Để rồi giờ đây, sau 60 năm Thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10-8-1961/10-8-2021), thế hệ ngày nay cùng nhìn lại quá khứ và hãy để câu chuyện về nỗi đau da cam là bài học cho tương lai.
Bộ phim tài liệu “Nỗi đau da cam”, do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện vừa hoàn thành vào những ngày đầu tháng 8 tiếp tục kể câu chuyện rằng: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tàn dư khốc liệt đã dần mờ theo năm tháng xong vẫn còn đó những nỗi đau vô hạn của những nạn nhân bị phơi nhiễm, di nhiễm bởi chất độc da cam/dioxin.
Thảm họa da cam và nỗi đau xé lòng
Bộ phim “Nỗi đau da cam” kể về những hậu quả của chất độc da cam/dioxin để lại sau chiến tranh mà quân đội Mỹ dùng để rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam. Chất độc da cam/dioxin không chỉ hủy hoại, tàn phá tinh thần, thể xác của nhiều thế hệ người dân Việt Nam mà còn để lại hậu quả nặng nề, mất cân bằng môi trường sinh thái.
Thông qua tác phẩm điện ảnh này để nói về hành trình 60 năm Đảng, Nhà nước, Quân đội, các tổ chức trong và ngoài nước đã nỗ lực khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin và sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội tới những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, hướng đến một tương lai hòa bình, tốt đẹp hơn, giúp đỡ những nạn nhân vượt lên số phận, khẳng định giá trị bản thân. Bộ phim cũng là lời tố cáo tội ác chiến tranh, gieo rắc thảm họa da cam mà đế quốc Mỹ đã thực hiện tại Việt Nam.
Mở đầu bộ phim là hình ảnh từng thùng chất độc chết người mang da cam mà quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam trong những năm chiến tranh khiến trái tim người xem quặn lại.
Là nữ đạo diễn trẻ, được giao nhiệm vụ thực hiện bộ phim về đề tài chiến tranh, Trung úy Nguyễn Diệu Hoa cho biết: Không biết có phải do duyên hay không mà bộ phim đầu tay của tôi nói về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và đây là bộ phim thứ hai thì nói về khắc phục hậu quả chất độc da cam. Khi được giao nhiệm vụ đồng đạo diễn cùng anh Nguyễn Tú Đức thì quả thật tôi vô cùng lo lắng. Đầu tiên vì đây là bộ phim lớn sản xuất nhân dịp kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam nên có rất nhiều thứ cần đề cập đến. Hơn nữa, chúng tôi đều còn trẻ, có rất ít kinh nghiệm mà lại đồng đạo diễn thì liệu có cùng thống nhất hoàn thành được một bộ phim chất lượng. Ngoài ra, làm phim trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều… Tuy nhiên, cuối cùng tất cả các khó khăn đó đã được hóa giải khi chúng tôi bắt tay và thực hiện bộ phim.
Từng cảnh quay, những đoạn phỏng vấn thấm đẫm tình cảm của các nhân vật trong phim đã để lại nhiều xúc cảm cho người xem. Những lời tâm sự của chính các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong bộ phim đã khiến người xem rơi lệ. Trong đó có tâm sự của chị Phạm Thị Nhí, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hồ Chí Minh: “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bố bị thương tật do nhiễm chất độc hóa học. Từ nhỏ, do bị nhiễm chất độc hóa học nhưng hồi đó thì chưa biết, cứ nghĩ là mình bị dị tật bẩm sinh. Khi sinh ra đã bị liệt nửa người, vẹo cột sống, chân thì đi khập khiễng. Mỗi lần trẻ con chơi đùa mà mình thèm khát lắm, thấy các em chạy nhảy thì mình cũng bò theo. Đêm nào tôi nằm cũng mơ chân mình sẽ được lành lặn trở lại để được nhảy múa, hát ca như mọi người. Nhưng cuối cùng đó chỉ là giấc mơ không thể thành hiện thực.
Không chỉ có những người Việt Nam bị di chứng chất độc hóa học tàn phá cả tinh thần lẫn thể xác mà còn có các cựu binh Mỹ trở về từ cuộc chiến tranh phi nghĩa mãi khắc khoải về những tội lỗi mà họ đã gây ra. Để rồi giờ đây, nhìn lại quá khứ, họ nuối tiếc mà nghĩ rằng, giá như không có chiến tranh, không có chất độc da cam ấy thì cuộc sống sẽ hạnh phúc nhường nào.
Cựu binh Mỹ Daniel Shea tâm sự: Tôi chỉ ở Việt Nam trong một khoảng thời gian nhưng lại đúng nơi bị phun chất độc hóa học. Sau khi kết thúc chiến tranh, tôi lập gia đình, tới ngày vợ tôi sinh con, cô ấy đau đẻ gần 10 tiếng. Tôi cảm thấy có điều gì đó bất thường khi thấy các y tá cứ nhìn chằm chằm vào con tôi. Khi bế con trên tay, thì thấy con bị hở hàm ếch và có vấn đề về tim mạch. Con tôi được đưa vào phòng phẫu thuật. Sau cuộc phẫu thuật, con tôi nằm trong vòng tay tôi và trở nên lạnh giá. Con trút hơi thở cuối cùng trong lòng tôi.
“Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ nhưng chúng ta có thể hướng về tương lai, đoàn kết để hóa giải nỗi đau da cam và chống chiến tranh hóa học”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã khẳng định như thế trong bộ phim “Nỗi đau da cam”.
Sáng ngời hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Không chỉ khắc họa hình ảnh về thảm họa da cam để lại hậu quả nặng nề cho bao người dân Việt Nam mà thông qua bộ phim này, người xem hiểu rõ hơn về sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ.
Dù đất nước đã ngưng tiếng súng nhưng cuộc chiến đấu của các chiến sĩ Binh chủng Hóa học vẫn còn gian khổ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các anh đã thực hiện nhiệm vụ như: Thu gom, xử lý các loại vũ khí, chất độc hóa học, chất cháy của Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Nhiều năm đã trôi qua, các chiến sĩ luôn có mặt ở những điểm nóng nhất, những nơi tồn dư chất độc da cam với nồng độ cao nhất thế giới để thực hiện nhiệm vụ. Với những người chiến sĩ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân, làm sạch môi trường, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội bền vững không đơn thuần là nhiệm vụ của một người lính mà ẩn sâu trong tâm tư còn là sự đồng lòng, sẻ chia niềm xót thương với những nỗi đau mà đất mẹ Việt Nam đã, đang phải gánh chịu.
Đạo diễn Nguyễn Diệu Hoa cho biết: Ngay sau ngày đất nước thống nhất, quân đội ta đã tiên phong trong việc thu gom và xử lý chất độc da cam/dioxin. Những cảnh quay tư liệu về các chiến sĩ tham gia công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh thật đẹp và ý nghĩa. Đây là những thước phim để trong tương lai, các thế hệ sau hiểu được công lao của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã thực hiện nhiệm vụ vô cùng cao cả, thiêng liêng và đầy tính nhân văn.
Nỗi đau thể xác không thể đánh gục ý chí vươn lên của những người con ở một dân tộc anh hùng. Dù sức khỏe hạn chế nhưng ước mơ trở thành thầy giáo luôn cháy bỏng trong lòng người người thanh niên bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Nguyễn Đức Trường năm xưa và là động lực, khát vọng để anh thay đổi cuộc đời, trở thành thầy giáo như ngày hôm nay.
Bằng ý chí, nghị lực kiên cường, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng tự thân chuyển hóa nỗi đau của mình thành động lực để tiếp tục cuộc sống.
Đất nước được hòa bình, độc lập và phát triển như ngày hôm nay, biết bao người dân phải hy sinh. Thế hệ ngày nay phải biết trân trọng quá khứ, biết ơn các thế hệ đi trước, giúp đỡ các nạn nhân da cam hòa nhập và vươn lên. Hóa giải những tàn dư của cuộc chiến giờ đây không chỉ là trách nhiệm mà là tiếng gọi từ trái tim.
Nguồn báo QĐND
Bình luận