• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Sáng ngời như “Ngọc”

Sáng ngời như “Ngọc”

Sáng ngời như “Ngọc”, đúng như tên khai sinh của anh: Đỗ Xuân Ngọc, người cưụ chiến binh, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Anh Đỗ Xuân Ngọc, Chủ tịch Hội phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam anh hùng, nơi vào năm 1964, đội du kích mật mang “súng giả bằng bẹ dừa”, cùng nhân dân đồng khởi tiến công tiêu diệt tề ngụy, chính quyền Sài Gòn giải phóng quê hương. Chứng kiến sự tàn bạo của kẻ thù, trước khí thế cách mạng của quần chúng, người thanh niên Đỗ Xuân Ngọc khi ấy vừa tròn 14 tuổi đã hăng hái,nhiệt huyết tham gia cách mạng. Trong anh khát vọng, hoài bão tòng quân giết giặc giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam luôn rực cháy. Năm 1965 khi vừa tròn 15 tuổi (tuổi âm lịch 16), anh được tổ chức cho thoát ly vào bộ đội chủ lực, biên chế về tiểu đoàn 6, Trung đoàn 21, Sư đoàn II, Quân khu V. Ngọc tham gia chiến đấu trên khắp chiến trường Quân Khu V, một chiến trường được xem là khó khăn, ác liệt nhất. Anh cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, lăn lộn, vào sanh, ra tử khắp quân khu, đã hai lần bị thương, hứng chịu nhiều trận mưa chất độc hóa học của địch.

Qua quá trình chiến đấu, anh đã lập nhiều chiến công xuất sắc, được cấp trên khen thưởng: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng II và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Năm 1972, sức khỏe suy giảm do thương tật, nhiểm chất độc da cam, anh xin chuyển về cơ quan dân chính tại tỉnh nhà; năm 1993 về nghỉ hưu và sống tại phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, anh là thương binh loại 2/4 (tỉ lệ 75%) và nạn nhân chất độc da cam (có con cũng bị nhiễm CĐDC/dioxin).

Là sĩ quan quân đội, nhưng chuyển ngành và về hưu sớm, thu nhập lương hưu thấp, có con bị di nhiễm CĐDC/dioxin, nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống gia đình cách mạng (có cha, anh và chị gái là liệt sĩ, mẹ là mẹ VNAH, bản thân là thương binh, NNCĐDC, Đảng viên 50 năm tuổi Đảng, CCB, thương binh) sức khỏe giảm sút, thu nhập thập, nhưng không vì thế mà quên đi lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Vì vậy anh luôn ý thức rằng: “nghỉ hưu chứ không nghỉ việc”, anh luôn tích cực tham gia sinh hoạt Đảng, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể ở địa phương. Anh được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX trong 10 năm liền (2 nhiệm kỳ liên tục); Tổ trưởng tổ Đoàn kết khối phố (20 năm), Bí thư Chi bộ khối phố; Từ năm 2008 đến nay là Chủ tịch Chi hội Hội NNCĐDC/dioxin phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ 3 nhiệm kỳ liên tục...

Làm Chủ tịch Hội trong 03 nhiệm kỳ (từ 2008 đến 2024), anh Ngọc cùng với tập thể BCH, đề xuất nhiều cách làm hay, sáng kiến mới, nên Chi hội nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã được các cơ quan đánh giá cao và đã khen tặng nhiều hình thức: Giấy khen của Tỉnh Hội NNCDDC/Dioxin, Giấy khen của UBND Thành phố Tam Kỳ, Giấy khen của Thành Hội Tam Kỳ và Giấy khen của UBND phường An Mỹ...

Có được những thành tích ấy, theo anh Ngọc là sự đoàn kết nhất trí của tập thể BCH. Nhưng theo ý kiến của tập thể BCH Hội phường An Mỹ, vai trò của Chủ tịch Chi Hội rất quan trọng, anh Ngọc đã đề ra nhiều biện pháp đúng, sáng kiến hay, việc làm tốt, sát với thực tế của địa phương:

- Quy tụ BCH đồng thuận trong xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của BCH, Ban Kiểm Tra, quy chế thu chi tài chính...;

- Chủ động tận dụng các sự kiện, ngày lễ, tết: “Ngày thảm họa da cam da cam ở Việt Nam - 10/8”, tết cổ truyền của dân tộc... tham mưu cho UBND phường có chủ trương vận động cộng đồng ủng hộ nạn nhân, tự soạn thảo thư kêu gọi gởi đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài phường, cử người đến các đơn vị, cơ quan, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để vận động sự giúp đỡ. Việc làm tích cực và thiết thực của BCH, của cá nhân Chủ tịch đã đem lại hiệu quả, trong 5 năm qua Chi hội đã vận động, tiếp nhận được 189 triệu 953 nghìn đồng (trong đó có quà quy ra tiền); vận động Việt kiều ủng hộ 240.000USD. Từ nguồn kinh phí tiếp nhận, Chi hội chủ trì xây 01 ngôi nhà tình thương tặng nạn nhân có khó khăn về nhà ở; tổ chức thăm 121 lượt NNCĐDC, với số tiền 143 triệu 100 nghìn đồng...

Những thành quả ấy, theo anh Ngọc chỉ là số liệu bước đầu, điều tâm đắc nhất của anh là từ những phần quà cộng đồng ủng hộ mà nhiều NNCĐDC đang sống và sinh hoạt tại phường đã tin và gắn bó với Hội (Trong 05 năm qua, Chi Hội đã kết nạp được 105 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 185 người).

Và cũng theo anh, sự thành công của Hội bắt nguồn từ “ở đâu có một tổ chức lãnh đạo kiên quyết vào cuộc, có cán bộ chủ chốt không ngại khó khăn gian khổ, quyết tâm với phong trào, không ngại va chạm, thì ở đó khó khăn mấy cũng thành công”.

Điều quý hơn ở anh Đỗ Xuân Ngọc là anh luôn ghi nhớ lời cố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng:“Quá khứ là vinh quang chỉ được trân trọng, khi hiện tại tiếp tục làm đẹp cho đời” nên dù tuổi cao, sức yếu anh vẫn luôn say mê với công việc.

Với riêng tôi, anh Đỗ Xuân Ngọc là “viên ngọc quý”, mà ngọc quý thì càng mài càng sáng, đúng như tên anh, người thương binh “tàn mà không phế”, NNCĐDC nhưng không gục ngã, luôn kiên cường khao khát lập chiến công. Tôi mong anh vững vàng và “sáng ngời như Ngọc” dẫu cho tuổi tác và sức khỏe mỏi mòn theo thời gian./.

Phạm Văn Bính

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác