• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Vượt lên nỗi đau, chữa bệnh cứu người

Dù mang trong mình chất độc da cam từ cha mẹ, nhưng lương y Phan Mai Huy, sinh năm 1984, ở thôn 3, xã Quế Bình - nay là thị trấn Tân Bình (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) luôn phấn đấu vượt qua bệnh tật, trở thành một lương y giỏi, giúp đỡ người nghèo.

Cha mẹ anh là ông Phan Thanh Hiền và bà Mai Thị Thanh Lan đều là bộ đội, chiến đấu ở những vùng bị Mỹ rải chất độc hóa học, cả hai ông bà đều bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe ngày càng cạn kiệt vì những lần bị thương, vì bệnh tật do chất độc da cam và nỗi đau khi sinh ra đứa con trai duy nhất không bình thường như những đứa trẻ khác. Nghe mẹ cha kể lại, lúc sinh ra anh, do bị nhiễm chất độc da cam từ cha mẹ khiến chân tay anh teo lại, cơ thể què quặt, liệt nửa người, một bàn tay co quắp, đôi chân đi lại khó khăn, phát âm không tròn vành, rõ chữ. Bằng tình thương của cha mẹ, sự tận tâm của đội ngũ y, bác sỹ và bằng sự quyết tâm cố gắng luyện tập từng ngày với hy vọng một ngày nào đó mình có thể đi lại được, giảm được gánh lo cho gia đình, nên từ chỗ mọi việc ăn uống, đi lại đều phụ thuộc vào ba mẹ, Huy đã nỗ lực rất nhiều để hơn ba tuổi, đôi chân của Huy có thể tự đi lại, nhưng đôi tay vẫn yếu ớt.

Nhưng bằng nghị lực phi thường, Huy cũng tốt nghiệp trung học phổ thông, với sức khỏe như vậy, không thể học đại học, nên anh chọn học nghề đông y. Bởi nghề này phù hợp với sức khỏe, chữa bệnh cứu người, trong đó có ba mẹ của anh và những thân phận da cam. Sau 4 năm được đào tạo lành nghề cộng thêm được đào tạo kiến thức từ các khóa bồi dưỡng tại huyện, tỉnh về đông y gia truyền, Huy mở phòng khám tại nhà chữa bệnh và giúp đỡ người nghèo. Anh đã tìm hiểu những bài thuốc nam, cùng gia đình trồng một vườn thuốc nam, bởi anh cho rằng, sử dụng thuốc nam để chữa bệnh, vừa rẻ tiền, phù hợp với túi tiền của người dân nông thôn, vừa dễ sử dụng, dễ bảo quản, còn thuốc bắc khó bảo quản, giá thành đắt, đôi khi không biết được chất lượng của thuốc. Những bài thuốc đơn giản như cảm cúm, đau đầu, mất ngủ, say nắng từ những cây dược liệu có sẵn trong vườn như sả, gừng, đậu đen, lá vông, hạt đậu muồng, lá đinh lăng, lá dâu tằm…, giảm chi phí chữa bệnh cho mọi người, lại có thể duy trì kinh phí để chữa bệnh miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn”.

Hơn 10 năm hành nghề, anh đã chữa nhiều ca lành bệnh, châm cứu, bấm huyệt cho nhiều nạn nhân khuyết tật, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam… Từ chỗ chỉ điều trị bệnh thông thường, nay lương y Phan Mai Huy đã mua sắm trang thiết bị hiện đại, học hỏi đồng nghiệp, tham gia các khóa học đào tạo, nâng cao tay nghề, chữa thành công hàng trăm ca bệnh. Điển hình như trường hợp của anh Nguyễn Văn Bình (SN 1991, người cùng xã) bị liệt dây thần kinh số III, V, VII (méo miệng, xép mắt, uống nước trồi ra, mắt không nhìn rõ vật, nặng tai bên trái, tay trái bị liệt), sau khi được Huy châm cứu, bấm huyệt và dùng thuốc hai đợt đã giảm được khoảng 80% bệnh tật. Anh Huỳnh Thượng Sinh (SN 1993, ở huyện Bắc Trà My) bị tổn thương tủy sống do bị tai nạn lao động (không đi lại được, tiểu tiện khó khăn, mất khả năng sinh dục phải ngồi xe lăn), sau 3 tháng được anh Huy chữa trị miễn phí, bệnh nhân đã có lại khả năng sinh lý, lấy vợ sinh con bình thường.

Điều đáng khâm phục ở Huy không chỉ là ý chí vượt khó vươn lên mà còn là tấm lòng nhân ái, luôn quan tâm san sẻ nỗi đau với những người kém may mắn, có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Cứ vào ngày rằm và mùng 1 hàng tháng, anh Huy khám bệnh miễn phí cho mọi người. Anh cùng các đoàn thiện nguyện, khám chữa bệnh bốc thuốc ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, đi tận vùng đồng bào thiểu số ở Ninh Thuận, Bình Thuận cho người nghèo trị giá hàng triệu đồng.

Bằng khả năng và ý chí nỗ lực phấn đấu của bản thân, Phan Mai Huy đã giúp chữa trị lành bệnh cho nhiều người. Những việc làm của anh đã tô điểm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Anh nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp hội, đoàn thể như Hội đông y, Đoàn thanh niên, Hội khuyết tật, Hội NNCĐDC/dioxin. Anh tâm sự: “Cả gia đình tôi mang tật do di chứng chiến tranh, nhưng tôi đã vượt qua nỗi đau tinh thần, nỗi đau thể xác để tồn tại. Tôi dùng sức lực còn lại của cơ thể để sống có ích cho chính mình và mọi người, không là gánh nặng cho xã hội và gia đình, lấy tâm làm chính, coi nỗi đau của bệnh nhân như chính nỗi đau của mình. Tôi sống hạnh phúc và có trách nhiệm với mọi người xung quanh, góp phần xóa đói giảm nghèo của bản thân cũng như ở địa phương và làm giàu bền vững trên chính mảnh đất quê hương của mình”.

Theo ông Diệp Chí Hùng, Chủ tịch Hội đông y huyện Hiệp Đức: “Lương y Phan Mai Huy tuy bị nhiễm chất độc da cam, nhưng luôn có ý chí vượt lên số phận, trở thành hội viên tiêu biểu của Hội Đông y huyện Hiệp Đức và là một người có tâm, giúp đỡ người nghèo, là người giúp phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Huy thường xuyên thăm khám và giúp đỡ những người bệnh nghèo, người có hoàn cảnh có khăn. Anh còn thường xuyên phối hợp với Hội Đông y huyện thăm, khám sức khỏe cho các bệnh nhân ở Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng./.

Phan Thị Quế Hà

Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm công tác hội của 26 tỉnh, thành Hội phía Bắc, năm 2024

    Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm công tác hội của 26 tỉnh, thành Hội phía Bắc, năm 2024

    Ngày 27/3, Hội NNCĐDC/dioxin 26 tỉnh, thành phía Bắc đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác hội tại tỉnh Hải Dương. Dự hội nghị có: Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch TWH; ông Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ...