Tâm sáng, lòng trong
Ở tuổi 73, với vóc dáng nhanh nhẹn, khuôn mặt nhân hậu và đôi mắt tinh anh, trong cuộc trò chuyện, ông để lại cho tôi một tình cảm chân thành, gần gũi và tin cậy. Ông tự hào kể: "Năm 1967, tôi nhập ngũ khi vừa 18 tuổi, tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nam Bộ và nước bạn Campuchia, trực tiếp tham gia Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và các chiến dịch lớn trên đất bạn...".
Trong những năm chiến đấu ở chiến trường, ông bị thương 3 lần, tỷ lệ thương tật 65%. Năm 1985, ông về công tác tại Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như: Trợ lý, Phó đội trưởng, Đội trưởng Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) Quân tình nguyện Việt Nam tại tỉnh Hủa Phăn, Lào; rồi Trưởng ban Chính sách, đến năm 2005, ông nghỉ hưu với quân hàm thượng tá...
Ở bất kỳ cương vị công tác nào, ông Thư đều cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, trong 38 năm phục vụ quân đội, ông có 20 năm làm cán bộ chính sách. Từ năm 1986 đến 1990, ông cùng 100 cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập HCLS Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa trực tiếp lăn lộn khắp các nơi "rừng sâu nước độc" thuộc 6 huyện, 227 phum, bản tại tỉnh Hủa Phăn để tìm kiếm, quy tập gần 1.000 bộ hài cốt Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh về nước...
Nhớ về những ngày tháng gian truân đó, giọng ông Thư bỗng trùng xuống: “Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam và Campuchia, tôi đã tự tay chôn cất nhiều đồng đội. Từ trận đầu tiên ở Làng Vây-Khe Sanh, Quảng Trị (năm 1968) đến mùa mưa 1968 ở Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc rồi chiến đấu ở Lộc Ninh, Bà Chiểm, đường Lệ Xuân, lộ 26 Tây Ninh, đường 13 Chơn Thành, Hớn Quản, tỉnh Bình Long (năm 1969). Từ năm 1970, về vùng đất Bảy Núi, tỉnh An Giang, những rừng đước, rừng tràm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có biết bao bạn bè, đồng chí của tôi đã ngã xuống.
Ông Phạm Quang Thư đến thăm hỏi, động viên NNCĐDC tại huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa
Những năm 1970-1971, khi sang chiến đấu ở đất bạn Campuchia, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của đơn vị hy sinh, nằm lại trên mảnh đất chùa tháp... Trái tim tôi đã bao lần ứa máu khi nhìn thấy thân hình của đồng đội bị bom đạn quân thù làm tan nát. Họ đã vĩnh viễn nằm lại những vùng đất xa xôi... Tôi may mắn hơn đồng đội, thời bình được giao nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, đưa các anh về với quê hương, điều đó như một định mệnh. Dù ngày đó chỉ hưởng lương, phụ cấp như công tác trong nước, không có chế độ, chính sách gì thêm, vật tư, trang thiết bị thiếu thốn, nhưng anh em trong đội quy tập HCLS vẫn động viên nhau khắc phục khó khăn, tìm được nhiều liệt sĩ về đoàn tụ cùng người thân và gia đình. Chúng tôi làm bằng tình cảm, trách nhiệm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Nếu không có cái tâm trong sáng sẽ không làm được...".
Cũng từ cái tâm trong sáng đó, suốt từ năm 1990 cho đến khi nghỉ hưu (năm 2005), trên cương vị Trưởng ban Chính sách, ông Thư đã tham mưu cho Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; tổ chức triển khai, thực hiện các chế độ, chính sách dành cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng... bảo đảm công khai, chặt chẽ, đúng người, không sót, lọt đối tượng. Nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được triển khai mang ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc...
“Một địa phương có tới gần 330.000 người có công, trong đó 56.000 liệt sĩ, 46.000 thương binh, 16.000 bệnh binh... Đối tượng chính sách nhiều như vậy nên đòi hỏi người cán bộ làm công tác chính sách không chỉ có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm mà còn phải có sự đồng cảm, chia sẻ, như vậy mới vẹn toàn được”, ông Thư bộc bạch.
Đồng hành, chia sẻ với người yếu thế
Năm 2005, ông Thư nghỉ hưu. Chưa kịp nghỉ ngơi, năm 2006, ông tiếp tục tham gia công tác tại Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa, đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch.
Cảm thông với những khó khăn, đau thương của các gia đình cựu chiến binh bị nhiễm CĐDC/dioxin, 5 năm qua, ông Thư đã tham mưu cho Tỉnh hội về công tác vận động, kêu gọi các tổ chức chính trị, xã hội, các hội quần chúng, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ NNCĐDC hơn 4 tỷ đồng để làm nhà tình nghĩa cho 90 hộ nạn nhân nghèo đang ở nhà tranh tre, dột nát; tổ chức thăm, tặng quà hơn 4.000 lượt nạn nhân trong các dịp lễ, tết; gần 300 con em NNCĐDC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn về công tác giảm nghèo bền vững... Cũng từ đó mà nhiều hộ gia đình có NNCĐDC trên địa bàn giảm được đói nghèo, vươn lên trở thành hộ khá và giàu...
Theo ông Thư: "Nạn nhân CĐDC không chỉ có thế hệ trực tiếp mà còn cả thế hệ con, thậm chí cháu của họ. Đây là đồng đội, là con, là cháu của đồng đội mình, họ là những người bất hạnh nhất trong những người bất hạnh, đau khổ nhất trong những người đau khổ, lại là những người yếu thế trong xã hội. Tham gia công tác hội, tôi luôn đau đáu một nỗi niềm: Nếu mình không cố làm nhanh, làm đúng, làm kịp thời các chế độ, chính sách cho họ thì họ không còn cơ hội để thụ hưởng, bởi mỗi năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có từ 130 đến 140 NNCĐDC tử vong. Mình không gắng làm là có tội với anh em, với đồng chí, đồng đội...".
Cũng theo ông Thư, nhiều gia đình có hoàn cảnh bi đát đến nhói lòng. Có gia đình do di chứng chất độc, chồng toàn thân bất toại, sống thực vật đã hàng chục năm, sinh được hai người con thì dị dạng, chân tay co quắp nằm một chỗ, tất cả gánh nặng về thể xác và tinh thần đều dồn lên vai người vợ. “Có gia đình sinh 4 người con, đứa thì ngơ ngẩn, đứa thì điên loạn phá phách...; có người mẹ gặp tôi chỉ biết khóc, chị chỉ mong nghe được tiếng con gọi “mẹ ơi”... Họ thực sự là người bất hạnh nhất trong những người bất hạnh. Những hoàn cảnh như thế, mình không đi, không đến, không tận mắt thấy thì sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ, chức trách”, ông Thư tâm sự.
Đau đáu trước những nỗi đau của gia đình và NNCĐDC, ông Phạm Quang Thư luôn miệt mài, nỗ lực, tích cực nghiên cứu, nắm vững các văn bản của Đảng, Nhà nước để từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác hội, đồng thời trực tiếp bảo vệ và tư vấn về chế độ, chính sách cho các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cán bộ dân chính... được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. 5 năm qua, ông đã tham mưu cho Tỉnh hội và UBND tỉnh điều tra, lập hồ sơ cho 1.800 NNCĐDC thế hệ thứ 3 bảo đảm đúng quy định.
Từng kinh qua công tác chính sách trong quân đội nên ông Thư luôn tự dặn lòng phải nêu cao tinh thần thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, đó chính là tạo điều kiện tốt nhất để NNCĐDC được thụ hưởng chính sách đầy đủ.
Cựu chiến binh Phạm Quang Thư cho biết: “Tôi lành lặn trở về là may mắn, đồng đội tôi người thì hy sinh, người để lại một phần xương máu, người âm thầm mang trong mình vết thương dai dẳng và đau đớn cho cả thế hệ sau. Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục thực hiện hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, không để họ phải chịu thiệt thòi, cũng là để họ phần nào vơi đi nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống...”.
Với tấm lòng bao dung, nhân hậu, luôn đồng hành, chia sẻ với các NNCĐDC, ông Phạm Quang Thư có 5 năm liên tục (2016-2020) được Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen; năm 2021, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận