• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Bà Trần Tố Nga-cầu nối nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với thế giới

Bà Trần Tố Nga là một người phụ nữ đẹp, phúc hậu, hoạt bát và trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 81, gần 20 năm qua đã kiên cường, bền bỉ đối đầu với 14 Công ty sản xuất, cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam để đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đầu tháng 9/2018 bà Trần Tố Nga đến thăm, giao lưu tại xã Tam Hồng, huyện Mê Linh, Hà Nội. Bà tâm sự “Mình chỉ là một gạch nối nhỏ bé giữa những mạnh thường quân với những đồng bào nghèo”.
Bà Trần Tố Nga (người thứ 4 hàng trên từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với BCH Hội NNCĐDC/dioxin xã, Đảng ủy, UBND xã Tam Đồng, huyện Mê Linh
tháng 01/2018.
  
Những cựu tù binh Pháp ở Đông Dương: “Có một quê hương thứ hai trong ký ức”
Khi gặp bà Nga, một phụ nữ sinh ở một đất nước châu Á, nơi tuổi trẻ của họ đã bị lừa rối, đẩy vào cuộc “khai hóa” làm cả một dân tộc lầm than, những cựu tù binh Pháp ở Đông Dương như gặp lại người thân, giữa họ không còn hận thù, mặc cảm. Từ sâu trong tâm thức của họ là sự xám hối về những đau thương, hủy diệt mà quân viễn chinh Pháp đã từng gây ra ở Việt Nam. Bây giờ, họ sẵn sàng chia sẻ tình cảm, tự nguyện hành động để bù đắp, trả lại thanh bình cho đất nước, con người Việt Nam. Hầu như trong họ, ai cũng có kỷ niệm của riêng mình về những tấm lòng cao cả của Việt Minh - những người đã chia sẻ với họ bát cơm, hạt muối duy nhất, sẵn sàng đùm bọc, che trở họ khi họ đã là tù binh của Việt Minh. 
Ông Bontils người lính già gầy gò, ống tay áo bên trái thõng xuống, cánh tay này ông đã để lại Việt Nam trong một trận chiến ác liệt. Việt Nam trong ông là ký ức về một Bác sỹ Quân y của bộ đội Việt Minh. Khi đó, ông bị bắt làm tù binh, vết thương trong trận chiến trước đó không được xử lý đã bắt đầu hoại tử. Tại một trạm nghỉ trên đường dẫn giải ông về vùng an toàn, một Bác sĩ Quân y cùng đơn vị hành quân đi ngang qua, phát hiện sự không bình thường của ông, người Bác sĩ đã dừng lại, kiểm tra và yêu cầu chỉ huy đoàn áp giải tù binh cho phép mổ cho ông ngay. Nếu không có sự quyết đoán, trách nhiệm nhân ái của người bác sỹ và cán bộ chiến sỹ trong đoàn áp giải tù binh lúc đó, thì ông không còn được đứng đây như bây giờ. Đau đáu muốn tìm lại ân nhân, Bontils khẩn thiết nhờ bà Trần Tố Nga tìm lại người bác sỹ đó. Bà Nga đã nhờ bạn bè trong nước tìm kiếm nhưng không tìm được (vì mọi người nói rằng hành động như thế nhiều lắm).
Andre Saint Georges, nguyên Thanh tra của Bộ giáo dục Pháp cũng từng là tù binh của Việt Minh, ông bị bắt ở Huế. “Mỗi lần nhắc đến kỷ niệm xưa là một lần Georges khóc - Bà Nga nhớ lại - ông Georges bị thương rồi bị bắt ở làng Đại Hà. Coi giữ ông là một anh bộ đội trẻ măng. Huế lúc đó đang là mùa mưa lạnh giá, ban đêm anh bộ đội đó chỉ có một tấm chăn, thấy ông rét run, người  “Cai ngục” không ngần ngại đã nhường cho ông đắp. Những ngày ở “trại tù binh” ông được một cô du kích chăm sóc rất tận tình. Những lúc vắng người cô lén nắm tay ông, cô không nói gì, nhưng trong ánh mắt của cô, ông đọc được sự an ủi, động viên, khích lệ ông hãy sống để trở về quê hương. Nhận được sự chăm sóc ân cần, nhân ái của những người từng là đối thủ của quân đội Pháp, ông thực sự ân hận vì sự có mặt của mình, một tên lính Lê dương ở Việt Nam, cho dù Georges chỉ là anh lính bàn giấy, chưa từng cầm súng bắn ai. Qua bà Nga, ông đã mua tặng dân làng nơi “trại tù binh” ông đứng chân 5 chiếc máy cày và 50 xe đạp cho các em nhỏ đi học. Kết thúc câu chuyện, Georges xúc động bộc bạch “Người con gái ấy chắc nay đã thành bà rồi? Giá như tôi gặp được bà ấy”. Ông Andre Saint Georges đã quá già, lại bị đau tim nên không có cơ hội sang Việt Nam để tìm lại những người xưa đó!.
Còn biết bao kỷ niệm khác. Sau chiến tranh, ông Augustime, Phó quận trưởng một quận của Thủ đô Pari trong một lần làm việc với một đoàn công tác của Việt Nam, khi gặp Giáo sư Đỗ Cao Sơn đã nhận ra đây là người phụ trách đoàn tù binh Pháp trong đó có ông. Hai bên tay bắt mặt mừng như gặp lại bạn cũ, ông đã gọi Giáo Sư là “người cai ngục đẹp trai của tôi”.
Kỷ niệm nhân ái về Việt Nam đã khắc sâu vào trái tim những cựu tù binh Pháp ở Đông Dương. Không biết từ bao giờ những kỷ niệm đó đã lan tỏa, in đậm trong lòng các bà vợ Cựu chiến binh, họ luôn dành cho Việt Nam sự yêu thương, cảm mến. Bà Nga kể “Những người Pháp ấy nặng lòng thương nhớ Việt Nam”. Từ sâu trong trái tim họ: Việt  Nam là quê hương thứ hai. Thậm chí, có người bị Aczime nhiều năm không còn nhận ra người thân nữa, nhưng khi hỏi “Nhớ Việt Nam không?” ông thốt lên “Việt Nam, Việt Nam Hồ Chí Minh”.
Vì sao những tù binh Pháp lại nặng lòng với Việt Nam đến thế? Theo bà Nga đó là vì mảnh đất ấy lưu giữ một phần tuổi trẻ của họ, những ám ảnh day dứt của kẻ có tội, những ấn tượng của lòng nhân ái, tấm lòng chân chất, bao dung của người Việt, đã định hình một Việt Nam sâu đậm trong ký ức của tù binh Pháp tại Đông dương.
Những đóa hoa tỏa hương trong thầm lặng
Bontils trở về đất Pháp đặt “Đại bản doanh” tại nhà mình, làm việc từ 8 giờ sáng, ông cần mẫn viết thư, nhận fax, điện thoại, nhận tiền của các chiến hữu trên toàn nước Pháp gửi tới. Với cánh tay còn lại ông đã viết hơn 2.000 lá thư kêu gọi quyên góp tiền “vì trẻ em Việt Nam”. Ông làm việc hầu như suốt ngày đêm, điều hành  Chương trình hành động vì Việt Nam của Hội Cựu tù binh Đông Dương. Năm 1999, Ông nhờ bà Nga đứng ra lo, thu xếp cho 300 cựu tù binh Pháp trở lại Việt Nam với mong muốn được gặp mặt với các cựu chiến binh Việt Minh đã chiến đấu, chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Trong lần trở lại Việt Nam đó, những người cựu tù binh Pháp ở Đông Dương đã đến thắp nhang tại nghĩa trang các chiến sĩ Việt Minh hy sinh trên đồi A1. Đoàn đã được Thượng tướng Trần Văn Quang-người đã tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ năm 1954 tiếp đón. Cuộc gặp gỡ cởi mở, chân tình và rất nhiều nước mắt của hạnh phúc đã rơi. Những người lính đã có lúc ở hai chiến tuyến khốc liệt gặp nhau, họ nghẹn ngào nói về thời đó, anh ở đâu? tôi ở... Những cái ôm thật chặt, những bàn tay cùng đưa ra nắm chặt, họ thật sự đã khép lại quá khứ. Từ đó, rất nhiều cựu tù binh Pháp đã trở lại Việt Nam. Các cựu tù binh Đông Dương (kể cả những người không chiến đấu ở Việt Nam) trích tiền lương hưu tự nguyện đóng quỹ vì Việt Nam. Hành động này đã trở thành nguồn an ủi, động lực sống của họ. Đều đặn, những khoản tiền đó qua bà Nga được chuyển về Việt Nam để xây trường cho trẻ em nghèo. Năm 1999 từ nguồn này, tại tỉnh Điện Biên một ngôi trường dành cho trẻ em dân tộc Khơ Mú, trường cấp I Hưng Thành ở Tuyên Quang (kinh phí xây dựng 300 triệu đồng, trang bị 30 máy vi tính) đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Năm 2002, một ngôi trường khang trang ở Đông Khê, Cao Bằng được xây dựng (kinh phí 700 triệu đồng)... Cứ như vậy, đã có 7 ngôi trường lần lượt hoàn thành đưa vào sử dụng giúp nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa được tới trường. Trong thâm tâm các cựu tù binh Pháp đều muốn có một hành động “gì đó” đền đáp những mất mát, thương đau do quân đội Pháp gây ra cho người dân trong quá khứ.
Hội Những cựu tù binh Đông Dương có hơn 4.000 hội viên; họ đều là những người lính già, mỗi năm khoảng 40 - 50 người vĩnh biệt hội để đi xa mãi mãi. Ông Bontils và những người còn lại đang dốc sức xây dựng ở Việt Nam một trường dạy nghề cùng cơ sở kinh doanh sách và thiết bị trường học. Hội mong muốn, lợi nhuận thu được từ dự án này sẽ làm học bổng cấp cho các em học sinh nghèo.
Cùng hành động vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam
Cách đây 62 năm, ngày 10/8/1961 Mỹ phun rải chất độc hóa học đầu tiên dọc theo Quốc lộ 14, ở Đăk Tô, tỉnh Kon Tum mở đầu cho chiến dịch phun rải chất “khai quang” được đặt dưới mật danh “Ranch Hand”. Trong suốt 10 năm (1961 - 1971) quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 61% là chất Da cam chứa Dioxin xuống gần ¼ lãnh thổ miền Nam Việt Nam, làm gần 26.000 làng, ấp của đồng bào miền Nam với diện tích hơn 3,06 triệu hecta (có 86% bị phun rải hai lần 11% phun rải hơn 10 lần). Hầu hết các hệ sinh thái từ vùng đồi núi cao đến vùng thấp ven biển đều bị chất độc da cam/dioxin hủy hoại. Theo các nhà khoa học Diôxin là chất độc nhất trong các chất độc mà loài người biết tới đã được quân đội Mỹ phun rải xuống miền Nam Việt Nam, làm cho 4,8 triệu người Việt  Nam bị nhiễm chất độc trong đó có 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3. Hầu hết nạn nhân bị mắc những căn bệnh quái ác, liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị tật bẩm sinh…. Và nguy hiểm hơn nó đã di nhiễm sang thế hệ con, cháu.  Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ sử dụng ở Việt Nam có quy mô lớn, kéo dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người!
Thông cảm nỗi đau mất mát với các nạn nhân chất độc da cam. Nhân dân, Hội Những cựu tù bình Pháp ở Đông Dương “Đã nối vòng tay nhân ái” giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Ngày 10/8/2001, Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Pháp (VEND) đã được thành lập với mục đích vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tại Pháp ủng hộ nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Từ năm 1999 đến nay VEND đã hỗ trợ trẻ em là nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam gần 20 tỷ đồng. Mỗi năm Hội VNED tổ chức trao hai đợt, để giúp các em nạn nhân và gia đình có thêm điều kiện học tập và sinh hoạt; trong đó có nạn nhân, trẻ em khuyết tật của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Tấm lòng của Hội Những cựu tù bình Pháp ở Đông Dương là nguồn cổ vũ để bà Trần Tố Nga, cùng Andre Bouny, là Nhà văn, Họa sỹ (nay là Chủ tịch UB quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt  Nam -CIS) đứng đơn kiện 14 Công ty hóa chất của Mỹ sản xuất chất độc dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tháng 5/2009, Tòa án lương tâm nhân dân thế giới mở tại Pari (CH Pháp) đã ra phán quyết “Chính Phủ Mỹ và các Công ty hóa chất cung cấp chất độc da cam phải bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ, phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, mà sạch môi trường ở những vùng đã phun rải chất độc hóa học. Ủy ban hòa bình thế giới đã ra Quyết định lấy ngày 10/8 hàng năm là ngày “Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
Vụ kiện của bà Trần Tố Nga và vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt  Nam tại Tòa án Mỹ  (năm 2004) đã vạch trần trước dư luận thế giới về hậu quả thảm khốc của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và hành vi che đậy tội ác của Mỹ trong cuộc chiến tranh hóa học này. Bà Nga chia sẻ “Tôi đang chạy đua với thời gian, tôi sợ không kịp làm những gì cần cho vụ kiện vì 4 triệu nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam. Họ là những đồng chí, đồng đội từng cùng vào sinh ra tử với tôi trong chiến tranh, là thế hệ con, cháu của chúng tôi đang đối diện với một tương lai mù mịt”.
Dù thế nào, tôi vẫn hoàn toàn tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng, bởi sát cánh bên tôi có nhân dân tôi đang sống trên chính mảnh đất đang phải gánh chịu Thảm họa Da cam và nhiều tổ chức, cá nhân tại Pari, trong cả nước Pháp, cả Châu Âu và cả trên đất Mỹ đồng hành và ủng hộ tôi”.
 
Ngô Đức Thuận - Viết theo lời kể của bà Trần Tố Nga

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MBBank tổ chức phát động Chiến dịch Tết vì nạn nhân chất độc da cam với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn”. Với ...