Truông Bồn là tên gọi một eo núi theo tiếng địa phương của người dân Xứ Nghệ, đối với dãy núi Thung Nưa, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Truông Bồn được biết đến như một nét son rực đỏ trong trang sử anh hùng của dân tộc; như một huyền thoại của ý chí bất khuất, kiên cường. Nơi đây ghi nhận sự hy sinh anh dũng của 1.240 cán bộ, bộ đội, TNXP, công nhân, dân quân tự vệ... và đặc biệt là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của 14 TNXP Đại đội 317 ngay trước khi ngừng cuộc chiến chỉ vài giờ đồng hồ...
![]() |
Một góc Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn |
Hàng ngàn lượt người đến tri ân Truông Bồn
Trước anh linh các Anh hùng liệt sỹ Truông Bồn, mỗi đoàn khách đến đây đều bùi ngùi xúc động. Kính cẩn dâng những bông hoa tươi thắm và thắp nén hương tri ân các liệt sĩ, ông Hoàng Văn Hồng, nguyên lính Đại đội vận tải Trường Sơn, trong đoàn cựu chiến binh đến từ tỉnh Lạng Sơn, vẫn không quên thời bom lửa mà ông đã trải, Bùi ngùi trong lời kể, ông Hoàng Văn Hồng cho biết, khi vận chuyển hàng hóa, đạn dược qua nơi đây, đoàn xe vận tải của các ông luôn được các chiến sĩ thanh niên xung phong hướng dẫn, bảo vệ và làm hoa tiêu vượt tuyến an toàn. “Toàn bộ ở cái dốc này, bom cày lên xới lại. Một hố bom có đến hai chục quả bom cùng rơi xuống, làm tung tóe lên, nhưng đoàn xe chúng tôi được anh em bảo vệ đi qua trót lọt.” Ông Hoàng Văn Hồng nói.
Cựu chiến binh Hoàng Đức Nghĩa, quê huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng nay tuổi đã 80, nhưng mỗi lần về đây, ông đều dâng trào cảm xúc, hồi tưởng thời ông còn là chiến sĩ lái xe. Mỗi lần qua Truông Bồn, ông nhận thấy hố bom cày đi xới lại, nhưng nhờ có lực lượng TNXP bám trụ chỉ dẫn, các đoàn xe vận tải phục vụ chiến trường Miền nam và chiến trường Lào, Cam pu chia mới qua an toàn dưới làn bom đạn địch.
![]() |
Các cựu chiến binh xúc động trước ngôi một tập thể ghi danh liệt sĩ Truông Bồn |
Trong hàng ngàn lượt người con của đất Việt đến viếng thăm, tri ân, dâng hương liệt sĩ Truông Bồn, tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương tỉnh Nghệ, còn có cả bà con kiều bào đang sinh sống tại thủ đô Viêng chăn, nước bạn Lào. Ông Hoàng Diểu, nguyên Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Lào cho rằng, mỗi dịp tổ chức những chuyến hành hương về quê cha đất tổ, đoàn kiều bào ở Lào đều ghé thăm Khu di tích Kim Liên, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 cô gái TNXP hy sinh và hôm nay đến dâng hương các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại địa danh huyền thoại Truông Bồn là dịp để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. “Đây là dịp chúng tôi tổ chức cho bà con Việt kiều đến để tưởng niệm và đây cũng là bài học để ôn lại lịch sử và ghi nhận những công ơn của các anh hùng liệt sĩ của chúng ta đã hy sinh vì đất nước. Chúng tôi cố gắng góp một phần nhỏ bé tạo nên những hình ảnh, những người Việt Nam làm ăn sinh sống tại Lào cũng như các thế hệ trước đã đã hy sinh vì đất nước Lào và đất nước Việt Nam.” Ông Hoàng Diểu, xúc động nói.
![]() |
Đoàn bà con Việt kiều tại Lào về nghiêng mình tri ân các liệt sĩ Truông Bồn |
Truông Bồn “Tọa độ lửa” khốc liệt
Đêm 30/10/1968, Đại đội 317 nhận lệnh của Ban chỉ huy cấp tốc giải phóng đường cho đoàn xe quân sự vượt Truông vào Nam trước khi trời sáng. Tình hình cấp bách, tất cả mọi người xung phong ra hiện trường cùng đơn vị làm nhiệm vụ với tinh thần “Một giờ còn ở đơn vị là một giờ còn ra hiện trường”; “Đường chưa thông không tiếc máu xương”. Sang ngày 31/10/1968, 14 chiến sỹ TNXP của Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP Nghệ An do được phân công trực chiến nên rút về hầm trú ẩn sau cùng. Đúng 6 giờ 10 phút, bất ngờ 4 máy bay Mỹ lao đến trút bom, Truông Bồn chìm trong khói lửa. Đồng đội chưa kịp ứng cứu thì những loạt bom vẫn liên tục giội xuống, trên đoạn đường chỉ có chiều dài 120m nhưng đã phải hứng chịu tới 170 quả bom tàn phá. 13/14 chiến sỹ (11 nữ, 2 nam) quê ở các huyện của Nghệ An: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu và Hưng Nguyên đã anh dũng hy sinh khi chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là lệnh ngừng ném bom miền Bắc có hiệu lực.
Các anh chị mãi mãi để lại tuổi đôi mươi trên đất mẹ thân thương. Họ là đỉnh cao về lòng quả cảm của “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, là điển hình trong những điển hình của hàng nghìn TNXP ở Truông Bồn. Khi ấy, các anh, các chị tuổi đời mới đôi mươi, căng tràn nhựa sống. Hầu hết trong số họ đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị xuất ngũ, có người đã có quyết định đi học, có người còn định cả ngày cưới… Vậy mà, đau đớn thay… Cho nên, trước ngôi mộ chung đẫm màu hoa tháng 7, trong không khí linh thiêng, mọi người đến đây thắp nén tâm hương, ai cũng bồi hồi xúc động, không cầm được nước mắt nghĩ về sự hy sinh anh dũng của các TNXP ở Truông Bồn, nơi một thời là tuyến lửa vô cùng ác liệt.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, còn gọi là đường 30, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối liền huyết mạch giao thông: mốc số O đường mòn Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, đường 7, đường 34 để hậu phương miền Bắc chi viện nhân tài, vật lực cho chiến trường miền Nam vì thế Truông Bồn luôn là trọng điểm bắn phá của máy bay giặc Mỹ, được coi là "tọa độ lửa".
Chỉ riêng điểm nóng Truông Bồn đã hứng chịu tới 131 lần đánh phá của không quân Mỹ, với phần lớn trong tổng số 18.936 quả bom các loại và hàng chục nghìn quả tên lửa và rốc két máy bay Mỹ ném xuống khu vực này. Để bảo vệ vị trí chiến lược Truông Bồn, lực lượng quân và dân ở đây phải xả thân chiến đấu, ngày đêm san lấp hố bom, làm cọc tiêu sống để đảm bảo giao thông thông suốt... Họ đã rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại, đóng góp trên 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu m3 đất đá, đưa 94 ngàn lượt xe cơ giới vượt qua “Truông” an toàn, vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng, cung cấp hàng chục triệu cây, cọc chống lầy, làm cầu cho xe qua; huy động 4.500 xe đạp thồ, 4.500 xe ba gác, 4.500 xe đầu bò, 900 xe cút kít chở hàng vượt qua trọng điểm… Và trên tất cả, không thể đo đếm hết được ý chí kiên cường và lòng quả cảm của những con người ngày đêm bám trụ ở Truông Bồn.
![]() |
Các thế hệ Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đến dâng hương khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn |
Năm 1994, tỉnh Nghệ An khánh thành “Nhà bia mộ”, quy tập hài cốt các liệt sỹ để chăm sóc và tưởng niệm. Năm 1996, Truông Bồn được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Năm 2008, tập thể 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đó là những dấu mốc của sự Tri ân đối với các liệt sỹ Truông Bồn.
Nguyệt Hằng (VP Bắc miền Trung)
Bình luận