Đứng trên bến đò Long Đại, nhìn chếch về hướng mặt trời lặn, ở đấy, có một con đê dốc dác nhô ra, bao quanh cái làng nhỏ. Đã từ lâu lắm rồi người ta gọi đây là làng Nguyệt Áng. Các cụ trong làng vẫn truyền tai nhau kể lại rằng: Bấy giờ ngày mới cắm đất, nơi đây là chốn đồng chiêm nước trũng, quanh năm ngập lụt. Vì thế ông tổ lập địa mới đặt cái tên làng Nguyệt Áng. Biết bao đời xôm tụ làm ăn, dân làng tạo nên những con đê che chắn. Và hôm nay làng Nguyệt Áng trở thành một làng quê bốn mùa hoa trái xanh tươi ngút ngàn.
Mấy ai ngờ rằng ở cái làng quê bình yên ấy, nằm bên bờ sông Gianh thơ mộng và hiền hòa này, lại đang có một gia đình phải "gồng mình" vì nỗi đau nhuốm màu da cam như vậy, cơ cực đến không ngờ. Nó đã cùng lúc xô đẩy ba cuộc đời, ba số phận, một người mẹ, một người con và một người bố vào trong cảnh huống hoang dại. Có lẽ dưới gầm trời này chẳng có gia đình nào như thế. Đó là gia đình cựu chiến binh Từ Công Tuấn, Lê Thị Tỏa làng Nguyệt Áng, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Vậy mà trong cơ bĩ cực ấy, trong họ lại "trỗi dạy" một nghị lực phi thường và tình thương yêu của người mẹ phi thường.
Hôm ấy, trong cái nắng như đổ lửa, chúng tôi cùng đoàn từ thiện, quỹ bảo trợ tỉnh Quảng Bình về thăm lại gia đình anh Từ Công Tuấn. Để tới được nhà anh phải vượt qua mấy cánh đồng lúa, men theo bờ mương dốc thoai thoải, vòng vèo gần chục cây số. Ô tô của chúng tôi không vào được, cán bộ xã phải phân công nhau dùng xe để đèo từng người. Tôi ngồi trên chiếc xe máy cũ kĩ của một đồng chí Trưởng ban Thương binh xã. Xa xa, cánh đồng lúa chín vàng rộm, nắng bừng lên sắc nắng. Những bông lúa rung rinh, uốn cong như hàng ngàn hàng vạn lưỡi câu đan vào nhau, thì thầm như vẫy gọi. Con đường trầy trật đá củ đậu cứ hoang hoải giữa đôi bờ lúa chín. Những cơn gió lướt trên mặt ruộng rộng mênh mông tạo thành những đợt sóng lúa chập chờn, mùi nắng, mùi hương lúa thoang thoảng phả lên thơm như mùi cốm mới. Đi được đôi đoạn đường, bao nhiêu sự hình dung về cuộc sống khốn khó nơi đây dội về, chợt đồng chí cán bộ xã chỉ tay: làng Nguyệt Áng đấy. Cái làng có những rặng cau vua kia kìa. Tới đầu làng chiếc xe bắt đầu đi chầm chậm rồi đột ngột rẽ vào một cái ngõ cụt. Ở cuối con ngõ có một căn nhà bé tí tẹo, anh cán bộ xã bảo, nhà chị Tỏa ở đó.
Thực ra từ trước đó mấy ngày dù đã được nghe các anh chị ở văn phòng ủy ban xã xác tín về hoàn cảnh sống của mẹ con chị Tỏa và tình thương yêu vô bờ của chị đối với đứa con tội tình. Nhưng khi bước vào khoảng sân, ngôi nhà nhỏ này, tôi vẫn có cảm giác sững sờ. Sững sờ phần vì cảnh tượng đầu tiên là cái đói cái nghèo bủa vây, bám riết lấy thân phận họ như một cái bóng, phần nữa là bởi vì cảnh tượng đập vào mắt là một cô gái gần 30 tuổi gương mặt hốc hác, mái tóc phờ phạc, ở trần truồng, bám đua trong chiếc cũi, oằn lưng, xô đẩy, tay giật, chân đẩy, miệng la hét inh ỏi, giống như cảnh sống hoang dã thường thấy ở các vườn thú trong công viên. Tiếng la hét của cô cái trong cái cũi vọng ra cứ vang mãi lên thinh không, đằng đặc như người ốm nặng.
Ngồi phía chái nhà, một người đàn bà gầy hom hem, đôi mắt khô kiệt, hai bàn tay xua xua ra hiệu cho cô gái đứng im. Người đàn bà đó là chị Lê Thị Tỏa, mẹ cháu Dinh, đứa trẻ bất hạnh mà vợ chồng anh chị đã phải nuôi trong chiếc cũi từ suốt 30 năm nay. Thấy những vị khách lạ đến nhà, lại được mẹ dỗ dành bằng cử chỉ thân quen, bé Dinh mới ngừng la hét, em đứng im, gương mặt xám xịt, đờ dẫn nhìn ra ngoài. Một lát sau lại cười vô thức, để lộ đôi hàm răng vàng bệch. Anh bạn đi cùng đoàn với chúng tôi thấy cảnh tượng lạ lùng, bèn giơ chiếc máy ảnh lên bấm vài kiểu. Ánh đèn flash lóe lên khiến Dinh hoảng sợ, im bặt.
Trong ngôi nhà mốc thếch, phủ đầy mạng nhện, tối tăm, nóng hầm hập, chúng tôi cùng nhau đứng chen chân trên chiếc chõng tre mục nát. Ngồi đối diện với chúng tôi là vợ chồng anh Tuấn. Hai con người cùng một vẻ khắc khổ, cùng một nỗi u buồn. Hơn ba mươi năm qua họ sống nương tựa vào nhau, để vượt qua nghịch cảnh, cùng hết mình vì đứa con bệnh tật. Hơn ba mươi năm sống trong cảnh huống với những tiếng rên rỉ, gào thét, quậy phá của đứa con tật nguyền, cùng là chừng ấy năm vắt kiệt sức của hai vợ chồng anh.
Chúng tôi mở cuốn sổ nhỏ rồi lần lượt ngồi ghi chép, nghe anh Tuấn kể về những tháng ngày vợ chồng anh phải gồng mình để cứu và duy trì sự sống hy hữu cho đứa con gái của anh chị. Kể lại những ngày người dân làng Nguyệt Áng cưu mang và đùm bọc gia đình anh trong lúc hoạn nạn, khó khăn.
Từ phía chái bếp, tiếng la hét và tiếng song cũi lại vang lên bần bật. Anh Tuấn vội vã, tất tưởi chạy xuống. Chị Tỏa bảo rằng: đấy là dấu hiệu cháu Dinh gọi mẹ. Hình như là cháu đang khát nước hay thèm ăn một thứ gì đó. Cháu không biết nói, nên phải ra "dấu" cho mẹ bằng tiếng la hét, tiếng đập cũi hay vỗ tay đồm độp. Đến nay đã gần 30 tuổi rồi, nhưng cháu chẳng bao giờ gọi được tiếng bố mẹ trọn vẹn.
Tôi gượng hỏi: sao anh chị lại nuôi cháu trong cũi như vậy? Gương mặt chị Tỏa thoáng đượm vẻ buồn, hai hàng nước mắt từ từ lăn xuống trên đôi gò má trũng sâu. Đáp lại câu hỏi của tôi, chị nói rằng đó là điều bắt đắc dĩ phải nuôi con trong cũi. Và chị nói rằng, nếu không nuôi trong chiếc cũi kia, có lẽ cháu Dinh đã chết từ lâu rồi, chứ chẳng còn may mắn sống đến hôm nay.
Chị Tỏa kể: khi Từ Thị Dinh còn bé, cháu rất khỏe mạnh, vợ chồng chị mừng lắm. Tuy nhiên, cháu càng lớn càng có những dấu hiệu khác thường, năm lên 5 tuổi, Dinh chỉ to bằng cái bắp chân. Tám tuổi nhỉnh hơn một chút. Thịt nhũn nhẽo, da nhăn nhó, đi đứng không vững, bò không được. Đêm ngày chỉ nằm co quắp, lì lợm, ít nói, thi thoảng ré lên một tiếng hoặc co dúm toàn thân gào thét, có lúc cào cấu, có lúc cắn xé cả bố mẹ, cứ vồ lấy thứ gì cũng đều cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Bế đứa con trên tay mà đôi vợ chồng trẻ bấm gan tím ruột. Vợ chồng chị hoảng quá bế cháu đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhưng ở đâu bác sĩ cũng lắc đầu. Khi bệnh viên phát hiện trong máu của Hà có nồng độ điôxin cao gần mấy chục người bình thường, anh Tuấn mới giật mình sửng sốt nhớ lại những năm tháng ở chiến trường.
Từ Công Tuấn, nguyên TNXP chiến đấu ở chiến trường Tà Khống, Mường Phin bên đất bạn Lào. Năm 1968, ông được điều động bổ sung về Tỉnh đội Quảng Trị, làm lính trinh sát ở Cồn Tiên - Dốc Miếu. Tại đây, một trận chiến ác liệt, ông bị thương nặng phải chuyển về tuyến sau. Nhưng ông không ngờ trên thân thể mình còn mang nặng di chứng nghiệt ngã của chất độc da cam. Ông bảo rằng có lẽ ông đã bị nhiễm loại chất độc này từ những tháng sống và chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Những cánh rừng đã từng bị máy bay Mỹ oanh tạc rồi rải thảm chất độc trong những năm tháng chiến tranh. Nhiều vạt cây rừng khô nhựa, chết cóng, nham nhở, trơ trụi, đất vẩn lên màu u ám. Những ngày đơn vị sống ở đây, họ ăn uống nước suối, ngủ dưới tán rừng, một lần đi lấy nước ở Mường Pin, Tỏa bị lạc vào khu rừng chất độc chưa tan hết, độc khí nặng lề làm anh bất tỉnh nhân sự trong hai ngày dưới góc rừng hoang vắng. Những người cùng đơn vị đi tìm, thấy anh nằm bất tỉnh dưới gốc cây, họ vội vã đưa về cấp cứu. Nhờ có sức trẻ, tỉnh lại, ra viện, Tỏa trở lại cuộc sống bình thường.
Tuổi thanh xuân anh gửi lại chiến trường. Năm 1976, sau mười năm phục vụ quân đội. Từ Công Tuấn phục viên trở về quê hương. Những ngày đầu về quê, tuy khỏe mạnh nhưng thỉnh thoảng Tỏa bị những trận sốt rét kịch liệt. Anh cảm thấy trong người như có hàng vạn con ấu trùng cắn xé, gặm nhấm thớ thịt. Có lúc lại thấy người nóng hầm hập, từ gan ruột cứ nôn nao như người trúng gió. Có lúc Tỏa nhầm tưởng là bệnh sốt rét rừng tái phát. Chính anh cũng chẳng ngờ rằng cái chất độc do Mỹ rải thảm xuống những cánh đồng thời chiến tranh đã thấm vào trong từng mạch máu, trong tận xương tủy của anh. Dã man hơn thế, nó đã truyền sang người vợ anh, tạo ra những cái thai bất thường trong bụng vợ. Rồi từ chính cái bào thai ấy, đứa con anh chào đời. Đứa con đội lốt "mặt người" nhưng tâm tính lại giống với loài "hoang thú".
Những tưởng mình anh mới phải gánh thảm cánh ấy, nào ngờ khi gặp lại đồng đội năm xưa, mấy chục anh em, thì có đến bốn năm người cùng chịu hậu quả chất độc da cam thảm hại như Tỏa. Cái bóng ma luẩn quẩn từ chất độc da cam, nó ám ảnh trong dòng máu, theo đuổi các anh về tận làng, như những bóng ma reo rắc sự sợ hãi. Để rồi có người mất trí, sống cuộc sống mộng du tưởng chẳng bao giờ lành lặn trên cơ thể. Có người sợ ánh nắng mặt trời, suốt ngày chỉ cười trong bóng tối. Lại có người huyết độc tụ thành từng khối u, cứ âm ỉ, lổn nhổn đầy tấm thân. Thương tâm hơn là những đứa con vô tội cứ chào đời từ huyết thống của các anh. Những đứa trẻ nửa người nửa thú...
Sang tuổi thứ chín, Dinh biết bò, bắt đầu xuất hiện những điều lập dị, bắt đầu dở chứng quậy phá. Đầu óc và hệ thần kinh vô tri, vô thức, tâm tính không ổn định mà cứ đờ dẫn biến thành người "hoang dại". Dinh không bao giờ chịu nằm yên một chỗ, cũng chẳng lì lợm, co ro như trước nữa mà chạy lung tung khắp nơi. Hết bò ra sân, ra ngõ, bò xuống ao ngâm nước. Một hôm chị Tỏa nhảy xuống ao vớt con, Dinh không chịu lên, cứ lặn ngụp như thế mãi. Phải vùng vẫy mệt lử mới ôm được con lên bờ, lại bị Dinh cắn xé tím bầm da thịt. Có đêm, 12h, Dinh quậy phá, hai vợ chồng thay phiên nhau canh tới khuya, mất ngủ triền miên. Dinh biến khỏi giường, bò ra ngoài sân nằm dưới trời mưa. Hình như chất độc da cam bốc hỏa rất mạnh, phát nóng khắp toàn thân không chịu nổi, Dinh cứ thích ngâm mình dưới nước. Một buổi sáng nọ, tỉnh dậy không thấy con đâu, cả nhà tá hỏa đi tìm thì nhớn nhác thấy Dinh cười khanh khách trong bể nước. Thì ra nửa đêm Dinh bò khỏi giường trèo ra bể nước ngâm người.
Tâm tính "lập dị" của con khiến cả nhà chị Tỏa mệt bơ phờ, bại hoại. Chưa dừng lại ở đó, tâm tưởng hoang dại của Dinh còn làm cho gia đình chị và những người hàng xóm chứng kiến cũng phải thất kinh bát đảo. Sống khỏi giường, bò tới đâu, gặp con gì, vật gì là Dinh lại bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Chị Tỏa nói trong nước mắt:
Cháu nó ăn bất cứ thứ gì nó vồ được. Nào là cào cào, châu chấu; nào là giun, dế nó ăn tất tần tật. Nghe chị nói như thế, rợn cả người.
Chưa hết, cháu nó ăn cả rễ cây, cỏ dại, cả những con sâu khoai xanh, sâu róm lông sù sì, nhặt được nó xé ra đưa vào miệng nhấm nháp. Có hôm, bò ra vườn vớ được con ếch, con nhái nào, thấy tôi, cháu nhét vội vào miệng nhai ngấu nghiến, trông đến là kinh hãi.
Chị Tỏa suốt ngày đêm lo lắng, chăm sóc bé Dinh. Ngay cả đến việc đồng áng, việc nhà, cơm nước, giặt giũ, tất tật đều do mình chị gánh vác. Con thì bệnh trọng, chồng thì ốm yếu quặt quẹo. Cái chất độc hủy diệt giống nòi trong dòng máu không chỉ hành hạ bé Dinh mà còn giết dần giết mòn thân thể người bố. Anh Tuấn đầu đau như búa bổ, chóng mặt, quay cuồng, thường sốt cao li bì mấy ngày liền. Có đợt người xanh xao, vàng vọt, mắt mờ như cùi nhãn khô, sắc mặt tái men mét. Hết lòng vì chồng, vì con, chị Tỏa làm quần quật không giây phút nào ngơi nghỉ cả. Mệt mỏi kéo dài, khiến chị Tỏa đâm ra đổ bệnh, phải nằm liệt giường.
Anh Tuấn thuật lại: Một hôm mưa giông gió bắc, chừng 12 giờ đêm, cháu Dinh chẳng hiểu thế nào nó bò ra phía sau chái nhà. Nhà tôi ốm nặng, đi đứng không vững đành bò theo giữ cháu lại. Tôi chợt tỉnh lại không thấy vợ con đâu, liền cầm đèn pin đi tìm. Tìm mãi, tìm mãi mới thấy hai người đan bì bõm, giằng kéo dưới máng nước, hôm ấy chỉ chậm một xíu nữa là mất cả mẹ lẫn con. Đoạn anh nói tiếp: sau đận đó vợ chồng tôi đành buộc chân cháu xích dưới gầm giường. Nhưng nó chẳng chịu nghe lời, vùng vẫy la hét rồi cắn dây bò đi. Nếu để cháu lăn xuống sông, xuống ao thì không đành. Thế là cuối cùng chẳng còn cách nào khác, vợ chồng tôi liền bàn với nhau, đóng một chiếc cũi bằng tre chắc chắn cho cháu vào rồi nuôi cháu trong cũi. Có như vậy mới giữ cháu và cháu mới còn được sống toàn vẹn đến ngày hôm nay đấy.
Trong cái bếp nhỏ tuềnh toàng, phủ đầy mạng nhện, chị Tỏa ngồi thu xếp những đồ đạc gọn gàng, một nửa dành để nấu ăn, một nửa đặt chiếc cũi nuôi cháu Dinh. Sinh năm 1981, nhưng hình thể nhăn nhúm, Dinh bé như một đứa trẻ, đầu to như quả bí ngô. Vì thế đã ở tuổi trưởng thành rồi mà mọi người cứ gọi là bé Dinh. Nếu không có chiến tranh, không có thứ chất độc oái ăm, hủy diệt kia trong dòng máu của người bố thì Dinh dứt khoát đã là một cô gái xinh xẻo, lành lặn của làng Nguyệt Áng. Em sẽ có cuộc đời hạnh phúc, có cuộc sống tốt lành và được học hành tử tế.
Mấy chục năm, Từ Thị Dinh sống trong cũi chỉ chưa đầy 1 mét vuông. Cái thế giới của em nó thu nhỏ đến nỗi chẳng bao giờ em biết được ngoài kia cuộc sống thế nào. Em chỉ biết hé cặp mắt trông ra qua chấn song gỗ nhỏ, lấy đó làm nhà, làm giường, mà ngủ cho qua ngày đoạn tháng. Bao nhiêu sự kỳ quặc của Dinh, bao nhiêu buồn, thương, khổ cực của người mẹ đều dành dồn trong và ngoài chiếc cũi bé nhỏ tội tình mà Dinh đâu có biết. Bởi cái chất độc da cam chiến tranh kia đã cùng lúc xô đẩy em vào một thế giới mộng du, thế giới tật nguyền, vô thức mãi mãi. Em là con người nhưng chẳng bao giờ được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc của một con người thực sự.
Bây giờ nếu có ai đến đó, mắt thấy, tai nghe nhìn cảnh tượng Dinh đánh đu trong chiếc cũi, không thể hình dung nổi đấy lại là một sự thật nghiệt ngã. Một sự thật hiển nhiên, nghiệt ngã đang tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật, ở một cộng đồng làng quê trong những năm tháng hòa bình. Chiếc cũi hình chữ nhật, xung quanh làm bằng chắn song tròn bằng gỗ tre đơn giản. Bên dưới, ghép dày hơn kiểu ghép giường. Nhìn bé Hà nằm ủ rột trên tấm dát tre, tôi không khỏi ái ngại hỏi chị Tỏa: sao anh chị không trải cho cháu một lớp chăn hoặc một lớp đệm, hay đại loại là chiếu mỏng manh cũng được, để cháu nằm cho đỡ đau người, chứ để như vậy thật tội nghiệp. Chị Tỏa lắc đầu ngao ngán: Chú nói đúng lắm, vợ chồng tôi thương cháu lắm chứ, trước kia cũng thường xuyên trải cho cháu. Nhưng nó cứ cắn xé ra từng mảnh ăn dần. Cháu nó đã cắn lát mấy cái chiếu rồi đấy. Mùa rét năm ấy, cháu ăn hết cái chăn bông. Kể cả chăn do đơn vị cấp phát cho bố cháu hồi phục viên. Kể cả quần áo mặc vào cháu cũng xé ra ăn. Từ đó gia đình không trải chăn, trải chiếu vào cũi nữa.
Mỗi lúc nhìn con, chị Tỏa ngồi lặng lẽ, vẻ mặt thoáng âu tư, buồn rầu.
Anh Tuấn bảo: cháu nhà tôi cơ cực lắm. Tôi càng ngày càng yếu dần nên không cáng đáng được. Nhà cấy mấy sào ruộng, có vụ không đủ ăn, nhà tôi phải tranh thủ trưa tối đi mò cua, bắt ốc bán lấy tiền đong gạo, chạy chữa thuốc men và bồi dưỡng cho cháu Dinh. Về đến nhà là lao vào dọn dẹp, cứt đái, giặt giũ chăn chiếu, cơm nước cho bố con tôi. Làm sấp mặt mà chẳng ca thán gì, cứ như là bổn phận và trách nhiệm của mình vậy.
Anh Tuấn xúc động, ngắt đoạn nói: một hôm thấy nhà tôi bơ phờ, mệt lả nằm vật ra giường, tôi nói vui, đồng thời động viên vợ, tôi bảo rằng: Mình ạ, kiếp này có lẽ bố con tôi không trả được ơn Tỏa đâu. Kiếp sau, nếu không có chiến tranh tôi không phải đi chiến đấu, đánh giặc, tôi sẽ đẻ cho mẹ Tỏa những đứa con thật xinh xẻo, lành lặn, khỏe mạnh, để chúng phụng dưỡng suốt đời. Nghe nói vậy, nhà tôi đưa đôi tay gầy guộc lên vuốt nước mắt, ngồi khóc sụt sịt ở một góc phòng tăm tối. Em chẳng bao giờ cần có kiếp sau, chỉ cần bây giờ con của chúng ta được làm người "tử tế", để nó khỏi phải đau khổ như thế này mãi.
Nỗi bất hạnh và đau đớn, khi cháu Dinh không được làm một người bình thường, cái chất độc ấy đã biến em thành một sinh vật không có ý thức. Ngày ngày chứng kiến cảnh sống hoang dại của bé Dinh, chị Tỏa kể: nhiều đêm Dinh đập phá cũi đòi ra ngoài. Có lần bò xuống phía chái chuồng lợn bốc cám ăn tem tẻm. Hôm tết Nguyên Đán, cháu phá cũi, bò lên nhà trên mở nồi, lấy 2 cái bánh chưng, ăn hết cả lá lẫn ruột chẳng để lại thứ gì. Một hôm chừng quá nửa đêm khuya khoắt, nghe có tiếng động lớn, tôi mở cửa ra xem, vừa bật đèn lên, tôi hoàng hồn khi thấy cháu đang ngồi xổm trong cũi, tay cầm nửa con chuột nham nhở, miệng nhai chồm choàm. Tôi xấn đến, định bụng giằng ra, nhưng Dinh vội đưa nửa con còn lại nhét vào miệng, phồng cả hai má lên, nhai ngấu nghiến, với một vẻ khá ngon lành. Thì ra con chuột hôm ấy nó chui vào trong cũi, cháu nó vồ được. Chị nói tiếp: sự thực là ngay cả đến những con gián, những con nhện, những con thạch sùng, hay những con muỗi mà có ý định lởn vởn quanh chiếc cũi là cháu nó đuổi theo, chộp lấy, ăn liền.
Tôi đắn đo rồi ý thức hỏi chị Tỏa: có khi nào anh chị để cháu đói bụng lên mới ăn linh tinh như thế không? Không. Gia đình chúng tôi tuy nói là túng thiếu thật, nhưng vợ chồng tôi vẫn cố lo thuốc men và cho cháu ăn đủ ba bữa. Những lúc túng quá, bà con trong làng, trong xóm vài ba cân gạo, người đôi ba đồng gom góp để vợ chồng chúng tôi nuôi cháu. Gần ba chục năm nay sống trong chiếc cũi kia, nhà tôi chưa để cháu phải đứt bữa bao giờ. Cháu ăn linh tinh vì đầu óc không bình thường, nó gần như mất hết trí khôn rồi. Vì bố cháu nhiễm chất độc da cam quái dị nên mới như vậy.
Tiếp lời chị Tỏa, anh cán bộ phòng xã hội, phó ban thương binh xã cho chúng tôi hay. Mấy ngày vừa qua có đoàn chữ thập đỏ quốc tế gồm 4 người Mỹ về thăm gia đình anh Tuấn, chị Tỏa. Nhìn cảnh tượng cháu Dinh sống run rẩy trong chiếc cũi tre khốn khổ, hai con mắt đục nhờ, dài dài, tay xé con gián nâu, đưa lên miệng ăn một cách ngon lành, các ông người Mỹ thất kinh bát đảo. Sau một hồi tò mò, ngó nghiêng, quan sát rồi chụp ảnh bé Dinh ngồi ăn côn trùng một cách vô tư trong chiếc cũi, ông người Mỹ dáng người dong dỏng cao, đôi mắt sâu hoắm rút trong túi ra một ít tiền đưa cho anh Tuấn. Anh xua tay và bảo:
Người Mỹ đã gây ra cho hàng triệu đứa trẻ trên đất nước này sự đau đớn, tủi nhục, bệnh tật suốt đời, trong đó có con tôi đây. Suốt mấy chục năm qua, các ông có đoái hoài gì đến chúng đâu. Mấy trăm nghìn này, tuy lớn thật nhưng chẳng bao giờ cứu được những sinh binh tội nghiệp này. Không! Các ông hãy về nói với Chính phủ Mỹ rằng: nhân chứng chính là tôi đây, con tôi đây, hàng triệu triệu đứa trẻ đang chết dần chết mòn trong cái gọi là da cam, chúng rên la, chúng gào thét, chúng quằn quại trong đau đớn. Người Mỹ, chính người Mỹ phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình. Phải có trách nhiệm với con tôi.
Nhìn Từ Công Tuấn, người chiến sĩ năm xưa từng cầm súng bắn người Mỹ xâm lược cách đây ba mươi năm về trước. Nghe người phiên dịch dịch lại lời nói đanh thép đó bằng những lời đau đớn, uất hận, mấy ông người Mỹ lạnh sống lưng, sợ hãi, tưởng anh gây khó dễ. Nhưng không, ông người Mỹ dáng người tầm thước rụt tay lại, bỏ tiền vào túi rồi cả ba người lặng lẽ rời khỏi ngôi nhà của anh Tuấn. Lúc ấy, bất chợt cháu Dinh lên cơn co giật, quằn quại gào thét. Tiếng thét vang vọng về phía ba ông người Mỹ vừa khuất sau những con ngõ cụt.
Những ngày mới phục viên trở về làng, Từ Công Tuấn là một người khỏe mạnh, vâm váp. Anh không là thương binh, cũng chẳng phải là bệnh binh. Thế mà cái bệnh sinh ra từ chất độc da cam của người Mỹ đến nay chưa mấy ai được hưởng chế độ. Nuôi con, chữa bệnh cho người đồng đội tội nghiệp, duy trì sự sống cho cháu bé Dinh đều trông vào có mấy sào ruộng lúa và sự gắng gượng hết mình của vợ anh, cùng với sự cưu mang của bà con chòm xóm làng Nguyệt Áng. Thương chồng, thương con, chị Tỏa có thể làm bất cứ thứ gì thậm chí đổi cả mạng sống sinh tồn của mình để chồng và con được khỏi bệnh, chị cũng sẵn sàng hiến dâng. Anh Tuấn bảo, một sớm tờ mờ sáng, chị Tỏa trở dậy thức giấc đun cám lợn và nấu cơm như thường lệ. Qua ánh lửa bập bùng, chị nhác thấy bé Dinh đang ngồi nhón từng con muỗi no kềnh, đỏ mọng, bậu xung quanh cái cũi bóng nhẫy rồi đưa vào miệng ăn. Từ đận ấy, sáng nào chị cũng đau lòng chứng kiến cảnh tượng con mình bị "hút máu" từ những con muỗi quái ác. Thương con, nhưng chẳng biết phải làm thế nào. Cố gắng mắc màn trùm phủ lên chiếc cũi, cốt để chống muỗi, thì chao ôi cái màn nào cũng bị cháu xé ra từng mảnh ăn dần. Phun thuốc diệt muỗi nhiều lần cũng chỉ đỡ được chốc lát, hết thuốc, muỗi lại bu vào kín đặc. Vì nhà chị ở sát cánh đồng, ở đó có những máng nước tù đọng, muỗi vo ve quanh năm. Nhìn bé Dinh xanh xao, vàng vọt, mỗi khi lên cơn nhe răng kêu như tiếng lợn rống để lộ vòm lợi bợt bạt, biểu hiện người thiếu máu trầm trọng.
Thương con, lo lắng nếu cứ kéo dài tình trạng này mãi e con sẽ chết vì muỗi mất. Suy nghĩ mãi, chị chợt nảy ra một cách: cứ tối tối, chị ôm chiếc chiếu trải nằm cạnh chiếc cũi, để muỗi không có điều kiện tập trung vào bé Dinh mà san ra đốt cả hai người. Chị nghĩ, chị khỏe mạnh, hồng cầu nhiều, có thể muỗi sẽ tập trung đốt người nhiều hồng cầu, bé Dinh sẽ đỡ bị muỗi tấn công.
Những đêm động trời, muỗi nhiều đến nỗi, có khi quơ tay cũng vơ cả chục con. Sợ đốt chị không đủ, chúng ùa vào cùng đốt bé Dinh, chị Tỏa có khi phải cởi trần nằm ngủ cạnh chiếc cũi cho muỗi tập trung vào chị. Sáng dậy, lưng và mặt chị chít chít những chấm đỏ li ti. Hơn 1000 ngày đêm nằm đỡ muỗi cho con, rồi chị lâm bệnh, sức ngày một suy kiệt. Cái vòng xoay gánh nặng cuộc đời vẫn không hề buông tha, vẫn trĩu nặng trên đôi vay người mẹ. Hầu hết mọi công việc lo toan cho con, cho chồng chị vẫn một mình gắng gượng ngày đêm. Chị là trụ cột của gia đình.
Sau một hồi hỏi chuyện anh Tuấn, chị Tỏa, chúng tôi lần theo phía chái nhà xuống dưới thăm bé Dinh.
Một căn nhà nhỏ tường thấp le te, lợp rạ, cửa quay vào cái sân loang lổ vết bong, nứt và lỗ giun đùn. Chái nhà là ruộng lúa đang chín và một con mương nước thải của bà con chòm xóm chảy qua.
Chiếc cũi của bé Dinh đặt phía sau tấm cửa gỗ, ghép bằng nứa. Bên giáp bức tường có lỗ thông thoáng hướng ra vườn chuối. Nhìn qua song cũi, chúng tôi không thể tưởng tượng một cô gái gần 30 tuổi, hình hài gầy đét, trông như một bà già, xanh nhợt, chân tay bé tý. Mắt thấy, tai nghe, ai cũng phải chạnh lòng thương cho thân phận bé Dinh.
Từ trong phía chiếc cũi, hai con mắt đục ngàu thẫn thờ nhìn ra ngoài như cầu cứu, muốn thoát khỏi cuộc đời bất hạnh. Chiếc lưỡi của bé Dinh xanh lợt lạt, tím bầm như vừa ăn sim trên một đồi sim nào đó. Hai tay bám vào thành cũi đu đưa, chừng một lát, từ từ thả người ngồi bệt xuống cũi, trông thật tội nghiệp. Một tay bé Dinh đưa lên đầu gãi gãi, rồi giữ chặt búi tóc, giật giật. Túm tóc bứt ra khỏi da đầu, Dinh giơ ra trước mặt, chăm chú xem và đưa lên miệng nhấm nháp. Tôi lùi lại, rùng mình, quay hỏi chị Tỏa: hình như cháu đang nhổ tóc ăn phải không chị? Chị Tỏa gật đầu và nói: vâng! Không hiểu sao mấy tháng nay cháu lại bắt đầu dở chứng ăn tóc. Các bác hãy nhìn coi. Chị giơ tay chỉ: cháu nhổ tóc ăn hết một mảng đầu bên phải rồi đó.
Anh Tuấn đứng cạnh tôi liền nói: từ ngày không trải chăn, trải chiếu, chẳng có thứ gì cắn xé, ăn vặt, cháu quay ra nhổ tóc mình ăn dần. Cả những chiếc song cũi kia cũng bị gặm gần hết. Nhiều đoạn chấn song, cháu gặm mòn vẹt, tôi đã thay nhiều lần rồi.
Tiếp khách suốt mấy tiếng đồng hồ, chị Tỏa xin phép ra đồng gặt lúa. Chị quẩy đôi quanh gánh bước ra ngõ. Anh Tuấn bảo: nhà tôi tham việc lắm, ốm cũng chẳng nghỉ bao giờ, rồi anh nói: thấy nhà tôi bao ngày vất vả quần quật, lại hết lòng vì chồng, vì con, một hôm tôi bảo: giá như anh bị mất đôi tay, hoặc đôi mắt, con chúng mình có khi lại lành lặn, em cũng không đến nỗi phải khổ sở thế này. Nhà tôi nhăn mặt trách: Anh chỉ nói dại. Mất hai tay, 2 mắt chắc gì đã không bị nhiễm chất độc. Anh lại muốn em phải chăm sóc hai người tàn tật mãi ư? nói rồi nhà tôi nghẹn ngào nước mắt.
Chừng một lát sau nhà tôi lại bảo: được chăm sóc chồng và con cũng là niềm hạnh phúc của người phụ nữ, dù niềm hạnh phúc ấy chẳng bao giờ trọn vẹn. Anh đừng lo cho em, kẻo lại ốm đấy.
Bà Tỏa chăm sóc đứa con trong chiếc cũi gỗ đã 30 năm nay.
Rời khỏi căn nhà nhỏ đau thương đó mà trong lòng tôi không khỏi ái ngại. Không biết trong những ngày tiếp theo gia đình ông bà sẽ như thế nào khi ông Tuấn, bà Tỏa ngày một già yếu đi, còn cô Dinh dù có lớn lên mấy tuổi thì cũng chỉ là một đứa trẻ ngây ngô...
Bài, ảnh: Vũ Minh Phúc
Bình luận