Sáng nay 23/11, Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Việc quy định đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội với người đủ 75 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ nhận được sự quan tâm trong phiên thảo luận tổ trước đó.
Việc giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là cần thiết
Có ý kiến đề nghị giải trình tên gọi là trợ cấp hưu trí xã hội mà không phải là trợ cấp xã hội; đề nghị cân nhắc không quy định trợ cấp hưu trí xã hội ở dự án luật này mà có thể sửa quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi, đánh giá tác động đối với ngân sách nhà nước.
Trong báo cáo dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ đối với dự án luật, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thuật ngữ “trợ cấp hưu trí xã hội” được thể hiện tại Nghị quyết số 28-NQ/TW là một tầng trong hệ thống BHXH đa tầng, phân biệt với trợ cấp hằng tháng khác theo chính sách trợ giúp xã hội.
Việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) thay vì để ở Luật Người cao tuổi nhằm: Thể hiện rõ hơn về hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; tăng cường sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản trong hệ thống BHXH đa tầng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngân sách nhà nước chỉ có thể cân đối để giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi. Vẫn còn hàng triệu người trên 60 tuổi và dưới 75 tuổi chưa được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hưu trí xã hội.
Với chính sách liên kết tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), trong đó quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng do quỹ BHXH chi trả cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do NSNN đảm bảo.
Quy định này cũng là giải pháp quan trọng hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, khuyến khích nhằm gia tăng số người được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng, việc mở rộng số người cao tuổi được hưởng trợ cấp thông qua việc điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp từ 75 tuổi thay vì 80 tuổi hiện đang quy định trong Luật Người cao tuổi; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống BHXH đa tầng
“Việc giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là cần thiết. Khi thiết kế trong dự án Luật BHXH (sửa đổi) sẽ đảm bảo được nghiên cứu, xem xét một cách toàn diện trong mối quan hệ tương quan giữa trợ cấp hưu trí xã hội và việc khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế những tác động bất lợi có thể phát sinh mỗi khi thay đổi các chế độ này”, theo ông Đào Ngọc Dung.
Hàng trăm nghìn người dự kiến được hưởng từ năm 2025
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê: Ước tính số người từ đủ 75 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng ước tính đến năm 2025 là khoảng 800 nghìn người và đến năm 2030 là khoảng trên 900 nghìn người.
Kinh phí của năm 2025 (6 tháng) khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng, của cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 20,5 nghìn tỷ đồng. Nếu bao gồm cả kinh phí đóng bảo hiểm y tế thì kinh phí của năm 2025 (6 tháng) khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng, của cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 21,5 nghìn tỷ đồng.
Với số liệu ước tính về số người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tăng thêm như trên và với giả định mức trợ cấp hằng tháng đã được điều chỉnh tăng lên 500.000 đồng/tháng thì kinh phí từ NSNN phát sinh thêm kinh phí của năm 2025 (6 tháng) khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng, của cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
Bình luận