Những CCB chăm sóc cho nhau, hình ảnh đó lại gợi cho tôi nhớ đến bố và thầm cảm ơn những con người kiên trung
Mấy hôm nay thời tiết thật khó tả, lúc gió lành lạnh se se, lúc lại cảm thấy bức nóng vã cả mồ hôi; cũng như bao đêm, tôi vẫn đi làm thêm với công việc quen thuộc; ra về bước xuống cầu thang của dãy nhà tầng Quang Trung cũ, dãy nhà này vẫn mang những nét xưa, không thay đổi và cũng chưa bị di dời, xây mới lại như những dãy nhà trước đó. Cầu thang theo dòng thời gian đã cũ, trên tường lỗ nan hoa để thông gió tạo nên tiếng gió rít khe khẽ nghe đến nao lòng và hơi sờ sợ. Một hình bóng chậm rãi từng bước một lên cầu thang, bất giác tôi phải nhìn kỹ hơn bởi là do tôi sợ. Và rồi tôi lại thấy yên tâm khi thấy đó là hình ảnh của một ông cụ người hơi gầy, tóc đã bạc trắng, bước những bước chắc chắn mà nhẹ nhàng, điều tôi ấn tượng ở ông và vì đó là điều làm tôi yên tâm chính là bộ quân phục người lính. Một màu xanh giản di, gọn gàng, nhưng sạch sẽ và tươm tất. Dù chỉ lướt qua, tôi cũng chỉ dám khẽ chào và được ông đáp lại. Nhưng sau khoảnh khắc đó tôi chợt rưng rưng nước mắt. Màu áo lính, dáng vẻ gầy gò, chậm rãi sao mà giống bố đến lạ.
Ôi! ước gì con lại được nhìn thấy lại hình ảnh bố trong dáng vẻ quen thuộc, trong bộ quân phục mà bố thường mặc. Bởi như bố nói đó là màu áo lính, màu áo chiến trường đã gắn bó với bố từ thửa thiếu niên.
Ngày từ chiến trường về, bố mẹ luôn bên nhau
Giờ đây, hình ảnh đó lại gợi cho tôi nhớ đến bố và thầm cảm ơn những con người kiên trung, nhỏ bé gan dạ như bố, như người lính già vừa lướt qua. Bố tôi là lính từ năm 1975 và sau đó ông sang chiến trường Campuchia. Xa gia đình, xa đất nước và quê hương, nhưng lại mang trên mình một sứ mệnh cao cả của những người lính trẻ hồi đó là bảo vệ dân lành, bảo vệ hòa bình không chỉ cho đất nước mình mà còn để bảo vệ cho nền hòa bình trên thế giới. Nhiều lúc tôi cũng thấy rất ngạc nhiên, biết bao nhiêu năm được sống bên bố, thấy ông cũng khá “nhát gan” như ông sợ sấm sét ( chắc do di truyền nên tôi cũng sợ phát khiếp), sợ mưa gió và bão bùng. Khi nào có bão i như rằng ông sẽ bắt chúng tôi ở trong phòng đóng chặt cửa lại, rồi bốn cha con mẹ con ngồi im chờ bão qua đi.. để mỗi khi tôi nghĩ về bố, tôi lại đặt câu hỏi: Sao bố lại có thể đi chiến trường? Giữa rừng thiêng nước độc, đạn bom dữ dội thấy còn ác liệt hơn cả sấm sét và bão tố ấy chứ. Nhưng sao bố có thể chiến đấu dũng cảm đến thế? Bố tôi bị thương năm 1979 trong một đợt giao tranh dữ dội, giữa rừng già, giữa tiếng kêu rên của bom đạn, tiếng người gào thét... ông bị trúng bom. Sau này qua từng câu chuyện kể của bố, dù tôi chưa thể hình dung hết sự khủng khiếp của chiến tranh nhưng nhìn những gì còn sót lại trên thân thể bố, tôi hình dung được sự tàn ác của chiến tranh ghê gớm như thế nào.
Phải chăng qua bao nhiêu lần mổ xẻ, bị đứt lìa đôi chân của mình và với vết sẹo dài trên mặt...nên bố chịu đau rất giỏi? Để rồi những di chứng sau chiến tranh nó đi theo hết cả cuộc đời. Đó là những ngày thay đổi thời tiết, ông bị lên cơn co giật không ngủ nổi, là vì vết đạn trong ngực nên ho rũ rượi...tài một nỗi là chẳng bao giờ ông kêu đau. Nhưng dù bố tôi có kiên cường đến thế nào thì những gì là hậu quả của chiến tranh đến bây giờ nó đã quật bố ngã xuống...
Cũng như những người lính già hôm nay, vẫn đẹp và sáng lấp lánh biết bao
Hôm nay tôi bắt gặp hình ảnh bố trong người lính già tôi tình cờ gặp, và tôi biết câu trả lời cho những câu hỏi của tôi. Đó là dù có những nỗi sợ như con trẻ nhưng khi đứng trước trách nhiệm của đất nước, của dân tộc con người ta sẵn sàng quên đi nỗi sợ. Đó vì tình yêu đất nước lớn hơn tất thảy mọi điều. Là tình yêu quê hương và gia đình đã giúp bố vượt qua những nỗi sợ hãi và đau đớn. Tôi nhớ bố! Tôi nhớ hình ảnh bố trong quân phục bởi đó là hình ảnh ông đẹp nhất. Cũng như người lính già hôm nay, ông cũng đẹp và sáng lấp lánh biết bao.
Thúy Hằng (Giáo viên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An)
Bình luận