Toàn thành phố có hơn 5.000 NNCĐDC, trong đó 2.476 người hoạt động kháng chiến và hơn 800 con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 13.078 người dân hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Trong số đó có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều gia đình có từ 2-3 nạn nhân.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thăm tặng quà cho nạn nhân da cam
Với tinh thần “Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm-Vì nạn nhân chất độc da cam”, nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các cơ quan, tổ chức đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ quỹ để thực hiện công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC và gia đình họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Toàn Hội có trên 3.000 hội viên, trong đó có 67 hội viên là người nước ngoài tự nguyện tham gia. 5 năm qua, Hội đã trở thành cầu nối quan trọng, kết nối doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong và ngoài nước cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những số phận kém may mắn, giúp họ vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Các cấp hội đã huy động nhiều nguồn lực và tổ chức nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo. Điển hình như các quận, huyện hội Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Hòa Vang và nhiều chi hội xã, phường khác.
Nhiệm kỳ 2018-2023, Thành hội Đà Nẵng tổ chức nhiều chương trình kêu gọi vận động quỹ như: chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam”,“Mùa xuân cho em” nhân ngày vì nạn nhân da cam ở Việt Nam 10/8 và các dịp lễ, tết... Từ nguồn huy động đó, Hội đã tổ chức trao tặng gần 39.295 suất quà, xây dựng và sửa chữa mới 9 nhà tình thương, trợ dưỡng thường xuyên 1.014 suất, hỗ trợ đột xuất, khó khăn, khám chữa bệnh 680 nạn nhân, hỗ trợ 14 xe đạp, 50 xe lăn, 305 suất học bổng, hỗ trợ sinh kế cho 21 gia đình, với tổng số tiền gần 48 tỷ đồng (bao gồm vận động hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Trung tâm, các trang thiết bị, tiền mặt, hiện vật…).
Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC và trẻ em bất hạnh thành phố thực sự là ngôi nhà chung của nạn nhân da cam, đồng thời là địa điểm nhân đạo, từ thiện của các nhà tài trợ trong và ngoài nước khi đến với Đà Nẵng. Hoạt động Trung tâm là nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học, dạy nghề, phục hồi chức năng, các hoạt động vui chơi giải trí cho gần 110 chúa là nạn nhân da cam. Qua thời gian, các cháu đã từng bước phục hồi dần các chức năng về vận động và trí tuệ. Trung tâm sàng lọc và áp dụng các hình thức đào tạo nghề phù hợp, với một số nghề đơn giản như làm hoa, kết cườm, làm nhang, học may, học vi tính... Sản phẩm của các em được bán và tham gia tại các Hội chợ trong nước và quốc tế. Trung tâm còn tăng cường sản xuất, trồng rau sạch, trồng nấm, nuôi heo, gà…, cải thiện bữa ăn hằng ngày cho các cháu.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân da cam được quan tâm. Đến nay, Trung tâm xông hơi, giải độc và phục hồi chức năng thành phố đã tổ chức được 21 đợt cho hơn 155 người, góp phần làm giảm bớt các bệnh, tật, nâng cao sức khỏe cho nạn nhân.