• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Bước qua quá khứ để mở cửa tương lai

Bước qua quá khứ để mở cửa tương lai

Cuộc đời của CCB - Nạn nhân CĐDC/dioxin Trần Thế Long ở khu 9 xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ với dấu mốc tươi thắm thời trận mạc, dấu mốc ảm đạm thời đầu phục viên và hậu vận như cây đời tươi xanh sau bão tố.

Đấy là cảm nhận của tôi về ông sau gần hai chục năm quen thân, thuộc tính, thuộc nết người CCB ngay thẳng, đang vui thú điền viên cùng con cháu ở một làng quê tả ngạn sông Đà.

Ngày 25/7/1969, tôi nhập ngũ, sau mấy tháng huấn luyện là vượt Trường Sơn – CCB Trần Thế Long kể. So với nhiều đồng đội, thành tích của mình có thể còn thua kém, nhưng tôi luôn tràn đầy niềm tự hào vì mình đã có trọn vẹn 7 năm quân ngũ, được in dấu chân mình suốt sườn Đông Trường Sơn từ Quảng Trị tới Tây Nguyên; được tham gia ba chiến dịch - ba mặt trận lớn của Quân chủ lực: Đó là mặt trận Quảng Trị những năm ác liệt nhất (1971-1972); Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phong Sài Gòn. Tôi nghĩ rằng, đời một chiến binh không gì hạnh phúc và tự hào hơn là được tham gia đến trận đánh cuối cùng để giành toàn thắng. Đất nước thống nhất, tôi phục viên, khép lại hơn hai nghìn năm trăm ngày oai hùng trận mạc, chói sáng vinh quang.

Trước chưa được học thì nay về học bù. Tôi đi học liên tiếp, hết lớp thống kê lại đến lớp kế toán, rồi về địa phương tham gia công tác ở HTX nông nghiệp. Từ anh nhân viên nghiệp vụ quèn, tôi phấn đấu bền bỉ và trở thành Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp. Đảm nhiệm công việc này được một khóa thì tôi được bầu vào Đảng ủy, HĐND, làm Phó chủ tịch UBND xã. Trải qua thực tiễn công việc, tôi trưởng thành lên rất nhiều, từng được đánh giá là cán bộ có năng lực, nhiều triển vọng. Nhưng cái tính nóng nảy như trong thời kỳ khói lửa, mặc dù cũng chú ý rèn luyện mà chẳng khắc phục được là bao. Ai đời, một Đảng ủy viên, một Phó chủ tịch UBND xã lại hô hào dân quân vác súng ra bờ ngòi, bờ sông để giải quyết tranh chấp đất đai với bà con bên kia! Với sai lầm ấy, tôi bị kỷ luật. Bao nỗ lực, cống hiến cho quê hương tưởng như theo nước sông Đà ra biển. Tôi tự thấy, đó là sự trả giá đích đáng. Bao tâm huyết của mình - người vừa bước ta từ cuộc chiến lại tiếp tục lao vào học tập và công tác với khát vọng đóng góp một cái gì đó cho quê hương - không thể khỏa lấp sai lầm, khuyết điểm, không thể biện minh cho mấy phút hô dân quân cầm súng chỉ vì mấy thước bãi bồi. Mình đã đánh mất tất cả, chỉ còn lại danh phận hội viên CCB Việt Nam với niềm tự hào quyết chiến, quyết thắng. Khi ấy, tôi thấy đời mình ảm đạm vô cùng, muốn buông xuôi tất cả...

Nghe chuyện ông kể, tôi lây cái buồn của ông. Một người lính có 7 năm tuổi quân, 11 năm công tác địa phương, giờ về làm phó thường dân, chẳng hề có một chế độ gì ngoài khoản trợ cấp NNCĐDC, lại còn chịu những ánh nhìn xa lạ, thử hỏi không buồn sao được! Mất mấy năm chơi vơi, ông Long dần lấy lại được thăng bằng. Khi nhà nước có những chính sách cởi mở, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, hai vợ chồng và bốn đứa con bắt tay gây dựng cơ đồ. Ngoài nghề nông như bao nông dân Đoan Hạ, gia đình CCB Trần Thế Long bắt đầu củng cố lại vườn tược, mở mang các ngành nghề như xay sát lương thực; làm ang, chậu bằng bê tông để trồng hoa, cây cảnh; đúc bia, mộ, cây hương…Sản phẩm ngày càng được khách đặt hàng nhiều, lắm khi làm không xuể.

Đi dọc đê sông Đà, đoạn qua khu 9 xã Đoan Hạ, người đi đường dễ dàng nhìn thấy hai bên có lúc ngổn ngang sản phẩm bê tông; thậm chí cả ang, chậu đã trồng hoa. Mé dưới ngoài đê là nhà ông Long. Công việc sản xuất ang, chậu trồng hoa, làm bia mộ về sau phát sinh nhu cầu chở hàng cho khách. Thế là bố con ông Long lại bỏ tiền sắm ô-tô, kinh doanh vận tải. Rồi cũng từ kinh doanh vận tải và bia mộ lại mở ra một ngành nghề kinh doanh mới là dịch vụ việc tang trọn gói, mang lại sự tiện dụng cho gia đình hiếu chủ, góp phần thay đổi bao điều không còn phù hợp đã tồn tại hàng nghìn năm như trong sách “Thọ mai gia lễ”, xây dựng nếp sống văn hóa mới nông thôn mới ở quê hương Đoan Hạ.

Cùng với sản xuất kinh doanh tiểu - thủ công nghiệp, dịch vụ, gia đình CCB Trần Thế Long còn chăn nuôi bò. Đàn bò gia đình duy trì số lượng thường xuyên từ 15-17 con, tạo việc làm cho con dâu và các cháu, mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Vốn yêu hoa lá, cỏ cây, lại làm dịch vụ liên quan đến cỏ cây, hoa lá, CCB Trần Thế Long khá nổi tiếng trong giới sinh vật cảnh ở Thanh Thủy bởi sự khéo tay cắt cành, tạo dáng cây thế, chăm sóc hoa, cây cảnh, làm hòn non bộ. Vợ chồng ông cũng có tiếng “mát tay” về nuôi đàn bò lai, con nào con ấy mượt lông, béo khỏe. Tôi hỏi về khoản tích lũy hàng năm, ông Long vừa tỉa cành vừa tủm tỉm: -Chả được bao nhiêu chú ạ, chỉ tầm 500 triệu thôi!

Thấy tâm trạng ông vui vẻ, tôi hỏi: Vậy đến giờ bác còn dằn vặt về việc bị kỷ luật nữa không, thì nhận được câu trả lời: - Việc ấy làm sao mà quên được. Nhưng, cánh cửa này đóng lại thì cuộc đời lại mở ra cánh cửa khác cho mình. Đến giờ, bằng tự tạo việc làm mà vợ chồng tôi và các cháu đời sống ổn định. Khoản trợ cấp 2 triệu 61 ngàn đồng dành cho NNCĐDC mất sức từ 41-60% tuy không lớn nhưng nhiều ý nghĩa động viên tinh thần, luôn nhắc nhở mình là hội viên Hội CCB, hội viên Hội NNCĐDC/dioxin; đã từng có những năm tháng cùng đồng đội tung hoành chiến trận. Phiền muộn xưa đã được rũ bỏ nhưng băn khoăn hiện tại vẫn còn, bởi vì không hiểu có phải ảnh hưởng từ ông nội hay không mà hai thằng cháu, một đứa bị loạn thị, một đứa dị tật bộ phận sinh dục?

CCB Trần Thế Long đã có một thời “bút chiến” với tiêu cực ở địa phương; đã từng viết báo, làm thơ, là cộng tác viên của một số tờ báo trung ương và địa phương. Nay tuổi gần tám mươi, không thấy tin, bài của ông xuất hiện trên báo đài, tôi nghĩ, có lẽ “lửa viết” trong ông đã nguội? Nhưng khi được đọc những tập bản thảo thơ, truyện ngắn ông gối đầu giường thì tôi biết mình phỏng đoán không đúng. Đôi câu đối do chính ông làm được chạm mộc treo tường gian giữa: “Nông gia cần mẫn cơ đồ vững/Dịch vụ tinh thông sự nghiệp bền”, giúp tôi hiểu những điều ông đang nghĩ, những việc gia đình ông đang làm để có cuộc sống thanh thản ngày nay. Ông cũng như bao đồng đội, là những NNCĐDC biết vượt lên hoàn cảnh để chiến thắng đói nghèo

Bàn thờ gia tiên dưới bức hoành phi “Phúc- Lộc- Trường” là đôi câu đối: “Nông gia cần mẫn cơ đồ vững/Dịch vụ tinh thông sự nghiệp bền”, đúc kết kinh nghiệm làm kinh tế của CCB Trần Thế Long

Khéo tay, hay làm, Ông Long trở thành nghệ nhân trong nghề sinh vật cảnh của xã Đoan Hạ.

Đàn bò lai của gia đình thường xuyên duy trì số lượng 15-17 con

Căn nhà đẹp xây năm 2016 là thành quả mấy chục năm lao động cần mẫn của cả gia đình CCB Trần Thế Long.

Bài và ảnh: NGUYỄN SẢN


Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Sáng 26/4, Trung tâm BTXH NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập (28/4/2014 – 28/4/2024). Dự lễ kỷ niệm có: Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội; bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người Khuyết tật, Cục Bảo ...