• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thảm họa da cam - nỗi đau của dân tộc

Ngày 10/8/1961 "Một chiếc trực thăng sơn cờ vàng 3 sọc đỏ của Không lực Sài gòn đã bay dọc theo quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắc Tô. Đây là chuyến bay phun rải chất độc hoá học đầu tiên ở chiến trường Nam Việt Nam. Trên trực thăng H- 34 có lắp thiết bị phun FIDAL (Fixed Wing Insectiside Dispersal Appatus Liquid). Đợt thí nghiệm này phải mất 3 ngày mới hoàn tất vì thiếu phương tiện."

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, quy mô lớn nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất chưa từng có trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 đến năm 1971 đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (CĐHH), 61% trong số đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin, xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, trong đó có 26.000 thôn, bản với 3,06 triệu ha; 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần; 86%  hóa chất độc rải xuống rừng núi, 14% rải xuống đồng ruộng. Hầu hết các hệ sinh thái hủy hoại, nhiều loại động vật, thực vật bị tiêu diệt; 20 triệu mét khối gỗ bị mất do chất khai quang trong tổng số 90 triệu mét khối gỗ bị hủy hoại trong chiến tranh. CĐHH quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam gồm nhiều loại: chất hồng (Pink), chất xanh (Blue), chất trắng (White), chất xanh lá cây (Green), chất đỏ tía (Purple), chất da cam (Organe), chất tím (Purple)… Các chất này được quy ước (ký hiệu) bằng một dải băng sơn trên các thùng chứa hóa chất.


Cụm từ “chất độc da cam/dioxin” là chỉ chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Đó là chất da cam chứa TCDD, là chất kịch độc, độc nhất trong tất cả chất độc mà loài người đã biết. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), người bị nhiễm vài nanogam (phần tỉ gam) đã có thể bị tai biến, còn khi bị nhiễm vài chục nanogam có thể chết người. Theo GS Lê Cao Đài về “Chất da cam trong chiến tranh Việt Nam”, “… Không ai biết rõ liều độc gây chết người là bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các thí nghiệm ở động vật thì có nhà khoa học tính rằng chỉ cần khoảng 80 gram dioxin cho vào hệ thống cấp nước là đủ để tiêu diệt toàn bộ dân số một thành phố lớn như New York (7,8 triệu dân)”.    
Dioxin là sản phẩm phụ không mong muốn. Nếu sản xuất chất da cam đúng quy trình, thời gian 12 giờ, nhiệt độ 88,80C thì sự xuất hiện của dioxin không đáng kể. Vì chạy theo siêu lợi nhuận, các công ty hóa chất Mỹ đã rút thời gian xuống 8 phút và nâng nhiệt độ lên 277,70C, làm cho dioxin trong chất da cam tăng lên hàng trăm lần. Trong tự nhiên, dioxin cũng có thể được tạo ra do quá trình hoạt động công nghiệp, cháy rừng, núi lửa, đốt rác. Dioxin được tạo ra trong quá trình trên, TCDD chỉ chiếm không quá 10%; trong khi chất dioxin Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, TCDD chiếm từ 20 đến 100%.
Chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam đã gây nên hậu quả chưa từng có trong lịch sử loài người. Hậu quả đó được các nhà khoa học trong nước và thế giới mô tả bằng các ngôn từ: “bi thảm, diệt chủng, hủy diệt, nặng nề, kinh hoàng, khủng khiếp, khốc liệt, tàn khốc, thảm khốc, trầm trọng, thảm họa…”. Chúng ta dùng cụm từ “thảm họa da cam”. Thảm họa da cam tác động đến cả môi trường và sức khỏe con người.
Tháng 4 năm 2012, Hội thảo khoa học quốc tế tổ chức tại Đại học Yale (Mỹ), quy tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới đánh giá những công trình nghiên cứu khoa học mới nhất về chiến tranh hóa học, đã kết luận: “Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất, độc ác và tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại” ở miền Nam Việt Nam. Trong Lời kêu gọi của Hội nghị quốc tế NNCĐDC/dioxin lần thứ II, được tổ chức tại Hà Nội (8-9/8/2011) cũng đã khẳng định “Việc sử dụng chất da cam trong chiến tranh ở Việt Nam là một tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại. Hậu quả của hành động đó có thể tồn tại qua nhiều thế hệ”. Từ ngày 12 đến ngày 14/12/1970 hội nghị các nhà khoa học về chiến tranh hóa học ở Việt Nam họp tại Paris đã ra nghi quyết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Quân đội Mỹ đang dùng Việt Nam làm nơi thí nghiệm chiến tranh hóa học. Việc làm cho một số lớn người thiệt mạng và môi trường bị nhiễm độc, kết luận đây là một tội ác diệt chủng đi đôi với tội ác hủy diệt sự sống… Chúng tôi một lần nữa khẳng định, việc sử dụng những chất đó là vi phạm trắng trợn những điều quy định trong Nghị định thư Genève năm 1925 và được nghị quyết ngày 16 tháng 12 năm 1969 của Liên Hợp quốc phê chuẩn”.
Đối với môi trường:


Với một lượng khổng lồ CĐHH phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn bị CĐHH hủy diệt trở nên hoang sơ, chết chóc: “không một cánh chim, không một cành lá, không cả tiếng côn trùng”. Rừng bị hủy diệt đã tác động lên 28 lưu vực sông miền Trung. Có 16 lưu vực, trong đó rừng bị phá hủy chiếm 30% diện tích tự nhiên; 10 lưu vực mất 30- 50 % diện tích và 2 lưu vực mất hơn 50 % diện tích, ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến vùng hạ lưu. Rừng phòng hộ đầu nguồn của 28 hệ sông bị tàn phá, làm cho lũ lụt, hạn hán nặng nề trên lưu vực các sông: Hương, Thạch Hãn, Hàn, Thu Bồn, Trà Khúc, Vệ, Cầu, Ba… Bởi vì có rừng, 95% nước mưa trở thành nước ngầm; không có rừng, 95% nước mưa chảy tràn trên mặt đất, gây xói mòn, lũ lụt. Năm 1995, Ngân hàng Thế giới (WBG) nhận xét: “Sự tàn phá môi trường của cuộc chiến tranh lần thứ hai ở Đông Dương (1961 -1975) thật nghiêm trọng”. 
Đối với con người:
Theo số liệu của các nhà khoa học Mỹ (Giáo sư J.M. Stellman và cộng sự Trường Đại học Columbia- New York, Tạp chí Nature số 422 ngày 17/4/2003), có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, hơn 3 triệu người là NNCĐDC. Không phải chỉ người Việt Nam, mà nhiều binh sĩ thuộc các nước đồng minh của Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam cũng là NNCĐDC: Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc... Theo Đô đốc Elmo Zumwalt, nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân, Không quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam (1968-1970), có ít nhất 2,6 triệu lượt lính Mỹ bị phơi nhiễm dioxin. Hằng năm, chính phủ Mỹ chi hàng tỷ USD cho các cựu chiến binh thương tật do nhiễm chất độc da cam (riêng năm 2010 là 13,5 tỷ USD). Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc (KAOVA) cho biết: Hàn Quốc có 100.000 NNCĐDC, trong đó có 20.000 nạn nhân đã chết, hằng năm, Chính phủ Hàn Quốc trợ cấp cho các nạn nhân 130.000.000 USD.


Ở nước ta, hàng trăm nghìn NNCĐDC đã chết trong đau đớn; hàng trăm nghìn người khác đang hằng ngày, hằng giờ vật lộn với những căn bệnh quái ác bởi dioxin mà hình như y học bất lực. Họ sống trong đau khổ tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần, chết dần chết mòn. Nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, cán bộ dân chính đảng tăng cường cho miền Nam… sau chiến tranh trở về với đời thường, xây dựng gia đình như bao người khác và tưởng chừng mình sẽ hạnh phúc. Nhưng không! Họ đã phải sống trong bi thảm, đau đớn - khi hàng ngày hàng giờ chứng kiến những đứa con của mình sinh ra với hình hài không nguyên vẹn, nhưng không thể bỏ đi, vì đó là giọt máu của mình, là con mình. Bao bà mẹ chín tháng mang nặng đẻ đau, nhưng đau khổ suốt đời vì sinh ra những “giọt máu” không lành - những đứa con tật nguyền vô phương cứu chữa. Đó là những đứa trẻ hoặc thiếu hoặc thừa các bộ phận cơ thể, hoặc đủ nhưng bị biến dạng, mất khả năng hoạt động: tai không thể nghe, mắt không thể nhìn, miệng không thể nói, chân không thể nâng bước, tay không thể ôm ấp, não không thể tư duy… Đó là những đứa trẻ câm, điếc, tâm thần, bại liệt, nhũn não, sống đời sống thực vật.
Bao bà mẹ nuôi con mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm và lâu hơn thế, nhưng chưa một lần con biết nhìn mẹ, chưa một lần con cười, chưa một lần con cất tiếng gọi mẹ ơi! Nhiều chị em phụ nữ đi qua chiến tranh, ngày trở về nhưng không được hưởng hạnh phúc là vợ, làm mẹ, vì họ bị vô sinh, di chứng từ chất độc da cam/dioxin, họ sống đơn côi; nhiều người không có nơi nương tựa, nhiều phụ nữ đã tìm đến cửa phật để nương nhờ. Thảm họa da cam đã cướp mất sự bình yên của hàng triệu gia đình người Việt Nam, nhiều gia đình mà tất cả các con đều là nạn nhân, càng thê thảm hơn. 
Rất, rất nhiều gia đình hiện có 2 đến 4 người là NNCĐDC, thậm chí có gia đình cả ba thế hệ là NNCĐDC, cuộc sống đầy cay đắng, tủi hờn, kinh tế kiệt quệ. Trong nhà chỉ có tiếng khóc, tiếng gào thét, quậy phá; bữa ăn bát cơm của người thân chan đầy nước mắt. Nhiều người đau đớn dùng xích để xích con, làm cũi để nhốt con, thật đau đớn, tột cùng của đau đớn! Chất độc da cam di truyền xuyên thế hệ, nhiều gia đình không còn duy trì được nòi giống. Đề tài nghiên cứu của Hội Nạn CĐDC/dioxin Việt Nam và các cuộc khảo sát về NNCĐDC gần đây cho thấy, ở Việt Nam, chất độc da cam đã di truyền sang thế hệ thứ tư (chắt) với con số lên đến hàng nghìn người.
Những người cha, người mẹ ấy đau đáu một niềm lo âu khôn tả, là khi họ khuất núi, về với tổ tiên, những đứa con, đứa cháu tật nguyền của họ ở với ai? Sống thế nào? Câu hỏi ấy, trăn trở ấy, dành cho xã hội, cho chúng ta - những người may mắn hơn!
Nguyên Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong thư gửi NNCĐDC nhân dịp ngày 10/8/2006, có đoạn viết “Nỗi đau của NNCĐDC Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới”. Ngày 10/8 hằng năm đã trở thành: “Ngày Quốc tế đoàn kết với NNCĐDC Việt Nam”,  “Ngày vì NNCĐDC Việt Nam”.
Những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng, trong đó người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam được khẳng định là người có công với cách mạng và con đẻ của họ được hưởng chế độ NNCĐDC. Trong đó phải kể đến: Chỉ thị 43/CT-TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11, ngày 29/6/2005 và Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI và XIV; Nghị định 131/2021, ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh số 02/2020; Quyết định số 651/QĐ-TTg, ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 2215/QĐ-TTg, ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đọan 2021-2030. Nhiều năm qua, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đã dành cho NNCĐDC Việt Nam những chia sẻ, tình cảm và trách nhiệm, giúp đỡ họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Theo số liệu của cơ quan quản lý Quỹ NNCĐDC của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, đến tháng 6/2023 số tiền và vật chất quy ra tiền của cộng đồng trong nước và quốc tế ủng hộ NNCĐDC đã lên đến gần 4 nghìn tỷ đồng - một con số vô cùng ấn tượng! Theo đó, đời sống và sức khỏe của nhiều nạn nhân và gia đình họ được cải thiện rõ rệt, họ có cơ hội vươn lên, hòa nhập với cộng đồng…
Giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Bởi chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng đến nay số người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ được hưởng chế độ theo quy định chiếm tỷ lệ còn thấp. Theo số liệu khảo sát của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam hiện còn trên 60 nghìn CCB hoạt động kháng chiến trong vùng bị phun rải mất giấy tờ còn chưa được quyết định để hưởng chế độ. Làm thế nào để cuộc sống của nạn nhân và gia đình họ được nâng lên và nỗi đau được xoa dịu? Đó là mong muốn của mỗi chúng ta và là ước nguyện của cả cộng đồng xã hội. 
Hãy “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”./.

Đại tá Trần Đình Đích
Tổng Biên tập Tạp chí Da cam Việt Nam

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác