• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Tủ “Quà tặng người khuyết tật” của ông Nhẹn

Tủ “Quà tặng người khuyết tật” của ông Nhẹn

Ông Nhẹn (bên trái) tại Đại hội lần thứ IV, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Tân Yên

Ông Nhẹn sinh ra và lớn lên ở An Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Năm 19 tuổi (1963) theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được điều về Đoàn 335 quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Bắc Lào. Năm 1967, Đoàn 335 được điều về chiến trường Đông Nam Bộ, chuẩn bị cho chiến dịch Mậu thân năm 1968. Năm 1982 đơn vị ông được điều về địa bàn Quân khu I, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Hơn hai mươi năm chiến đấu và công tác, thực hiện nhiều nhiệm vụ quân đội giao (gùi thồ hàng, trực tiếp chiến đấu, xử lý chất độc hóa học do Mỹ sử dụng…), ông đều hoàn thành tốt, từ chiến sĩ ông đã trở thành sĩ quan quân đội. Tháng 2/1985, ông được nghỉ hưu với quân hàm đại úy. Khi nghỉ hưu ông về lập nghiệp tại thôn Nguộn A, xã Cao Xá, huyện Tân Yên, Bắc Giang.

Chiến đấu và phục vụ ở những địa bàn khốc liệt, chứng kiến biết bao hy sinh tổn thất của đồng đội, trở về quê hương, ông thấm thía nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được của những gia đình có người thân nằm lại chiến trường! Nhói lòng khi chứng kiến những khó khăn của NNCĐDC và người khuyết tật. Phải làm gì để chia sẻ, giúp đỡ họ? Ông chủ động tham gia các hoạt động xã hội để mong muốn góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người có công với đất nước và ông đã được bầu làm: Bí thư chi bộ thôn, Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Tân Yên, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Lào huyện... Ông được hội viên, nhân dân địa phương biết tới nhiều không chỉ là các chức vụ ông làm mà bởi những việc làm nghĩa tình, thiết thực. Ông là người đầu tiên đặt thùng thu gom vỏ, bao bì chất bảo vệ thực vật ngoài đồng; thôn đầu tiên trong huyện thực hiện “Liên gia tự quản”; đi đầu thực hiện văn hóa mới trong việc tang, cúng giỗ và sinh hoạt hàng ngày; đặc biệt từ ý tưởng “ Hũ gạo nuôi quân ” ông đã đề xuất mở Tủ “Qùa tặng người khuyết tật” tại gia để gom tiền giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh… Đến nay đã 76 tuổi, bệnh thoái hóa khớp, di chứng của hóa học, hậu quả của những chiến dịch gùi hàng “ tăng cung, vượt tuyến” trong chiến tranh chống Mỹ hành hạ, không cho phép ông “ôm đồm” nhiều việc, tổ chức và đồng đội tin cậy chỉ yêu cầu ông đảm nhiệm Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Tân Yên; ủy viên Ban An ninh, Ban liên lạc Hội hữu nghị Việt- Lào…Tâm sự với tôi, ông đăm chiêu nói: "năm 1985 về hưu, hai vợ chồng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhịn ăn, nhịn mặc mới đủ nuôi bốn đứa con ăn học. Đồng đội là thương binh, bệnh binh, NNCĐDC, những người đã nằm lại chiến trường - vợ con họ vất vả thế nào? Tâm sự đó, cứ day rứt trong tôi, chỉ mong muốn có cơ hội để chia sẻ, giúp đỡ...”. Nghĩ là làm, ông tự hứa với lòng mình mỗi năm phải để dành ít nhất 3 xuất quà tặng gia đình chính sách, những người khó khăn nhất. Nhà khó khăn, lương hưu ít ỏi lấy đâu tiền? Được vợ, con, cháu ủng hộ, năm 2013, ông thuê thợ làm một tủ kính ghi trang trọng dòng chữ “Quà tặng người khuyết tật” đặt ngay tại phòng khách. Đi xa về nhà, ông gom tiền thừa bỏ tủ. Ngày tết các con mừng tuổi, cảm ơn người mừng, ông trang trọng bỏ tủ. Các ngày tết, giỗ ông bà, tổ tiên, ông vận động gia đình không đốt vàng mã, hạn chế rượu bia. Tiền mua những thứ đó ông cho vào tủ “Quà tặng người khuyết tật”. Việc làm của ông lan tỏa tới con cháu. Gặp tôi ông vui vẻ kể: Tôi có đứa cháu ngoại ở Quế Võ lên thăm ông bà, chào ông bà xong cháu nằng nặc xin mẹ hai ngàn. Tưởng cháu xin tiền mua bim bim tôi móc ví đưa, cháu lắc đầu quầy quậy. Mẹ cháu nhìn con, nói nghiêm trang “mẹ bỏ rồi”. Cháu ngoại tôi liền nói “mẹ bỏ nhưng con chưa bỏ”. Mẹ cháu cười, móc túi đưa nó 5 ngàn. Con bé mặt tươi như hoa, chạy tới bỏ năm ngàn vào Tủ “Qùa tặng người khuyết tật”. Con cháu hiểu mình, làm theo mình tôi rất vui. Vì vậy, từ năm 2013 đến năm 2017 gia đình tôi đã có 24 xuất quà tặng 14 NNCĐDC, 5 suất cho gia đình thương binh, 5 suất cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Khi tiếp xúc với cán bộ cấp ủy, chính quyền xã và nhân dân tìm hiểu thêm về ông, mọi người đều cho biết: tấm gương của ông Nhẹn được nhân dân thừa nhận, cảm phục và noi theo. Năm 2017, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, cảm phục hành động của ông, đã trích một phần tiền lương gửi về góp vào Tủ “Quà tặng người khuyết tật”; Đồng chí Nguyễn Đình Thi (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song Vân); đồng chí Hoàng Danh Thắng (Bí thư Đảng ủy xã Lam Cốt, huyện Tân Yên) Chi bộ Cầu Đồng 10 (Đảng bộ Ngọc Lý), chi bộ Phúc Đình (Đảng bộ Phúc Hòa)... là những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong học tập, nhân rộng sáng kiến của ông Nhẹn.Tôi được biết: Đảng ủy, chính quyền, nhân dân xã Cao Xá, huyện Tân Yên đang có kế hoạch phát động cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập, làm theo tấm gương “tương thân, tương ái, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ người khó khăn cùng vươn lên” của ông Nhẹn./

Bài, ảnh Phạm Tuấn

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác