• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Đến Nha Trang, gặp người ở lại

Tình cờ phóng viên Tạp chí Điện tử Da cam Việt Nam, gặp ông Nguyễn Mạnh Điền, trú phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang. Ông quê tỉnh Thái Bình, sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1965 và năm 1966 vào Nam; chiến đấu trên các chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Đăk lắc, Kon Tum, đến khi giải phóng thì về Thành đội Nha Trang rồi ở lại.
Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Điền giơ cánh tay bị lở loét quanh năm do nhiễm chất độc da cam

Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Điền là Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang liên tiếp trong hai nhiệm kỳ. Ông cho biết, phường Vĩnh Hải, có 75 nạn nhân chất độc da cam, trong đó 5 nạn nhân loại một, với thương tật 81% phải có người chăm sóc; có 6 nạn nhân gián tiếp. Riêng gia đình ông Nguyễn Xuân Trong và vợ là bà Nguyễn Thị Hòa, đều là NNCĐDC, nhưng vẫn phải phục vụ người con sinh năm 1981 do bại liệt, nằm một chỗ. Hồi còn đương nhiệm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường Vĩnh Hải, mỗi năm ông vận động được hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ các nạn nhân. Sau khi nghỉ, ông còn bàn giao lại cho quỹ Hội hơn 50 triệu đồng để tiếp tục hoạt động.

Ngồi nhâm nhi tách cafe, ông Nguyễn Mạnh Điền cho biết, sở dĩ cả tỉnh Khánh Hòa có số nạn nhân ít hơn các tỉnh phía Bắc, thậm chí còn ít hơn một vài huyện, bởi, các chiến sĩ quân giải phóng đa số là người miền Bắc, sau khi hoàn thành sứ mệnh thống nhất đất nước thì họ trở về quê hương, các nạn nhân chủ yếu là người ở lại.

Trong câu chuyện ông kể, ấy là từ năm 1961 đến 1971, đế quốc Mỹ đã tiến hành rải chất độc hóa học xuống chiến trường Khu 5. Khoảng thời gian đó, ông thuộc Trung đoàn 240, quân khu 5, lịch sử ghi lại, lần đầu tiên vào ngày 10/8/1961, chiếc máy bay H30 của Mỹ chở chất độc rải dọc Quốc lộ 14 lên Đắc Tô Tân Cảnh và chúng ta cũng lấy ngày này kỷ niệm, ghi nhớ thảm họa da cam ở Việt Nam do đế quốc Mỹ gây ra với nhân dân Việt Nam. “Tôi chiến đấu vùng đó, cũng chỉ nghĩ nó bỏ thuốc diệt cỏ để dễ phát hiện bộ đội mình ẩn nấp thôi, chứ lúc đó ai biết là chất độc da cam đâu mà tránh. Chúng tôi cũng chỉ ý thức lấy ni lông để che mà thôi. Bản thân tôi bị nhiễm khi chiến đấu tại vùng Kon Tum, Đắc Lắc, Quảng Ngãi. Sau này đi khám theo 17 tiêu chí thì tôi mắc tiểu đường và bệnh ngoài da”. Tôi nhìn thấy những mảng da thâm xì lồi lõm, ông bảo nó cứ nổi lên rồi lặn quanh năm làm ông đau đớn. Ông giơ cánh tay cho tôi xem và nói.

“Chúng tôi chủ yếu hành quân trong rừng, chiến trường Khu 5 ít ác liệt hơn chiến trường Khu 4 nhưng lính gặp đói và thiếu thuốc men vì đường tiếp tế của ta bị các vùng địch chia cắt. Chúng tôi hành quân qua nhiều cánh rừng, thấy bộ đội chết nhiều do sốt rét và đói, có người nằm chết trên võng còn trơ lại bộ xương, thương lắm- Ông kể và rơm rớm nước mắt. Ác liệt nhất là do đói, không có đường vận chuyển lương thực vào, địch còn đóng 3 sư đoàn chặn các tuyến tiếp tế của ta. Anh em phải tìm củ rừng, rau rừng, nước suối sống qua hàng tháng trời. Để đối phó tình huống, Quân khu phát động các đơn vị phải trồng sắn để nuôi quân, với phương châm, nếu mình dời đi, không kịp ăn thì sẽ có đơn vị khác được ăn, như thế ta sẽ có đủ lương thực cho bộ đội.” Ông kể Tư lệnh lúc bấy giờ là Tướng Chu Huy Mân, anh em cũng chưa bao giờ được gặp bởi đóng trong rừng. Lính chúng tôi chỉ được phát bộ quần áo bà ba. Có lần ông Đinh Đức Thiện, Tổng cục tưởng Tổng cục Hậu cần và Nhà thơ Tố Hữu vào thăm chiến trường Khu 5. Sau chuyến đi ấy, Nhà thơ Tố Hữu viết trường ca “Nước non ngàn dặm”, “Khi gặp chúng tôi, hai ông nói “Chào đồng bào!”, vì thấy ai nấy đều mặc quần áo bà ba, tưởng chúng tôi là dân địa phương, chúng tôi giải thích, không bọn cháu là bộ đội chứ!”. Ông kể trong ánh mắt vui, dí dỏm.

Sau Mậu Thân chúng tôi đóng ở Ba Tơ, đường xe thồ từ Quảng Ngãi lên Kon Tum với danh xưng Quân giải phóng miền Trung Trung bộ. Trong suốt thời gian dài từ năm 1966 đến cuối năm 1974, tôi ngược xuôi các địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng là Quân khu 6 nhưng sau giải tán. Tôi về lại Khánh Hòa rồi được cấp trên cử đi học trường quân chính Quân khu 5. Trong thời gian ấy, Buôn Ma Thuật bắt đầu đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, cấp trên cử 200 cán bộ đang theo học tại đó lên đường mang theo súng ngắn hành quân theo Lữ đoàn 52 để thành lập Tiểu đoàn 19 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Tưởng rằng sẽ hy sinh tất cả, nhưng đơn vị chúng tôi hành quân đến đâu đều đánh thắng đó. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi lại trở về Khu 5, đến Tuy An, Khánh Hòa mới giải tán Lữ Đoàn, thành lập lại thành Trung đoàn 52 tiền thân Sư 320B, số cán bộ trả về cho mượn làm quân quản. Từ tháng 5/1975 tôi làm quân quản Nha Trang và định cư ở đây luôn. Đến năm 1979 tôi còn tham gia chiến trường Campuchia...” Ông kể mạch lạc minh mẫn.

Thành phố Nha Trang đang phát triển hiện đại năng động- Ảnh Quốc Đàn

Hôm nay, thành phố Nha Trang đang từng ngày đổi mới trên con đường hiện đại, năng động. Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Điền đã bước sang tuổi 77, và đã nghỉ chức danh Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường Vĩnh Hải; mang trong mình thương binh hạng hai, NNCĐDC nhưng ông luôn răn mình phải làm gương cho con cháu về lẽ sống, trân trọng thành quả cha ông. Người lính bước ra từ cuộc chiến đầy gian khổ, đã rèn luyện cho ông ý chí sắt đá, bản lĩnh cho cuộc sống hiện tại. Ông bảo "Mình sống độc thân vì người bạn đời đã mất cách đây mười năm, các con đã ra cửa nhà riêng, hàng ngày mình ăn kiêng theo chế độ dưỡng bệnh và cưỡi Honda ra quán cafe để được chuyện trò và gặp gỡ đồng hương để dịu bớt nỗi nhớ quê." Ông nói.

Quốc Khánh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...