• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

CCB Trần Xuân Danh: Tôi càng thành đạt, càng có trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam

Trải lòng của giám đốc Công ty TNHH Nam Hưng- Trần Xuân Danh, có địa chỉ tại Khối 11 phường Cửa Nam thành phố Vinh, Nghệ An cho rằng, ai làm doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp đều không ngoài mục đích tạo thu nhập cho bản thân, gia đình, nhưng khi đã thành đạt chúng ta cần phải nghĩ đến công lao của những người đã ra trận mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho cuộc sống hôm nay để nhiều doanh nghiệp có cơ hội làm giàu.
Ông Trần Xuân Danh tặng quà NNCĐDC trong ngày "Đại đoàn kết toàn dân tộc"

CCB Trần Xuân Danh, trở về đời thường từ môi trường quân đội nên ông thấu hiểu sự hy sinh của đồng đội. Nhập ngũ trong thời gian cả nước tổng động viên cho cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, khi ra quân, ông trở về làm giáo viên dạy kĩ thuật của Trường Trung cấp truyền thanh Nghệ An, rồi làm quản lí chi nhánh Truyền hình Kĩ thuật số VTC tại Nghệ An đến khi nghỉ hưu. Về hưu ông mới có thời gian dành cho bản thân và đồng đội. “Lúc này ông cảm nhận những NNCĐDC thế hệ thứ hai trở đi là di chứng của thảm họa da cam mà những người lính về từ chiến trường bị nhiễm phải. Khi họ về với đời thường, họ cũng muốn có một cuộc sống giản dị, bình thường như chúng ta, họ lấy vợ, sinh con, nhưng những đứa con của họ không bình thường, bị dị tật bẩm sinh rồi sống cả đời cực nhọc vất vả cho cả người nuôi dưỡng chăm sóc. Họ không có lỗi gì, chỉ do kẻ thù đã gieo di chứng cho họ mà các thế hệ sau vẫn phải gánh chịu. Nên khi thành đạt, tôi cứ canh cánh một suy nghĩ, phải trích một phần nào đó, dù là rất nhỏ, nhưng đó là cử chỉ nhân ái, là tấm lòng, là cách cho không phải vật cho, để động viên những hoàn cảnh thương tâm của những NNCĐDC”, ông Trần Xuân Danh tâm sự.

Ông nói, đối với NNCĐDC phải là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi người phải có một tấm lòng nhân ái để họ vơi bớt những nỗi đau. Cử chỉ của Giám đốc Công ty Nam Hưng Trần Xuân Danh gây xúc động trong đêm giao lưu “Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc” tại khối 17, phường Hưng Bình thành phố Vinh khi ông lên trao quà cho nạn nhân chất độc da cam. Cuộc vui đang sôi động bởi các ca khúc, các tiết mục nhảy múa thể hiện tình đoàn kết, ca ngợi Đảng và Bác Hồ, quê hương đất nước bỗng lắng đọng khi những NNCĐDC nhận quà từ Giám đốc Trần Xuân Danh. Ông Hồ Viết Tiến, CCB, NNCĐDC trực tiếp cư trú tại Khối 17, mặc dù không có trong danh sách phát biểu hôm ấy cũng xin đứng trên bục cảm ơn tấm lòng của nhà hảo tâm trong rơm rớm nước mắt, ông nhắc lại những kỉ niệm chiến trường Quảng Trị gian khổ với nỗi đau da cam đang hoành hành bản thân và gia đình ông; ông cảm ơn sự thấu hiểu.

Ông Hồ Viết Tiến, CCB, NNCĐDC trực tiếp cư trú tại Khối 17 phát biểu

Mục sở thị nhà máy sản xuất bao bì của Công ty Nam Hưng tại Khối 11 phường Cửa Nam, thành phố Vinh, tôi ngỡ ngàng bởi đội ngũ đứng máy rất ít bởi chủ yếu là sản xuất tự động hóa. Một người có thể phụ trách 3 hoặc 4 máy, chỉ thỉnh thoảng ghé lại xem các chỉ số hoạt động của máy. Đây là cơ sở sản xuất các loại bao bì phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống trên các lĩnh vực bao bì nông sản, bao bì phục vụ công nghiệp đóng gói thực phẩm, các loại túi tiện dụng mua sắm, găng tay tiện lợi, túi cuộn, màng phủ gieo trồng. Tất cả đều được tận dụng các phế thải thuộc nhóm A để chế tác sản xuất. Mỗi tháng tại đây cho ra hàng trăm tấn sản phẩm và được tiêu thụ ổn định thị trường từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Thu nhập bình quân của người lao động từ 7 đến 12 triệu đồng mỗi tháng.

Nhìn năng lực và sự bề thế của nhà máy dám đi trước về mặt công nghệ tự động hóa, không gây tổn hại môi trường, Giám đốc Trần Xuân Danh cho biết, không dễ gì bản thân và doanh nghiệp lại đạt được những thành quả như ngày hôm nay, hiện nay toàn công ty, lao động đóng bảo hiểm chỉ 20 người, nhưng có khi lao động thời vụ lên đến 80 người. Ông diễn giải “ Trong thời gian Covid-19, mọi nhu cầu thiết yếu của thị trường vẫn không giảm nên công nhân không thể nghỉ việc. Nhưng với yêu cầu chống dịch nên nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, nhưng vẫn có 3 đợt phải nghỉ hẳn cả tháng nên cũng rất khó khăn. Nay thì qua rồi”.

Năm 2005, Công ty thành lập, các thủ tục xin đất, xin giấy phép rất thuận lợi nhưng mặt bằng cho nhà máy không dễ dàng do không có quỹ đất, đơn vị phải thuê mặt ao hồ 3000m2 rồi lấp bồi xây dựng, nâng cấp dây chuyền sản xuất. Mặc dù trước đó 10 năm, ông đã xây dựng một cơ sở sản xuất nhỏ, bên cạnh nhà. Đến nay, khi mở mang nhà máy, ông đã sắm được dây chuyền công nghệ Nhật Bản, rồi nhập thêm các linh kiện để lắp ráp thêm các phần máy khác, bản thân là kĩ sư Đại học Bách khoa, nên tự thiết kế chế tạo thêm một số máy móc cho các hạng mục, phân xưởng. Ví như máy thổi và máy cắt dán liên hợp, nhập linh kiện về rồi tự ráp để giảm chi phí 40%. Còn lực lượng lao động thì đào tạo tại chỗ, từ 8 tháng đến một năm rưỡi là thạo nghề; làm chủ công nghệ.

Khi chia tay ông, tôi cứ canh cánh tâm sự của ông rằng “Ai làm doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp đều không ngoài mục đích tạo thu nhập cho bản thân, gia đình, nhưng khi đã thành đạt chúng ta cần phải nghĩ đến công lao của những người đã ra trận mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho cuộc sống hôm nay để nhiều doanh nghiệp có cơ hội làm giàu.” và ông chính là một doanh nhân như thế.

Quốc Khánh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác