• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nhà có 10 người nhiễm da cam và 25 năm chữa bệnh từ thiện

Nhà có 10 người nhiễm da cam và 25 năm chữa bệnh từ thiện

Tôi đã từng nghèo nên biết thương người nghèo. Tôi đang đau yếu, con cháu đang mắc di chứng chất độc da cam ra sao thì các đồng đội cũng thế nên chữa bệnh giúp'.

Ông Minh mặc comple ngồi hàng đầu, cạnh bà vợ mặc áo dài (bên phải) cùng họ hàng, các con cháu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nỗi đau lặn vào bên trong

Trong căn nhà lúc nào cũng thơm nức mùi thuốc Nam, lương y Hoàng Quang Minh ở 15/4 đường Lê Hồng Phong (thành phố Lạng Sơn) đã nói với tôi như vậy. Và ông tỏ rõ vẻ ái ngại khi một người con trai của mình bất thần đi vào, nói một tràng gay gắt rồi… dọa đánh tôi vì một bức xúc nào đó: “Tính nó nóng lắm bởi bị ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam đấy, mong cháu thông cảm cho!”

Ông vốn gốc người Tày quê ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Bố đi bộ đội rồi hi sinh nên ông không thuộc diện phải xét tuyển nhưng năm 1966 vẫn xung phong vào đặc công, tham gia trận Mậu Thân 1968 đầy máu lửa. Ngày ấy ở vùng rừng núi Quảng Nam máy bay Mỹ rải chất độc hóa học dày như sương mù, như mây trời khiến cho mặt nước cũng nổi váng nhưng bộ đội khi khát vẫn phải uống vì không có cách nào khác...

Năm 1969 ông bị thương ra Bắc, điều dưỡng mấy tháng rồi lập gia đình. Vợ ông khi chửa đứa đầu đã bị sảy nên lúc sinh ra được Hoàng Tiến Huy năm 1971 lành lặn thì ông bà mừng vui khôn xiết. Nhưng càng nuôi nó càng còi cọc, càng lớn lại càng chậm chạp, mọc cả u ở mặt, thêm vào đó tính tình rất nóng nảy.

Huy chỉ ở nhà làm ruộng, lấy vợ rồi sinh được hai đứa con: Hoàng Thị Thùy Linh mắt bị tật, người đầy vết tràm còn Hoàng Quang Trưởng trên mình cũng nhiều vết tràm tương tự. Linh hiện đã lấy chồng, sinh được hai đứa con nhưng thể hình của chúng khá nhỏ bé so với tuổi.

Ông Minh đang bắt mạch cho một người bệnh.

Con trai thứ hai của họ là Hoàng Thanh Huấn sinh năm 1973, có u ở đầu, ở cổ tay, người gầy gò, tính tình rất nóng nảy. Anh lấy vợ sinh được hai con: Hoàng Thị Linh Chi mắt kém, nặng cỡ 32 - 33kg, đang học đại học phải bỏ dở vì bệnh tật; Hoàng Thu Trà đang học lớp 11 nặng chỉ khoảng 30kg, thường hay mắc bệnh về đường hô hấp.

Đứa con trai thứ ba của họ là Hoàng Quốc Hưng sinh năm 1981, người đầy u to, u nhỏ, tính tình cũng rất nóng nảy. Anh lấy vợ, sinh ra được hai người con: Hoàng Hà Đan Trường người đầy vết tràm, ở chân có nốt như một miếng thịt sống không thể mọc được da. Hoàng Hà Gia Hân người cũng có vết tràm kèm theo bụng to như bị báng.

Hiện nay ông và 3 đứa con được hưởng chế độ hỗ trợ người kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam nhưng 6 đứa cháu thì chưa có.

Bản thân ông thương binh 4/4 vẫn bị găm một mảnh đạn ở trong người không lấy ra được, còn thứ chất độc quái ác kia hễ trở trời là toàn thân đau nhức đến mức phải nhờ vợ đấm bóp như giã giò mới vơi bớt phần nào.

Hành trình chữa bệnh thiện nguyện

Năm 1988 ông về nhà, chạy công nông, mổ lợn thuê, tất tả kiếm sống. Dù gia đình mấy đời có nghề chữa bệnh, dù thủa lên 9, lên 10 ông từng theo mẹ lên núi hái thuốc vào các dịp 5 tháng 5, 6 tháng 6, 7 tháng 7, 8 tháng 8, 9 tháng 9... nhưng bà quan niệm chừng nào còn trẻ thì không được làm.

Bởi vậy đến tận năm 1996, khi biết mình ốm, chắc không qua khỏi thì bà mới chịu truyền lại nghề cho con trai. Trước đó, thời còn chiến tranh hay bao cấp, bà đã chữa bệnh giúp dân, không lấy tiền nên người ta thường biếu lúc tay trầu không, gói thuốc lào, ít vỏ để ăn trầu hay tết nhất mang đến con gà trống thiến, đôi cân gạo nếp. Thường xuyên nhất vẫn là cày, bừa, cấy, gặt hộ, gom rơm để lợp mái nhà hộ bà, bởi lúc đó con trai đã đi bộ đội, con gái thì nhỏ còn đang đi học.

Ông Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đến thăm gia đình ông Minh đang đứng nói chuyện cùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Làm phúc hơn làm giàu con ạ! Không phải thấy người ta có của mà lấy nhiều tiền, thấy người ta nghèo mà không chịu giúp đỡ”. Mẹ ông thường căn dặn như vậy. Thuốc bà lấy trên núi về còn tươi nguyên cứ thế băm ra cho bệnh nhân mang về sắc uống, thế mà nhiều bệnh từ bình thường đến hiểm nghèo phải thoái lui. Đến giờ ông về quê một số người già cỡ 90 - 100 tuổi vẫn vồn vã chào hỏi và bảo rằng: “Nếu không có mẹ cháu thì ông giờ đã mục xương rồi!”.

Thứ quý giá nhất trong nhà là kho thuốc này

Không cần bắt mạch, mẹ dạy ông nhìn da, nhìn thể sắc của người khác mà đoán bệnh. Da vàng dễ viêm gan siêu vi trùng; bụng to dễ xơ gan cổ trướng; đái buốt, đái dắt dễ sỏi thận; đau bụng lâm râm xuyên qua lưng dễ dạ dày xung huyết; đau thượng vị mà ợ chua dễ dạ dày trào ngược; đại tiện ra phân màu đen dễ chảy máu dạ dày…

Mỗi loại bệnh là một hay nhiều loại thuốc chủ trị khác nhau, cứ như lời của ông thì cỡ 60 - 70% bệnh nhân là khỏi. Như ông Trần Văn Vay ở huyện Tràng Định bị rắn hổ mang cắn, đang đêm bà vợ gọi điện cầu cứu, sáng hôm sau khi ông giã thuốc đem vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì đã thấy phải thở ô xi, người tím tái hết cả. Bác sĩ không cho dùng thuốc ngoài, ông xin tự chịu trách nhiệm mới được phép rút ống thở ra, uống được mấy tiếng thì ông này tỉnh táo, người hết tím, chiều đã ra viện, hết tiền còn cho để về.

Ông Nguyễn Văn Triệu ở huyện Bắc Sơn bị tiểu đường, ông Hoàng Long ở thành phố Lạng Sơn bị viêm cầu thận, ông Nguyễn Văn Long bị xơ gan cổ trướng ở tỉnh Thái Bình… là những trường hợp điển hình mà ông đã chữa khỏi nữa. Tuy nhiên vẫn còn có những người bệnh không bớt mà theo ông là bởi cơ địa không hợp hay do hoàn cảnh khó khăn không đến được thêm lần nữa để lấy thuốc.

Ông Minh đang kiểm tra thuốc

Mấy năm đầu ông chữa bệnh không ra giá mà ai trả tùy tâm, về sau vì không tự đi tìm thuốc được nữa mà phải mua nên mới công bố giá. Một liều chữa trị thường có 7 thang, lúc đầu giá hơn 100.000 đồng đến nay trị bệnh thông thường giá 750.000 đồng, trị bệnh hiểm nghèo giá 1,25 - 2,35 triệu đồng.

Anh em đồng đội, mà nhất là người nhiễm chất độc da cam hay thương binh thì khám, phát thuốc miễn phí, người nghèo thì giảm giá một nửa hay miễn phí: “Những người đến với tôi là đã đi khắp các bệnh viện mà không khỏi, tiền nong cũng đã cạn rồi. Thấy họ lăn lộn vì đau nên tôi không nỡ lấy”. Từ năm 1996 đến nay trung bình mỗi năm ông khám chữa cho hàng trăm lượt người trong đó khoảng 30 - 40 lượt từ thiện như vậy với trị giá tiền thuốc khoảng 20 triệu đồng.

Điều đáng nói là ông bà vẫn sống trong căn nhà cấp bốn xây từ năm 1976 đã xuống cấp, vẫn dùng bộ bàn ghế salon nan cũ kỹ từ 30 năm trước, vẫn xem cái ti vi cũ, vẫn đi cái xe máy Tàu giờ chẳng mấy ai đi. Còn các con ông bà đều là lao động tự do, thu nhập thấp và bấp bênh.

Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đông y của ông Minh

Thủa nhỏ thấy các con còi cọc, ốm đau suốt ngày nên ông bà phải bán cả đất vườn của cha mẹ để lấy tiền chạy chữa, khi không đủ phải bán cả nhà mình đi nhưng vẫn không thành công. Ngay cả thứ thuốc bổ gia truyền họ cho các con đến nay là các cháu uống đều đặn hàng ngày cũng chỉ để duy trì mạng sống chứ không thể thanh tẩy được thứ chất độc quái ác đã ngấm sâu vào tận xương tủy.

Thế mà vừa rồi bên ngành LĐ-TB&XH gửi cho ông một thông báo bảo sẽ cắt chế độ hỗ trợ của hai đứa con là Hoàng Thanh Huấn và Hoàng Tiến Huy, sẽ thu hồi số tiền đã hưởng bởi họ không bị dị dạng, vẫn còn khả năng lao động.

Ông không tiếc chút tiền còm cõi đó mà chỉ uất vì đau: “Thế chúng không đi làm thì ngồi nhà ai nuôi? Bụng đói nên chân mới phải bò chứ? Bởi tôi kiến nghị nên trước mắt họ chưa xem xét đến chuyện đình chỉ chế độ nữa. Những cán bộ đó không biết chiến tranh là gì, không đổ một giọt máu nơi chiến trường nên mới hành động như vậy”.

Làm Chủ tịch Hội Đông y rồi Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin của phường, chuyên giúp đỡ mọi người nên năm 2012 ông được chọn là đại diện của tỉnh Lạng Sơn đi Hàn Quốc gặp những "cựu thù" trên chiến trường xưa trong một hội nghị có tên “Cuộc đồng hành tuyệt đẹp”. Tuy khác nhau tiếng nói, hoàn cảnh sống nhưng họ đều giống nhau ở những thân hình tàn tạ bởi mắc đủ thứ bệnh tật, ở những đứa con chịu nhiều di chứng chất độc da cam nên đồng cảm, ôm chầm lấy nhau mà cười, mà khóc…

Nguồn: Báo Nông nghiệp

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...