• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Tỉnh hội Thừa Thiên Huế - một nhiệm kỳ nhìn lại

Đại hội Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2018-2023 đã bầu BCH Tỉnh hội gồm 21 ủy viên, trong đó có 17 vị là cán bộ hưu trí, 4 vị đang tại chức được cơ cấu từ các ngành Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường và hội Chữ thập đỏ tỉnh. 5 năm qua, dưới sự điều hành của Thường trực Tỉnh hội, hoạt động của các cấp Hội trên địa bàn tỉnh được duy trì và đã đạt được một số kết quả đáng kể.

Về công tác tổ chức: Các cấp Hội đã tranh thủ được sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng cấp nên các hoạt động của Hội đã đi vào nền nếp; từng bước hoàn thiện và kiện toàn tổ chức các Hội cấp huyện (Hương Trà, Phú Vang, A Lưới) và Hội cơ sở tại thị xã Hương Thủy. Toàn tỉnh hiện có 71 tổ chức Hội từ tỉnh đến phường, xã đang hoạt động có hiệu quả và là chỗ dựa tinh thần cho trên 3.200 hội viên đang sinh hoạt trong các tổ chức Hội. Các cấp Hội luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; thực hiện nghiêm túc Điều lệ Hội và Quy chế hoạt động của BCH các cấp hội đề ra.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ làm việc với các cấp hội

Công tác nhân sự của BCH Tỉnh hội cũng được củng cố đảm bảo các hoạt động được liên tục. Các cuộc họp của BCH, Ban thường vụ được tiến hành đúng quy định, nội dung phong phú, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong gần 2 năm xảy ra dịch bệnh, BCH Hội các cấp đã có những hình thức điều hành linh hoạt và hiệu quả: Tạo nhóm trên Zalo gồm Thường trực Tỉnh hội, các chủ tịch, Phó CT Hội cấp huyện để trao đổi thông tin kịp thời; các cuộc họp cần thiết luôn kết hợp 2 trong 1; 3 trong 1… phù hợp với việc phòng, chống dịch nhưng vẫn đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt đến các cấp Hội trong toàn tỉnh.  Các hình thức hoạt động này đến nay vẫn được duy trì và phát huy tác dụng tốt.
Về công tác phối hợp tham mưu: 
Ban chấp hành mà trực tiếp là Thường vụ Tỉnh hội luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận Tỉnh ủy làm cầu nối để tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy ban hành văn bản kịp thời như: Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư, công văn chỉ đạo các ban, ngành liên quan về Tháng hành động vì NNCĐDC dịp 10/8; văn bản hướng dẫn Đại hội các cấp nhiệm kỳ 2023-2028 của Tỉnh ủy, Công văn của UBND tỉnh; Thông báo kết luận của Tỉnh ủy sau buổi làm việc của Phó BT Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ với các cấp Hội NNCĐDC/dioxin…       
Năm 2021, Thường vụ Tỉnh hội đã đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý bố trí kinh phí thực hiện việc khảo sát NNCĐDC và những người bị phơi nhiễm trên địa bàn tỉnh; qua đó giúp các cấp Hội có được những số liệu cơ bản, mới nhất liên quan đến các đối tượng nghi nhiễm chất độc da cam/đioxin trên địa bàn tỉnh. Hội đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng BCĐ 701 khảo sát, đánh giá hiện trạng tồn lưu chất độc hóa học tại sân bay A So (huyện A Lưới) và vùng phụ cận (hiện đang được Bộ Tư lệnh hóa học tiến hành tẩy độc các vùng xung quanh khu vực này). 
Một sự kiện rất đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ 2018-2023 là, lần đầu tiên kể từ ngày thành lập Hội cho đến nay (19 năm), Tỉnh hội được Thường trực Tỉnh ủy do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì để nghe Tỉnh hội và các Hội cấp huyện báo cáo tình hình và các đề xuất trong công tác Hội. Tỉnh ủy đã có văn bản thông báo kết luận sau buổi làm việc này để các cấp Hội, các ngành liên quan triển khai, phối hợp thực hiện. 
Công tác chính sách và đền ơn đáp nghĩa: 
BCH Tỉnh hội đã luôn phối hợp chặt chẽ với một số sở, ngành liên quan để giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho NNCĐDC; tham gia, đề xuất chế độ ưu đãi cho các trường hợp là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang theo học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.  

Thăm, tặng quà nạn nhân huyện Hương Thủy

Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, nhà hảo tâm luôn được các cấp Hội quan tâm, kêu gọi và đạt những kết quả đáng kể. Nguồn lực huy động được là để làm mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, thăm hỏi các nạn nhân bị ốm đau, tặng quà vào các dịp lễ, tết; tặng xe đạp, học bổng… cho các cháu là con, cháu của nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trong nhiệm kỳ, toàn Hội đã vận động được gần 11,1 tỷ đồng đồng hỗ trợ cho 27.218 lượt NNCĐDC; làm mới 33 nhà ở cho nạn nhân với số tiền trên 2 tỷ đồng, sửa chữa 45 ngôi nhà với số tiền gần 575 triệu đồng… Tỉnh hội cùng Huyện hội Hương Thủy và Huyện hội Phong Điền đã huy động được số tiền 160 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa hỗ trợ cho 32 gia đình nạn nhân vay vốn lãi suất 0%/năm trong 2 năm để tạo sinh kế. Vốn này sẽ được thu hồi và xoay vòng, chuyển cho các gia đình nạn nhân khác vay làm vốn sản xuất xóa đói giảm nghèo. Đây là kinh nghiệm hay cần được nhân rộng, và là một nỗ lực lớn của Tỉnh hội; một số huyện bước đầu đã tạo ra sản phẩm hỗ trợ thêm đời sống cho gia đình nạn nhân da cam.             
Việc chăm sóc, thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân bằng tiền mặt hoặc quà, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, trao tặng xe lăn, xe lắc cho nạn nhân là những hoạt động thường xuyên của các cấp Hội. 
Việc ủng hộ tin nhắn để tạo quỹ cho nạn nhân da cam được triển khai kịp thời và được các hội viên tham gia tích cực góp phần vào kết quả chung của Hội trong cả nước.
Hoạt động đối ngoại: 
Ban chấp hành Tỉnh hội mà trực tiếp là Thường trực Tỉnh hội đã làm việc và tranh thủ nguồn lực với nhiều tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước như: với đại diện tổ chức Hội CCB Mỹ tại Việt Nam, với các tổ chức từ thiện Pháp, Úc, Công ty Thép Việt-Mỹ, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, UB Hòa bình Việt Nam, Quỹ Hoa Hòa Bình… đã mang lại một số kết quả như: Trồng cây Bồ kết ngăn chặn người và súc vật vào khu vực khu vực sân bay A So (huyện A Lưới) và ổn định dân cư tại 3 xã quanh khu vực này; các dự án chăn nuôi, trồng rừng, cải thiện sinh kế…góp phần nâng cao đời sống cho một số gia đình nạn nhân trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị gần 4 tỷ đồng. Đã tranh thủ được sự hỗ trợ của Trung ương Hội, một số dự án trong việc tăng cường trang thiết bị cho các cấp Hội hoạt động. Hiện tại, Trung ương Hội đang hỗ trợ cho 5 cháu là con nạn nhân da cam, mỗi cháu 500.000đ/tháng trong 36 tháng đang theo học tại các trường đại học, trường dạy nghề và làm hồ sơ để Trung ương Hội hỗ trợ kinh phí sửa chữa lại một số nhà của nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn.
Công tác tuyên truyền, thi đua khen thưởng luôn được BCH Tỉnh hội quán triệt, chỉ đạo để các cấp Hội định hướng tuyên truyền đúng thời điểm, mục đích, phong phú về hình thức và nội dung. Hàng năm, Tỉnh hội và các huyện hội luôn tổ chức được Hội nghị “Điển hình tiêu biểu, vượt khó” để nhân rộng các cá nhân, mô hình tốt trong hoạt động kinh tế. Riêng năm 2022, Hội nghị biểu dương cấp tỉnh có gần 100 đại biểu dự với 60 đại biểu là nạn nhân da cam tiêu biểu vượt khó; 40 đại biểu đến từ các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, huyện. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã nhận được 4 bằng khen của Trung ương Hội, 63 bằng khen của UBND tỉnh, nhiều giấy khen của UBMTTQ tỉnh… Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đúng quy định, có kế hoạch cụ thể và đảm bảo khách quan, minh bạch. Cho đến nay, chưa có cấp Hội nào nhận được đơn, thư tố cáo, khiếu nại về các việc làm sai trái trong các hoạt động từ các cấp Hội.     
Một số bài học rút ra từ thực tiễn: 
Thứ nhất: Những địa phương nào tranh thủ được sự chỉ đạo kịp thời, sự đồng thuận cao của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cùng cấp thì luôn được quan tâm về công tác tổ chức, nhân sự và kinh phí phục vụ cho các hoạt động của Hội. 
Thứ hai: Sự đoàn kết, nhất trí, tinh thần trách nhiệm cao trong nội bộ BCH các cấp Hội, sự phát huy thế mạnh của từng ủy viên BCH Hội là điều kiện tiên quyết cho thành công trong các hoạt động của Hội.
Thứ ba: Sự thay đổi hình thức hoạt động linh hoạt  của Thường vụ Tỉnh hội và đặc biệt là được sự đồng lòng, quyết tâm từ các chủ tịch, phó CT Hội cấp huyện, cấp cơ sở đã khơi dậy và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các hội viên trong các tổ chức Hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Thứ tư: Việc mở rộng quan hệ với các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước là hết sức cần thiết để có thêm nguồn lực cả về vật chất, tinh thần nhằm giúp đỡ cho nạn nhân da cam và gia đình họ vươn lên trong cuộc sống. 
Thứ năm: Thường xuyên trao đổi thông tin với Trung ương Hội là một kênh rất hiệu quả để kịp thời nắm bắt sự chỉ đạo chung cũng như tranh thủ được sự giúp đỡ từ các dự án (hệ thống quản lý, phương tiện làm việc, kinh phí hỗ trợ…) và mở rộng quan hệ với các tổ chức từ thiện trong vận động nguồn lực.
Thứ sáu: Việc cộng tác chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài truyền hình Trung ương, địa phương và tạp chí Da cam Việt Nam…) là rất hiệu quả trong việc nhân rộng các gương nạn nhân da cam điển hình vượt khó, các mô hình hay về cải thiện sinh kế cũng như truyền tải những địa chỉ người thực, việc thực có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ đến các nhà hảo tâm... 
Sau một nhiệm kỳ nhìn lại, tuy còn một số tồn tại, nhưng các cấp Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thừa Thiên Huế đã duy trì tốt các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, định hướng mà nghị quyết nhiệm kỳ đã đề ra. Những kết quả đạt được đó sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy mạnh hơn nữa trong nhiệm kỳ 2023-2028./.

Nguyễn Hữu Quyết 
Phó Chủ tịch Tỉnh hội 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chăm lo cho người có công dịp 27/7

    Chăm lo cho người có công dịp 27/7

    Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước cho 67.244 người có công với cách mạng với tổng số tiền 20,39 tỷ đồng.