• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hôm nay (5-11), Quốc hội thảo luận về việc sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ tám, từ 10 giờ sáng nay (5-11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.    

Chương trình làm việc cụ thể hôm nay:

Buổi sáng, từ 8-10 giờ, truyền hình phát thanh trực tiếp: Quốc hội họp thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.

Từ 10 giờ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Hôm nay (5-11), Quốc hội thảo luận về việc sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Quang cảnh một phiên họp của Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám. Ảnh: VPQH

* Hôm qua (4-11), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười hai (Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về 4 nội dung sau: (i) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. (ii) Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (iii) Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (iv) Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị, như: Đề nghị Chính phủ tập trung phân tích làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản để chủ động, kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; tiếp tục rà soát, phân loại và tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm gắn liền với kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng;

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới; có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giảm thuế VAT, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế; nới lỏng chính sách tài khóa, mức thu nhập chịu thuế; có các giải pháp mạnh mẽ ứng phó biến đổi khí hậu;

Có cơ chế đặc cách, đặc thù để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng; chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ dự án phát triển kinh tế, xã hội có chuyển đổi rừng, có kế hoạch trồng rừng hiệu quả trước khi cấp phép lấy rừng; có giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản;

Nghiên cứu, chỉ đạo rà soát, xây dựng một chương trình tổng thể về công tác cảnh báo, phòng, chống thiên tai, bão lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn; tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách với các đối tượng thụ hưởng; nghiên cứu chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân thất nghiệp, đầu tư đê biển, phát triển thủy lợi đảm bảo sản xuất; tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, có cơ chế chính sách đặc thù và giải pháp ưu tiên nguồn lực đầu tư về kinh tế, xã hội cho các tỉnh miền núi; quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản, công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam;

Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025; có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các vụ lừa đảo và đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội; giải quyết, xử lý dứt điểm những vụ việc phát sinh tiêu cực tại các trường học, lớp học hiện nay; nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực để đại học trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;…

Các đại biểu cơ bản đồng tình với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội

Trước đó, tại phiên họp chiều 28-10, Quốc hội nghe Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho hay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định tuổi phục vụ của sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị tại Điều 13 và Điều 38.

Cụ thể, với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) tăng từ 46 tuổi lên 50 tuổi. Thiếu tá từ 48 tuổi lên 52 tuổi. Trung tá từ 51 tuổi lên 54 tuổi. Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi. Đại tá từ 57 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ) lên 58 tuổi (không phân biệt nam, nữ). Cấp tướng vẫn giữ nguyên là 60 tuổi đối với nam, đối với nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi.

Dự thảo luật cũng quy định, khi Quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm.

Sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Về tuổi nghỉ hưu của sĩ quan dự bị (gồm những sĩ quan thuộc lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, huấn luyện để sẵn sàng huy động vào phục vụ tại ngũ) cũng được đề xuất tăng lên.

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của cấp úy sĩ quan dự bị tăng từ 51 lên 53 tuổi. Thiếu tá từ 53 lên 55 tuổi. Trung tá từ 56 lên 57 tuổi. Thượng tá từ 57 lên 59 tuổi. Đại tá từ 60 lên 61 tuổi. Cấp tướng giữ nguyên mức 63 tuổi.

Nguồn: Báo QĐND

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 126/2024/NĐ-CP của Chính phủ

    Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 126/2024/NĐ-CP của Chính phủ

    Ngày 8/10/2024,  Chính phủ đã ban hành Nghị định số  126/2024/NĐ-CP Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.  Nghị định  126/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/11/2024, thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ . Đồng thời,  bãi bỏ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 về việc quy định ...