• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Khu Di tích Đá Chông, địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử và truyền thống

Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 54 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa và 54 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Tạp Chí Da cam trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tướng PGS.TS Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký, nguyên Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Khu Di tích Đá Chông - Địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử và truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

 Đá Chông là một địa danh nằm dưới chân núi Ba Vì, trước đây thuộc huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nay là huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đá Chông cách thị xã Sơn Tây về phía Tây theo đường 87 khoảng 20 km; tiếp giáp với ba xã là Minh Quang, Thuần Mỹ và Ba Trại, thuộc huyện Ba Vì và qua sông Đà là xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây có rất nhiều những tảng đá thon nhọn, tựa như những mũi chông, ngọn mác từ dưới đất nhô lên, có thể vì thế mà nhân dân địa phương gọi địa danh này là Đá Chông? Diện tích khu Đá Chông chừng 234 ha, phần lớn là đồi rừng, có 2 hồ nước rộng khoảng 15 ha. Trong thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp đã mở đồn điền trồng thông và khai thác quặng ở đây. Ngày nay, khu vực này còn giữ được nhiều đồi thông có độ tuổi trên dưới 100 năm, xen kẽ với những cây gỗ cao, tán rộng như: long não, chò, trám… tạo thành những cánh rừng nguyên sinh, rậm rạp. Với độ cao từ 40, 50 mét đến hơn 200 mét so với mặt nước biển, Đá Chông dựa vào thế núi Ba Vì và dưới chân là dòng sông Đà hùng vĩ, đã tạo ra một địa thế hiểm trở, “sơn thủy hữu tình”.

Đại biểu dự Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác của 26 tỉnh, thành Hội phía Bắc dâng hương, báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Đá Chông  (ngày 25/5/2023)

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tại phiên họp ngày 19 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Đá Chông được chọn là nơi giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 6 năm chiến tranh chống Mỹ (1969-1975).
Sau ngày đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Lăng giữa Ba Đình lịch sử, Khu Di tích Đá Chông trở thành khu dự phòng của Công trình Lăng Bác. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn, tôn tạo khu di tích, đón tiếp các đoàn khách đến tham quan, học tập, sinh hoạt chính trị, văn hóa tại khu di tích và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Trong công tác đón tiếp, tuyên truyền, Khu Di tích Đá Chông có một thuận lợi cơ bản đó là nơi có nhiều hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác lúc sinh thời và đặc biệt là có các hiện vật của thời kỳ đầu giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong 6 năm chiến tranh. Khi tham quan Khu Di tích Đá Chông, chúng ta thấy được tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài và một nhà quân sự kiệt xuất, đồng thời chúng ta cũng học được ở Bác sự chu đáo tận tình từ những việc thường ngày. Bước vào ngôi nhà Bác làm việc, chúng ta học được Bác cách sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp. Đồ dùng sinh hoạt hàng ngày giản dị, nhưng có nhiều ý nghĩa (chiếc đệm cỏ giường nằm do đồng bào Tây Bắc tặng Bác; chiếc đèn bàn, cây quạt là tặng phẩm của khách quốc tế khi đến thăm Bác…). Bàn làm việc luôn hướng ra cửa sổ, nơi mảnh vườn trồng cây vú sữa, một loài cây của vùng đất phương Nam - “Miền Nam trong trái tim tôi”, Bác đã nhiều lần tâm sự như vậy khi đón tiếp các đoàn đại biểu của các tỉnh miền Nam ra thăm Bác. Cạnh phòng làm việc và nghỉ ngơi của Bác, có các phòng để Bác đón tiếp khách. Nhìn những đồ dùng sinh hoạt của khách tiện ích hơn đồ dùng của Bác, chúng ta học được ở Người sự tôn trọng, hiếu khách và cũng là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Nhiều đoàn khách khi đến thăm Di tích Đá Chông, được tận mắt chứng kiến những hiện vật gắn liền với cuộc đời của Bác đã thốt lên: “Đá Chông còn ấm hơi Người”… Đi trên con đường Bác rèn luyện sức khỏe hàng ngày cho “chân cứng, đá mềm”, để vượt Trường Sơn vào Nam thăm hỏi động viên cán bộ, nhân dân và bộ đội trong cuộc chiến tranh ác liệt, chúng ta gặp hàng cây râm bụt, loại cây hoa được trồng trước nhà Bác ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, ta mới thấy được tình cảm của Bác,  dù có bôn ba năm châu, bốn biển, nhưng lòng vẫn đau đáu hướng về quê hương, xứ sở.
Lật giở từng trang lưu bút, ghi cảm tưởng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc về với Đá Chông, chúng ta mới hiểu thêm được tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử của Khu Di tích này. Trong cuốn: “Khu Di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông” do Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2008, đã trích nguyên văn lời ghi cảm tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi về thăm Đá Chông: “Hôm nay, ngày 7 tháng  01 năm 1998, lên thăm lại Khu di tích K9, cũng thường gọi là khu Đá Chông, nhìn lên bức tượng khá giống Bác, ngồi lại tại cái bàn trước đây Bác đã họp cùng các anh trong Bộ Chính trị, càng nhớ Bác vô cùng, cảm thấy như ngày nào lên đây làm việc với Bác.
Rõ ràng là Bác sống mãi với non sông, đất nước, với các thế hệ; Bác vẫn lãnh đạo quân và dân ta, dưới ngọn cờ của Bác và của Đảng, thắng lợi tới đỉnh cao mới, thực hiện lý tưởng, cũng là mong muốn tột bậc của Bác, đưa đất nước ta đến độc lập và thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
Đến thăm Khu Di tích, mỗi chúng ta được thăm lại công trình giữ gìn thi hài Bác tại Đá Chông, những chiếc xe cứu thương, xe Zin, xe Páp… những hiện vật đã gắn bó với cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69, vượt qua mọi địa hình thời tiết, bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài Bác trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Để ghi nhận chiến công thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và các nhà khoa học y tế Liên Xô trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác tại Đá Chông, ngày 16-5-2001, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã trực tiếp gắn tấm  biển: "Nơi đây đã giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1969 đến năm 1975". Với ý nghĩa linh thiêng đó, những năm qua đã có hàng triệu  lượt người về Khu Di tích Đá Chông dâng hương, tưởng niệm Bác, tham quan học tập và trồng cây lưu niệm. Dòng người về với Di tích Đá Chông mỗi năm một nhiều hơn, từ các cụ già đến các cháu nhỏ và nhất là nam nữ thanh niên, học sinh, sinh viên của các trường phổ thông và đại học; những chiến sĩ trẻ trong các lực lượng vũ trang nhân dân; những công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; những doanh nhân trong các doanh nghiệp…, ai nấy đều có chung một cảm nhận sâu sắc về vùng đất thiêng liêng Đá Chông.
Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Khu Di tích Đá Chông được quan tâm đầu tư, xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ cho công tác đón tiếp, tuyên truyền. Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý với đề xuất của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu Di tích Đá Chông. Công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2015). Đây là một công trình có ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn, là nơi nhân dân và khách quốc tế đến thăm quan, tưởng niệm, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, truyền bá, nâng cao giá trị đạo đức, phát triển nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 
“Uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau khi đến với Khu Di tích Đá Chông, đều có một tâm nguyện để được nghe những câu chuyện về sinh hoạt đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh; được học tập và làm theo những điều Người đã căn dặn và để khi ra về thêm củng cố niềm tin, vững bước đi trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Khu Di tích Đá Chông, mãi mãi là một Địa chỉ đỏ trong giáo dục lịch sử, truyền thống cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau./.

Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác