• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Tiền Giang - Dấu ấn của một nhiệm kỳ công tác Hội

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, công tác của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Tiền Giang gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh Covid -19 đã ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển kinh tế của doanh nghiệp và từng hộ gia đình. Vì thế, Hội các cấp của tỉnh đã chủ động đổi mới sáng tạo trong tuyên truyền, vận động để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.



 Hội phối hợp với Bệnh viện Quân y 120 tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho nạn nhân 

Bên cạnh khó khăn, Hội có được thuận lợi từ chủ trương của Tỉnh ủy trong việc sắp xếp lại tổ chức theo chỉ đạo chung của Trung ương Hội; vì thế, hệ thống Hội các cấp trong tỉnh vẫn là tổ chức độc lập (Nghị quyết số 02- NQ/TU của Tỉnh ủy Tiền Giang), tạo điều kiện cho từng cơ sở Hội quyết tâm phấn đấu nâng cao hơn về chất lượng, thực hiện nhiệm vụ phù hợp theo kế hoạch đề ra trong từng giai đoạn, cả năm và toàn nhiệm kỳ để chăm lo cho gần 12.000 NNCĐDC trong tỉnh.
Với 174 tổ chức Hội 3 cấp, trong đó Hội cơ sở được phủ kín 95%/số đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh (163 Hội/172 xã, phường) là điều kiện để Hội chăm lo trực tiếp cho nạn nhân thuận lợi hơn. Xuất phát từ tình cảm thương yêu nạn nhân, cán bộ hội bằng kinh nghiệm trong hoạt động, thông qua mối quan hệ quen biết, cùng cách làm linh hoạt, phù hợp,… để khơi dậy sự đồng cảm, lòng nhân ái của các mạnh thường quân, nhằm vận động sự đóng góp về vật chất, sẻ chia về tinh thần cho nạn nhân hoàn cảnh khó khăn. Từ những gói mì, túi gạo, bó rau,... đem đến cho nạn nhân trong mùa dịch, đến đồng vốn hỗ trợ sản xuất, căn nhà mái ấm da cam, khoản tiền trợ giúp thường xuyên, phần quà ấm áp vào ngày 10/8 và Tết cổ truyền của dân tộc,… đã giúp nạn nhân ngày càng gắn bó hơn với Hội, xem Hội là chỗ dựa vững chắc đối với họ. Ngược lại, niềm vui của nạn nhân đã khích lệ, động viên để Hội tích cực làm tốt hơn nhiệm vụ. 
Kết quả nhiệm kỳ IV, Hội đã vận động từ các nguồn với tổng số tiền 84 tỷ đồng, vượt 49 tỷ đồng so chỉ tiêu đề ra của cả nhiệm kỳ là 35 tỳ đồng. Với khoản tiền trên, Hội đã đem đến cho nạn nhân hàng trăm ngàn suất quà, xây dựng 205 mái ấm da cam, trợ giúp vốn sản xuất không tính lãi cho 50 lượt hộ nạn nhân vay 3 năm với số tiền 500 triệu đồng, trợ cấp thường xuyên trên 4.500 lượt nạn nhân với trên 1,8 tỷ đồng,... Ngoài ra, tỉnh còn trích ngân sách chăm lo cho nạn nhân diện người có công và nạn nhân là dân thường đúng quy định với tổng số nạn nhân được hưởng đạt tỷ lệ 96,15% (số người chưa được hưởng do còn thiếu các giấy tờ cần thiết nhưng Hội vẫn đang quản lý để vận động sự giúp đỡ của xã hội).
Việc duy trì và tổ chức có nền nếp phong trào thi đua, tuyên truyền trong tỉnh được Hội quan tâm thông qua việc ký kết giao ước thi đua trong từng Cụm xã, Cụm huyện vào đầu năm. Qua thi đua giúp từng Hội phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra hằng năm trên cơ sở tự đánh giá kết quả đạt được của Hội mình và tự rút kinh nghiệm mặt còn hạn chế trong từng tiêu chí thi đua; đồng thời học tập thêm các đơn vị làm tốt khi Cụm sơ kết, tổng kết để đánh giá, xếp loại. Thi đua hàng năm, từng giai đoạn còn giúp hệ thống Hội thực hiện nhiệm vụ thống nhất, tập trung và khích lệ, động viên cán bộ hội; mặt khác còn giúp cấp ủy, chính quyền cùng cấp thấy được kết quả hoạt động hội để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

Họp Cụm thi đua sơ kết 6 tháng nhằm đánh giá, xếp loại thi đua giữa Hội các huyện

Công tác tuyên truyền là hoạt động không thể thiếu của Hội. Tài liệu tuyên truyền chính của Hội là Tạp chí Da cam Việt Nam và các bài viết về Hội trên Báo Ấp Bắc, cấp đủ 100% cơ sở hội trong tỉnh. Ngoài ra, phong trào viết tin, bài  được in trên Tạp chí và Báo Ấp Bắc giúp Hội thông tin kịp thời về gương tiêu biểu của các nhà hảo tâm, gương nạn nhân vượt khó vươn lên, về cách làm đạt kết quả của Hội,… Hình thức tuyên truyền khá phong phú, linh hoạt, phù hợp với từng Hội thông qua các buổi họp, đăng và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng,…ngày càng tạo thêm nhận thức cho xã hội như mục đích cần đạt của Hội, Trong nhiệm kỳ qua Hội đã tổ chức được trên 6.000 cuộc tuyên truyền với trên 170.000 lượt người dự. Kết quả đem lại là sự đóng góp giúp đỡ nạn nhân ngày càng nhiều hơn; sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền ngày càng sâu sát, cụ thể hơn; tổ chức Hội và cán bộ làm công tác Hội hoạt động chất lượng nâng cao hơn.
Đối với Hội chưa được công nhận đặc thù do thành lập sau Nghị định 45/2010/NĐ - CP của Chính phủ, được tỉnh chỉ đạo cấp kinh phí từ ngân sách địa phương chi hoạt động và tiền công cho cán bộ Hội, đã giúp tổ chức Hội cơ sở yên tâm và tháo gỡ phần nào bất hợp lý giữa Hội đặc thù với không đặc thù trong cùng một tỉnh.
Nhìn lại một nhiệm kỳ với bao khó khăn không nhỏ, thế nhưng kết quả đạt được cho thấy khi có sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở địa phương đối với Hội; khi tổ chức Hội có quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, có cách làm phù hợp; điều quan trọng hơn hết chính là Hội tạo ra được niềm tin, biết khơi dậy đúng ý thức và tình cảm sẵn có của những tấm lòng thiện nguyện đối với nạn nhân để họ đồng hành với Hội chăm lo cho nạn nhân, thì khó khăn sẽ dần được tháo gỡ, chất lượng hoạt động Hội sẽ nâng lên.
Nhiệm kỳ V (2023 - 2028), Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Hội các cấp hướng về cơ sở, chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân hướng tới tính ổn định, bền vững để họ vừa giải quyết được khó khăn trước mắt vừa phấn đấu vươn lên phù hợp khả năng của mỗi gia đình nhằm tự cải thiện cuộc sống lâu dài; cải tiến phương pháp hoạt động Hội phù hợp, nhằm tranh thủ sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương để huy động cao nhất mọi nguồn lực, chăm lo cho NNCĐDC.

Phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh đúng nghĩa là tổ chức đại diện cho những người chẳng mai bị nhiễm chất độc hóa học là mục tiêu đối với Hội theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước ta trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Do vậy, để Chỉ thị 43- CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định 2215/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt được hiệu quả thực chất trong thời gian tới, Hội Tiền Giang thấy rất cần có sự thay đổi về chính sách mang tính vĩ mô để có sự thống nhất cao trong cả nước đối với Hội NNCĐDC/dioxin, đó là:
 Sớm nhanh chóng sửa đổi, điều chỉnh các chính sách chưa phù hợp của Chính phủ như Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định 68/2010/QĐ- TTG và Quyết định 30/2011/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ vì các văn bản này còn phân biệt thời gian thành lập Hội, về người nghỉ hưu về làm công tác Hội là bất cập lớn cho địa phương; đồng thời, Chính phủ nên quy định cụ thể, thống nhất về kinh phí hỗ trợ từ ngân sách đối với loại tổ chức Hội do Nhà nước giao nhiệm vụ. Các Bộ, ngành Trung ương cần khẩn trương hơn đối với việc ban hành tiêu chí để xác định nạn nhân cho người dân bị nhiễm chất độc hóa học, song song với ban hành chính sách riêng dành cho họ, không để họ hưởng như người khuyết tật bình thường hiện nay là chưa hợp lý. Trung ương Hội cũng nên tham mưu và thống nhất ban hành một Điều lệ để thực hiện chung trong hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở như nhiều tổ chức Hội đã làm.
Khắc phục hậu quả chất độc là việc làm lâu dài, hoạt động của Hội mang tính nhân văn sâu sắc; do vậy cần và rất cần sự đồng hành của của toàn xã hội trên tinh thần “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, tất cả vì NNCĐDC”, để tương lai thế hệ sau đỡ đau khổ hơn bởi hậu quả của cuộc chiến tranh trong quá khứ./. 

Dương Thị Lệ
Chủ tịch Tỉnh hội 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chăm lo cho người có công dịp 27/7

    Chăm lo cho người có công dịp 27/7

    Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước cho 67.244 người có công với cách mạng với tổng số tiền 20,39 tỷ đồng.