• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thực hiện chính sách đối với người nhiễm chất độc hóa học: 20 năm - vừa làm, vừa sửa (Kỳ 1:Một chính sách cứu giúp nghìn cuộc đời)

Hàng nghìn đối tượng phải rà soát lại hồ sơ, có quyết định dừng trợ cấp. Sau 20 năm thực hiện chính sách người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (sau đây gọi tắt là chính sách đối với người nhiễm CĐHH) đã khẳng định ý nghĩa của 1 chính sách nhân văn. Song trong quá trình thực hiện chính sách tại Thái Bình cũng xuất hiện nhiều tồn tại, bất cập và cả những sai phạm mà hiện nay tỉnh đang phải nỗ lực giải quyết.

Kỳ 2: Trục lợi chính sách, bức xúc, ồn ào nhiều năm

Kỳ 3: Lọc nước trong, chặn cò

Kỳ 4: Rà soát, thực chứng - Kẻ cười, người khóc

Kỳ 5: Giải quyết dứt điểm tồn tại

Kỳ 1: Một chính sách cứu giúp nghìn cuộc đời

Chính sách đối với người nhiễm CĐHH bắt đầu được thực hiện từ năm 2000. Việc thực hiện chính sách đã góp phần lớn cải thiện cuộc sống cho những con người đã từng thống khổ để góp phần làm vơi đi nỗi đau hậu chiến.

Cũi trần gian đã mở

Một ngày tháng 6, chúng tôi về thăm gia đình ông Bùi Quang Giang, bà Vũ Thị Sen (thôn Hưng Đạo Tây, xã Đông Quang, Đông Hưng). Nghe có người gọi, bà vội vàng ra mở cổng, theo sau là anh con trai Bùi Quang Khiêm, thằng bé trong “cũi trần gian” ngày nào nay đã hơn 40 tuổi. Bà khoe cả nhà đang ăn cơm, ăn cỗ dư ngày Tết Đoan ngọ hôm qua vì các con gái đi lấy chồng xa không về được. Cuộc sống sau những năm tháng nghèo đói, chồng chất khó khăn, vất vả nay đã có nhiều đổi khác. Căn nhà lúp xúp trước kia của ông bà đã được xây lại, đổ mái bằng từ nhiều năm nay. Đặc biệt, gian nhà thấp lè tè được rào, chắn làm “cũi” nuôi anh Bùi Quang Khiêm cũng đã được sang sửa cùng với căn nhà mái bằng, có phần cao ráo, sạch sẽ hơn nhờ được lát gỗ. Những lúc ông bà ở nhà, ông bà cũng mở “cũi” để anh Khiêm đi lại quanh nhà cho bớt cuồng cẳng.

Bà Vũ Thị Sen và con trai.

Ông Bùi Quang Giang chia sẻ, khoảng năm 1999, 2000, gia đình ông và gia đình 4 cựu chiến binh khác là những gia đình đầu tiên trong xã Đông Quang làm hồ sơ và được hưởng chính sách đối với người nhiễm CĐHH. Ngày ấy không như bây giờ, trong mắt nhiều người, người nhiễm CĐHH là những người rất đáng sợ, không điên loạn thì thân hình cũng dị dạng, dị tật. Bị kỳ thị, chịu nhiều mặc cảm, không ai dám nhận mình bị nhiễm CĐHH vì lo sợ nếu khoác lên mình danh xưng ấy, sau này những đứa con còn lành lặn trong nhà khó có hy vọng xây dựng tương lai, hạnh phúc. Nhưng gia đình ông và 4 gia đình khác đều là những gia đình có đông con, con lại bị ảnh hưởng nặng (tâm thần, dị dạng, dị tật), khó khăn đến cùng cực nên rất cần mọi sự hỗ trợ, dù là ít ỏi. Ban đầu, số tiền hỗ trợ cho một người chỉ vài chục nghìn đồng/tháng song cũng là nguồn tài chính quý báu để thêm đồng thuốc men, cơm gạo nuôi những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi. Năm 2006, những nạn nhân đầu tiên được chuyển từ đối tượng bảo trợ xã hội thành đối tượng người có công bị nhiễm CĐHH, số tiền hỗ trợ mỗi tháng cũng tăng dần đã giúp cho ông bà nuôi các con. Các con gái lớn lên, khỏe mạnh hơn, đi làm xa rồi lấy chồng. Hiện nay, chỉ còn ông bà và người con trai tâm thần ở nhà. Mỗi tháng, số tiền trợ cấp của ông và con trai được gần 4 triệu đồng là nguồn thu nhập chính để ba người có tiền chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày. 4 năm nay, ông Giang bị ung thư trực tràng đã từng phải phẫu thuật, số tiền ấy còn giúp ông thêm chút thuốc men chữa bệnh. Ông Giang chia sẻ, căn nhà mái bằng mà gia đình ông bà đã ở nhiều năm nay cũng được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức nhân đạo chứ như bản thân ông, bà đã phải vắt kiệt sức để lo toan, chăm sóc cho cả mấy người con không khỏe mạnh, trong đó có một người tâm thần nặng thì chắc chắn không bao giờ mong có nhà kiên cố để ở.

20 năm, niềm vui - nước mắt

Cũng như ông Bùi Quang Giang, ông Phạm Bá Hường (thôn Đông Các, xã Đông Các, Đông Hưng) là người được hưởng chính sách đối với người nhiễm CĐHH ngay trong giai đoạn đầu. Ông Hường chia sẻ: Cuộc sống của người lính bước qua sinh tử trở về nhưng còn khắc nghiệt hơn những trận chiến nơi chiến trường. Vợ ông sinh 5 người con nhưng các cháu sinh ra đều không khỏe mạnh, nặng nề nhất là cháu thứ 2, thứ 4 và con út. Sinh ra đã yếu đau triền miên, chân tay co quắp khó đi lại, người con gái thứ hai của ông bà mất lúc 16 tuổi, con trai thứ 4 mất khi hơn 2 tuổi. Ông bà sinh thêm nhưng con bé ngay khi sinh ra đã không bình thường, tay co quắp, không biết nói, chẳng biết tự ăn, bất kỳ chỗ nào cũng thành nơi đi vệ sinh, những lúc hiền thì ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, lúc lên cơn thì hú, hét ầm ĩ, cả mùa đông, lẫn mùa hè đều không thích mặc quần áo.

Bà Nguyễn Thị Mùi, vợ ông Hường chia sẻ:Trong suốt giai đoạn từ năm 1976 đến sau năm 2000, những gia đình nông thôn khỏe mạnh bình thường cũng còn nhiều khó khăn chưa nói gì đến ông bà nuôi 5 đứa con trong đó chỉ có 2 đứa lành lặn còn lại đều 3 đứa ốm đau, tật nguyền. Không kìm được nước mắt bà nghẹn ngào: Trước ngày khi con gái mất, con bé chỉ thèm được ăn cơm với ruốc nhưng trong túi bà chỉ còn 2 nghìn đồng. Nỗi cực khổ đeo bám gia đình cho đến khi Nhà nước tăng mức hỗ trợ cho chồng và con bà. Khó khăn, thiếu thốn vơi đi, ông bà nuôi 3 đứa còn lại lớn dần rồi dành dụm sửa sang nhà cửa. Trong gian nhà còn đơn sơ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp thể hiện bàn tay chăm chút của người phụ nữ hiền hậu, đảm đang nay đã gần 70 tuổi, dù con gái chẳng biết gì, sẵn sàng vất bỏ quần áo lao ra đường cả khi trời nắng lẫn trời mưa, bà vẫn chăm sóc con hết mực sạch sẽ, tươm tất.

Bà Mùi chia sẻ, cuộc sống của gia đình được như ngày nay là nhờ Nhà nước có chế độ, chính sách đối với người nhiễm CĐHH và sự quan tâm của đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể. Cuộc đời của những người cha, người mẹ phải chăm sóc cho những đứa con ngây dại là nỗi đau không bao giờ xóa hết, kể cả khi đã nhắm mắt, xuôi tay. Nhưng nhờ có sự hỗ trợ này mà cuộc sống của những gia đình như ông bà đỡ thiếu thốn, khó khăn hơn rất nhiều và có điều kiện để chăm lo cho con tốt hơn.

Việc giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH bắt đầu thực hiện từ năm 2000. Đến năm 2021, toàn tỉnh Thái Bình đã có tổng số gần 26.000 người được giải quyết hưởng chính sách. Cùng với việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người nhiễm CĐHH, việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm CĐHH cũng được tỉnh Thái Bình sớm thực hiện. Thái Bình là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước thành lập hội nạn nhân CĐDC/Đioxin ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã, đến nay có tổng số hơn 25.000 hội viên. Nạn nhân da cam được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ dạy nghề tạo việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất phát triển kinh tế, từ đó cuộc sống của phần lớn nạn nhân da cam đã được đổi thay.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Thái Bình

"Thái Bình là một trong những địa phương đóng góp lớn sức người cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền nam. Vì vậy, sau chiến tranh, số lượng cựu chiến binh bị ảnh hưởng chất độc da cam cũng rất đông. Họ và gia đình họ đã phải gánh chịu nỗi đau tột cùng và khó khăn về kinh tế. Chính sách dành cho nạn nhân da cam ban hành đã cứu giúp nhiều cuộc đời, giúp những nạn nhân vơi bớt khó khăn. Đặc biệt là các thế hệ con cháu được học nghề, có cơ hội được đổi thay cuộc sống”.

Nhà văn Minh Chuyên

“Tôi bắt đầu viết về nạn nhân chất độc da cam từ năm 1985. Nhưng tôi đã nhận ra sự tàn phá của chất độc da cam từ khi còn ở chiến trường. Nỗi đau của người lính sinh ra những đứa con không lành lặn, hay phải nuôi con trong cũi là không bao giờ nguôi ngoai. Nhưng khi chính sách dành cho nạn nhân da cam ra đời là sự an ủi đối với họ, không chỉ vì sự hỗ trợ tài chính làm cho cuộc sống bớt khốn khó mà đó còn như lời tri ân, thấu hiểu và sẻ chia.”

Bà Nguyễn Thị Ngà, Cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Đông Quang (Đông Hưng)

Xã Đông Quang hiện có 45 người nhiễm CĐHH đang được hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, trong đó 38 nạn nhân hưởng trực tiếp. Nhìn chung các gia đình hoàn cảnh rất khó khăn. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trong tỉnh, địa phương luôn dành nguồn lực và huy động xã hội hóa để chăm lo cho các gia đình, luôn tạo điều kiện và có nhiều chính sách hỗ trợ cho các nạn nhân, giúp họ vơi bớt phần nào khó khăn.

Trần Hương – Nguyễn Cường

(Nguồn: Báo Thái Bình)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Tạp chí Da cam Việt Nam đoạt giải Nhì cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”

    Tạp chí Da cam Việt Nam đoạt giải Nhì cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong ...

    Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025). Tạp chí Da cam Việt Nam có Tác phẩm ...