• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

ĐIỀU TRA NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH VÀ QUẢNG NAM VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN

Hiện trên phạm vi cả nước chưa có cuộc tổng điều tra toàn quốc về đối tượng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nào. Tuy nhiên việc điều tra được tiến hành ở một số tỉnh, thành trên phạm vi cả nước nơi có số lượng người bị nhiễm chất da cam hoặc nơi còn tồn dư chất độc da cam có ý nghĩa hết sức quan trọng. Qua kết quả điều tra Nhà nước sẽ ban hành chính sách, chế độ cho người nhiễm chất độc da cam (NNCĐDC) nói chung và chính sách trong việc chăm sóc sức khỏe, y tế cho NNCĐDC nói riêng. Việc điều tra khảo sát, thống kê thế hệ cháu (F2) của các nạn nhân đang được các tỉnh, thành phố cũng như Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam quan tâm mang tính cấp bách và thiết thực. Nguyên cứu thực hiện dựa trên việc thiết kế bảng câu hỏi đã tiến hành điều tra, xử lý số liệu thống kê thành công tại các tỉnh: Nam Định, Quảng Nam, Hà Nam và Quảng Trị. Bài viết đi sâu phân tích, đánh giá kết quả đạt được tại 2 tỉnh: Nam Định (đặc trưng các tỉnh phía Bắc) và Quảng Nam (đặc trưng các tỉnh phía Nam) để làm cơ sở trong việc ban hành chế độ trợ giúp xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng cho các đối tượng này. Về cơ bản, kết quả nghiên cứu có thể mở rộng ứng dụng tương tự cho các tỉnh, thành phố trong cả nước.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngay từ những năm 70, các nghiên cứu về chất độc da cam/dioxin (CĐDC/dioxin) trong chiến tranh ở Việt Nam đã khẳng định tác hại của loại chất độc này không chỉ đối với người bị phơi nhiễm trực tiếp mà cả đến con, cháu và các thế hệ tiếp theo của họ [1,2].

Ngày 03 tháng 4 năm 1998 Chính phủ ban hành Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg thực hiện Tổng điều tra trên phạm vi cả nước dành cho các đối tượng bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin trong chiến tranh nhằm xác định tổng số nạn nhân bị nhiễm chất da cam, từ đó làm cơ sở cho hoạch định chính sách đối với NNCĐDC/dioxin Việt Nam. Đợt điều tra này được thực hiện trong 2 năm 1998-1999 và được bổ sung vào năm 2002 và năm 2004. Mặc dù, các cuộc điều tra đã đạt được một số kết quả song chưa đạt được mục tiêu đề ra (về tính chất, quy mô, đối tượng, thời gian, không gian, độ tin cậy, tiêu chí, phương pháp tiếp cận...). Chính vì vậy, yêu cầu khách quan của một cuộc tổng điều tra trong cả nước đối với người chịu hậu quả CĐDC/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là rất cần thiết và đã được khẳng định lại tại Quyết định số 651/QĐ/TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do rất nhiều khó khăn khác nhau, với nhiều lý do cả về nhận thức chủ quan, cả về điều kiện khách quan, nội dung này vẫn chưa thực hiện được.

Trong lúc chưa có thể thực hiện được một cuộc tổng điều tra diện rộng trong phạm vi cả nước, thì việc khảo sát điều tra mang tính chuyên sâu phục vụ tư vấn, kế hoạch cho các bộ, ngành, địa phương theo địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố có ý nghĩa quan trọng, thiết thực và khả thi [3]. Trong đó, việc khảo sát, điều tra thống kê đối với thế hệ thứ 3 là cháu các nạn nhân có tính thiết thực, có ý nghĩa thực tế cao, đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Xuất phát từ yêu cầu đó, mục tiêu nghiên cứu, khảo sát, điều tra được đặt ra nhằm: Thiết kế hệ thống bảng câu hỏi cho các đối tượng bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin (F0) và con, cháu của họ (F1, F2).

Qua điều tra thực tế hình thành quy trình, phương án khảo sát điều tra, xử lý khai thác số liệu thống kê về nạn nhân CĐDC/dioxin trên địa bàn cấp tỉnh, thành phố trước mắt phục vụ tư vấn hoạch định chính sách hoạt động chăm sóc nạn nhân, con, cháu và các thế hệ tiếp theo của họ, tại các địa phương cũng như hoạt động của hệ thống Hội CĐDC/dioxin trong cả nước. Nghiên cứu còn đưa ra yêu cầu bảo đảm tính thực tế, khách quan, chính xác và một số yêu cầu khác phù hợp với điều kiện cụ thể tại các địa phương [4].

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐIỀU TRA

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Là người bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin trong chiến tranh tính từ 8/1961 đến 30/4/1975 đã sinh sống tại Nam Định (đại diện cho các tỉnh phía Bắc) và Quảng Nam (đại diện cho các tỉnh phía Nam).

Tại Nam Định, các đối tượng khảo sát trọng tâm được xác định là: Lực lượng vũ trang (bộ đội, công an vũ trang, cán bộ an ninh, biên phòng), cán bộ dân chính đảng, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tại chiến trường B, C, K và 10 xã thuộc huyện Vĩnh Linh được xác định là vùng bị rải CĐDC/dioxin trong chiến tranh (gọi chung là người tham gia hoạt động kháng chiến).

Tại Quảng Nam, các đối tượng khảo sát trọng tâm được xác định là nhân dân định cư tại địa bàn có tiền sử tiếp xúc với CĐDC/dioxin trong thời kỳ phun rải trong chiến tranh.

Việc phân loại, sàng lọc đối tượng trên cơ sở người có con và cháu bị tác động gây bệnh, tật theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế về danh mục các bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin ngày 20/02/2008 và Luật người khuyết tật năm 2010.

Một số căn cứ đánh giá, phân loại người khuyết tật (NKT) được thực hiện cụ thể theo Thông tư 05/2013/TT - BLĐTBXH hướng dẫn khám, giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp hồi cứu: sử dụng để phân loại, sàng lọc trên cơ sở xem xét hồ sơ ở các ban ngành, Hội quần chúng tại địa phương.

- Phương pháp thu thập thông tin: Được thực hiện bằng cách xây dựng các phiếu điều tra và tổ chức điều tra theo hộ gia đình các nhóm đối tượng: Người bị phơi nhiễm (F0), con người bị phơi nhiễm (F1), cháu người bị phơi nhiễm (F2) và các bảng biểu thống kê kèm theo.

- Phương pháp nghiên cứu dọc, mô tả cắt ngang [5] phân loại theo hình 1.

- Nhập và xử lý số liệu thống kê: Sử dụng phần mềm Excel 2017.

- Phương pháp tiến hành: Thành lập các tổ điều tra, hỏi đáp trực tiếp trên cơ sở tập huấn, thống nhất các tiêu chí, khái niệm trong phương án, kế hoạch điều tra, lấy quận, huyện là đơn vị điều tra (sau khi có kết quả điều tra thử rút kinh nghiệm).

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

Quá trình sàng lọc đối tượng bị phơi nhiễm (F0) trên địa bàn được tiến hành xem xét, hồi cứu hồ sơ phối hợp giữa các ban, ngành, tổ chức xã hội tại địa phương do UBND tỉnh chỉ đạo, cơ quan chủ trì là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (Nam Định và Quảng Nam). Kết quả được đưa ra trên bảng 1.

Bảng 1. Kết quả xác định hộ người có tiền sử tiếp xúc với CĐDC/dioxin trong chiến tranh có cháu chịu tác động (bị bệnh, tật, dị tật, dị dạng)

Kết quả trong bảng 1 cho thấy có sự khác nhau đáng kể về tỷ lệ có cháu chịu tác động. Điều này có thể giải thích mức độ chịu tác động của người tham gia kháng chiến ở Nam Định tập trung hơn (người tham gia hoạt động kháng chiến) so với cộng đồng dân cư sống trong vùng bị phun rải và lan tỏa tại Quảng Nam (các nghiên cứu tiếp theo cần làm rõ hơn sự khác biệt này) [6].

Kết quả đánh giá phân loại tỷ lệ hộ có cháu bị di chứng là người có công, dân thường với mức sống được đưa ra trong bảng 2.

Bảng 2. Kết quả đánh giá phân loại tỷ lệ hộ có cháu bị di chứng là người có công, dân thường với mức sống.

(Nguồn: Nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra, năm 2020)

Kết quả trong bảng 2 cho thấy đối tượng cần quan tâm có cháu bị di chứng ở Nam Định (các tỉnh phía Bắc nói chung) là người có công 100% còn ở Quảng Nam (các tỉnh phía Nam nói chung) phần lớn lại là dân thường chiếm đến 62%. Mức sống các hộ này ở cả hai vùng đều đã được cải thiện đáng kể, với mức sống trên trung bình chiếm tỷ lệ khá cao.

Bảng 3 và bảng 4 là kết quả khảo sát hiện trạng người bị phơi nhiễm F0 đã mất, còn sống và theo nhóm tuổi.

Bảng 3. Hiện trạng người bị phơi nhiễm đã mất và còn sống tại địa phương

Bảng 4. Kết quả khảo sát đối tượng bị phơi nhiễm còn sống theo nhóm tuổi.

(Nguồn: Nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra, năm 2020)

(*) Chỉ điều tra đối tượng bị phơi nhiễm trực tiếp trong chiến tranh là người có công.

Kết quả trong bảng 3 và bảng 4 cho thấy các đối tượng bị phơi nhiễm có cháu bị di chứng ở Nam Định phần lớn đã cao tuổi trên 65 tuổi, còn ở Quảng Nam nhóm tuổi dưới 60 và từ 60 - 65 tuổi vẫn còn đáng kể chiếm đến 33,7%. Điều này có thể giải thích là do thời gian phơi nhiễm, tồn lưu kéo dài hơn đến những năm 1970 - 1975 (hoặc lâu hơn nữa) đối với các tỉnh phía Nam. Đặc biệt số nữ chiếm đáng kể trong các đối tượng bị phơi nhiễm ở Quảng Nam, đó là cộng đồng dân cư vùng bị phun rải.

Thực tế, người có công ngoài Bắc bị phơi nhiễm chủ yếu vào trước năm 1975 và cao điểm vào những năm 1968 -1972.

Bảng 5. Người bị phơi nhiễm được hưởng trợ cấp và nhà ở.

Kết quả trong bảng 5 cho thấy phần lớn thế hệ ông bà có cháu bị di chứng ở Nam Định đã được hưởng trợ cấp hưu trí và người có công nhưng vẫn còn khó khăn về nhà ở (77,75% ở nhà tạm, cấp 4). Ở Quảng Nam số dân thường không được hưởng trợ cấp chiếm gần 60% và số ở nhà tạm cấp 4 chiếm trên 96%. Sự khác nhau về chế độ, chính sách trợ cấp giữa hai miền là tồn tại thực tế, đối với người bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin ở các tỉnh phía Nam có khó khăn hơn.

Bảng 6 là tổng hợp một số thông tin cơ bản của các cháu bị di chứng ở Nam Định và Quảng Nam và các hình thức chăm sóc.

Bảng 6. Hình thức chăm sóc các cháu bị di chứng CĐDC/dioxin.

Các thông tin trong bảng 6 cho thấy có sự mất cân bằng giới tính đáng kể trong các cháu bị di chứng, tỷ lệ cháu gái trên cháu trai là 41,57%/58,43%. Về khoa học giới tính cần quan tâm có các nghiên cứu chuyên sâu hơn về nguyên nhân sự mất cân bằng này (sự thống kê này ngược với tỷ lệ NKT là nữ chiếm đến trên 60% theo một số nghiên cứu ở Việt Nam). Tuy nhiên, về chính sách y tế xã hội cần quan tâm chăm sóc ưu tiên hơn đối với các cháu gái bị di chứng, chống kỳ thị, cũng như đối với mẹ các cháu gái. Đối với các hình thức chăm sóc sinh sống, phần lớn các cháu hiện đang sống với bố, mẹ (mặc dù bố, mẹ thường cũng là người chịu di chứng, khả năng lao động thấp). Khả năng tự sinh hoạt của các cháu là 50%, còn lại cần sự chăm sóc 24/24 của người thân.

Về hình thức nuôi dưỡng tập trung và bán trú có tỷ lệ rất thấp, con số này phù hợp với các đánh giá kiến nghị không nên xây quá nhiều các trung tâm bảo trợ, nuôi dưỡng tập trung và bán trú riêng đối với NNCĐDC. Việc các trung tâm hoạt động khó khăn không hiệu quả là tồn tại thực tế khách quan. Mô hình chăm sóc NKT dựa vào cộng đồng là hình thức có ưu thế cần nhân rộng [7].

Ngoài các kết luận đã nêu trong các bảng trên, nghiên cứu điều tra còn cho các thông tin rất bổ ích về nhóm tuổi các cháu ở các địa bàn đối với các đối tượng khác nhau và cơ cấu bệnh, tật, khuyết tật, dị tật, dị dạng. Các thống kê này mang tính chất định tính chưa có điều kiện khảo sát sâu về chuyên môn y tế, song có giá trị tham khảo, định hướng thăm dò cho các nghiên cứu tiếp theo, đáng chú ý là:

- Thứ nhất, về nhóm tuổi: các cháu<6 tuổi chiếm từ 10 - 20%; các cháu trong khoảng 6-18 60 70%;>18 tuổi chiếm 15 - 25%

- Thứ hai, về di chứng (phân loại tương đối thực chứng theo chức năng, có ảnh kèm theo hồ sơ), cụ thể:

Số đa khuyết tật từ 2 nhóm trên chiếm khoảng 50% và đã xuất hiện thế hệ thứ 4 (F3) là chắt các đối tượng phơi nhiễm (F0).

* Các thông tin khác:

Từ các tài liệu thu được trong hệ thống Bảng câu hỏi, có thể tổng hợp với các cách tiếp cận khác nhau với phần mềm thích hợp cho các thông tin về nghề nghiệp, tôn giáo, trình độ học vấn, nguyện vọng nạn nhân, người chăm sóc, hoàn cảnh bên nội, bên ngoại, cơ cấu bệnh tật các thế hệ, số nạn nhân trong hộ gia đình, số liệu thống kê theo quận, huyện…(danh mục các bảng biểu tổng hợp thống kê, mẫu phiếu câu hỏi điều tra trong Phụ lục kèm theo).

Từ các kết quả điều tra trên cho thấy, NNCĐDC/dioxin có điều kiện hoàn cảnh hết sức khó khăn, họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo khổ nên cần được sự hỗ trợ chung tay của cả cộng đồng. Đặc biệt đây là các đối tượng bị mắc các bệnh tật nặng đòi hỏi cần được chăm sóc sức khỏe. Bởi thế thực hiện chăm sóc sức khỏe và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này là cần thiết và cần được sự quan tâm thích đáng của đảng, nhà nước.

* Một số đề xuất nhằm thực hiện giải pháp nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho NNCĐDC/dioxin

Chăm sóc sức khỏe nói riêng và trợ giúp xã hội nói chung có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của NNCĐDC. Thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng này có ý nghĩa trên nhiều phương diện [9, tr.143].

- Thứ nhất, về phương diện xã hội và nhân văn. Chăm sóc sức khỏe đối với NNCĐDC không chỉ thể hiện thái độ của Nhà nước đối với NNCĐDC - một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, hoạn nạn trong xã hội mà còn là biện pháp hỗ trợ cần thiết, tích cực của nhà nước đối với những người bị nhiễm chất độc hóa học, bị di chứng do chất độc hóa học để lại. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, NNCĐDC được hỗ trợ, giúp đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần, từ đó giúp họ cải thiện tình trạng sức khỏe, nâng cao khả năng thích ứng với bệnh tật.

- Thứ hai, về phương diện kinh tế. Chăm sóc sức khỏe đối với NNCĐDC có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cuộc sống của bản thân NNCĐDC và con, cháu của họ. Xét từ phương diện kinh tế, các khoản tiền trợ cấp cho việc chăm sóc sức khỏe có ý nghĩa là công cụ phân phối lại tiền bạc, của cải và dịch vụ cho các thành viên yếu thế, từu đó thu hẹp lại dần sự chênh lệch mức sống, giảm bớt đói nghèo. Việc thực hiện chăm sóc sức khỏe dựa trên các nguồn tài chính công đó mang ý nghĩa phân phối lại thu nhập theo hướng công bằng xã hội. Dưới góc độ này thì chăm sóc sức khỏe chính là biện pháp thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

- Thứ ba, về phương diện pháp lý. Chăm sóc sức khỏe là cơ sở pháp lí để các cơ quan, tổ chức thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo sức khỏe cho NNCĐDC để họ được hưởng chế độ theo đúng quy định của pháp luật. NNCĐDC cũng là con người nên có quyền được bảo đảm về an sinh xã hội, trong đó có quyền được bảo đảm về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng sao cho phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật. Hiện các chính sách về chăm sóc sức khỏe cho NNCĐDC không phải là sự ban ơn, thương hại, xin – cho mà đây là sự bắt buộc phải thực hiện [10, tr.269].

* Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe đối với NNCĐDC/dioxin:

Ở Việt Nam, bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho NNCĐDC luôn được chú trọng và pháp luật về trợ giúp xã hội (TGXH) nói chung, chăm sóc sức khỏe nói riêng cho đối tượng này không ngừng được hoàn thiện. Cụ thể:

- Một là, cần thực hiện chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho những người bị nhiễm chất độc hóa học khi họ đáp ứng đủ các yêu cầu và được cơ quan có thẩm quyền xác định bị nhiễm chất độc da cam. Để thực hiện được điều đó cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách này sao cho đơn giản, thiết thực, kịp thời, phù hợp theo nhu cầu của đối tượng và thực hiện trong thời gian ngắn nhất tránh trường hợp khi giải quyết xong đối tượng đã chết hoặc có được hưởng nhưng chỉ được hưởng trong một khoảng thời gian ngắn. Việc thực hiện chế độ này góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho NNCĐDC, từ đó họ an tâm hơn với cuộc sống.

- Hai là, cần thực chế độ nuôi dưỡng tập trung đối với các trường hợp bệnh, tật hiểm nghèo; bệnh, tật nặng và bản thân không tự phục vụ được và gia đình cũng không có khả năng phục vụ. Cần sớm xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc đặc biệt và đưa họ vào trung tâm nuôi dưỡng tập trung. Có như vậy đối tượng này mới được chăm sóc, điều dưỡng, điều trị theo đúng quy trình, lộ trình.

- Ba là, cần thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm phù hợp. Việc thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục cho người nhiễm chất da cam hay thân nhân của họ bị phơi nhiễm với chất độc này là việc làm thiết thực và được tiến hành thông qua các chế độ, chính sách, ưu đãi về học phí, dạy nghề, học nghề…Đối với vấn đề việc làm và giải quyết việc làm đòi hỏi các cấp quản lý có cơ chế tạo việc làm riêng, sắp xếp chương trình kế hoạch riêng và có cơ chế giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNCĐDC và con đẻ của họ bị bệnh, tật nặng có việc làm, tự tạo việc làm. Từ đó NNCĐDC có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe cho bản thân.

- Bốn là, cần hoàn thiện, bổ sung các chính sách công, chính sách ưu đãi với phương châm đẩy mạnh chất lượng trong quản lí, nhất là quản lý việc khám chữa bệnh, chăm sóc y tế cho NNCĐDC. Muốn thực hiện tốt cần ban hành những quy định, thủ tục rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu và đề cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đây được coi là sự thành công của các chính sách công của Nhà nước góp phần bảo đảm lợi ích của Nhà nước, cộng đồng dân cư và xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh.

- Năm là, hoàn thiện các quy định pháp luật về chăm sóc sức khỏe như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho chính người bị nhiễm chất da cam và những người thân của họ bằng việc ban hành hàng loạt các quy định ưu đãi, ưu tiên trong việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hoặc khám chữa bệnh tại các tuyến trên. Từ đó bản thân những người nhiễm chất da cam và con đẻ, cháu, chắt của họ sẽ an tâm với cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.

- Sáu là, hoàn thiện các quy định pháp luật về trợ giúp xã hội cho các đối tượng này, bởi hơn hết họ là những người có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn (dựa trên kết quả Bảng 5 và 6) nên cần thực hiện các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên, trợ giúp xã hội đột xuất và đây được xác định là việc làm cần thiết. Mỗi thời kì khác khau việc thực hiện trợ giúp cũng sẽ khác nhau, tuy nhiên cần căn cứ vào thực tiễn cuộc sống, tình hình kinh tế thị trường hiện nay để có mức hỗ trợ phù hợp đáp ứng được mức sống tối thiểu cho họ và gia đình.

Trợ giúp xã hội cho nạn nhân CĐDC/dioxin là hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng trong xã hội hiện đại giúp họ tránh được các mối đe dọa của cuộc sống, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Bảo đảm quyền được trợ giúp xã hội cho đối tượng này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo đó những bất hạnh, rủi ro trong cuộc sống được cả cộng đồng chung tay gánh vác thông qua nguồn tài chính công, sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Bảo đảm quyền được trợ giúp xã hội cho nạn nhân da cam/dioxin giúp họ tự tin và nhận thức được giá trị sống của bản thân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo định hướng phát triển bền vững của quốc gia.

4. KẾT LUẬN

- Xây dựng được các phương án điều tra và mang tính chất khả thi phù hợp với điều kiện thực tế và NNCĐDC/dioxin có cháu bị di chứng trên địa bàn tỉnh Nam Định và tỉnh Quảng Nam.

- Thiết kế thành công hệ thống bảng, biểu thống kê và Bảng câu hỏi điều tra cho các đối tượng bị phơi nhiễm (F0) và con, cháu (F1,F2) của họ với các tiêu chí bảo đảm tính thiết thực, phổ thông đáp ứng các yêu cầu thống kê, cung cấp thông tin có ý nghĩa tư vấn trong xây dựng, thực hiện chính sách và công tác chăm sóc y tế cũng như đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC/dioxin nói chung và con, cháu, các thế hệ tiếp theo của họ nói riêng.

- Đã tổ chức thực hiện điều tra khảo sát thành công tại hai tỉnh Nam Định (đặc trưng cho các tỉnh phía Bắc) và Quảng Nam (đặc trưng cho các tỉnh phía Nam). Kết quả thông tin điều tra đã được các cơ quan quản lý Nhà nước và Hội nạn nhân CĐDC/diocin Nam Định và Quảng Nam đánh giá cao tiếp nhận và đưa vào sử dụng trong xây dựng kế hoạch hoạt động của Tỉnh liên quan đến NNCĐDC/dioxin của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025.

- Các đánh giá thông tin, tư liệu thu được về chế độ chính sách, nhà ở, điều kiện chăm sóc, độ tuổi, mất cân bằng giới tính, sự khác biệt đặc điểm vùng miền… là các kết quả đột phá ban đầu rất quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu điều tra, củng cố thêm để phân biệt giữa NKT thông thường với người khuyết tật có liên quan đến bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin trong chiến tranh.

- Phân tích ý nghĩa của việc chăm sóc sức khỏe và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chế độ, chính sách về việc chăm sóc sức khỏe cho NNCĐDC/dioxin, từ đó làm cơ sở pháp lý trong việc thực thi các chính sách ưu tiên, ưu đãi cho đối tượng này.

- Kết quả điều tra, nghiên cứu này đã và đang được nhân rộng trong công tác vận dụng điều tra tại các tỉnh, thành phố do tỉnh Hội NNCĐDC/dioxin thực hiện (năm 2020 đã thực hiện thêm tại tỉnh Hà Nam và Quảng Trị). Trong lúc việc tổ chức tổng điều tra về hậu quả đối với nạn nhân CĐDC/dioxin chưa có tính thiết thực và khả thi gây tốn kém ngân sách, thì việc điều tra với quy mô địa bàn hành chính cấp tỉnh, thành phố là rất khả thi, thiết thực và hiệu quả. Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét thẩm định hoàn thiện đưa vào ứng dụng.

- Trên cơ sở kết quả điều tra của các tỉnh, thành phố, hy vọng rằng sẽ có đóng góp phần nào cho các cơ quan quản lý nhà nước cấp Quốc gia là cơ sở tham khảo, quan tâm trong đề xuất, xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách, cũng như đấu tranh đòi công lý cho các NNCĐDC/dioxin Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Cội nguồn đoàn kết dân tộc

    Cội nguồn đoàn kết dân tộc

    Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 Âm lịch), người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị vua ...
    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Sáng 16/4, tại thành phố Vinh, 2 tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk (Liên bang Nga) phối hợp Thành ủy, UBND thành phố Vinh, trang trọng tổ chức Lễ tiếp nhận và khánh thành tượng V.I.Lê-nin, một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu ...