• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Tiền Giang đảm bảo sự tồn tại độc lập của tổ chức Hội, hiệu quả hoạt động được nâng cao

Là một trong những Hội mang tính “đặc thù”, hiện thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, nhưng Hội NNCĐDC/dioxin mang tính chất khá đặc biệt, Hội của người có công với cách mạng, bởi đối tượng của Hội là NNCĐDC mang trong người di chứng chất độc hóa học do Mỹ phun rải trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ngoài chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân về mặt vật chất, tinh thần, Hội còn nhiệm vụ đấu tranh đòi công lý cho họ. Điều đó đòi hỏi tổ chức Hội phải mạnh toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Do vậy, cần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì đây là điều kiện tiên quyết, mấu chốt trong mọi vấn đề cần giải quyết về công tác Hội. Bởi lẽ, khi Hội vững mạnh thì mọi hoạt động Hội sẽ vững mạnh; nói cách khác, Hội vững mạnh tất yếu chất lượng và hiệu quả hoạt động Hội sẽ được nâng cao.

Bà Dương Thị Lệ, Chủ tịch Tỉnh hội (thứ tư từ trái sang) tặng quà cho nạn nhân huyện Châu Thành

Hội tỉnh Tiền Giang được thành lập từ năm 2005; đến năm 2022 toàn tỉnh đã có 174 tổ chức Hội, gồm 1 hội cấp tỉnh, 11 hội cấp huyện (100%), 162/172 hội cấp xã (94%); số nạn nhân đang quản lý là 11.843 người và 12.020 hội viên. Số hội được công nhận đặc thù là 59 hội (cấp tỉnh 1, cấp huyện 9 và cấp xã 49 hội); các hội đặc thù được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định. Số nạn nhân được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước là 11.373 người (tỷ lệ 96,03%); trong đó có 1.557 người có công và 9.816 người là dân thường. Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 08/2021/NQ- HĐND; theo đó, tất cả cháu của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước.

Hệ thống tổ chức Hội các cấp đã được phủ gần khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tuy nhiên, với những đặc điểm riêng nên từng tổ chức Hội vẫn có những bất cập về chất lượng hoạt động, nhất là công tác vận động nguồn lực và chăm sóc nạn nhân. Từng bước xây dựng tổ chức Hội trong tỉnh vững mạnh nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ vừa là yêu cầu trước mắt cũng là mục đích lâu dài, song với những khó khăn không thể cùng một lúc giải quyết được tất cả, do vậy, Tỉnh hội Tiền Giang đã chọn và thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

1. Đảm bảo sự tồn tại độc lập của tổ chức Hội

Việc thực hiện sắp xếp lại tổ chức, biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18- NQ/TW của Trung ương do từng địa phương quyết định, tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin chưa có một quy định pháp lý nào thống nhất trong cả nước nên cũng ít nhiều khó khăn cho từng tỉnh.

Nhưng tỉnh Tiền Giang, do có sự quan tâm đối với Hội nên trong Đề án về “Sắp xếp, tinh giản bộ máy…” theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Tỉnh ủy, các Huyện ủy đều khẳng định sự tồn tại độc lập của Hội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng. Đồng thời cũng là thuận lợi, tạo sự ổn định, không gây xáo trộn các Hội đã thành lập cũng như Hội tổ chức đại hội khi hết nhiệm kỳ hoặc Hội mới thành lập, giúp Hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, để đảm bảo sự tồn tại độc lập vững chắc, tổ chức Hội còn phải thường xuyên củng cố, bổ sung đủ số lượng Ban chấp hành, Ban thường vụ và thường trực Hội theo đề án nhân sự khi đại hội; vì trong nhiệm kỳ 5 năm không tránh khỏi sự thay đổi về nhân sự. Việc này thường xảy ra đối với một số ít hội cơ sở nhưng nhờ kịp thời được bầu bổ sung nên không gây khó khăn trong hoạt động.

2. Tổ chức có nền nếp phong trào thi đua

Thi đua là đòn bẩy tác động trực tiếp đến việc nâng chất hoạt động của từng tổ chức Hội, qua thi đua còn giúp việc đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch Hội đề ra trong từng tháng, 6 tháng, cả năm; đồng thời còn đánh giá năng lực của cán bộ Hội. Tại tỉnh, phong trào thi đua nâng dần từ thấp đến cao về tiêu chí thi đua, về mức độ hoàn thành, về danh hiệu đăng ký thi đua giữa các hội xã trong Cụm xã thuộc huyện, giữa các hội huyện trong Cụm huyện thuộc Hội tỉnh.

Để đảm bảo tính khách quan và tạo động lực phấn đấu cho tổ chức hội từng cấp, việc điều hành hoạt động thi đua hàng năm được phân công luân phiên cho từng Hội trong Cụm. Trên cơ sở tiêu chí thi đua chung của tỉnh, Cụm trưởng chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch đăng ký thi đua, theo dõi kết quả thi đua và tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá thi đua, tất cả được thông qua Cụm và gửi đến Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, huyện xem xét. Đầu năm, Tỉnh hội, các huyện hội tổ chức cho hội viên cấp mình ký kết giao ước thi đua để từng Hội trong Cụm phấn đấu thực hiện các tiêu chí đã đăng ký suốt cả năm.


Ký kết giao ước thi đua giữa 11 hội cấp huyện là hoạt động thường xuyên hàng năm ở Tiền Giang

Kết quả phong trào thi đua nhiều năm qua đã góp phần nâng chất tổ chức Hội các cấp. Qua phong trào thi đua, số hội cấp huyện đạt xuất sắc trên 50%, số hội còn lại hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có Hội yếu; Hội cấp xã khoảng 40% đạt xuất sắc, một số ít hội đạt mức hoàn thành nhiệm vụ, không có hội yếu kém. Phong trào thi đua của Tiền Giang đã trở thành nền nếp trong hoạt động Hội, động viên và khích lệ thêm cái tâm và tình cảm đối với cán bộ Hội, là cơ sở để hàng năm cấp ủy chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn đối với Hội.

3. Thực hiện tốt công tác tham mưu và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan

Với những khó khăn của Hội, công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Hội là yếu tố không thể thiếu; đồng thời đảm bảo sự tồn tại vững chắc đối với tổ chức Hội. Do đó, Tỉnh hội Tiền Giang tập trung thực hiện nội dung trên như sau:

a. Tham mưu thực hiện đúng, đủ chế độ quy định của Nhà nước đối với nạn nhân:

Ngoài nguồn vận động từ cộng đồng xã hội, hàng năm ngân sách địa phương cấp bình quân khoảng 15 tỷ đồng để giúp đỡ nạn nhân, các cấp hội trong tỉnh rất quan tâm đến việc thực hiện đúng, đủ chính sách của Nhà nước dành cho nạn nhân da cam, dù họ thuộc diện người có công (F0, F1, F2) hay dân thường. Việc này được cập nhật và theo dõi thường xuyên đối với các cấp Hội, được đối chiếu với ngành Lao động-TBXH cùng cấp; các chế độ khác theo quy định của Nhà nước đối với nạn nhân cũng đều được cấp đầy đủ. Đặc biệt, từ tháng 7/2021, đối tượng cháu của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết hưởng mức trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, vào dịp 10/8 hàng năm, Tỉnh hội và nhiều hội cấp huyện còn được UBND cùng cấp hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thăm, tặng quà NNCĐDC. Nhờ vậy, 100% số nạn nhân là người có công và 95% số nạn nhân dân thường được hưởng trợ cấp. Sự quan tâm đó góp phần cải thiện thêm đời sống của nạn nhân, động viên họ vươn lên trong cuộc sống.

b. Về hỗ trợ cho các Hội chưa được công nhận đặc thù:

Do bất cập về chính sách của Nhà nước, chỉ những hội thành lập trước Nghị định 45/NĐ-CP mới được công nhận đặc thù và được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động, cán bộ hội có phụ cấp. Nhưng, đối với các hội không được công nhận đặc thù sẽ gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động hội. Đây là khó khăn không nhỏ cần được tháo gỡ sớm, nhằm tránh tâm lý so bì giữa các hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hội.

Để tháo gỡ khó khăn trên, Tỉnh hội đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có chủ trương đồng ý hỗ trợ ngân sách chi cho Hội thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao; từ đó UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo cụ thể cho UBND cấp huyện, xã về nội dung chi cụ thể. Trong thực hiện, tuy vẫn còn có những khó khăn, nhưng bước đầu giúp các hội khá thuận lợi trong hoạt động và cán bộ hội phấn khởi, yên tâm nhiều hơn đối với hội.

c. Về các hoạt động khác liên quan đến Hội - nhất là công tác phối hợp cấp ủy và chính quyền địa phương: Để chính quyền các cấp nhận thức và có sự quan tâm đúng mức đối với Hội đòi hỏi người làm công tác Hội phải thường xuyên tham mưu về nội dung liên quan đến hoạt động Hội, đặc biệt là Hội cấp huyện. Những trường hợp Hội cùng cấp chưa tháo gỡ được, Hội cấp tỉnh phải trao đổi trực tiếp hoặc có văn bản gửi đến cấp ủy, UBND huyện nhằm tạo sự đồng thuận chung, theo tinh thần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, mình phải lo cho mình, đặc biệt về công tác nhân sự qua các lần đại hội, về tổ chức Hội.

Hoạt động chăm lo, giúp đỡ nạn nhân da cam luôn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Do vậy, tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin cần được Nhà nước quy định thống nhất về sự tồn tại độc lập, thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao; đồng thời có chính sách phù hợp đối với nạn nhân chất độc da cam và người làm công tác Hội./.

Dương Thị Lệ

Chủ tịch Tỉnh hội Tiền Giang

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm công tác hội của 26 tỉnh, thành Hội phía Bắc, năm 2024

    Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm công tác hội của 26 tỉnh, thành Hội phía Bắc, năm 2024

    Ngày 27/3, Hội NNCĐDC/dioxin 26 tỉnh, thành phía Bắc đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác hội tại tỉnh Hải Dương. Dự hội nghị có: Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch TWH; ông Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ...