• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nỗi đau của những ông bố, bà mẹ có con bị di nhiễm chất độc da cam

Chiến tranh đã đi qua, không ít cựu chiến binh (CCB) không may bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, di truyền sang các con. Họ đau đớn, bất lực khi chứng kiến con mình phải sống trong tình trạng hình hài dị dạng hoặc giảm thiểu ý thức, năng lực, hành vi, bệnh tật giày vò. Trên địa bàn Cam Ranh, chúng tôi đã chứng kiến nhiều gia đình như vậy.  
CCB Đinh Công Mận (áo đen) bên người con trai đã 41 năm sống thực vật

CCB Đinh Công Mận, 73 tuổi, hiện ở tổ dân phố Nghĩa Cam, phường Cam Nghĩa, (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa); trước năm 1975 từng tham gia phục vụ chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tại chiến trường B5 - Quảng Trị, hết chiến tranh về quê mới phát hiện bị nhiễm chất độc da cam. Vợ chồng ông có 4 người con, thì 2 người bị di nhiễm nặng chất độc quái ác này. Người con trai sinh năm 1982 nằm tại giường không đi lại được, người con gái sinh năm 1988 gia đình không chăm sóc nổi, đã phải gửi nhờ Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa điều trị. Vậy là vợ chồng ông có 2 người con không có cơ hội làm chồng, làm vợ thì nói chi đến việc sinh son, đẻ cái!.

Tình duyên đến với cặp đôi chiến sĩ Hoàng Minh Thoáng và Nguyễn Thị Chí, nguyên là bộ đội của Trung đoàn 240, Cục Hậu cần, Quân khu V, đóng quân và chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên; hiện nay đang sinh sống ở thôn Trà Sơn, xã Cam Phước Đông (tp Cam Ranh). Ông, bà bị nhiễm chất độc da cam/dioxin năm nào không rõ; năm 1973 sinh người con trai đầu lòng bình thường, năm 1996 anh phát bệnh lạ, được xác định nguyên nhân do bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Họ sinh thêm 4 người con nữa, cũng giống như người anh cả (đã từ trần cách nay gần 2 năm), lúc sinh ra đều bình thường, nhưng khoảng sau 10, 15 tuổi trở đi mới phát bệnh. Cả gia đình 7 người đều bị ảnh hưởng chất độc này. Thương các con, vợ chồng ông phải lao động cật lực để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và chữa bệnh cho những “núm ruột” của mình. Các thứ có giá trị trong nhà lần lượt phải bán, để đưa các con đi chữa bệnh nhiều nơi nhưng tiền, của ngày càng cạn kiệt còn bệnh tật thì không suy giảm hơn. Những đứa con may mắn mắc bệnh nhẹ, thì còn cơ hội được xây dựng gia đình riêng, ngược lại bị nặng ông, bà phải lo nuôi dưỡng, chăm sóc. Đã khó lại khó thêm, CCB Thoáng bị di chứng tai biến mạch máu não đã nhiều năm nay. Được bố, mẹ và khách động viên, hãy tự kể về bệnh tật và mơ ước của mình, anh Hoàng Minh T. 48 tuổi, gắng gượng nói trong ngắt quãng mấy câu, rồi vội vàng đứng dậy bỏ đi: “Bị bệnh, mệt, đau trong đầu, đau chân, đau ngực với đau bụng; khó chịu, bứt rứt lắm, ngủ không được. Mong muốn có người giúp đỡ chúng tôi”. Bình thường là vậy, nhưng khi lên cơn bệnh thì ông Thoáng, bà Chí không dám rời các con nửa bước. Các vật dụng phục vụ sinh hoạt, lao động trong và ngoài nhà dễ gây sát thương đều được ông, bà cất giữ cẩn thận. Để dẫn chứng đã từng xảy ra, bà Chí thật tình vén ống quần phải lên bộc lộ ra vết sẹo lõm, dài gần 20cm ở đùi, trong một lần bị anh T. đánh mà bà không kịp chạy.

Khi tỉnh táo, anh Hoàng Minh T. thường làm được hai việc đó là quét rác sân
nhà và báo bố, mẹ biết khi có khách đến

Chất độc da cam/dioxin hiện nay vẫn còn ám ảnh, đè nặng trong tâm trí nhiều người Việt Nam nói chung, người trong cuộc nói riêng. Bởi tiền chi phí chữa bệnh, nuôi dưỡng quá lớn đối với những gia đình có mức sống thấp. Công chăm sóc bệnh nhân cũng không hề đơn giản, nhất là ở bệnh nhân bị vô thức, nặng ký, nằm liệt giường, đặc biệt những nạn nhân nữ khi trưởng thành cần thêm nhiều tri thức tế nhị khác. Theo khoa học, chất độc da cam/dioxin có thể di nhiễm đến thế hệ thứ 3, 4 (tức là cháu, chắt của người bị phơi nhiễm). Vì vậy nhiều người thường nói “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thụ thì may mắn hơn hai hoàn cảnh trên, vợ chồng ông có được 5 đứa cháu nội, ngoại hiện tại sức khỏe đều bình thường, trong đó có một cháu nội gái vừa tốt nghiệp Đại học. Ông nhập ngũ năm 1968 tại Trung đoàn 22, Quân khu Hữu Ngạn (Ninh Bình); bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, khi chiến đấu tại chiến trường Đại Lộc, Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Thụ, trú tổ dân phố Nghĩa An, phường Cam Nghĩa chia sẻ: “Tôi đi chiến đấu bị nhiễm chất độc da cam. Tôi sinh được 4 cháu, thì 2 cháu bị nặng; cháu thứ ba hiện đang ở với tôi mà không học hành, không làm cái gì được. Nếu mà so với hoàn cảnh của những người đồng đội, thì bản thân tôi cũng còn may mắn là con cái vẫn tự phục vụ được, vẫn tự lao động được. Tôi năm nay 75 tuổi bị tai biến lần thứ nhất, vợ chồng tôi vẫn phải đi lao động để thu nhập nuôi các cháu. Nếu mà chúng tôi già yếu thì không biết là cháu sinh sống thế nào? anh em thì mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, đều phải kiếm sống để nuôi gia đình. Cho nên vợ chồng tôi rất lo lắng về cuộc sống sau này của những đứa con bị tật, bị nhiễm chất độc da cam mà chiến tranh đã để lại”.

CCB Nguyễn Văn Thụ đang giúp vệ sinh cá nhân cho người con 41 tuổi

Tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, được thành lập từ năm 2007. Hiện nay có 9/15 xã, phường có Chi hội trực thuộc; các địa phương còn lại không có hội viên để hình thành tổ chức. Số người bị ảnh hưởng chất độc chất độc da cam/dioxin trên địa bàn đang hưởng chế độ trợ cấp là 112 người, trong đó nạn nhân trực tiếp 93 người, số còn lại là con của họ. Tùy theo mức độ bệnh, người được nhận hỗ trợ cao nhất là 3,7 triệu đồng/người/tháng và người nhận thấp nhất 1.234.000 đồng/người/tháng.

Cho biết về tình hình vận động cộng đồng, xã hội chia sẻ, giúp đỡ người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn thành phố Cam Ranh trong thời gian qua, bà Bùi Thị Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Cam Ranh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố nói: “Trong hơn 10 năm, từ năm 2013 đến năm 2023, ngoài chế độ hỗ trợ hàng tháng theo quy định của Nhà nước; bằng nguồn lực và thông qua tổ chức Hội, đã có 2.395 lượt nạn nhân chất độc da cam được nhận hỗ trợ như: tiền mặt, gạo, xe lăn, học bổngcác hàng hóa khác tổng giá trị quy thành tiền gần 900 triệu đồng. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Hội so với nhu cầu của nạn nhân thì chưa đáng kể, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân hoặc dù chỉ một nạn nhân nhưng bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Với tinh thần tương thân tương ái Lá lành đùm lá rách - Lá rách ít đùm lá rách nhiều’, chúng tôi kêu gọi và mong muốn sự ‘Chung tay xoa dịu ni đau da cam’ của cộng đồng xã hội, đó là nguồn động viên, giúp đỡ họ vượt lên số phận khắc nghiệt”.

Nếu ai đó một lần chứng kiến và tìm hiểu hoàn cảnh về con của CCB bị phơi nhiễm, di truyền do chất độc DCDOX thì chắc sẽ thông cảm thêm nữa những thiệt thòi, bất hạnh mà họ - những người không cầm súng đã và đang âm thầm chịu đựng.

Hồng Dương

 

    

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự của Hội

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự ...

    Thực hiện chương trình công tác đầu năm, nhân dịp đón Xuân mới Ất Tỵ 2025, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và đoàn cán bộ của TW Hội đã đến thăm, chúc sức khỏe bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch ...