• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thu hồi tiền trợ cấp NNCĐDC đối với anh Phan Hoàng Dương là chưa đúng

Anh Phan Hoàng Dương đúng là bị dị tật, dị dạng bẩm sinh do di nhiễm CĐHH từ bố đẻ là người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm CĐDC! Đó là khẳng định của chúng tôi (phóng viên Tạp chí Da cam Việt Nam) sau khi cùng ông Trần Văn Huynh, Phó phòng Người có công (Sở LĐTBXH) và ông Vũ Viết Hiền, công chức TBLĐXH xã Mỹ Tân (huyện Mỹ Lộc) trực tiếp về xóm Tân Đệ, thăm anh Phan Hoàng Dương (SN 1987) và ông bà Phan Duy Viên, Đỗ Thị Oanh (bố, mẹ anh Dương) tại gia đình.

Ông Phan Duy Viên (SN 1948), nhập ngũ tháng 9/1965. Sau khóa huấn luyện tân binh, ông được biên chế vào đơn vị d86 - e274 - Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1974, ông tốt nghiệp Trường Sỹ quan Phòng không với quân hàm thiếu úy, Trợ lý Quân báo e274 - F 367 (miền Nam), tham gia chiến đấu tại các chiến trường: Đông Hà, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phù Cát, Tam Hiệp, Đông Nai... Đầu năm 1976, ông Viên nghỉ phép, về quê và kết hôn với bà Đỗ Thị Oanh (SN 1949), giáo viên.

Bà Oanh cho biết: Sau khi cưới, bà mang thai 5 - 6 lần, nhưng chỉ được vài tháng lại bị sẩy. Cuối năm 1977, vợ chông ông sinh con trai đầu lòng đặt tên là Phan Thành Dương, năm 1979 sinh đứa thứ hai là Phan Thành Thùy Dương; gần 10 năm sau (1987), ông bà sinh thêm người con thứ ba là Phan Hoàng Dương.

Ông Phan Duy Viên cho biết: từ lúc sinh ra, cháu Dương đã bị dị dạng, dị tật; hai cánh tay mềm nhũn, 5 ngón tay phải cứng đờ, xòe ra không nắm lại được; cháu không nói, không cười, cứ như một cục thịt, càng lớn bệnh càng nặng, mọi sinh hoạt cá nhân đều đến tay bố mẹ. Khi Nhà nước có chế độ chính sách ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, tháng 1/2000 cháu Phan Hoàng Dương được xét và hưởng chế độ NNCĐDC (đối tượng gián tiếp), mức 1 (mức nặng). Số tiền trợ cấp hàng tháng không nhiều, nhưng là nguồn động viên, an ủi lớn, giúp vợ chồng ông bà Viên, Oanh có thêm nghị lực, vượt qua nỗi đau để chăm sóc người con trai tật nguyền. Gần 20 năm qua, vào các dịp lễ, tết, ngày thảm họa da cam Việt Nam 10/8, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của xã, xóm đều đến thăm hỏi, động viên, tặng quà…

Lau dòng nước mắt trên gò má, người CCB, NNCĐDC bức xúc, kể: đầu tháng 9/2018, vợ chồng tôi (ông Viên) nhận được Thông báo số: 246/TB-SLĐTBXH ngày 30/8/2018 của Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định, về việc đình chỉ chế độ và thu hồi trợ cấp con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Theo đó, con trai tôi là Phan Hoàng Dương bị đình chỉ thực hiện các chế độ ưu đãi đang hưởng kể từ ngày 01/09/2018; đồng thời thu hồi lại khoản trợ cấp mà con trai tôi đã hưởng kể từ tháng 1/2000 đến 31/8/2018. Số tiền phải thu hồi là 136.704.000 đồng. Lý do mà cơ quan Sở LĐTBXH đưa ra là: “Ngày 11/5/2018, xác minh trực tiếp ông Phan Duy Viên xác định: Con của ông là Phan Hoàng Dương không bị dị dạng, dị tật, còn tự lực được trong sinh hoạt”. Đọc tờ thông báo, tôi thật sự bức xúc. Tủi cực, uất lắm. Tôi hơn 20 năm quân ngũ gần 10 năm ở chiến trường, vào sinh ra tử tại các địa bàn chiến đấu ác liệt, nay tôi đã ngoài 70 tuổi, hơn 30 năm chăm, nuôi đứa con dị dạng, dị tật vì hậu quả từ bố bị nhiễm CĐHH của Mỹ, nay tuổi già này lại phải “gánh” cái tội giả mạo, khai man hồ sơ để được hưởng chế độ cho con. Nhục quá! Ông Viên bức xúc.

Ông Phan Duy Viên cho biết: Trong buổi làm việc vào sáng ngày 11/5/2018, tại Hội trường UBND huyện Mỹ Lộc, cán bộ thanh tra có hỏi: con bác hiện nay thế nào? Tôi trả lời: hiện nay con tôi không nói được, không tự mặc được quần áo. Mọi sinh hoạt cá nhân đều do vợ chồng tôi giúp đỡ. Cháu bị dị tật từ bé. Điều này Hội đồng xét duyệt hồ sơ của xã, huyện đều đã thực chứng và công nhận cháu dị tật nặng. Hỏi: Bác có đi bộ đội không? Đi chiến trường không? Tôi trả lời: có. Tất cả hồ sơ tôi đã nộp cho cơ quan chức năng theo đúng yêu cầu và đã được xét duyệt. Con tôi là Phan Hoàng Dương đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp NNCĐDC ở mức nặng. Nghe tôi nói xong, anh ta bảo: việc của bác xong rồi.

Cuộc làm việc gọi là thực chứng chỉ diễn ra khoảng 5 phút. Hai mặt một lời với nhau như vậy, nhưng đoàn thanh tra lại kết luận hoàn toàn trái ngược; cho rằng, tôi xác định con trai là Phan Hoàng Dương không bị dị dạng, dị tật, còn tự lực được trong sinh hoạt.

Kết luận của Thanh tra Bộ LĐTBXH không chỉ khiến vợ chồng tôi bức xúc, bất bình, mà bà con hàng xóm, những người không máu mủ ruột rà gì với gia đình tôi cũng phải mủi lòng thương cháu Dương. Còn tôi, người lính già này, ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai. Nhục lắm, cuối đời lại mang cái tiếng giả mạo, khai man hồ sơ, trục lợi tiền chính sách cho con...

Ông Bùi Như Toán, Trưởng thôn Tân Đệ, xã Mỹ Tân cho biết: sau khi anh Phan Hoàng Dương bị cắt chế độ NNCĐDC, tập thể chính quyền gồm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh thôn Tân Đệ đã trực tiếp đến gia đình ông Viên một lần nữa để thực chứng và ghi nhận: Anh Phan Hoàng Dương bị dị dạng, dị tật bẩm sinh là đúng! Hiện tại, anh Dương không nói được, chỉ biết cười, tay phải to, ngón tay bị co rút, khòng khèo, không tự chăm sóc được bản thân, không giao tiếp được với người xung quanh. Đã hơn 30 năm nay, mọi sinh hoạt cá nhân của anh Dương đều do bố mẹ giúp đỡ. Kết luận của Thanh tra Bộ LĐTBXH cho rằng, anh Phan Hoàng Dương không bị dị dạng, dị tật, còn tự lực được trong sinh hoạt - là sai. Anh Dương đủ điều kiện hưởng chế độ NNCĐDC - đó là đương nhiên!

Từ thực tế trên, Tạp chí Da cam Việt Nam mong rằng Bộ LĐTBXH sớm xem xét lại Kết luận số: 344/KL-TTr ngày 02/08/2018; Sở LĐTBXH cần xem xét lại Thông báo số: 246/TB-SLĐTBXH ngày 30/8/2018 để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho anh Phan Hoàng Dương - là con của người HĐKC bị nhiễm CĐHH.

Nguyễn Hồng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...