện của các đảng phái chế độ cũ dán chen chúc trên tường vẫn còn nguyên. Tôi tò mò xem một tờ áp phích tranh cử của đảng Đầu trâu vẽ biều tượng chiếc đầu trâu đen xì kèm theo cương lĩnh tranh cử. Chả hiểu đảng này hoạt động gì. Tất cả những thứ đó đối với chúng tôi rất lạ lẫm vì lần đầu tiên chúng tôi mới được chứng kiến.
Chưa có cảnh sát giao thông nên các ngã tư ngã năm, những chiến sĩ đặc công, biệt động thành làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự và điều tiết giao thông đường phố 24/24 giờ. 
Từ 23 giờ đêm đến 4 giờ sáng lệnh giới nghiêm được ban hành. Sáng hôm sau mọi việc vẫn diễn ra yên bình nhộn nhịp…
Trích trong “Ký ức 30 tháng Tư” - PNK
… VÀ THÁNG 5 NĂM 1975
Đầu tháng 5/1975, chúng tôi được lệnh tiếp quản một mục tiêu tại đường Nguyễn Đình Chiểu Sài Gòn. Đây vốn là trụ sở SAID của Mỹ.
Trước khi làm nhiệm vụ tiếp quản, Ủy ban Quân quản thành phố quán triệt: “Phải làm tốt công tác dân vận, giữ nghiêm kỷ luật Quân đội khi tiếp quản vùng giải phóng”.
Căn nhà lớn hai tầng xây từ thời Pháp, trước khi tháo chạy người Mỹ đã đốt cháy trụi. Rác rưởi than bụi ngổn ngang. Tài liệu văn phòng và những két sắt đựng hồ sơ cháy đen thui. Chiếc máy tính điện tử IBM to như chiếc giường bị phá tung chỉ còn đống sắt vụn. Các máy in, máy xử lý ảnh cũng bị phá dỡ tan hoang. 
Những cuộn phim nặng hàng kí, to như chiếc đĩa  dùng chụp trên máy bay gọi là “không ảnh” nằm lăn lóc dưới sàn nhà. Phim vẫn còn lưu ảnh có chú thích với mũi tên chỉ: “ Căn cứ sư đoàn X Việt cộng”. “Trạm giao liên Y”. “Bịnh xá dã chiến Z” “Sư đoàn C Việt cộng đang hành quân”... Hình ảnh những cánh rừng bị chất độc hóa học và bom Napan tàn phá hủy diệt lộ ra những con đường giao liên và những căn cứ quân giải phóng rõ mồn một trong từng thước phim với đầy đủ chú thích. Vậy mà đối phương không ngăn cản được bước tiến của quân ta tiến về Sài Gòn. Lúc này đây cuộc chiến đã chấm dứt. Những cuộn phim  không còn tác dụng nữa vứt lăn lóc trên sàn nhà.
Chúng tôi lao vào dọn dẹp sạch sẽ căn cứ, sửa lại nhà để ở. Cả tướng lẫn quân đều lăn lưng ra làm, người nào người nấy dính đầy khói bụi nhem nhuốc. Người dân tò mò đứng xem chúng tôi làm xì xào: “Lính giải phóng chịu khó thiệt!”.
Mỗi buổi sáng đúng 5 giờ, kẻng báo thức vang lên, cả đơn vị thức dậy nhanh chóng xếp hàng tập thể dục, vừa chạy vừa hô 1,2,3. Người dân thấy lạ đứng ngoài tường rào ngó nghiêng. 
Không có chỗ tắm, chúng tôi phải lấy những tấm tôn cũ quây tạm làm nhà tắm. Mỗi buổi chiều dọn dẹp xong, khi chúng tôi tắm nhiều người dân kể cả phụ nữ trẻ con cũng tò mò đứng ngoài hàng rào nghển lên ngó nhìn thật là lạ.
Bức tường bao giáp nhà dân có loại cây giống như xương rồng leo phủ kín tường, trái bự như nắm tay chín đỏ rực bắt mắt lần đầu tiên chúng tôi mới nhìn thấy. Tò mò tôi hỏi bà má đang cắt từng trái: “Trái gì vậy má ơi!”. “Trái  thanh long  các chú không biết à!”. “Có ăn được không ạ?” .“Ăn được chứ, các chú cứ hái mà ăn!”. Bà bổ một trái đưa qua tường cho chúng tôi: “Các chú ăn thử đi, ngon lắm!”. Mỗi người ăn thử một miếng thấy man mát ngòn ngọt nhơn nhớt, lạo xạo hạt như  hạt vừng.
Buổi chiều chúng tôi hái hết những trái thanh long chín sà sang phía đơn vị mang sang nhà bà má. Bà ngạc nhiên: “Sao các chú không để mà ăn?”. “Dạ, của bà con trồng chúng con đâu dám ạ. Với lại chúng con ăn không quen!”. 
 Thấy chúng tôi thật thà cởi mở mấy người hàng xóm bên cạnh kéo đến trò chuyện. Một chị tuổi trung niên thổ lộ: 
- Mấy chú giải phóng hiền khô, nói chuyện rất có duyên khác xa mấy ổng tâm lý chiến tuyên truyền!
 Tôi tò mò hỏi: “Họ tuyên truyền thế nào chị?”.  Chị ta ngập ngừng: “Họ nói Việt cộng có đuôi. Ngó các chú mặc quần xà lỏn tập thể dục buổi sáng đâu thấy chú nào có đuôi!” rồi cười rúc rích. Một chị khác xen vào: “Bà con thấy mấy chú cả quan lẫn lính lao vào dọn dẹp sạch trơn chả nề hà nên rất nể phục. Các chú rất dễ mến!”. Thì ra họ ngó chúng tôi là như vậy.
Người dân ở đây toàn người nghèo sống trong hẻm nhỏ sát tường bao của công sở Mỹ. Họ làm đủ nghề để kiếm sống. Người chạy chợ, người chạy xe ôm xe lam chở khách, người đẩy xe bò bía, hủ tiếu đi rong khắp ngõ ngách để bán. Có người bám theo các trại lính mua bán đồ quân trang quân dụng thải ra. Ban ngày họ quần quật trên đường phố để kiếm tiền, tối về lại tá túc trong những căn nhà tôn lụp xụp trong hẻm.
 Người Sài Gòn cởi mở và thân thiện nên rất dễ tiếp xúc gần gũi. Chúng tôi cùng ban Quân quản phường giúp họ tìm việc làm để kiếm tiền chính đáng, giúp họ sửa lại những căn nhà dột nát để họ ổn định cuộc sống.
 Trẻ con là dễ gần  nhất. Chúng hay lân la đến gần cách chú Giải phóng, nghe  chúng tôi kể chuyện, dạy hát và dạy những trò chơi của trẻ con ngoài Bắc làm chúng rất vui thích. Chả mấy chốc chúng tôi đã chiếm được cảm tình của các cháu, được các cháu yêu quý.
 Người dân bị bệnh đơn vị cử quân y vào tận nhà thăm khám chữa trị hoặc cho xe đưa đi viện.
  Từ đấy người dân luôn có thiện cảm, gần gũi cởi mở với chúng tôi. Họ phối hợp giúp đỡ chúng tôi lập lại trật tự  an ninh đường phố, cuộc sống dần dần trở lại bình thường. 
Hôm nghe tin tôi chuyển công tác ra Bắc, bà con đến thăm rất đông. Một bà má nói với tôi: 
- Sao con không lấy vợ trong này rồi ở hẳn đây có được không?  
- Dạ, con có vợ  ngoài Bắc rồi má!
 Má cười hiền hậu: 
- Chúc vợ chồng con hạnh phúc. Chúc con thượng lộ bình an!
Buổi chia tay đã làm tôi nhớ mãi…    

Phạm Ngọc Kiểm

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nơi níu giữ, ươm mầm khát vọng sống

    Nơi níu giữ, ươm mầm khát vọng sống

     Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn thành cách đây nửa thế kỷ, các vết thương do bom đạn gây ra đã lành, nhưng nỗi đau da cam vẫn hiện hữu, nặng nề trong nhiều gia đình. Nhằm ...
    Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân

    Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân

    Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh,Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" , Tạp chí Da cam Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết ...
    Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Thái Lan

    Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Thái Lan

    Chiều 16-5, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhân dịp thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ tư nội các chung Việt Nam-Thái Lan.   ...
    TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỔI MỚI VỚI “CUỘC CÁCH MẠNG” SẮP XẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY HIỆN NAY

    TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỔI MỚI VỚI “CUỘC CÁCH MẠNG” SẮP XẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY HIỆN NAY

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một di sản tinh thần vô giá đó là Tư tưởng Hồ Chí Minh “một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam”, trong đó có tư tưởng về đổi mới. Đó là nền tảng, định hướng quan trọng để Đảng ta thực hiện “cuộc cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ ...